Câu chuyện doanh nhân:

Những giấc mơ gieo trồng tài nguyên bản địa

 22:39 | Thứ bảy, 07/12/2024  0
Mười năm tham gia cuộc thi Khởi nghiệp xanh của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) ở nhiều vai trò: nhà tổ chức, huấn luyện viên, giám khảo và… khán giả, những điều đáng nhớ nhất lại không nằm ở sân khấu thi đấu, nhận giải hay các hội thảo chính thức. Những điều hay và lạ, với tôi, nằm ở các cuộc trà dư tửu hậu ngoài quán bia.

Cô Thắm bán trà gặp nhà đầu tư siêu khó tính

Đoàn Thị Hồng Thắm là một dược sĩ loại… siêu xịn. Chị từng là tác giả sản phẩm bán chạy nhất của một công ty dược hàng đầu Việt Nam. Hành trình của sản phẩm này cũng lắm chông gai: nghiên cứu, đề xuất, bị bác bỏ. Lại nghiên cứu, về vận động gia đình tự trồng cây rau tần dày lá làm nguyên liệu sản xuất thử. Để cuối cùng thành công rất tốt.

Thắm nghỉ việc, đi qua một hành trình rất gian nan của số phận. Rồi Thắm ra khởi nghiệp với các sản phẩm trà thảo dược của mình. Mọi người đều khen, vì hàng thật giá thật tác dụng thật. Gom góp đâu đó được chút ít tiền của mua máy móc để làm lớn một chút.

Máy mới về, còn chưa kịp tận hưởng niềm vui lẫn chưa kịp mua bảo hiểm nhà xưởng thì nó… cháy rụi. Thắm trắng tay. May mà ăn ở cũng được, vốn xã hội cũng đầy đặn, nên bạn hàng chuyển tiền trước để Thắm xoay xở sản xuất lại mà không bỏ cuộc. Giờ mọi thứ cũng tươm tất tử tế. 

Tôi hỏi người phụ nữ từng đoạt giải á quân của Khởi nghiệp xanh này: “Đâu là tố chất quan trọng nhất của một người khởi nghiệp nông nghiệp?”. Thắm cười: “Khả năng chịu đòn, và Thắm rất lì đòn. Ngày xưa Thắm là vận động viên quốc gia thi đấu SEA Games môn teakwondo mà”. Vậy đó, chị nói về tố chất “kiên cường” đang rất thịnh hành ở các diễn đàn kinh doanh toàn cầu một cách gọn gàng, đơn giản như chính tố chất của cô gái Cần Thơ này. 

Dự án “Sản xuất dược trà - khai thác giá trị dược liệu từ nông sản” của dược sĩ Đoàn Thị Hồng Thắm từng đoạt giải á quân Khởi nghiệp xanh 2022. Ảnh: Ca Linh 


Ông Phạm Uyên Nguyên, một nhà đầu tư lão làng từng ngồi trong hội đồng quản trị công ty cũ của Thắm, giờ vẫn đau đáu chuyện nông nghiệp Việt Nam. Ông Nguyên tin rằng, lợi thế cạnh tranh quan trọng nhất của khởi nghiệp Việt Nam chính là tài sản đất đai, tài nguyên bản địa dồi dào của nông nghiệp, của dược liệu.

Hôm chung kết cuộc thi Khởi nghiệp xanh mùa thứ 10 - 2024, ông Nguyên đi lòng vòng, thấy gian hàng trà Hygie của Thắm, ghé qua. Thắm không có ở đây vì còn phải tiếp đoàn khách nước ngoài ở xưởng trà tại Cần Thơ. Ông Nguyên hỏi người bán từng loại sản phẩm, và… càm ràm về từng loại sản phẩm: “Tại sao lại ghi trà tía tô to như vậy trên nhãn, nó vô ích với người tiêu dùng. Người mua cần biết đây là trà có tác dụng gì với mình thôi…”. Miệng thì càm ràm về rất nhiều điều có thể làm tốt hơn của sản phẩm, tay thì ông vẫn mua hết toàn bộ những sản phẩm của Thắm. 

Mua xong, người bán hàng là một chàng trai trẻ, đại lý của Thắm, gửi tặng mấy chai dầu thảo dược loại để lăn lăn hít hít. Ông Nguyên hỏi: “Cái gì đây?”. Tôi vội giải thích, là hồi đoàn Khởi nghiệp xanh đi dự triển lãm ở Thái Lan, bà Vũ Kim Hạnh, trưởng ban tổ chức thấy người Thái làm mấy chai dầu mà bán quá chừng nên hỏi Thắm làm được hông. Thắm nói dạ dễ ẹt. Sau đó thì các cuộc lễ hội của Trung tâm BSA đều có tiết mục dược sĩ Thắm hướng dẫn làm dầu thảo dược. Còn mớ chai dầu này là hồi bão lũ ngoài miền Bắc, Thắm không biết góp gì nên nổi lửa nấu… dầu thảo dược gửi ra cho bà con. Ông Nguyên bảo tôi: “Gặp Thắm liền đi”. 

Thắm lên Sài Gòn làm Food Expo. Ông Nguyên nói: “Mới càm ràm Thắm qua điện thoại, mà tối nay uống bia nhen”. Tôi đến ngồi uống bia ké, nghe hai người bàn đủ thứ thảo dược trên trời dưới đất. Ông Nguyên cầm theo chai dầu gội đầu bồ kết trả cho Thắm, nói mùi gì chẳng thơm tho, bực mình ghê. Thắm mở ra ngửi, giải thích đây là dầu gội bồ kết đậm đặc làm cho mấy spa thảo dược, tốt lắm anh.

Ông Nguyên nói: “Em làm cho sướng nghề dược sĩ hay làm cho người tiêu dùng thấy hạnh phúc…”. Hai người bàn quá chừng. Muốn có một sản phẩm thảo dược Việt Nam, chỉ một sản phẩm thôi, có thể chinh phục cả thế giới. Có vẻ một cuộc đầu tư đã đi vào giai đoạn nghiêm túc. 

Và những cuộc va đập ý tưởng của các giám khảo

Một trong những chuyện rất sướng là được làm giám khảo. Cuộc thi có 4 thành phần giám khảo: giám khảo chuyên môn sâu về nông nghiệp, giám khảo về phát triển cộng đồng và du lịch, giám khảo về tiếp thị bán hàng và giám khảo về chiến lược phát triển bền vững. Bởi vậy, sau mỗi phiên chấm thi, thì ngồi uống bia với ban giám khảo chính là một lớp học đặc biệt, vì nghe họ tranh luận về các dự án tham dự cuộc thi vô cùng hấp dẫn. 

Lần nọ, ở Buôn Ma Thuột, có các ma sơ dẫn một anh người dân tộc Raglai đi thi, với dự án làm than hoạt tính từ giống tre nứa bản địa Ninh Thuận quê anh. Họ có cố vấn chuyên môn sâu, được hỗ trợ công nghệ đốt than tốt và biết cách khai thác rừng tre một cách bền vững. Nhưng họ không biết bán hàng, không biết làm thương hiệu, cũng không biết làm sao để gắn mớ than hoạt tính loại xịn nhất thế gian của mình vào chuỗi giá trị của sản phẩm khác. 

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan tham quan gian hàng “giấc mơ Cha-pi” của nhóm Thông Long - Nguyễn Thị Kiều Loan - Nguyễn Ngọc Vân Anh, với sự trợ giúp của các ma sơ dòng Mến Thánh Giá - Caritas Phan Thiết tại chung kết Khởi nghiệp xanh 2024. Ảnh: BSA


Tôi đề xuất: đổi tên dự án thành “giấc mơ Cha-pi” theo tên bài hát của nhạc sĩ Trần Tiến mà ai cũng biết, vậy là ai cũng thấy cảm tình. Thầy Nguyễn Văn Minh, chuyên gia hàng đầu về công nghệ nông nghiệp thì nói: Tiền đâu mà làm thương mại hóa sản phẩm, mình kết nối để gắn với các công ty làm máy lọc nước, loại than này mà lọc nước thì tuyệt vời.

Thầy Ngô Đình Dũng chuyên dạy về chiến lược thì lại nghĩ: Làm sao để họ sống được với các sản phẩm hiện nay mà không làm lớn quá mức để bảo vệ cuộc sống cộng đồng và rừng tre. Họ bán có 20.000 đồng một túi than hoạt tính thì rẻ quá, hay mình làm nghiên cứu thị trường và kết nối bán hàng với một quy mô của kinh tế vừa đủ là được.

Một giám khảo khác thì đề nghị: Bên Nhật người ta dùng than hoạt tính bỏ vô một cái túi thêu rất đẹp, dùng làm bùa hộ mệnh vì nó có tác dụng thu hút ion âm rất có ý nghĩa tâm linh. Người đồng bào nông nhàn thì đâu biết làm gì, mình kết nối nơi có sẵn mẫu thiết kế để hướng dẫn họ làm gia công thì coi như phát triển cộng đồng gắn với cái nghề này. 

Năm nay có thêm phần “cố vấn đồng hành”, từ chuyên môn gọi là mentor cho từng dự án trước vòng thi chung kết ở hội trường Thống Nhất. Không biết mentor nào hướng dẫn, mà các ma sơ đi nhờ nghệ nhân cuối cùng biết làm đàn Cha-pi làm được cây đàn mang xuống phố, gian hàng cứ mở bài Giấc mơ Cha-pi làm ai đi ngang cũng lẩm nhẩm hát theo, và lượng người đặt mua đàn Cha-pi còn nhiều hơn mua than hoạt tính. Ma sơ tên Chinh nói: “Dạ, 6 cây đàn là đủ một lần làm việc của nghệ nhân. Mà lượng mua vầy là tự dưng khôi phục được nghề làm đàn Cha-pi luôn rồi”. 

Chuyện của những kẻ mộng mơ 

Có vợ chồng Nguyễn Thị Thêu - Lê Quang Khải từ Đà Lạt mang cây bồ công anh tím du nhập từ châu Âu xa xôi về, có hai tác dụng nổi bật là chống tắc tia sữa của phụ nữ đang cho con bú và hỗ trợ người tiểu đường. Chuyện tiểu đường thì thị trường lớn ơi là lớn nên nghe rất mê, nhưng có cả triệu công ty làm trong lĩnh vực này, lấy gì cạnh tranh. Trong khi có tới 10% phụ nữ sinh con bị tắc tia sữa đang đau nhức mỗi ngày, chỉ cần kết hợp với cô Thắm dược sĩ làm viên thuốc nhỏ để ở các nhà thuốc bệnh viện phụ sản là đủ. 

Tác giả (phải) trao đổi với ông Phạm Uyên Nguyên về sản phẩm trà sức khoẻ từ cây bồ công anh tím thuộc dự án Dalat Chicory Tea của vợ chồng Nguyễn Thị Thêu - Lê Quang Khải tại chung kết Khởi nghiệp xanh 2024. Ảnh: BSA


Có cô Các Thủy từ Đồng Tháp làm bánh cuộn trái cây giờ bán quá chừng ngoài sân bay mới chế ra món mới đem lên thử nghiệm, hy vọng một ngày giải quyết bài toán giá trị gia tăng của nông nghiệp sau thu hoạch. Có anh chàng đầu bếp tên Đức Hoàng ở Gia Lai đem món gà hầm sâm quê mình được đóng hộp theo mô hình “ready to eat - sẵn sàng ăn” vì tin rằng đây là cách đưa ẩm thực miền núi đi xa hơn. Có cô gái trẻ từ Lạng Sơn xách một giỏ chanh rừng bé tí teo ăn rất lạ miệng về xuôi, nói như hát: Các năm trước mọi người biết đến món mắc mật rồi, năm nay có món chanh rừng này tốt cho sức khỏe lắm, người miền xuôi nên dùng thử để quà quê bản làng em đi xa…

Doanh nhân, đầu bếp Nguyễn Đức Hoàng (giữa) giới thiệu dự án bảo tồn và phát triển ẩm thực cộng đồng Kon Tum tại Chung kết cuộc thi Khởi nghiệp xanh 2024. Ảnh: BSA


“Gieo trồng đất, gieo trồng tâm hồn và gieo trồng tương lai” - đó là câu nói mà Bộ trưởng Nông nghiệp Lê Minh Hoan nói với các thí sinh Khởi nghiệp xanh. Và tôi tin, đây cũng là một giấc mơ gieo trồng tài nguyên bản địa đặc sắc của quê mỗi người nữa.  

Bung Trần

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.