Theo Dự thảo, dạy thêm, học thêm là hoạt động dạy học nội dung chương trình môn học, hoạt động giáo dục (sau đây gọi chung là môn học) trong chương trình giáo dục phổ thông, chương trình giáo dục thường xuyên do Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ban hành (sau đây gọi chung là chương trình) nhưng ngoài thời lượng quy định của chương trình, có thu thêm tiền ngoài học phí của học sinh, học viên (sau đây gọi chung là học sinh).
Dự thảo nhắc nhớ Thông tư 17 mà Bộ GD-ĐT ban hành năm 2012 quy định về dạy thêm, học thêm. Thông tư 17 đã hết hiệu lực một phần từ 1.7.2016, gồm các Điều 6, 8, 9, 10, 11, 12, 13 và 14 theo Quyết định 2499/QĐ-BGDĐT của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT. Quyết định này được ký ngày 22.6.2019.
Bên cạnh nhiều nội dung kế thừa từ Thông tư 17, dự thảo có một số điểm khác biệt đáng chú ý. Nếu Thông tư 17 cấm dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống thì dự thảo mở rộng dạy thêm, học thêm đến cả bậc tiểu học (Điều 4 khoản 2). Dự thảo đề xuất mức thu mà người học thêm phải trả do Hội đồng Nhân dân cấp tỉnh quyết nghị theo đề xuất của UBND cấp tỉnh, khác với quy định tự nguyện thỏa thuận tại Thông tư 17.
Hình 1. Nguồn: Tác giả tổng hợp
Dự thảo nêu: “Nội dung dạy thêm, học thêm phải góp phần củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng, giáo dục nhân cách của học sinh;…”. Nhìn lại giai đoạn 2015-2024, tỷ lệ đậu tốt nghiệp trung học phổ thông trên cả nước ngày càng được cải thiện rõ rệt, từ mức 91,58% năm 2013 thì trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ này duy trì ở mức trên 98%, riêng năm 2024 là 99,4% (xem thêm Hình 1), cao nhất trong 10 năm qua.
Tỷ lệ đậu tốt nghiệp trung học phổ thông gần như tuyệt đối liệu đã đủ thuyết phục những nhà làm chính sách rằng chương trình giáo dục chính khóa đã cơ bản giải quyết được kỹ năng, kiến thức cho học sinh ở bậc phổ thông. Tiếp tục theo đuổi hoạt động dạy thêm, học thêm khiến dư luận băn khoăn về tính nhất quán khi nhìn lại công văn 4612 Bộ GD-ĐT ban hành năm 2017, yêu cầu các sở GD-ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên triển khai rà soát nhằm tinh giản nội dung chương trình, cũng như Chương trình tổng thể được Bộ ban hành năm 2018 (xem box thông tin bên dưới).
Nhìn từ phía cung cấp dịch vụ, quy định dạy thêm, học thêm trong nhà trường tạo điều kiện cho giáo viên có thêm thu nhập. Cải thiện thu nhập giáo viên có phải mục tiêu chính sách? Trả lời phỏng vấn Vietnamnet, PGS-TS Trần Thanh Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội, nói: “Dạy thêm ở đây được hiểu là giáo viên sử dụng những năng lực, kỹ năng chuyên môn sâu đã qua đào tạo để tạo ra giá trị mới và kiếm thêm thu nhập một cách chính đáng. Điều này tôi nghĩ còn tốt hơn việc cấm họ không được dạy thêm. Bởi thực tế, có một phần không nhỏ giáo viên hiện nay vì mưu sinh nên sáng lên lớp, tối lên sóng livestream bán hàng online, hay tham gia môi giới bất động sản hoặc đầu tư chứng khoán, lướt sóng tiền ảo,… Những điều này khiến họ thiếu đầu tư cho nghề, ‘nhạt’ nghề thậm chí dẫn đến bỏ nghề”[1].
Nhưng nếu “không cấm”, tức cho phép dạy thêm trong nhà trường, liệu có xung đột lợi ích hay không? Cũng như Thông tư 17, Dự thảo quy định “không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc học sinh học thêm”. Đáng tiếc, đã từng có nhiều trường hợp học sinh bị trù dập vì không học thêm khi lục lại những bài báo cũ.
Thông tư mới dự kiến nới quy định cho giáo viên dạy thêm. Nguồn: Báo Tuổi trẻ
Tiền lương giáo viên là vấn đề tồn đọng qua nhiều nhiệm kỳ. Mong muốn đến năm 2010 nhà giáo có thể sống bằng lương của một cựu bộ trưởng giáo dục đến nay vẫn chưa thành. Theo Bộ GD-ĐT, tính từ tháng 8.2020 đến tháng 8.2023, cả nước có trên 40 ngàn giáo viên nghỉ việc bỏ việc, chưa kể khoảng 10.000 giáo viên đến tuổi nghỉ hưu hằng năm. Năm học 2022-2023, cả nước thiếu 118.253 giáo viên các cấp. Trang thiết bị dạy học tối thiểu chỉ đáp ứng phân 54,3% nhu cầu. Khó khăn trùng điệp mà tỷ lệ tốt nghiệp trung học phổ thông trong những năm gần đây vẫn tiệm tiến sát đến mức tuyệt đối là thành tích đáng ghi nhận.
Nhà giáo sống được bằng lương là đòi hỏi chính đáng. Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban chấp hành Trung ương năm 2013 về “đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” khẳng định: “Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo, ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo tối thiểu ở mức 20% tổng chi ngân sách”.
Kết luận số 91/KL-TW của Bộ Chính trị ban hành ngày 12.8.2024, tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, nêu: “Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, bảo đảm đủ điều kiện cơ sở vật chất và nguồn lực tài chính cho phát triển giáo dục và đào tạo; bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu 20% tổng chi ngân sách nhà nước như Nghị quyết số 29-NQ/TW đã đề ra.
Điều 96 khoản 1 Luật Giáo dục 2019 quy định: “Nhà nước ưu tiên hàng đầu cho việc bố trí ngân sách giáo dục, bảo đảm ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo tối thiểu là 20% tổng chi ngân sách nhà nước”. Thực tế, chưa năm nào “ưu tiên hàng đầu” nhận được mức tối thiểu tổng chi ngân sách trong suốt giai đoạn 2013-2023 (xem thêm hình 2). Quan sát chuỗi thời gian này sẽ thấy tổng chi ngân sách có xu hướng giảm bắt đầu từ năm 2019. Liệu xu hướng giảm tổng chi ngân sách cho giáo dục, đào tạo và con số hơn 40 ngàn giáo viên bỏ việc trong giai đoạn 2020-2023 có mối quan hệ tương quan?
Hình 2. Nguồn: Tác giả tổng hợp
Dư địa ngân sách còn. Cơ sở pháp lý đã có nhưng chưa đủ. Là một thành tố trong “ưu tiên hàng đầu”, giáo viên từ bậc mầm non đến trung học phổ thông thuộc khối giáo dục công lập cần nhà nước hỗ trợ chính sách tiền lương ưu tiên nhằm bảo đảm cuộc sống, nhất là trong bối cảnh nhà trường ồ ạt "chảy máu" giáo viên. Việc tách nhà giáo ra khỏi đối tượng điều chỉnh của Luật Viên chức theo Nghị quyết của Chính phủ là một gợi ý chính sách. “Tối thiểu 20% tổng chi ngân sách” hàm ý nhà nước không khống chế mức trần chi cho giáo dục, đào tạo. Tập trung khơi thông nguồn lực này là cơ hội giữ chân lực lượng giáo viên hiện hữu, đồng thời thu hút sinh viên vào ngành sư phạm, chuẩn bị "nguồn máu" mới để tiếp cho ngành.
Thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, Bộ GD-ĐT rằng: “…chương trình giáo dục phổ thông mới được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp học sinh phát triển hài hoà về thể chất và tinh thần, trở thành người học tích cực, tự tin, biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh các tri thức và kĩ năng nền tảng, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời; có những phẩm chất tốt đẹp và năng lực cần thiết để trở thành người công dân có trách nhiệm, người lao động có văn hoá, cần cù, sáng tạo, đáp ứng nhu cầu phát triển của cá nhân và yêu cầu của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước trong thời đại toàn cầu hoá và cách mạng công nghiệp mới.
Chương trình giáo dục phổ thông bao gồm chương trình tổng thể (khung chương trình), các chương trình môn học và hoạt động giáo dục.
Việc xây dựng chương trình giáo dục phổ thông được thực hiện theo quy định của Luật Giáo dục và pháp luật liên quan. Bộ GD-ĐT đã tiến hành tổng kết, đánh giá chương trình và sách giáo khoa hiện hành nhằm xác định những ưu điểm cần kế thừa và những hạn chế, bất cập cần khắc phục; nghiên cứu bối cảnh kinh tế, chính trị, xã hội và văn hoá trong nước và quốc tế; triển khai nghiên cứu, thử nghiệm một số đổi mới về nội dung, phương pháp giáo dục và đánh giá kết quả giáo dục; tổ chức tập huấn về lí luận và kinh nghiệm trong nước, nước ngoài về xây dựng chương trình giáo dục phổ thông.
Trước khi ban hành chương trình, Bộ GD-ĐT đã tổ chức các hội thảo, tiếp thu ý kiến từ nhiều cơ quan, nhiều nhà khoa học, cán bộ quản lí giáo dục, giáo viên trong cả nước cũng như từ các chuyên gia tư vấn quốc tế và công bố dự thảo chương trình trên Cổng thông tin điện tử của Bộ GD-ĐT để xin ý kiến các tầng lớp nhân dân. Chương trình đã được các Hội đồng Quốc gia Thẩm định chương trình giáo dục phổ thông xem xét, đánh giá và thông qua".
Thượng Tùng
____________________
[1] https://vietnamnet.vn/cho-phep-day-them-con-hon-de-giao-vien-ban-hang-lam-moi-gioi-bat-dong-san-2316810.html.