Thị dân viết:

Một “Nha Trang chậm”, còn kịp không?

 08:54 | Thứ hai, 09/09/2024  0
Là một thành phố giàu tiềm năng, thời gian gần đây, Nha Trang biến đổi nhanh trên bình diện đời sống dịch vụ. Nhưng có một điều gì như thể bản sắc tự nhiên, làm cho đô thị này không chỉ được du khách hình dung là chốn hưởng thụ những tiện ích chung chung ở đâu cũng có, mà còn là nơi chốn để trải nghiệm một nhịp sống cân bằng của đô thị duyên hải đặc thù.

Chuyện đi tắm biển

Buổi chiều, những du khách lưu trú ở khách sạn Nha Trang Palace trên đường Yersin rủ nhau đi tắm biển. Họ ghé quầy tiếp tân, hỏi xem nếu mang theo ba lô nhỏ đựng đồ đạc cá nhân để trên bờ rồi xuống bơi thì có an toàn không. Tiếp tân khách sạn nói giọng địa phương, nhỏ nhẹ: “Nhà mình cứ mang theo, để trên bờ rồi xuống bơi, thỉnh thoảng nhìn chừng cũng không sao. Nhưng dân địa phương ở đây đi tắm thường chẳng mang theo gì, họ xuống tắm rồi lên vòi nước ngọt dội lại sơ rồi đi bộ hoặc đạp xe về. Hay là nhà mình cứ thử như người địa phương đi...”. 

Cô tiếp tân vui tính đưa ra gợi ý và vài người trong đoàn khách nghe theo vì thấy có lý. Tại sao đến Nha Trang mà không đi tắm biển kiểu giản dị, thuần phác theo cách của người Nha Trang?

Du khách ăn vận đơn giản, không mang theo gì, vui vẻ đi bộ băng qua bên kia đường Trần Phú để đến bãi tắm. 

Buổi chiều những ngày cuối hè trời nóng, nhưng bờ cát thì mát mẻ, hiền hòa. Trên kè biển, có một dải công viên với lối đi bộ có nhiều ghế đá nghỉ chân, như một vành đai xanh giữ khoảng cách giữa biển với con đường trung tâm ngày càng đông đúc xe cộ. Trên bãi biển, thật khó phân biệt được đâu là du khách và đâu là dân địa phương. Đúng theo gợi ý của cô tiếp tân khách sạn, nhiều du khách đã hòa mình vào đời sống của dân địa phương, tắm biển như người Nha Trang một cách thật dễ dàng và thoải mái.

Cái nhìn ngoái lại

Nhìn lại lịch sử phát triển Nha Trang từ thời Pháp thuộc, có thể thấy một điểm trọng yếu đó chính là ngay từ đầu thế kỷ XX, đây chỉ là một làng chài nhưng lại là một làng chài có sức quyến rũ khách phương xa bằng chính giá trị hiền hòa mà lạ lẫm của đời sống bản xứ. Trong số các cuốn sách ghi chép về đời sống ở Nha Trang, phải nhắc đến On and Off Duty in Annam (ấn hành tại London năm 1910).

Tác giả cuốn sách là bà Gabrielle Maud Vassal - một phụ nữ gốc Anh cá tính, đam mê phiêu lưu. Bà theo chồng là bác sĩ quân y Joseph Jean Vassal đến làm việc tại Viện Pasteur Nha Trang từ năm 1904 - 1907 (Nha Trang lúc bấy giờ quá nhỏ, vì thế, có thể hiểu họ là hàng xóm của bác sĩ Alexandre Yersin). 

“Làn sóng” công trình du lịch mọc lên có xu hướng ngày càng chật chội ở các trục đường ven biển Nha Trang trong cuộc đua sở hữu “view biển”.


Trong cuốn sách du ký của mình, bà Gabrielle Maud Vassal dành nhiều chương kể về phong thổ, tập tục đời sống của người dân nhiều nơi, nhưng đặc biệt tỉ mỉ nhất là ở Nha Trang. Cũng như Yersin và có lẽ cả phu quân của bà, vùng đất này có một sự cuốn hút khá cụ thể khiến người ta không chỉ đến để rồi đi, mà mong muốn ở lại, khám phá, trải nghiệm một cuộc sống giản dị, hiền hòa như chính dân bản địa (các tài liệu đầu thế kỷ XX cho thấy dân Nha Trang ngoài người Việt là chính, thì còn có cộng đồng người Hoa mở cửa hiệu buôn bán, đặc biệt là còn nhiều người Chăm).

Lịch sử đô thị hóa của thành phố duyên hải này diễn ra khá từ tốn trước mốc 1975. Có thể nhìn lại: Nha Trang được thừa nhận là thị trấn năm 1924 và trở thành thị xã vào năm 1937; trong tư cách là tỉnh lỵ của Khánh Hòa suốt trong thời Pháp thuộc. Năm 1958, chính quyền Đệ nhất Cộng hòa bãi bỏ quy chế hành chánh thị xã nên, chia Nha Trang thành hai “xã”: Nha Trang Đông và Nha Trang Tây thuộc quận Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa.

Cho đến năm 1970, theo cách sắp xếp hành chính mới, thì chính quyền miền Nam mới tái định danh thị xã cho Nha Trang và mở rộng địa giới, bao hàm: Nha Trang Đông, Nha Trang Tây cộng thêm 4 xã, 5 ấp và 5 hòn đảo lân cận. Từ đây, Nha Trang trở nên “quy mô” hơn, là một trong 5 thành phố lớn nhất miền Nam.

Thế mạnh của Nha Trang nằm trong chính những di sản nhân văn hài hòa và thiên nhiên quyến rũ.


Hình ảnh Nha Trang xưa trong cuốn tùy bút địa phương chí nổi tiếng Xứ trầm hương (Lá Bối, 1969), được Quách Tấn mô tả thật đơn giản, dễ hình dung: “Phố xá và gia cư của người Việt, người Tàu chen chúc từ ga xe lửa đến chợ Đầm (tức chợ cũ bên đầm; sau trận hỏa tai năm 1969, đến đầu thập niên 1970 thì chợ Đầm mới mới được xây dựng lại - NVN). Còn người Pháp ở dọc theo bờ biển, từ tòa Sứ (tức Tòa hành chánh) cho đến Đại khách sạn (Grand Hôtel)”. Dù là một trong 5 thành phố lớn của miền Nam nhưng Nha Trang chỉ thực sự chuyển mình mạnh mẽ vào những năm 70 của thế kỷ trước, với sự xuất hiện của công trình mang tính định vị trung tâm mới: chợ Đầm và hai khu “chúng cư” A và B (hiểu là chung cư ngày nay) cùng với mở mang xây dựng theo trục đường ven biển.

Chậm rãi và khỏe mạnh

Theo số liệu thống kê mới nhất vào năm 2023, Nha Trang có 535.000 người; mật độ dân số trung bình đạt 1.684 người/km². So với năm 2019, dân số Nha Trang đã tăng 6,29%. 

Cho đến nay, giá trị phát triển của đô thị Nha Trang vẫn gắn chặt với mũi nhọn kinh tế du lịch, dựa vào tiềm năng tự nhiên là đường bờ biển gắn với diện mạo thành phố và vịnh, đảo có cảnh sắc tuyệt vời. Theo Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung của thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà đến năm 2040 vừa được phê duyệt vào tháng 4.2024 vừa qua thì Nha Trang sẽ mở rộng hơn theo 14 phân khu, trong đó có đến 11 phân khu có thành phần chức năng khai thác dịch vụ du lịch.

Đặc biệt, lõi đô thị tập trung vào các khu 1, 2, 3 nối từ phía nam sông Cái sang khu sân bay cũ và vùng phụ cận nối qua các phường Phước Long, Vĩnh Nguyên, Vĩnh Trường có thể hiểu là nội đô hiện nay, vừa là vùng lõi bảo tồn, phát triển văn hóa, trung tâm hành chính, thương mại và đẩy mạnh du lịch, cảng biển. Bản đồ án này cũng ước tính dân số của Nha Trang sẽ từ 630.000 - 640.000 người vào năm 2030 và khoảng 750.000 - 780.000 người vào năm 2040.

Sẽ có một ngày để hiểu về hệ sinh thái biển khơi, người ta đến Nha Trang. Trong ảnh: Viện Hải dương học được xem là cơ sở lưu trữ hiện vật và nghiên cứu về biển lớn nhất Đông Nam Á.


Cũng như mọi đô thị du lịch biển khác trên toàn cầu, Nha Trang đã, đang và sẽ chịu sức ép về sự gia tăng dân số, sự mất cân bằng tự nhiên khi mức độ đầu tư xây dựng ngày càng lớn, nan giải trong bài toán bảo tồn và phát triển. 

Tuy nhiên, như đã nói, ngoài tiềm năng thiên nhiên thì một lợi thế cốt lõi mang lại lợi ích trong phát triển mũi nhọn du lịch của thành phố này, đó chính là nội lực của tài nguyên nhân văn. Đây xem như là “truyền thống”, bản sắc, thứ cuốn hút du khách mong muốn khám phá, trải nghiệm và hòa nhập. Qua nhiều thời kỳ, Nha Trang chia sẻ được với cư dân và du khách của mình một nhịp sống chậm rãi, hiền hòa trong bầu không khí và cảnh sắc tự nhiên trong lành.

“Được tắm biển với người địa phương vào mỗi buổi sáng, buổi chiều, được đi dạo và hít thở bầu không khí mát dịu ở công viên vành đai biển, được ăn hải sản và khám phá món ngon địa phương, còn gì bằng. Từ dịch vụ tận hưởng như quán bar, tổ hợp giải trí vui chơi cho đến không gian mang lại hiểu biết như bảo tàng, viện hải dương học, công trình kiến trúc tôn giáo... đều có cả. Thực sự, tôi không thấy cảm giác hiền hòa, thoải mái và đủ đầy như vậy ở các thành phố duyên hải khác của miền Trung như Quy Nhơn, Tuy Hòa, Phan Thiết, Phan Rang hay ngay cả Đà Nẵng. Trong nhịp sống hằng ngày, thế mạnh của Nha Trang rất khó nói, nó nằm ở nơi sự bình dị của một cuộc sống bình lặng và cởi mở, hết sức tự nhiên...”, anh Minh, một du khách từ Sài Gòn chia sẻ cảm giác về những chuyến thăm Nha Trang.

Đúng như cảm giác của du khách bình dân nói trên, ngay cả các du khách hạng sang chọn lưu trú trong các khách sạn đắt tiền ven biển cũng sẽ chọn đi bộ, đi xích lô trên những con đường rợp bóng cây, dành thời gian tắm biển hay nằm trên ghế bố bên bờ cát để đọc một cuốn sách. 

Vành đai xanh của dải công viên ven biển hội tụ về quảng trường tháp Trầm hương là một không gian sinh thái văn hóa cộng đồng mang lại sự cân bằng đáng kể cho đô thị đang trong cơn lốc biến đổi của xây dựng, thương mại và dịch vụ du lịch. Nếu đứng ở tháp Trầm hương nhìn sang mặt phố, có thể nhận ra “làn sóng” công trình du lịch mọc lên có xu hướng ngày càng chật chội ở các trục đường ven biển trong cuộc đua sở hữu “view biển”. Dễ dàng nhận ra, yêu cầu sống còn của nội thị Nha Trang mà giới quản lý quy hoạch cần cấp bách lưu tâm: giải nén và khống chế cao độ. Điều này nhất thiết phải tiến hành đồng thời với mở thêm nhiều khoảng không thư nhàn cho giao lưu văn hóa cộng đồng ở vùng lõi.

Dải công viên ven biển hội tụ về quảng trường tháp Trầm hương là một không gian sinh thái văn hóa cộng đồng mang lại sự cân bằng đáng kể cho đô thị đang trong cơn lốc biến đổi.


Đà tăng dân số, tốc độ xây dựng sẽ đặt lên Nha Trang nhiều áp lực trong tương lai. Tuy nhiên, nếu các nhà hoạch định chính sách phát triển đô thị này hiểu được sức sống, thế mạnh của Nha Trang nằm trong chính những di sản nhân văn hài hòa và thiên nhiên quyến rũ, thì việc bảo vệ và phát huy chúng sẽ hướng đến phát triển bền vững. 

Sẽ có một ngày, để hiểu về hệ sinh thái biển khơi, người ta đến Nha Trang. Sẽ có một ngày, để hiểu về hành trình gian khổ chiến thắng bệnh dịch hạch của nhân loại, người ta đến viện Pasteur và có được tấm bản đồ khảo sát khoa học của bác sĩ Alexandre Yersin. Và sẽ có một ngày, vì tô bún sứa, vì món tôm hùm người ta sẽ mất một buổi lái xe vượt gần 400 cây số cao tốc để được ngồi bên biển mà tận hưởng. Và tương tự, sẽ có một ngày vì thèm tắm biển và tản bộ một cách tự tại trong một cộng đồng thân thiện, an toàn và lành mạnh, người ta chọn Nha Trang chứ không đâu khác... 

Nhưng thử tư duy về một thành phố sống chậm, sống khỏe và sống chất lượng như thế, thì cần làm gì? Và liệu có còn kịp không? 

Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung của thành phố Nha Trang đến năm 2040, mở rộng Nha Trang thành 14 phân khu:

Khu 1: Vùng trung tâm ven biển và phía nam sông Cái, diện tích khoảng 676 ha, dân số dự kiến 140.000 người; là trung tâm du lịch cả nước; trung tâm hành chính - văn hóa - thương mại cấp tỉnh và thành phố; 

Khu 2: Vùng sân bay Nha Trang cũ và vùng phụ cận, diện tích khoảng 263 ha, dân số dự kiến 23.200 người; là trung tâm dịch vụ du lịch, văn phòng, thương mại - tài chính vùng Nam Trung bộ; 

Khu 3: Khu vực phường Phước Long, Vĩnh Trường, Vĩnh Nguyên, diện tích khoảng 640 ha, dân số dự kiến 60.500 người; là trung tâm dịch vụ du lịch biển, dịch vụ cảng biển du lịch vùng Nam Trung bộ; 

Khu 4: Khu vực phía tây đường Lê Hồng Phong, diện tích khoảng 501 ha, dân số dự kiến 70.000 người; là khu đô thị mới đan xen khu dân cư hiện trạng cải tạo chỉnh trang;

Khu 5: Khu đô thị ven biển, phía đông đường sắt - từ bắc sông Cái đến mũi Kê Gà, diện tích khoảng 1.212 ha, dân số dự kiến 108.800 người; là khu trung tâm đô thị hiện hữu, dịch vụ du lịch ven biển;

Khu 6: Khu vực từ phía nam núi Cô Tiên (nhỏ) đến phía bắc núi Hòn Ngang (núi Cô Tiên lớn), diện tích khoảng 1.631 ha, dân số dự kiến 16.100 người; là khu trung tâm đô thị hiện hữu, dịch vụ du lịch ven biển;

Khu 7: Khu vực đô thị phía bắc sông Cái và khu vực Hòn Nghê, diện tích khoảng 1.316 ha, dân số dự kiến 47.600 người; là trung tâm giáo dục, y tế, dịch vụ nước khoáng nóng;

Khu 8: Khu vực đô thị phía tây Nha Trang, diện tích khoảng 1.584 ha, dân số dự kiến 109.300 người; là trung tâm khoa học kỹ thuật, nghiên cứu, đào tạo mới;

Khu 9: Khu vực phía nam đường Phong Châu và khu vực núi phía tây sông Tắc, diện tích khoảng 1.966 ha, dân số dự kiến 82.300 người; là khu đô thị - trung tâm hành chính mới, dịch vụ du lịch sinh thái núi, dịch vụ y tế vùng duyên hải Nam Trung bộ và Tây Nguyên;

Khu 10: Khu vực Phước Đồng - Hòn Rớ - phía bắc núi Cù Hin, diện tích khoảng 4.626 ha, dân số dự kiến 64.100 người; là trung tâm giáo dục, thể dục thể thao và dịch vụ du lịch sinh thái;

Khu 11: Khu vực Đồng Bò - Trảng É, diện tích khoảng 810 ha, dân số dự kiến 11.000 người; là khu công nghiệp và dịch vụ logistics;

Khu 12: Khu vực phía tây bắc quốc lộ 1 - thuộc xã Vĩnh Phương, diện tích khoảng 2.522 ha, dân số dự kiến 8.900 người; là khu vực làng xóm hiện trạng cải tạo, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp;

Khu 13: Khu vực xã Vĩnh Lương - phía bắc núi Hòn Ngang, diện tích khoảng 3.828 ha, dân số dự kiến 28.200 người; là khu dân cư hiện hữu, cải tạo, chỉnh trang kết hợp du lịch sinh thái núi;

Khu 14: Khu vực biển thuộc vịnh Nha Trang, biển ven bờ xã Vĩnh Lương và các đảo thuộc thành phố Nha Trang, diện tích khoảng 3.848 ha, dân số dự kiến 10.000 người; là trung tâm dịch vụ du lịch biển đảo quốc gia và quốc tế kết hợp an ninh quốc phòng.

Bài và ảnh: Nguyễn Vĩnh Nguyên

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.