Gà lôi lam mào trắng (Lophura edwardsi) phân bố ở các khu rừng thường xanh, ẩm, độ cao dưới 400m so với mặt biển. Đây là một loài chim trĩ đặc hữu của miền Trung Việt Nam, đang ở tình trạng cực kỳ nguy cấp (CR). Loài này cũng được liệt kê trong Phụ lục I của Công ước CITES.
Kể từ năm 2000 trở đi, không ai nhìn thấy tung tích loài này ngoài tự nhiên. Trang IUCN RED LIST thậm chí còn bình luận: “Các kịch bản bi quan cho rằng loài này có thể đã tuyệt chủng trong tự nhiên vào đầu những năm 2000”.
Những lần bắt gặp ngoài tự nhiên
Ngày 13.11.2002, Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền (nằm giáp ranh huyện A Lưới và huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế) được thành lập với 41 nghìn ha. Ở khu vực này, các nhà khoa học trong, ngoài nước khẳng định là nơi sinh sống quan trọng đối với các loài chim vùng núi thấp và loài chim đặc hữu là gà lôi lam mào trắng. Ngoài ra, loài này cũng ghi nhận tại các cánh rừng ở Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh.
Một số tài liệu cho thấy năm 1924, một cặp gà lôi lam mào trắng (một trống, một mái), được Jean Delacour - nhà tự nhiên học người Pháp, phát hiện lần đầu tại vùng rừng núi nay thuộc phía tây huyện Phong Điền. Năm 1924 ông Jean Delacour lần đầu tiên đã nhập gà lôi lam mào trắng từ Việt Nam về Pháp và trong thời gian từ 1924-1928 đã có 5 lần nhập với tổng số 28 cá thể
Sau phát hiện đó, các nhà điểu học Việt Nam và thế giới đến vùng đất này khảo sát để tìm kiếm loài gà này, nhưng không gặp.
Con gà lôi lam mào trắng được nuôi tại Vườn thú Hà Nội. Ảnh: Đặng Gia Tùng
Vào năm 1986, kiểm lâm Thừa Thiên - Huế phát hiện sự sinh tồn của một cặp gà này tại khu vực nay thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền. Sau đó, chúng được chuyển giao cho vườn thú Hà Nội. Trong hai năm 1989 và 1993, hai nhà điểu học Jonathan C. Eames, Benjamin Rowson cùng cộng sự đã có các đợt điều tra tại khu bảo tồn nhưng chưa tìm thấy dấu vết nào.
Đến năm 1996, thông tin một người dân xã Phong Mỹ, huyện Phong Điền phát hiện gà lôi lam mào trắng lan truyền trong cộng đồng dân cư. Địa điểm phát hiện được ghi nhận tại khe Lấu, xã Phong Mỹ, đó là ngày 26.8.1996. Một con gà lôi lam mào trắng mái được người dân bẫy dính. Hai ngày sau, con trống tiếp tục dính. Cả hai con chết sau một thời gian ngắn nuôi nhốt.
Ngày 31.12.1996, tại Hướng Hóa và Đakrông, Quảng Trị một người dân địa phương đặt bẫy và bắt được cặp gà trống mái. Con mái chết sau khi dính bẫy, con trống được đưa về vườn thú Hà Nội.
Một đàn 8-10 cá thể được người dân phát hiện vào đầu năm 1998 tại huyện Đakrông. Cũng trong năm đó, tại Phong Mỹ, một người dân trong lần giăng bẫy đã phát hiện hai con.
Trang IUCN RED LIST nhận định loài này đang suy giảm nhanh chóng do nạn săn bắt và mất môi trường sống.
Miệt mài đi tìm, khoanh vùng bảo vệ
Một số nghiên cứu chỉ ra rằng loài này ưa “rừng cực kỳ ẩm ở vùng núi thấp và trung bình”. Chúng là loài cực kỳ cẩn trọng, hiếm khi rời khỏi khu vực “sườn đồi có thảm thực bì rậm rạp và phủ nhiều dây leo”...
Tất cả các địa điểm thu mẫu của loài này từ trước tới nay đều là những vùng đất thấp, bằng phẳng và chưa có bằng chứng nào cho thấy chúng sống ở độ cao trên 300m.
Anh Văn Công Vĩnh bẫy được cặp gà lôi lam mào trắng tháng 8.1996 tại Phong Điền, Thừa Thiên - Huế. Nguồn ảnh: Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế/ Đặng Gia Tùng
Loài này còn hay đã tuyệt chủng vẫn chưa ai có thể khẳng định. Khi chưa có kết luận chính thức, những người làm công tác bảo tồn vẫn miệt mài đi tìm. Mỗi năm Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền tiến hành gần 500 đợt tuần tra với hơn 1,2 nghìn ngày đi qua gần 11 nghìn cây số đường rừng, suối. Trong năm 2023, hơn 5 nghìn chiếc bẫy đã được phá bỏ, tạm giữ; ba loài thú được giải cứu kịp thời.
Trụ sở của Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền đặt tại xã Phong An, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế. Hình ảnh con gà lôi lam mào trắng được đặt ngay cửa ra vào. Đây cũng chính là biểu tượng loài của khu bảo tồn. Ông Lê Văn Hướng, Giám đốc Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền nói: “Nhiều loài thú, chim khác chúng tôi ghi nhận được thông qua đặt bẫy ảnh, nhưng với loài này thì chưa một lần nhìn thấy. Hy vọng một ngày nào đó công sức của anh em bảo tồn sẽ được đền đáp xứng đáng”.
Khu bảo tồn thiên nhiên Phong Điền đang xây dựng kế hoạch mời các chuyên gia cùng nhân lực đi khảo sát thực địa, đánh giá đặc điểm cấu trúc một số trạng thái rừng trong phạm vi điều tra, đồng thời đánh giá mối quan hệ giữa lớp cây tái sinh với tầng cây đứng, cũng như những tác động đến đặc điểm rừng và đa dạng sinh học. Mục đích là nhằm đánh giá sinh cảnh khu rừng tái thả gà lôi lam mào trắng về tự nhiên khi điều kiện cho phép.
Một số khu bảo vệ đã được thành lập trong vùng phân bố của gà lôi lam mào trắng như các khu bảo tồn thiên nhiên Kẻ Gỗ (Hà Tĩnh), Phong Điền (Thừa Thiên - Huế), Đakrông và Bắc Hướng Hóa (Quảng Trị)...
Nhân giống, tái thả về tự nhiên
Để đối phó với tình huống nguy cấp của loài này, từ giữa năm 2013, các bên liên quan trong nước và quốc tế đã hợp tác xây dựng một chiến lược bảo tồn, thành lập nhóm hoạt động bảo tồn gà lôi lam mào trắng tự nguyện ở Việt Nam. Nhóm đang xây dựng kế hoạch hành động giai đoạn 2015-2020 tầm nhìn đến 2030.
Ưu tiên cao nhất được các chuyên gia đưa ra là phải giữ được sinh cảnh phù hợp còn lại của loài này và tăng cường quản lý nguồn gen hiện có (trong quần thể nuôi nhốt) để chuẩn bị cho tình huống xấu nhất. Song song đó tiếp tục tìm kiếm và rà soát lại tình trạng của loài này trong tự nhiên.
Một tư liệu bảo tồn do Trung tâm Bảo tồn thiên nhiên Việt (Viet Nature) biên soạn đã nêu ra một vài nguyên nhân sâu xa cho sự hiếm hoi của gà lôi lam mào trắng. Đó là do tình trạng săn bắn bừa bãi ở mức độ cao, phân mảnh hoặc mất sinh cảnh phù hợp; do con người gây ra hoặc do biến đổi khí hậu, và rất có thể kết hợp với những yêu cầu đặc biệt về sinh cảnh của loài này.
Bẫy ảnh là phương thức tốt nhất để tìm kiếm hình bóng loài thú, chim muông. Nhiều loài đã được ghi nhận, nhưng gà lôi lam mào trắng đến nay vẫn chưa có tung tích. Ảnh: Nguyễn Đắc Thành.
Ông Đặng Gia Tùng, Phó chủ tịch Hiệp hội Vườn thú Việt Nam (VZA), khẳng định có một quần thể gần 50 con gà lôi lam mào trắng đang được nuôi dưỡng, chăm sóc và sinh sản tốt tại Vườn thú Hà Nội từ những năm 1990 đến nay. Đây cũng là quần thể gà lôi lam mào trắng duy nhất đang được nhân nuôi bảo tồn tại Việt Nam.
Nguồn gen thuần từ tự nhiên hoang dã và được bổ sung các cá thể mới từ các vườn thú châu Âu thông qua Hội Bảo tồn chim trĩ thế giới (WPA) qua các năm 1994, 2015 tặng Vườn thú Hà Nội để làm giống. “Đây là nguồn gen vô cùng quan trọng của loài chim trĩ đặc hữu quý hiếm này phục vụ chương trình nhân giống, tái thả để phục hồi nguồn gen ngoài tự nhiên trong những năm sắp tới”, ông Tùng nói.
Để đảm bảo tái thả loài này về với tự nhiên được an toàn, ông Hướng cho rằng đầu tiên phải nuôi thả ở những khu vực bán tự nhiên, tập cho chúng kiếm ăn, tránh các loài săn mồi… Đảm bảo được các yếu tố đó thì sau khi được tái thả chúng mới sinh sống tốt trong tự nhiên.
Viet Nature đã được UBND tỉnh Quảng Bình cấp cho 4,5 ha ở xã Kim Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình để xây dựng trung tâm nhân giống tái thả loài gà lôi lam mào trắng ở Việt Nam. Với nguồn tài trợ quốc tế từ WPA và nhiều vườn thú châu Âu, châu Á, khu chuồng nhân giống đầu tiên và trung tâm giáo dục bảo tồn, nhà làm việc, nhà ở cho nhân viên đã hoàn thiện. Hy vọng cuối năm nay sẽ tiếp nhận những cá thể gà lôi lam mào trắng đầu tiên để nhân giống bảo tồn.
Đặc điểm nhận dạng gà lôi lam mào trắng là con trống trưởng thành giống loài gà lôi lam mào đen, chỉ khác mào lông trên đỉnh đầu màu trắng. Tương tự như vậy loài này khác với loài gà lôi lam đuôi trắng là chỉ có mào lông ở đỉnh đầu màu trắng chứ không có lông đuôi giữa trắng. Con mái của cả 3 loài đều có da trần ở mặt, giò màu đỏ thẫm (như các con trống), bộ lông màu hung nâu, sự sai khác rất ít nên khó phân biệt ở mỗi loài khi quan sát chúng ngoài tự nhiên.
Nguyễn Đắc Thành