Đề nghị làm rõ khả năng nội địa hóa, làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam

 21:40 | Thứ ba, 15/10/2024  0
Bộ Giao thông vận tải (GTVT) được đề nghị thuyết minh kỹ các yêu cầu kỹ thuật tuyến đường với tốc độ thiết kế 350 km/giờ trong việc khai thác tàu hàng container; làm rõ, tăng cường khả năng nội địa hóa, làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao...

Ngày 15.10, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đã có thông báo kết luận phiên họp Hội đồng Thẩm định nhà nước thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự an đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam (gọi tắt là dự án). Phiên họp diễn ra vào chiều 14.10.

Để bảo đảm tiến độ, chất lượng báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án, Hội đồng Thẩm định nhà nước đề nghị Bộ GTVT lưu ý trên cơ sở các Kết luận của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành trung ương và Thường trực Chính phủ, tiếp thu, rà soát kỹ và bổ sung đầy đủ trong nội dung hồ sơ dự án bảo đảm chất lượng và hiệu quả.

Phiên họp của Hội đồng Thẩm định nhà nước. Ảnh: Minh Phong


Về dự báo nhu cầu vận tải, cần rà soát kỹ về số liệu dự bảo nhu cầu vận tải (hành khác, hàng hoá) trên hành lang Bắc - Nam bảo đảm sự tin cậy và phù hợp, tương đồng với các dự án trên thế giới.

Về giải pháp kỹ thuật chính, đề nghị Bộ GTGT giải trình rõ các yếu tố về kỹ thuật hướng tuyến phải thẳng nhất có thể để giảm chi phí (đặc biệt là đoạn tuyến qua tỉnh Nam Định), bảo đảm tốc độ khai thác cho các đoàn tàu, tạo không gian phát triển mới, tránh các khu dân cư, đô thị lớn nhưng phải có phương án kết nối phù hợp, thuận tiện để kết nối ngắn nhất đến sân bay, cảng biển lớn.

Đồng thời, giải trình rõ về hướng tuyến để tạo thuận tiện liên kết hành lang Đông - Tây và kết nối với các tuyến đường sắt Trung Quốc, Lào, Campuchia. Tiếp tục phối hợp với các địa phương có tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua rà soát, điều chỉnh hướng tuyến, vị trí nhà ga của Dự án, nhất là các vị trí có lợi thế kết nối với các đầu mối giao thông lớn, các khu kinh tế...

Về tốc độ khai thác, đề nghị Bộ GTVT thuyết minh kỹ các yêu cầu kỹ thuật của tuyến đường với tốc độ thiết kế 350 km/h trong việc khai thác tàu hàng container.

Về quy mô nhà ga, Bộ GTVT cần thuyết minh làm rõ quy mô nhà ga đáp ứng các nhu cầu hoạt động phụ trợ như bãi đỗ xe, kết nối với các phương tiện giao thông khác... diện tích tối thiểu theo thông lệ quốc tế.

Đồng thời, các ga phải tính toán, xác định diện tích đủ lớn phù hợp, bảo đảm tầm nhìn chiến lược lâu dài để phát triển đầy đủ dịch vụ, hiện đại, khai thác hiệu quả tối đa nguồn lực đất đai và không gian phát triển mới...; ngoài ra, xem xét không xác định quy mô tối đa của nhà ga theo ý kiến của một số địa phương.

Về tổng mức đầu tư, đề nghị Bộ GTVT rà soát trên cơ sở nguyên tắc tính đúng, tính đủ và phù hợp với quy định của pháp luật tại bước lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi.

Về phương án đầu tư, Hội đồng Thẩm định nhà nước đề nghị làm rõ các thông số về quy mô đầu tư các hạng mục dự án trên cơ sở phân tích, đánh giá sự tuân thủ khung tiêu chuẩn áp dụng thực tiễn các dự án tương đồng trên thế giới và phù hợp với hoàn cảnh, các điều kiện tự nhiên, kinh tế - xã hội của nước ta hiện nay.

Về hiệu quả của dự án, cần rà soát lại nội dung đánh giá hiệu quả kinh tế - xã hội và hiệu quả tài chính của dự án cho phù hợp, đặc biệt là số liệu tính toán hiệu quả tài chính. Về nguồn vốn, khả năng cân đối vốn, đề nghị Bộ GTVT thuyết minh làm rõ phương án huy động và khả năng cân đối vốn cho dự án bảo đảm khả thi và đúng quy định pháp luật.

Về cơ chế chính sách đặc biệt, Hội đồng Thẩm định nhà nước đề nghị Bộ GTVT rà soát tổng thể các nhóm cơ chế chính sách đặc biệt nêu trong hồ sơ, tài liệu dự án; rà soát kỹ lưỡng, làm rõ các cơ chế, chính sách thật sự cần thiết đối với dự án để báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định, bảo đảm hiệu lực pháp lý và tính khả thi thực hiện.

Làm rõ các đề xuất cơ chế chính sách về hỗ trợ doanh nghiệp chuyển giao công nghệ; tìm kiến vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài có chi phí thấp. Nghiên cứu, xem xét các đề xuất của thành viên Hội đồng, trong đó có đề xuất cơ chế, chính sách đặc biệt cho phép trong bước tiếp theo điều chỉnh quy hoạch đô thị, quy hoạch sử dụng đất và các quy hoạch khác có liên quan.

Bộ GTVT cũng được đề nghị làm rõ, tăng cường khả năng nội địa hóa, làm chủ công nghệ đường sắt tốc độ cao; ngoài ra, tiếp tục nghiên cứu, đánh giá lợi thế của hình thức đầu tư công so với các hình thức khác, nhất là đối với các đoạn không có ưu thế phát triển đường sắt; Làm rõ tính khả thi của việc thực hiện dự án theo đúng tiến độ, thời gian thực hiện dự án.

Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc Nam được Bộ GTVT đề xuất có tổng mức đầu tư sơ bộ 67,34 tỉ USD, tuyến đường đôi, khổ 1.435 mm, điện khí hóa, tốc độ thiết kế 350 km/giờ, tốc độ khai thác 320 km/giờ, thời gian đi lại giữa Hà Nội và TP.HCM khoảng 5,5 giờ.

Tại Hội nghị Trung ương 10, đã thống nhất chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trục Bắc - Nam. Theo kế hoạch, dự án sẽ được trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV khai mạc trong tháng 10 này.

Minh Chiến

Nguồn Báo Người Lao Động (www.nld.com.vn)
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.