UBND còn được yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm tra đột xuất việc chấp hành quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ, thức ăn đường phố, cơ sở kinh doanh, dịch vụ ăn uống, an toàn thực phẩm tại các chợ trên địa bàn, nhà ăn tập thể và các đối tượng theo phân cấp quản lý; xử lý nghiêm các vi phạm… thu hồi và xử lý thực phẩm không bảo đảm an toàn, thực phẩm có nguy cơ gây ngộ độc.
Ngoài ra, UBND bố trí đủ kinh phí, nguồn lực, chỉ tiêu biên chế, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn. Thường xuyên tổ chức đánh giá các nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và triển khai các biện pháp cần thiết nhằm ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm trên địa bàn. Tổ chức tập huấn, cập nhật kiến thức, bố trí nguồn lực, diễn tập ứng phó sự cố, ngộ độc thực phẩm có thể xảy ra trên địa bàn. Chỉ đạo tăng cường trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong công tác nắm bắt tình hình, kiểm tra và xử lý vi phạm quy định về an toàn thực phẩm đối với tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh thực phẩm, nhất là kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; kịp thời xử lý, thông tin về sự cố, nguy cơ, vụ việc ngộ độc thực phẩm trên địa bàn.
Các học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn bị ngộ độc thực phẩm sau khi ăn trưa tại trường ngày 10.10.2024. Ảnh: BVCC/SK&ĐS
Về phía những cơ quan trung ương, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế tăng cường thực hiện công tác phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về an toàn thực phẩm, nhất là phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm; kịp thời chấn chỉnh các hạn chế, bất cập (nếu có); thường xuyên đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện công tác này tại các địa phương, nhất là tại các địa bàn trọng điểm, các đô thị lớn, các khu du lịch... nơi có nhiều bếp ăn tập thể, cơ sở dịch vụ ăn uống dành cho công nhân, học sinh, khách du lịch...; hạn chế đến mức thấp nhất nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
Đẩy mạnh việc thông tin, tuyên truyền về nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các điểm, khu du lịch, bếp ăn tập thể của trường học, khu công nghiệp, khu chế xuất, thức ăn đường phố. Chỉ đạo thực hiện đầy đủ, có hiệu quả các biện pháp giám sát các nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm, thông tin và cảnh báo nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm do vi sinh vật, độc tố tự nhiên...; tăng cường kiểm tra việc chấp hành pháp luật về an toàn thực phẩm, lưu ý tăng cường chỉ đạo việc kiểm tra đột xuất, nhất là tại các khu vực có nguy cơ cao, xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định. Chỉ đạo cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm, bảo đảm tốt nhất cho sức khỏe, tính mạng người dân khi xảy ra ngộ độc thực phẩm; chủ động và kịp thời hỗ trợ các địa phương xử lý, khắc phục hậu quả ngộ độc thực phẩm trong trường hợp cần thiết.
Người đứng đầu Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương thực hiện đầy đủ trách nhiệm phối hợp với Bộ Y tế trong điều tra nguyên nhân; chủ trì trong việc truy xuất nguồn gốc và xử lý thực phẩm gây ngộ độc; thường xuyên giám sát các mối nguy và nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm do hóa chất bảo vệ thực vật, methanol trong rượu...; đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm và phòng chống ngộ độc thực phẩm đối với các nhóm sản phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
Đối với Bộ Công an, Thủ tướng yêu cầu tăng cường công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đẩy mạnh việc xử lý hình sự đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm nghiêm trọng, nhất là hoạt động nhập lậu, sản xuất, tàng trữ, buôn bán các loại thực phẩm giả, kém chất lượng theo quy định pháp luật.
Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan báo chí đẩy mạnh thông tin về các biện pháp bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, kinh doanh và tiêu dùng thực phẩm, nhận diện và phòng ngừa nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm.
Thượng Tùng
2 ngày 2 vụ ngộ độc thực phẩm trong cơ sở giáo dục công lập
Ngày 10.10.2014, Trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3) ghi nhận 6 học sinh thuộc 4 lớp 11A8, 11A1. 11A4 và 12A15 Trường THPT Lê Quý Đôn (Quận 3) có triệu chứng đau bụng, trong đó có hai người có biểu hiện nôn ói sau bữa ăn bán trú ở trường. Được biết 5/6 học sinh đã được chuyển đến Bệnh viện Đa khoa Sài Gòn để theo dõi và điều trị, người còn lại nằm tại phòng y tế của trường. Đến 17g cùng ngày, tình trạng sức khỏe của các học sinh đã ổn định, tỉnh táo.
Được biết, các học sinh đã ăn bún gạo xào thịt nướng/nem nướng và canh hẹ trong bữa trưa bán trú ở trường lúc 11gg30. Tổng số suất ăn trong ngày 10.10 là 1.348 suất bún gạo xào, 26 suất ăn chay và 19 suất cháo do một công ty tại quận 1 cung cấp. Trường đã quyết định tạm dừng phục vụ bữa ăn bán trú từ 14.10.
Trước đó, ngày 9.10.2024, một số học sinh, sinh viên ở ký túc xá cơ sở 1 của Trường Cao đảng Lào Cai xuất hiện triệu chứng rối loạn tiêu hóa. Những trường hợp sốt, nôn, đau bụng, tiêu chảy đã được nhập viện điều trị. Tính đến 16g ngày 11.10.2024, số lượng phải nhập viện lên đến 59 người, 12 trường hợp có biểu hiện rối loạn tiêu hóa nhẹ được theo dõi tại ký túc xá. Những trường hợp này được ghi nhận ăn tối tại căng tin của trường ngày 8.10.
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã gửi công văn đề nghị Sở Y tế Lào ai tạm ngừng hoạt động căng tin của trường nơi bị nghi ngờ xảy ra ngộ độc thực phẩm. Tổ chức điều tra, truy xuất nguồn gốc thực phẩm để xác định rõ nguồn cung cấp nguyên liệu, thực phẩm cho cơ sở chế biến nghi ngờ gây ngộ độc; lấy mẫu thực phẩm, bệnh phẩm để xét nghiệm tìm nguyên nhân; Phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về an toàn thực phẩm (nếu có) và công khai kết quả để kịp thời cảnh báo cho cộng đồng.
Theo Bộ Y tế, trong 5 năm trở lại đây, trung bình mỗi năm có khoảng 100 vụ ngộ độc thực phẩm.
A.K tổng hợp