* Lúc 22h: Theo bản tin mới nhất của Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn quốc gia, vị trí tâm bão: Khoảng 21.0 độ Vĩ Bắc; 105.5 độ Kinh Đông.
Sức gió mạnh nhất: Cấp 8-9 (62-74km/h), giật cấp 11.
Dự báo: Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 15-20km/h.
Trả lời Vietnamnet, PGS-TS. Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, đến hết đêm 7.9, các khu vực đồng bằng và trung du Bắc Bộ, bao gồm cả Hà Nội vẫn sẽ chịu tác động của gió mạnh từ cơn bão số 3.
Theo ông Khiêm, từ sáng mai (8.9), khi bão di chuyển sâu vào đất liền và đi về hướng Tây, cường độ sẽ suy giảm thành áp thấp nhiệt đới và tan dần.
* Lúc 21h: Vị trí tâm bão: Khoảng 21.0 độ Vĩ Bắc; 105.6 độ Kinh Đông.
Sức gió mạnh nhất: Cấp 9-10 (75-102km/h), giật cấp 12.
Dự báo: Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 15-20km/h.
* Lạng Sơn có 3 người bị thương, 321 hộ bị thiệt hại nhà ở: Theo báo cáo tổng hợp từ Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, thành phố của tỉnh Lạng Sơn, tính đến 19 giờ ngày 7.9, bão số 3 đã làm 3 người bị thương nhẹ (một cháu bé 11 tuổi bị tấm lợp fibro xi măng rơi xuống đầu trên địa bàn huyện Đình Lập, 2 người bị cây đổ trên địa bàn huyện Bình Gia).
Toàn tỉnh có 321 hộ bị thiệt hại về nhà ở, trong đó 2 hộ do sạt lở đất song không ảnh hưởng đến nhà, 302 hộ bị tốc mái...
Ngoài ra, một trụ sở Công an xã, một nhà văn hóa thôn; 2 trường học và một điểm bưu điện xã bị tốc mái. Một số tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, cây gãy đổ xuống đường, đã được lực lượng chức năng xử lý thông tuyến...
* Hưng Yên có 50 ngôi nhà bị hư hại, hơn 2.200 cây xanh bị gãy đổ: Tối 7.9, Văn phòng Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hưng Yên thông tin, do ảnh hưởng của bão số 3, trên địa bàn tỉnh có gió giật mạnh, lượng mưa từ 13 giờ đến 16 giờ ngày 7.9 đạt trung bình gần 11,7mm.
Theo thống kê của các địa phương, đến 17 giờ cùng ngày, mưa to và gió giật mạnh làm 50 ngôi nhà bị tốc mái, hư hại; 2.244 cây xanh bị gãy đổ; ước tính có gần 5.800 ha cây trồng bị thiệt hại... Mưa bão làm hỏng 4 chuồng trại, 24 trạm bơm chống úng bị mất điện không vận hành được.
* Quảng Ninh có 1 cần cẩu nặng 300 tấn bị đổ, 14 tàu bị đắm: Bão số 3 đổ bộ vào Quảng Ninh từ lúc 10h ngày 7.9. Theo báo cáo của Công an tỉnh Quảng Ninh, tính đến 16 giờ ngày 7.9, bão số 3 đã khiến 3 người chết, 4 người bị thương, 6 người và 1 tàu bị mất tích, 1 cần cẩu bị đổ và 14 tàu bị đắm.
TP. Hải Phòng ngổn ngang sau khi bão Yagi quét qua. Cần cẩu ở công trường trên đường Hồng Bàng, quận Hồng Bàng bị gãy đổ, trưa 7.9. Ảnh: Vnexpress
* Lúc 20h ngày 7.9, tâm bão ở Khoảng 21.0 độ Vĩ Bắc; 105.8 độ Kinh Đông, trên đất liền thủ đô Hà Nội.
Sức gió mạnh nhất: Cấp 10 (89-102km/h), giật cấp 12.
Dự báo: Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 15-20km/h.
Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 3 tại Hải Dương gió mạnh cấp 12, giật cấp 13; Lục Ngạn (Bắc Giang) gió mạnh cấp 9, giật cấp 11; Hưng Yên gió mạnh cấp 8, giật cấp 11; Bắc Giang gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; Bắc Ninh gió mạnh cấp 7, giật cấp 10.
Ấm lòng với khoảnh khắc tài xế lùi xe cứu người phụ nữ kẹt trong mưa bão. Nguồn Vietnam+
* Tối 7.9, cơn bão số 3 (tên quốc tế bão Yagi) vẫn trên hành trình đi sâu vào đất liền và đang trên lộ trình tới gần Hà Nội. Sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 12-13, giật cấp 15.
Thông tin từ Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến 17h ngày 7.9, bão số 3 Yagi đã làm 4 người chết (Quảng Ninh 3 người, Hải Dương 1 người) và 78 người bị thương (Quảng Ninh 58 người, Hải Phòng 20 người).
Về nhà ở và cây xanh, nhiều nhà ở bị hư hỏng, tốc mái và hàng nghìn cây xanh bị đổ tại các tỉnh: Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang và TP Hải Phòng, TP Hà Nội. Tại tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Hải Dương và TP Hải Phòng đã bị mất điện trên diện rộng.
Nhà tôn lắp ghép 4 tầng đổ sập tại Thạch Thất. Ảnh: Vietnam+
Video Bão hất tung container tại Hải Phòng. Nguồn: Vietnam+
Video gió giật tung mái nhà ở Nam Định. Nguồn: Vietnam+
Cơn bão mạnh nhất 30 năm qua
Tại họp báo Chính phủ chiều 7.9, theo Một Thế Giới, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết đầu giờ chiều nay, bão số 3 đã có dấu hiệu suy yếu.
Gió tại Bãi Cháy lúc 15 giờ ngày 7.9 đã giảm còn cấp 8. Hiện nay hướng bão vào đất liền tiếp tục suy yếu. Tuy nhiên các khu vực xa xôi trong đất liền như Hà Nội mặc dù có gió và mưa, cây đổ nhiều nhưng chưa phải lúc bão mạnh nhất.
Dự báo thời gian gió mạnh tại một số địa phương như sau: Hải Phòng - Quảng Ninh gió mạnh nhất còn kéo dài đến khoảng 19 giờ ngày 7.9, sau giảm nhanh; Thái Bình - Nam Định gió mạnh nhất từ khoảng 16 - 22 giờ; Đồng bằng Bắc Bộ (trong đó có thủ đô Hà Nội) gió mạnh nhất từ khoảng 19 giờ ngày 7.9 đến 1 giờ ngày 8.9.
Vùng ven biển Quảng Ninh, Hải Phòng… mưa còn kéo dài hết đêm 7.9 và đến khoảng 4 giờ sáng 8.9 mưa và gió sẽ giảm nên sáng 8.9 là an toàn.
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cung cấp một số thông tin về cơn bão số 3.
Đối với khu vực sâu trong đất liền như Hà Nội, gió bắt đầu lặng từ 1 giờ sáng 8.9 nhưng mưa có thể kéo dài đến 8 - 9 giờ sáng 8.9. Trưa 8.9, khu vực thành phố Hà Nội tương đối an toàn.
Đối với khu vực trung du miền núi như Tuyên Quang, Phú Thọ, Hòa Bình mưa sẽ muộn hơn. Từ 19 giờ ngày 7.9 mưa sẽ tăng. Cả ngày 8.9 mưa sẽ nặng hơn. Ngày 8.9 mưa chỉ tập trung ở trung du miền núi nên nguy cơ xảy ra lũ quét và sạt lở cao.
Ông Lâm cũng cảnh báo, vùng ven biển, khi bão vào, các khu vực neo đậu tàu thuyền, khu nuôi trồng thủy sản, các tuyến đê, kè biển trong vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của gió mạnh, sóng lớn và nước dâng. Các khu vực trũng, thấp ở ven biển, cửa sông đề phòng nguy cơ ngập do nước dâng và sóng lớn. Các khu vực neo đậu của tàu thuyền sẽ có khả năng va đập khiến các tàu bị chìm.
“Đợt mưa này sẽ chấm dứt nhanh ở Đông Bắc bộ. Tuy nhiên có khả năng kéo dài ở khu vực phía tây. Miền núi và trung du mưa lớn, thời gian mưa còn kéo dài đến ngày 9.9 - 10.9 mới kết thúc”, ông Lâm nêu.
Ông Phạm Đức Luận, Cục trưởng Cục Quản lý đê điều và phòng chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cũng dự báo chiều và đêm 7.9 bão số 3 sẽ di chuyển vào đất liền. Đến 1 giờ ngày 8.9, đạt cấp 8, giật cấp 10 trên đất liền khu vực Đông Bắc Bộ.
“Đây là cơn bão rất mạnh, mạnh nhất trong 30 năm qua ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc Bộ. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt, đặc biệt Tổng bí thư, Chủ tịch nước rất quan tâm chỉ đạo. Thủ tướng Chính phủ liên tiếp ban hành 3 công điện chỉ đạo các bộ, ban ngành địa phương triển khai ứng phó với bão”, ông Luận nói.
“Trao đổi qua điện thoại, hiện nay ở Quảng Ninh thiệt hại rất nặng nề, đặc biệt là hệ thống cây xanh, cột điện, nhà tôn, mái ngói... bay hết. Đến sáng mai mới có thể kiểm đếm hết những thiệt hại này”, ông Luận nói và cho biết sáng mai bão di chuyển, đi sâu vào đất liền, khu vực Hà Nội tiếp tục có mưa lớn.
Khung cảnh tan hoang trên đường phố Hạ Long (Quảng Ninh) chiều 7.9. Nguồn: Báo Người Lao Động
* Kéo dài thời gian đóng cửa 3 sân bay: Cục Hàng không Việt Nam quyết định kéo dài thời gian ngừng tiếp thu tàu bay tại Cảng HKQT Vân Đồn, Cát Bi đến 20h ngày 7.9.2024; tại Cảng HKQT Nội Bài đến 24h ngày 7.9.2024 (giờ địa phương).
Trước đó, Cục HKVN đã tiếp tục ra Công điện yêu cầu các đơn vị có liên quan tập trung ứng phó bão số 3 và mưa lũ sau bão; chủ động ứng phó cơn bão số 3 và khắc phục hậu quả mưa lũ sau bão.
Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị quán triệt việc thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các nội dung, chỉ đạo tại Công điện số 4473/CĐ-CHK ngày 4.9.2024, Công điện số 4553/CĐ-CHK ngày 6.9.2024 và văn bản số 4555/CHK-QLC ngày 6.9.2024 về việc triển khai phương án phòng chống, ứng phó cơn bão số 3 (bão YAGI). Đồng thời chuẩn bị nhân lực, phương tiện, máy móc, vật tư sẵn sàng ứng phó bão và mưa lũ sau bão; khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm "4 tại chỗ", đặc biệt chú ý đảm bảo an toàn cho người và phương tiện tham gia ứng phó bão và mưa, lũ. Cục Hàng không Việt Nam yêu cầu các cơ quan, đơn vị tổ chức trực 24/24h và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn hàng không; liên hệ qua đường dây nóng: 024.38727912; email: qlc@caa.gov.vn hoặc cơ quan thường trực Ban Chỉ huy, điện thoại: 0913211115.
Cảng HKQT Nội Bài tiếp tục ngưng tiếp thu tàu bay đến 24h ngày 7.9.2024 (giờ địa phương). Ảnh: Báo Giao thông
* "Cắt điện tại Hà Nội" là tin thất thiệt: Do ảnh hưởng của bão số 3, một số khu vực tại Hà Nội xảy ra tình trạng mất điện do cây lớn đổ vào hệ thống đường dây truyền tải điện, Tổng công ty Điện lực TP. Hà Nội (EVNHANOI) cho biết, EVNHANOI đang triển khai các phương án để bảo đảm an toàn cho người dân và hệ thống lưới điện. Tập trung theo dõi diễn biến cũng như thiệt hại do cơn bão gây ra và khẩn trương cấp điện trở lại trong thời gian sớm nhất để đảm bảo cung ứng điện an toàn, liên tục và ổn định trên địa bàn Thủ đô.
EVNHANOI đã bố trí hơn 3.000 cán bộ công nhân viên sẵn sàng khắc phục sự cố ngay lập tức.
EVNHANOI cũng thông tin về việc: Hiện nay trên mạng xã hội đang lan truyền thông tin thất thiệt về ảnh hưởng bão số 3 đến tình hình cung cấp điện gây hoang mang dư luận. EVN và các đơn vị thành viên khẳng định nội dung trên không phải thông tin từ EVN đưa ra.
Để cập nhật thông tin về ảnh hưởng bão đến tình hình vận hành và cung cấp điện, tình hình khôi phục cung cấp điện sau bão, EVN đề nghị khách hàng sử dụng điện chỉ theo dõi thông tin từ Bộ Công Thương, EVN và các cơ quan báo chí chính thống để có được thông tin chính xác và đầy đủ.
EVNHANOI khuyến cáo người dân, khi có bão, mưa to gió lớn, ngập úng cần chú ý tránh xa các khu vực nguy hiểm như đường dây điện, trạm điện; đề phòng sự cố bất ngờ xảy ra như: Cây đổ, cành cây rơi vào trạm điện, dây điện đứt, cột điện đổ, nước tràn vào trạm điện… gây cháy, nổ, rò điện.
Cần cắt ngay nguồn điện của gia đình khi có nguy cơ ngập nước do úng, lụt; không chạm đến bất kỳ thiết bị, dụng cụ điện nào khi tay còn ướt hoặc đi chân trần trên nền nhà ẩm ướt.
Đối với nhà và công trình xây dựng gần hành lang bảo vệ an toàn của trạm điện phải bảo đảm không xâm phạm: Đường ra vào, đường cấp thoát nước, hệ thống thông gió của trạm điện, hành lang bảo vệ an toàn đường cáp điện ngầm và đường dây dẫn điện trên không, nước thải xâm nhập làm hư hỏng công trình điện.
Nếu phát hiện sự cố điện do thiên tai gây ra, khách hàng thông báo ngay cho Trung tâm Chăm sóc khách hàng qua tổng đài 19001288 (phục vụ 24/7) để kịp thời khắc phục, giảm thiểu nguy cơ thiệt hại về người và tài sản.
Lực lượng chức năng quận Thanh Xuân xử lý, dọn dẹp cây đổ trên phố Vũ Tông Phan. Ảnh: TTXVN
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,9 độ Vĩ Bắc; 106,2 độ Kinh Đông, trên đất liền Quảng Ninh – Hải Phòng – Hải Dương.
Sức gió mạnh nhất cấp 11-12 (103-133km/h), giật cấp 15. Dự báo Trong 3 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây, tốc độ khoảng 15km/h.
Theo dự báo, từ 7.9 đến sáng 9.9, thành phố Hà Nội có mưa vừa, mưa to đến rất to và dông (mưa to đến rất to tập trung từ chiều 7.9 đến sáng 8.9).
Lượng mưa tại các quận: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Long Biên, Tây Hồ, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Thanh Xuân, Hà Đông, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm và các huyện: Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Thanh Trì, Thường Tín, Thanh Oai, Thạch Thất, Quốc Oai, Đông Anh, Sóc Sơn, Mê Linh có lượng mưa từ 200 - 300mm, có nơi trên 400mm. Thị xã Sơn Tây và các huyện Phúc Thọ, Chương Mỹ, Ba Vì, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Phú Xuyên có lượng mưa từ 150 - 250mm, có nơi trên 350mm.
PV tổng hợp