Không dụng công phác thảo, Dân “nương” theo hiện trạng của phế liệu bị tiêu hao, biến dạng trong suốt vòng đời, từ lúc phục vụ nhu cầu tiêu dùng của loài người đến khi bị thải loại. Những “tổn thương” trở thành nguồn cảm hứng để họa sĩ tạo hình. Và phế liệu tái sinh, như “một loài” mà anh muốn trình bày với cộng đồng.
Họa sĩ Nguyễn Quốc Dân (thứ 2 từ trái sang) chia sẻ với khách tham quan xung quanh các tác phẩm tại triển lãm.
Một số tác phẩm trưng bày tại triển lãm.
Thay vì đặt tên, toàn bộ tác phẩm được đánh số thứ tự. “Tôi không muốn công chúng bị chi phối bởi tên gọi tác phẩm”, họa sĩ kỳ vọng người xem tự chiêm nghiệm, khám phá cảm xúc cá nhân. Những hình hài từ vỏ tivi, chai nước rửa chén, thùng phuy đựng hóa chất, thùng rác… Không có hình hài nào lành lặn dù tạo hình có vẻ như là đàn ông, đàn bà, bào thai…
Tác phẩm bề thế nhất là tháp tái sinh (đường kính 3,5m, cao 6m) dựng lên từ những ma-nơ-canh (mannequin). Cửa tháp thấp tè. Vào trong, công chúng (dễ) phải cúi đầu.
Mannequin là loại phế liệu “ve chai cũng chê”, theo lời Dân, bởi chứa một thành phần nhạy cảm với da và hệ hô hấp. “Anh em trong xưởng đều bị kích ứng da, mẩn ngứa”, Dân nhắc lại quá trình sáng tác.
Những mannequin bị thải loại, có khi không còn nguyên vẹn, được phủ sơn đỏ bầm, xếp chồng lên nhau nhắc nhớ ngành công nghiệp dệt may. Loài người chạy theo thời trang. Ngành công nghiệp này tiêu hao tài nguyên, tổn hại môi trường ở nhiều công đoạn trong chuỗi giá trị.
Khách tham quan triển lãm nghệ thuật Scrap Species - Loài Phế liệu.
Dân thực hành giảm thiểu tiêu dùng tài nguyên trong sinh hoạt hằng ngày. Trang phục, giày dép, nón, giỏ xách, bóp… anh dùng đều là đồ cũ, hoặc tái chế từ phế liệu. Đến khi hư hoại, chúng lại trở thành “họa phẩm”.
Thượng Tùng
______________
(*) Triển lãm nghệ thuật “Scrap Species - Loài Phế liệu” đang diễn ra tại 244 Pasteur, quận 3, TP.HCM. Triển lãm mở cửa tự do từ 9g đến 21g, dự kiến kéo dài đến 20.10.2024.