Cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay là cuộc bầu cử thứ 7 tôi được chứng kiến trong thời gian sống ở Mỹ. Nhưng mùa bầu cử năm nay có một hiện tượng chưa từng thấy khiến tôi cứ thắc mắc mà chưa có câu trả lời thỏa đáng. Mặc dù không thấy truyền thông và mạng xã hội nói tới hiện tượng này, nhưng rất có thể hiện tượng này phản ánh một thay đổi sâu sắc nhưng âm thầm trong xã hội Mỹ. Hơn thế nữa, các kết quả thăm dò bầu cử vốn dựa trên những mô hình mô phỏng các quan hệ chính trị xã hội phức tạp dường như cũng bỏ qua hiện tượng này. Vậy hiện tượng đó là gì?
Hai ứng cử viên: Cựu Tổng thống Donald Trump và Phó Tổng thống Kamala Harris bắt tay nhau trước khi bước vào cuộc tranh luận ngày 10.9.2024. Ảnh: Reuters
Trước hết, có lẽ cần phải nhắc đến một điều mà hầu hết mọi người sống khá lâu ở Mỹ đều dễ dàng nhận thấy. Đó là, có một sự phân hóa rất rõ ràng giữa những người ủng hộ của đảng Cộng Hòa và Dân Chủ ở Mỹ. Các số liệu nghiên cứu hàng chục năm nay của các cơ quan nghiên cứu thiên hữu (ủng hộ Cộng Hòa) và thiên tả (ủng hộ Dân Chủ) cũng như các cơ quan nghiên cứu độc lập (ĐL) đều đi đến một kết luận giống nhau: trong khoảng 30 năm trở lại đây, đa số đàn ông Mỹ da trắng có trình độ học vấn phổ thông, trình độ dưới đại học (non-college) có xu hưởng ủng hộ đảng Cộng Hòa cao.
Theo cơ quan nghiên cứu độc lập có uy tín, Pew Research Center, thì tỷ lệ những cử tri nam da trắng non-college này bầu cho Cộng Hòa/Dân Chủ lên tới 60/30 trong cuộc bầu cử 2020. Không những thế, họ là các người ủng hộ (fan) cực kỳ cuồng nhiệt của đảng Cộng Hòa.
Ngược lại, đa số cử tri có trình độ đại học trở lên thì lại có xu hướng ủng hộ đảng Dân Chủ với tỷ lệ áp đảo. Các cử tri da trắng có trình độ sau phổ thông cho Dân Chủ/Cộng Hòa với tỷ lệ 62/34[1]. Sự phân hóa này được thể hiện trong các mùa bầu cử rất rõ ràng: nhiều ủng hộ viên cuồng nhiệt của đảng Cộng Hòa chạy xe cắm cờ và dán đầy các khẩu hiệu rất kích động, thậm chí hết sức tục tĩu đến mức không thể viết ra đây được. Trong khi đó, đa số các fan của đảng Dân Chủ thường chỉ thể hiện ý kiến và quan điểm của họ một cách ôn hòa, thường là trong các cuộc gặp gỡ bạn bè và qua… email. Dĩ nhiên bên nào cũng có ngoại lệ, nhưng sự khác biệt nói trên rõ ràng đến mức được coi như một chuyện bình thường. Từ hàng chục năm nay, chỉ số về sự nhiệt tình và quyết tâm đi bầu của đảng Cộng Hòa thường cao hơn nhiều so với bên Dân Chủ.
Một thiếu niên cầm bảng hiệu ủng hộ Trump tại sự kiện vận động của ông ở Green Bay, Wisconsin hôm 2.4. Ảnh: Reuters
Sự cuồng nhiệt những người ủng hộ đảng Cộng Hòa bùng phát vô cùng mạnh mẽ trong hai mùa bầu cử 2016 và 2020, khi người hùng của họ - ông Donald Trump, trở thành ứng cử viên tổng thống của đảng. Bắt đầu từ lễ Độc lập (ngày 4.7) cho đến sau bầu cử nhiều tháng, các fan cuồng của ông Trump treo cờ Mỹ, cờ có ảnh và tên của ông Trump trước cửa nhà và trên xe rồi chạy khắp nơi.
Sau thất bại của ông Trump trong đợt bầu cử năm 2020, đông đảo những người ủng hộ này vẫn tiếp tục treo cờ như vậy suốt nhiều tháng trong năm 2021. Ngay từ năm 2022 đã có nhiều người dán trên xe các khẩu hiệu bầu cử “Trump 2024”. Ngoài ra, sau cuộc bầu cử 2020 với chiến thắng của ông Biden, một số fan Cộng Hòa còn còn nghĩ ra một câu nhắm vào ông Biden một cách tục tĩu và treo ở rất nhiều nơi[2] [3].
Sự ủng hộ cuồng nhiệt của các fan Cộng Hòa một phần có nguồn gốc là nhiều người trong số họ có trình độ học vấn thấp, làm những công việc tay chân, nặng nhọc và có thu nhập thấp. Tiếp xúc với họ mới thấy nhiều người rất tốt bụng, chất phác nhưng có phần dữ dội, dễ bị kích động. Họ rất tự hào và yêu nước Mỹ của họ, nhưng nhiều người bất mãn do cuộc sống khó khăn.
Trong nền kinh tế có hàm lượng chất xám cao như ở Mỹ, với trình độ có hạn, những người này thường chỉ làm những công việc có đồng lương thấp, là những công việc dễ bị cạnh tranh bởi những người di cư bất hợp pháp từ Nam Mỹ. Hơn thế nữa, trong suốt hơn 30 năm qua giới chủ doanh nghiệp ở Mỹ đã chuyển một số lượng lớn nhà máy xí nghiệp ra nước ngoài, chủ yếu là qua Trung Quốc. Vì vậy, các cử tri này cũng có ác cảm đặc biệt với Trung Quốc. Do trình độ có hạn cũng như không có thời gian để tìm hiểu các thông tin nghiêm túc thường là phức tạp và khó hiểu, họ rất đễ bị thu hút bởi các thuyết âm mưu cũng như các khẩu hiệu mỵ dân của các nhà chính trị theo chủ nghĩa dân túy.
Những người ủng hộ ông Trump trèo lên bức tường phía tây tòa nhà quốc hội ở Washington DC ngày 6.1.2021. Ảnh: AP
Nghịch lý là ở chỗ do dễ bị lừa phỉnh bởi các khẩu hiệu dân túy, họ thường bỏ phiếu cho chính những người thực hiện các chính sách mà, có những chính sách thậm chí có hại cho họ về mặt kinh tế. Đã có rất nhiều tài liệu nói về điều đó và không nhắc lại ở đây. Trên đây chỉ là một trong những lý do để hiểu các ‘fan cuồng’ đặc biệt của ông Trump, người có biệt tài tung ra những khẩu hiệu dân túy chinh phục khối cử tri này. Cũng nên biết rằng, mặc dù cũng xuất thân từ tầng lớp lao động và có trình độ học vấn thấp, những người da đen và các sắc dân tiểu số khác ít biểu hiện thái độ chính trị mạnh mẽ như những người da trắng nói trên. Điều này cũng đã được nhiều sách báo nói tới và nằm ngoài khuôn khổ của bài viết ngắn này.
Nếu nhìn trên bản đồ chính trị của nước Mỹ, những tiểu bang Dân Chủ được tô màu xanh, còn các tiểu bang Cộng Hòa có màu đỏ. Tuy vậy, cách thể hiện như vậy thực ra không hoàn toàn chính xác. Trên thực tế, đảng Dân Chủ thường nắm các thành phố lớn, các trung tâm kinh tế và công nghiệp lớn còn đảng Cộng Hòa thường nắm các vùng nông thôn, có dân cư thưa thớt. Theo số liệu chính thức tại thời điểm hiện nay (tháng 9.2024), trong 35 thành phố lớn nhất có dân số lớn trên 500 ngàn thì tỷ lệ các thị trưởng Dân Chủ/Cộng Hòa/ĐL là 28/4/3 (theo tỷ lề phần trăm là 80/11/9). Nếu chỉ xét 10 thành phố lớn nhất có dân số trên 1 triệu người thì tỷ lệ Dân Chủ/Cộng Hòa là 9/1.
Sở dĩ phải dẫn nhập dài dòng như vậy thì bạn đọc mới có thể hiểu được hiện tượng khá bất thường trong mùa bầu cử năm nay sẽ được trình bày sau đây. Vào giữa tháng 7 và đầu tháng 9, tôi có việc phải lái xe hai vòng xuyên qua các tiểu bang từ New York qua Pennsylvania đến Connecticut rồi đến Massachusetts. Một chặng đường dài hơn 700 km/một chiều, chủ yếu chạy xuyên qua các vùng nông thôn hẻo lánh của vùng Đông Bắc nước Mỹ.
Bản đồ kết quả bầu cử tổng thống năm 2020. Đỏ: bầu cho Trump, Xanh bầu cho Biden. Tỷ lệ bầu càng cao thì màu càng đậm. Nguồn: New York Times |
Ngoài tiểu bang Pennsylvania là tiểu bang tranh chấp với tỷ lệ cử tri bầu cho Dân Chủ và Cộng Hòa rất sít sao, các tiểu bang New York, Connecticut và Massachusetts được coi là tiểu bang xanh đậm (tỷ lệ bầu cho Dân Chủ rất cao). Tuy nhiên, như đã nói ở trên chỉ có các thành phố lớn mới có tỷ lệ bầu cho Dân Chủ cao còn các vùng hẻo lánh thì tỷ lệ bầu cho Cộng Hòa rất cao. Điều này có thể thấy rất rõ qua bản đồ kèm theo về kết quả bầu cử năm 2020 của tiểu bang New York, là tiểu bang có tỷ lệ bầu cho Dân Chủ cao nhất nhì nước Mỹ (được tô màu xanh). Dù mang tiếng là tiểu bang Dân Chủ nhưng trên thực tế chỉ có vài thành phố lớn của New York là bầu nhiều cho Dân Chủ, còn cả vùng rộng lớn của New York chủ yếu là vùng thôn quê hẻo lánh thì bầu cho Cộng Hòa với tỷ lệ hết sức cao.
Cũng chính ở các vùng dân cư hẻo lánh đó, vào mùa bầu cử tổng thống rất nhiều nhà dân treo cờ có hình và tên ông Trump và những người ủng hộ ông còn dựng cờ và biểu ngữ trên xe chạy rất tưng bừng. Nhiều tháng trong năm 2017, sau khi ông Trump thắng cử, không khí cờ quạt đó vẫn còn thấy rõ xung quanh khu vực tôi ở, là vùng nhỏ xíu màu xanh trong ô có đóng khung màu xanh ở hình bên. Sau khi ông Trump thất cử năm 2020, gần như cả năm 2021 tôi vẫn thấy xe cộ treo cờ và biểu ngữ ủng hộ ông chạy trên đường. Sang đến 2022 thì đã thấy họ treo cờ “Trump 2024”... Nghĩa là sự ủng hộ của các fan dành cho ông dường như không hề suy suyển dù biết bao biến cố đã xảy ra với ông trong thời gian đó.
Chính vì không lường đến sự ủng hộ cuồng nhiệt, đúng ra là cuồng tín này (người ta cho rằng ông Trump đã tạo ra một giáo phái (cult) mang tên ông) nên các mô hình thăm dò đã đưa ra các dự đoán số phiếu bầu cho ông Trump thấp hơn thực tế tỷ lệ trong cả hai mùa bầu cử 2016 và 2020. Sự sai lệch này có tính phổ biến xảy ra ở hầu hết mọi tiểu bang. Thường thì sai số khoảng 2-4 % có nơi lên đến 6-7%.
Ứng cử viên Tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ, Phó Tổng thống Kamala Harris phát biểu trong cuộc vận động tranh cử ở bang Michigan ngày 7.8.2024. Ảnh: Kyodo
Kết quả 2016 gây ra một cú sốc không chỉ với giới nghiên cứu chính trị ở Mỹ mà cả với các cơ quan thăm dò dư luận. Rút kinh nghiệm năm 2016, các mô hình thăm dò năm 2020 đã có nhiều điều chỉnh, trong đó chỉ số về sự nhiệt tình của các ủng hộ viên cho ứng cử viên được đề cao hơn trong các mô hình dự đoán. Thông thường, một tỷ lệ khá lớn các cử tri không đi bầu cử do không thực sự háo hức và nhiệt tình với các ứng cử viên. Chẳng hạn năm 2020 có khoảng 160 triệu cử tri bầu cho chức vụ Tổng thống, chiếm 66.8% tổng số cử tri có quyền bầu cử[5] và số phiếu bầu cho hai ông Biden/Trump là 81/74 triệu phiếu. Những con số này cũng có nghĩa là hơn 5 triệu cử tri không bầu cho cả hai ông Biden và Trump, đồng thời có đến hơn 33% (khoảng 79 triệu cử tri) không đi bầu, một con số còn lớn hơn số 74 triệu phiếu bầu cho ông Trump năm đó.
Tuy vậy, năm 2020 ông Trump đã thu tăng thêm gần 11 triệu so năm 2016. Việc số phiếu cho ông Trump tăng nhiều như vậy đã gây ra một cú choáng cho các cơ quan dự đoán mặc dù họ đã điều chỉnh mức độ ủng hộ nhiệt tình của cử tri đảng Cộng Hòa dành cho ông. Chính vì vậy, trong mùa bầu cử năm nay, các tổ chức dự đoán bầu cử đang tìm cách sửa sai mô hình của họ vốn đã đánh giá thấp mức độ ủng hộ của cử tri dành cho ông Trump trong hai mùa bầu cử 2016 và 2020.
Hầu hết các mô hình hiện nay đều nâng mức độ cuồng nhiệt của cử tri đảng Cộng Hòa dành cho ông Trump, ít nhất là bằng nhưng thường là cao hơn năm 2020. Điều đó đã được thể hiện trong các kết quả thăm dò được công bố gần đây, trong đó bà Kamala Harris dẫn ông Donald Trump rất sít sao, với tỷ lệ vào ngày 29.9.2024 là 49/46 % theo tờ New York Times lấy trung bình của nhiều cuộc khảo sát và thăm dò trên toàn quốc. Ở các tiểu bang tranh chấp thì tỷ lệ này thường chỉ trong mức 1-2% trong phạm vi của sai số vì vậy không ai dám chắc ai đang thực sự dẫn trước.
Cử tri bỏ phiếu sớm bầu Tổng thống Mỹ tại điểm bầu cử ở bang Nam Carolina ngày 16.10.2020. Ảnh: AFP
Tuy vậy, theo quan sát của tôi thì có lẽ các mô hình dự báo năm nay lại mắc một sai lầm khác, có thể gọi là “sai do sửa sai quá mức”. Quan sát thực tế trong hai chuyến lái xe mới đây xuyên qua các vùng có truyền thống ủng hộ ông Trump cuồng nhiệt, có thể nhận thấy rằng mức độ ủng này đã nguội lanh đi rất nhiều. Suốt cả hai chuyến lái xe ngày 14.7 và 2.9 chạy từ New York -> Pennsylvania -> Connecticut -> Massachusetts và sau đó chạy theo chiều ngược lại (700 km mỗi chiều), tôi không hề thấy một chiếc xe nào cắm cờ và biểu ngữ ủng hộ ông Trump. Vì quá ngạc nhiên, tôi phải nhờ bà xã ngồi bên cạnh quan sát thêm để tránh bỏ sót. Chỉ đến lần thứ hai (9.2.2024) khi trên đường về đến địa phận của tiểu bang New York thì tôi thấy duy nhất một cột cờ dựng cao có treo lá cờ Mỹ và cờ “Trump 2024”.
Cũng cần nói thêm là trên chặng đường đó, không thấy ai dán trên xe các biểu ngữ ủng hộ bà Harris. Điều đó cho thấy mức độ hào hứng của các cử tri cho cả hai ứng cử viên năm nay không cao như những năm trước, ít nhất là trong vùng mà tôi chạy xe qua nói trên. Việc bà Harris không được ủng hộ trong các vùng hẻo lánh nói trên có lẽ là điều có thể hiểu được. Nhưng việc các cử tri cuồng nhiệt nhất của đảng Cộng Hòa tỏ ra thờ ơ như vậy là một hiện tượng lạ mà tôi chưa từng thấy trong 6 mùa bầu cử trước. Chính vì vậy, tôi cho rằng mức độ ủng hộ của các cử tri Cộng hòa dành cho ông Trump đã nguội đi rất nhiều so với hai mùa bầu cử 2016 và 2020. Trong khi đó, các cơ quan thăm dò lại đang tìm cách điều chỉnh mức độ cuồng nhiệt cao hơn hai mùa bầu cử trước. Chính sự lệch pha đó sẽ dẫn đến một cú sốc nữa vào mùa bầu cử năm nay, khi kết quả bầu cử và dự đoán lại có khác biệt lớn.
Người dân theo dõi cuộc tranh luận trực tiếp đầu tiên giữa Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris (phải) và ứng cử viên đảng Cộng hòa, cựu Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Xinhua
Để xem nhận xét này của mình có cơ sở hay không, ngày 8.9 tôi lại lái xe vào một vùng trang trại cách nhà khoảng 40 km để hái táo. Đây là một trong những vùng có các fan cuồng nhiệt nhất của ông Trump năm 2020. Lại một lần nữa, trong suốt chặng đường tôi cũng không hề thấy bất cứ một chiếc xe nào treo cờ xí và dán biểu ngữ chạy tưng bừng như trước. Trước cửa rất nhiều nhà dân chỉ thấy dựng cờ nước Mỹ mà không có cờ của ông Trump như trước.
Trên đường về, chúng tôi chạy vào đường nhỏ hơn đi sâu vào khu dân cư và thấy tất cả có 2 nhà treo cờ của ông Trump. Nếu là năm 2020 có lẽ chúng tôi phải chứng kiến vài chục nhà treo cờ như vậy và rất nhiều xe cắm cờ ủng hộ ông Trump. Ngày chủ nhật 15.9.2024 chúng tôi lái xe đi Ithaca, thành phố tầm trung nhưng là nơi có đại học Cornell danh tiếng (vùng xanh lớn trong khung ở hình trên). Từ nhà tôi đến Ithaca khoảng 70 km và cũng đi qua một vùng nông thôn rộng lớn màu đỏ trong hình trên. Lần này cũng vậy, chúng tôi không thấy một nhà nào cắm cờ của ông Trump như trước, mặc dù cũng có nhiều nhà cắm cờ Mỹ. Đến gần Ithaca chúng tôi mới thấy một tấm biển ủng hộ bà Kamala Harris/Tim Walz. Tuyệt nhiên không hề thấy xe cộ cắm cờ và biêu ngữ ủng hộ cả hai ứng cử viên Dân Chủ và Cộng Hòa.
Cuối cùng, trong khu vực tôi ở, dù được tô màu xanh nhạt (Dân Chủ) nhưng thực ra cũng rất nhiều fan của ông Trump. Mùa bầu cử năm 2020, đối diện với nhà tôi có một gia đình treo cờ “Trump” và cách khoảng vài block đường là một khu dân cư mà hầu hết mọi nhà đều treo cờ Mỹ vào mùa bầu cử và có đến hơn một nửa các nhà có treo cờ có tên Trump. Năm nay, cho đến hôm nay (29.9.2020) nhà hàng xóm này và cả khu dân cư nói trên không một nhà nào có cờ Trump. Lạ hơn nữa, có một nhà lại trưng biển ủng hộ Harris/Walz.
Tất cả những quan sát này dù chỉ là của riêng cá nhân người viết, nhưng đó dường như là các chỉ dấu quan trọng cho thấy mức độ ủng hộ của các fan dành cho ông Trump năm nay đã nguội đi rất nhiều nhưng lại gần như bị bỏ qua của các mô hình dự đoán. Cần lưu ý rằng chỉ cần vài phần trăm cử tri mất hết hào hứng đi bầu, hơn nữa đó lại là các cử tri cuồng nhiệt nhất, có thể làm ảnh hưởng to lớn không chỉ đối với nước Mỹ mà với cả thế giới.
Nguyễn Trung Dân
_______________________
* Tác giả là người nghiên cứu khoa học có trên 25 năm làm việc ở Mỹ. Xem thêm thông tin về tác giả ở đây.
1. https://www.pewresearch.org/politics/2020/06/02/in-changing-u-s-electorate-race-and-education-remain-stark-dividing-lines/
2. https://en.wikipedia.org/wiki/Let%27s_Go_Brandon
3. https://www.npr.org/2021/10/30/1050782613/why-the-lets-go-brandon-chant-turned-meme-can-be-heard-on-the-floor-of-congress
4. https://ballotpedia.org/Party_affiliation_of_the_mayors_of_the_100_largest_cities
5. https://www.census.gov/newsroom/press-releases/2021/2020-presidential-election-voting-and-registration-tables-now-available.html