Bolero ngày mưa
Sau những ngày nóng rực Đồng Tâm
Trời nghiêng xuống cơn mưa chiều êm ả
Qua cửa kính gió mưa chừng sến quá
Xui lòng chùng theo điệu Bolero.
Ừ, thả lỏng buông lơi, lên gân làm chi
Đi giữa phố nghe "Mưa rừng" nức nở
Ra ngoại ô với "căn nhà tranh" nhỏ
Đồng ruộng bùn lầy ta gặp lại ta xưa...
Dìu nhau vào Bolero ngày mưa!
Bài thơ trên (mà câu thơ đầu cho ta hiểu là được sáng tác vào năm 2020), trích từ tập thơ mỏng Ru lá vào đêm của một người quê quán Nghi Xuân, Hà Tĩnh. Quê Nghi Xuân, nhưng tác giả - anh Nguyễn Minh Thuận, mà tôi quen biết tình cờ qua một người bạn trong một chuyến thăm Buôn Ma Thuột - làm bài thơ này không phải ở quê cũ mà ở quê hương thứ hai của anh, Buôn Ma Thuột - Đắk Lắk.
Nguyễn Minh Thuận sinh năm 1962 tại Nghi Xuân, Hà Tĩnh; trọn đời chức nghiệp tại Sở Tư pháp tỉnh Đắk Lắk (Ảnh trích từ tập thơ Ru lá vào đêm)
Những biến động của lịch sử, xô đẩy của cuộc sống đã đưa đẩy anh trở thành một người di cư, như anh tự nhận, sau 30.4.1975 - ngày hòa bình lập lại, đất nước thống nhất, khi anh mới ở tuổi 13. Như anh thổ lộ rất thật trong bài Di cư để an ủi vợ, cũng là một người di cư trước cả anh, ví hai người như “hai ngọn gió lang thang miền đất đỏ/ hòa vào nhau, ôi cát bụi tuyệt vời”, rằng họ rời quê cũ di cư là để “tìm kế sinh nhai, tìm miền đất sống/ Chí lớn không hề, cũng không ảo vọng/ May còn có miền dung dân di cư”. Chỉ là đi tìm miền đất sống cho mình, không mảy may có ý định dựa vào cái gì đó, vào bên nào đó để đi lên.
Di cư
An ủi mụ Hiền
Ta đã di cư từ Trung vô Nam
Lại gặp một người di cư trước nữa
Hai ngọn gió lang thang miền đất đỏ
Hòa vào nhau, "ôi cát bụi tuyệt vời"*
"Cát bụi phận này" (*) di cư cả thôi
Tìm kế sinh nhai, tìm miền đất sống
Chí lớn không hề, cũng không ảo vọng
May còn có miền dung dân di cư!
Ban Mê, 23.11.2021
(*) Lời bài hát Cát bụi - Trịnh Công Sơn
Hẳn là, chính với tâm thế biết ơn “miền đất dung dân di cư” đó mà anh đã sáng tác được bài Bolero ngày mưa rất thật và chân tình đến vậy.
Nói “câu chuyện 30.4 xảy ra không phải trong ngày 30.4”, như câu chuyện của anh Nguyễn Minh Thuận và vợ anh, là vì vậy. Trong câu chuyện 30.4 xảy ra không phải trong ngày 30.4 ấy có cả câu chuyện vợ chồng anh đến với nhau nơi quê mới thật tình cờ, như được Chúa Trời sắp đặt, trong một mùa Giáng sinh. Đó là câu chuyện tình mà anh kể lại qua bài thơ thật hay, đẹp và xúc động.
Tặng em mùa Giáng sinh
Tặng vợ Hiền
Hãy cúi xuống mặt đất
Thấm nỗi đau nhân tình
Đọc thêm vài trang sách
Hiểu hơn kiếp nhân sinh.
Này những kẻ bẻm mép
Dừng lại một phút thôi
Xem những lời nhạt hoét
Ích gì không cho đời.
Đừng mải mê danh lợi
Chức tước chỉ phù vân
Sống sao đừng để lại
Vết nhơ trong cõi trần.
Đọc “Này những kẻ bẻm mép / Dừng lại một phút thôi / Xem những lời nhạt hoét / Ích gì không cho đời”, tưởng như tác giả mới hạ bút viết những dòng này hôm qua hôm kia đây, trong khi anh đã từ giã cuộc đời từ năm 2023 khi mới ngoài 60 tuổi.
Sau ngày 30.4 năm ấy, không biết đã có bao nhiêu những cuộc đời như Nguyễn Minh Thuận và vợ anh, những người mà cuộc sống, số phận đẩy đưa đến những vùng đất mới, trên cùng mảnh đất quê hương Việt Nam. Ở đó họ cùng với người dân tại chỗ và những người đến trước hình thành nên những cộng đồng dân cư, cộng đồng kinh tế, cộng đồng văn hóa mới, làm phong phú thêm cái dệt nên xã hội Việt Nam.
Và đó là những “câu chuyện 30.4 xảy ra không phải trong ngày 30.4” mà xảy ra âm thầm trong nhiều tháng năm sau đó, trong không khí ít có “thanh âm và cuồng nộ” mà thanh âm và màu sắc là của cuộc sống bình thường, của những con người bình thường.
Lịch sử Việt Nam từng chứng kiến nhiều đợt di cư như vậy, từ nhiều thế kỷ trước.
Đoàn Khắc Xuyên