Cuộc trùng phùng của phong cách điêu khắc hai miền Nam - Bắc
Triển lãm điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn năm 2024 là sân chơi để các nghệ sĩ điêu khắc, đặc biệt là các nghệ sĩ trẻ thổ lộ những suy nghĩ, cảm xúc của mình bằng ngôn ngữ nghệ thuật. Trở lại với năm nay, triển lãm quy tụ được gần 100 tác phẩm với sự đa dạng trong chất liệu, kích thước, ngôn ngữ biểu đạt.
Đánh giá về chất lượng các tác phẩm tham dự triển lãm, họa sĩ Thái Nhật Minh, giảng viên Trường Khoa học Liên ngành và Nghệ thuật (Đại học Quốc gia Hà Nội), cho biết triển lãm có rất nhiều tác phẩm nổi trội. Có tác phẩm cao hơn 3m, có tác phẩm nặng tới hơn 200kg, và cũng có những sắp đặt với kích thước 8x3m. Có thể nói, những tinh hoa nghệ thuật mà các điêu khắc gia từ Bắc chí Nam đem đến mang tầm vóc vượt qua triển lãm nhóm thông thường.
Triển lãm điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn, sự kiện hấp dẫn cho giới điêu khắc trong năm nay.
Để ngôn ngữ thể hiện của triển lãm thêm phần đa dạng, theo nghệ sĩ Thái Nhật Minh, sẽ đến từ quan điểm nghệ thuật tương đối khác nhau của các nghệ sĩ từ hai miền Nam – Bắc. Điều này phụ thuộc vào vị trí địa lý, văn hóa, tập quán sinh hoạt của từng vùng miền cũng có những đặc trưng riêng. Các tác phẩm của tác giả miền Bắc có vẻ thâm trầm hơn, êm đềm hơn. Câu chuyện họ kể cho khán giả nghe thường có phần nhẹ nhàng, ý nhị, tình tứ hơn. Còn các các giả phía Nam lại được bộc bạch tự do, phóng khoáng, có phần khuếch trương và xen chút hài hước, hóm hỉnh. Dẫu vậy, cả hai phong cách đó lại tương đối bổ trợ cho nhau.
Rất nhiều bạn trẻ đến tham quan trong những ngày đầu triển lãm.
Được biết, Hà Nội - Sài Gòn xuất phát điểm là nhóm nghệ sĩ có nhu cầu chia sẻ những câu chuyện sáng tác, nghệ thuật của riêng mình, được thành lập từ năm 2010. Những hoạt động của nhóm tạo nên sự sôi động trong sinh hoạt điêu khắc ở Việt Nam. Đồng thời, tạo nên sự thúc đẩy, cầu nối cho các tác giả trẻ tiến xa hơn trong nghề nghiệp của mình. Nổi bật trong các hoạt động là triển lãm định kỳ hai năm một lần của nhóm.
Triển lãm điêu khắc Hà Nội – Sài Gòn năm 2024 sẽ diễn ra từ 3.8.2024 tới hết 3.9.2024 tại Trung tâm nghệ thuật đương đại Vincom - VCCA (tầng B1-R3, Royal City 72A Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội).
Triển lãm cũng là dịp để nhiều sinh viên ngành Mỹ thuật tới học hỏi từ các tiền bối.
Đời sống của điêu khắc đương đại
Quay trở lại trong năm 2024, đan xen với sự kiện triển lãm, tọa đàm Bên ngoài xưởng nghệ sĩ: Đời sống của điêu khắc đương đại được tổ chức vào ngày 4.8 vừa qua, với mong muốn đem đến những cái nhìn đa chiều hơn cho người xem về hành trình sáng tác của các điêu khắc gia.
Không phải từ thời kỳ mỹ thuật Đông Dương mới xuất hiện điêu khắc ngoài trời, nhà nghiên cứu Vũ Huy Thông cho hay. Theo ông, điêu khắc trong đời sống là một dòng chảy liền mạch. Từ trong lịch sử, những hoa văn chạm trổ trên các ngôi đình làng là minh chứng rõ nét cho điêu khắc trong đời sống dân gian. Song, ông lại cho rằng, phải đến thời kỳ Đông Dương mới là thời điểm rực rỡ của điêu khắc ngoài trời. Ở các đô thị lớn như Hà Nội, Nam Định, Hải Phòng, Sài Gòn xuất hiện rất nhiều công trình tượng đài ngoài trời hết sức quy mô.
Tiêu biểu phải kể tới bức tượng Nữ thần Tự do ở Hà Nội, giống với phiên bản ở Paris (Pháp), mà người dân Việt Nam bấy giờ thường gọi là Bà đầm xòe. Bức tượng này từng gây tranh cãi, thậm chí tốn rất nhiều giấy mực của báo chí đương thời, về việc đặt nó ở đâu. Đã có thời điểm nó được đặt trên đỉnh Tháp Rùa trên Hồ Gươm. Tuy nhiên, do biến động lịch sử, đến nay còn giữ lại được rất ít.
Tọa đàm Bên ngoài xưởng nghệ sĩ - Đời sống của điêu khắc đương đại với sự tham gia của những cái tên nổi tiếng trong giới mỹ thuật (từ trái sang): Phạm Đình Tiến, Đỗ Tường Linh, Vũ Huy Thông, Đào Châu Hải, Hoàng Minh Tuệ, Thái Nhật Minh.
Rõ ràng, dù nhu cầu sử dụng điêu khắc ngoài trời dưới công năng nào đi chăng nữa, chúng cũng đều có chức năng tiêu biểu là có tính đại diện cho lực lượng, thể chế cầm quyền ở thời điểm đó. Như với điêu khắc đình làng xuất hiện hình tượng rồng – đại diện cho quyền lực nhà vua của một nước phong kiến. Còn sang thời Pháp thuộc, những pho tượng hiện đại lại mang dấu ấn sự cai trị của người Pháp.
Nhà nghiên cứu Vũ Huy Thông chỉ ra: “Điêu khắc ngoài trời là không thể thiếu cho các công trình, nhằm làm tổ điểm thêm cho cảnh quan kiến trúc”. Tuy nhiên, ông vẫn luôn trăn trở và mong mỏi sẽ có nhiều không gian hơn tạo điều kiện cho thực hành điêu khắc ngoài trời. Ông chỉ ra, có những tác phẩm được trưng bày không được duy trì, bảo dưỡng thường xuyên, dẫn đến hư hại. Điều này vô tình lại làm xấu đi cảnh quan xung quanh.
May mắn thay, vẫn có những không gian tư nhân, như khu nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải quan tâm tới vấn đề này. Những không gian như vậy, khi bỏ ra số tiền lớn để mua tác phẩm, họ luôn muốn khai thác tối đa giá trị nghệ thuật của tác phẩm. Khi xác định được mục tiêu sử dụng rõ ràng, chất lượng các tác phẩm sẽ được quan tâm đúng mức hơn.
Người xem thấy được sự đa dạng trong phong cách tạo hình khi đến với triển lãm.
Ở một khía cạnh khác, KTS. Hoàng Minh Tuệ cho rằng: “Hội họa cần được xem xét như một yếu tố gắn liền với kiến trúc”. Hội họa, theo anh, là sự bổ trợ giúp nâng tầm cho không gian sống. KTS. Hoàng Minh Tuệ cũng đề xuất, trong các thiết kế, kiến trúc sư nên xem xét để đưa các tác phẩm điêu khắc vào không gian. Trên thực tế, không phải chủ đầu tư của các công trình nào cũng có suy nghĩ muốn đầu tư tác phẩm nghệ thuật ngay từ đầu. Bởi bản thân họ cũng phải đắn đo, băn khoăn cho những chi phí khác cho công trình như vật liệu xây dựng, vật liệu trang trí, ốp lát,… Và đôi khi, đề xuất với họ một tác phẩm nghệ thuật, bản thân họ vẫn còn lưỡng lự và chưa biết nó có giá trị như thế nào với công trinh của mình.
Trước đây, “ngành kiến trúc cũng vậy, khi chưa được nhìn nhận đúng vai trò, thì mức chi trả từ các chủ đầu tư chưa cao”, KTS. Hoàng Minh Tuệ chia sẻ. Bây giờ, nhìn thấy các nghệ sĩ vất vả hoàn thiện từng tác phẩm, có khi thực hành điêu khắc từ những chất liệu gây hại tới sức khỏe, anh cũng rất thấu hiểu và chia sẻ với những vất vả đó. Song, theo KTS. Hoàng Minh Tuệ, đôi khi người nghệ sĩ vẫn bất chấp thực hiện, nhằm thỏa mãn đam mê – đó là mục đích lớn nhất. Dù rằng họ biết, giá trị của các tác phẩm họ làm ra chưa được xã hội nhìn nhận đúng.
Họa sĩ Phạm Đình Tiến cũng đồng cảm và chia sẻ: “Nhiều khi tôi chưa cần biết tác phẩm điêu khắc có được công chúng dành lời khen hay không. Trước mắt, chỉ cần có không gian chấp nhận trưng bày những tác phẩm của mình là đã vui rồi”.
Những đề tài liên quan tới văn hóa truyền thống cũng được một số điêu khắc gia lựa chọn để thể hiện trong triển lãm lần này.
Để điêu khắc được nhìn nhận đúng vai trò hơn nữa, KTS. Hoàng Minh Tuệ đề xuất, cần giáo dục từ những bước cơ bản. Ví dụ như cho trẻ em tiếp xúc với nghệ thuật nói chung từ khi còn bé. Dĩ nhiên, sự tiếp xúc đó chỉ là trải nghiệm bước đầu, chứ chưa nói lên là truyền cho các em tình yêu với nghệ thuật. Các em có thể thích hay không thích tùy theo suy nghĩ của mình. Dần dần, sẽ hình thành trong tư duy các em khả năng nhận xét về nghệ thuật.
Với vai trò là kiến trúc sư, KTS. Hoàng Minh Tuệ cũng luôn tìm cách mở ra cho chủ đầu tư cái nhìn toàn cảnh một cách tự nhiên nhất. Anh cũng giới thiệu với chủ đầu tư một số tác phẩm nghệ thuật để tạo thành concept phù hợp với thiết kế kiến trúc họ lựa chọn. Tuy nhiên, để họ quyết định trưng bày tác phẩm nghệ thuật hay không, còn đến từ duyên, và quan trọng không kém là vấn đề tài chính.
Tất nhiên một công trình bản thân khi được cấu thành, không có tác phẩm nghệ thuật, thì nó vẫn tồn tại, vẫn mang giá trị riêng. Nhưng khi có sự hiện diện của một tác phẩm nghệ thuật, hai yếu tố kiến trúc và hội họa sẽ cộng hưởng với nhau, nâng tầm cho vẻ đẹp của cảnh quan.
Bài và ảnh: Đoan Túc