Ông Kimura ở trung tâm bảo trợ đã 11 năm nay và nhiều lần thất bại trong việc thuê nhà bên ngoài.
Ông Kimura là một trong số ngày càng nhiều người già cô đơn ở Nhật Bản bị các chủ nhà trọ quay lưng vì họ thiếu người bảo lãnh và bị coi là có nguy cơ không thanh toán được tiền nhà, thậm chí qua đời lúc nào cũng không ai biết.
“Tôi từng nghĩ mình chỉ ở tạm đây, nhưng chắc đây sẽ là ngôi nhà cuối cùng của tôi” – ông Kimura, 68 tuổi nói về căn phòng nhỏ trong trung tâm bảo trợ. Căn phòng được trang bị một chiếc tivi, lò vi sóng, nhà vệ sinh di động và giường chăm sóc.
Tháng 7.2018, một cuộc khảo sát của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi cho thấy, có 570 trung tâm bảo trợ như vậy trên khắp Nhật Bản. Ở đây, người già được ở miễn phí hoặc chỉ phải trả một mức giá rất rẻ.
45% người thuê nhà ở đây từ 65 tuổi trở lên. 60% sống ở đây từ 1 năm trở lên. Ông Kimura, người từng bị đột quỵ năm 56 tuổi và bị liệt bán thân, đã ở đây 11 năm.
Chưa từng kết hôn và bị người thân ghẻ lạnh, ông phải nghỉ công việc bảo vệ sau khi bị đột quỵ. Bị buộc phải rời khỏi khu nhà ở của công ty, ông sớm nhận được trợ cấp xã hội.
Seiji Kamamura, 40 tuổi, một nhân viên xã hội là người đã cố gắng giúp ông Kimura đi lại được sau khi ông bị bệnh viện trả về. Anh đã cùng ông Kimura đi thuê nhà không dưới 10 lần, nhưng đều bị từ chối.
Được cấp giấy chứng nhận khuyết tật, ông Kimura có cơ hội cao hơn những người khác để được chọn ở nhà công của thành phố. Nhưng tất cả đều từ chối ông. Điều này khiến ông rất đau lòng.
“Không có gia đình không phải là lỗi của ông ấy” – anh Kamamura nói về việc không thể tìm được nhà ở cho ông Kimura.
Những trung tâm bảo trợ như chỗ ông Kimura đang ở cũng tiềm ẩn những mối nguy hiểm. Hồi năm 2018, 11 người đã tử vong trong một vụ hỏa hoạn ở một cơ sở lưu trú ở Sapporo, nơi ở của những người già có hoàn cảnh khó khăn và khuyết tật.
Với sự gia tăng số lượng đơn xin trợ cấp trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng xấu đi do sự lây lan của COVID-19, một số địa phương đã ép người dân vào các cơ sở giá rẻ như một điều kiện để được nhận phúc lợi.
Hành động này giúp làm giảm gánh nặng nhân lực và chi phí cho các thành phố, nhưng nó lại vi phạm luật phúc lợi, trong đó quy định rằng không được buộc một người sống trong một cơ sở trái với ý muốn của họ.
Bộ Phúc lợi Nhật Bản cho rằng, việc đặt ra điều kiện để được nộp hồ sơ là sai.
Cơ quan này đã nâng bộ tiêu chuẩn cơ bản mà doanh nghiệp phải đáp ứng để được phép vận hành các cơ sở nhà ở giá rẻ. Bộ Phúc lợi cũng cho biết sẽ trợ cấp chi phí để cải tạo các phòng chung thành phòng riêng nhằm ngăn chặn sư lây lan của virus.
Theo một khảo sát được tiến hành bởi nhóm nghiên cứu của Bộ Phúc lợi, 65% cơ sở y tế yêu cầu bệnh nhân nhập viện phải có người bảo lãnh, và gần 30% cơ sở chăm sóc từ chối tiếp nhận những trường hợp không có bảo lãnh.
Một số tổ chức hoạt động với tư cách là tổ chức phi chính phủ đã vào cuộc với đề nghị trở thành đơn vị bảo lãnh cho những đối tượng này với một khoản phí.
Một trong những tổ chức này là LISS, có trụ sở tại Tokyo. Dịch vụ của LISS sẽ cung cấp nhân viên đi cùng người già tới bệnh viện, tới các cơ sở bảo trợ, thậm chí là trong cả trường hợp nhập viện khẩn cấp.
Họ cũng nhận tổ chức tang lễ, bao gồm việc thu thập hài cốt, hủy hợp đồng căn hộ và các hợp đồng chăm sóc sau khi khách hàng qua đời.
Chi phí cho dịch vụ này có thể lên tới 1 triệu yên (hơn 200 triệu đồng) chưa kể tiền đặt cọc. Tuy nhiên, LISS cho biết, những người lớn tuổi, độc thân và các cặp vợ chồng không có con cái trong độ tuổi 40 đã bắt đầu đăng ký dịch vụ của họ.
Số người già, cô đơn từ 65 tuổi trở lên ở Nhật Bản đang tăng lên nhanh chóng, ước tính đạt gần 9 triệu người vào năm 2040.
Junko Ezaki – một công chứng viên chuyên hỗ trợ người già cho rằng, “điều quan trọng là nội dung hợp đồng phải được xem xét kỹ trước khi ký”. Anh cũng cho rằng chính phủ cần xây dựng một khung chuẩn dành cho các đơn vị kinh doanh ngành dịch vụ này.
Đăng Dương (Theo Japan Times)