Những người mê thuyền buồm và cuộc hội ngộ đặc biệt tại Ana Nha Trang

 11:40 | Chủ nhật, 19/06/2022  0
Có ai đó kêu lên: “Gió lên rồi, căng buồm thôi!”. Từ sớm chủ nhật 29.5, tại bến thuyền Ana Nha Trang, những người mê thuyền buồm cà phê, vui chơi chờ gió Tây Nam đang mạnh dần lên!

Như hàng nghìn năm nay, những người đi buồm đều mong gió nổi lên, mạnh lên để đưa cánh buồm ra khơi, đánh bắt hoặc đi tìm vùng đất mới! Còn hôm nay, những người yêu gió, yêu buồm của cả nước tập hợp tại đây, để giao lưu chứ không phải là một cuộc đua tài trên biển.

Bởi, những cuộc đua thuyền buồm phải tuân theo luật lệ chặt chẽ. Những thuyền tham gia cuộc đua phải cùng kiểu dáng đã được Liên đoàn Buồm Quốc tế ISAF duyệt, bãi đua phải bố trí đúng cách. Còn trong giao lưu hôm nay, có đủ cả các loại thuyền. Ví như, ngoài những thuyền “hàng hiệu” như chiếc ba thân Corsair lừng danh quốc tế có trụ sở tại Quận 7 TP.HCM, hay hai chiếc 28 R, hai chiếc Opt nhỏ nhắn thuộc loại đã được ISAF duyệt. Ngoài ra còn có bốn chiếc 11 cũng do xưởng Pháp Y tại Thượng Hải sản xuất, hay chiếc ba thân do anh Trần Trung Nghĩa cùng với chiếc cruise bỏ túi của anh Đỗ Nguyên Ái “vừa mới ra lò”, chưa hoàn thiện nội thất.

Gọi là thuyền 28 hay 11 là cách gọi quen thuộc của dân chơi thuyền, tính theo chiều dài, vì như thuyền 28 dài 28 feet tức là 8,55 mét còn thuyền 11 dài 11 feet tức 3,5 mét. Nếu chiếc ba thân Corsair giương 40m2 buồm, cả buồm mũi 19m2  cộng với 25m2 của thuyền 28 là 44m2 thì chiếc 11 chỉ có một buồm 5m2 và “chàng tí hon” Opti chỉ có 3m2 buồm. Dù to nhỏ khác nhau, cái “máy” - tức bộ buồm khác nhau, tất cả cùng nhổ neo lên đường, hướng thẳng trung tâm Nha Trang, tức bãi biển cạnh quảng trường có mô hình tháp Chàm nổi tiếng!

Đi đầu là chiếc ba thân Corsair với dây cờ hàng hải chăng suốt dọc thuyền từ mũi tới lái (dân biển gọi là chăng cờ đầy - full flags). Chiếc tàu đi đầu này trông như một “soái hạm”, tức con tàu chỉ huy trong một biên đội chiến hạm gồm một đội ngũ thuyền viên khá đa dạng. Chúng ta có thể bắt gặp nguyên thuyền trưởng tàu buồm Lê Quý Đôn, người đã cùng đội ngũ Ba Lan đưa con thuyền hơn nghìn m2 buồm về nước, đang kéo dây cùng với tiến sĩ đóng tàu của Đại học Nha Trang, lần đầu tiên tiếp cận với thuyền buồm. 

Một nhà báo nữ gần 80 tuổi xăng xái trên thuyền cùng với các cô gái trẻ vừa du học nước ngoài về, qua một lớp lặn có bằng quốc tế Paddi tại Hội An và đăng ký ngay chuyến đi thuyền buồm hôm nay. Tài công - tức thuyền trưởng con thuyền này (skipper tiếng Anh, không nên dùng captain, nhầm lẫn với thuyền trưởng tàu lớn) Trần Đăng Hải là một huấn luyện viên kỳ cựu của bến Ana, vui vẻ chỉ dẫn cho anh chị em những chi tiết của thuyền buồm, chiếc thuyền đã ra đời từ bàn tay và khối óc của những người thợ đường Gò Ô Môi quận 7, Sài Gòn.

Tiếp theo chiếc ba thân là hai chiếc 28 mà từ xa ta dễ dàng nhận ra hai cánh buồm màu xám, màu đặc trưng cho dòng thuyền này. Có lẽ công ty Pháp Y (đọc theo âm Hán Việt, còn tên tiếng Anh cùa nó là Far East tức là Viễn Đông) tại Thượng Hải muốn quảng cáo, một số chi tiết thuyền làm bằng sợi carbon, thuyền được chế tạo công phu, với sự đóng góp của nhà thiết kế Simonis Voogd tên tuổi quốc tế và các thiết bị đều của Âu Mỹ: cột buồm nhôm Thụy Điển, tời và buồm của các hãng Mỹ.

Chỉ huy một chiếc 28 là anh Steve, đến từ Úc. Cũng như nhiều dân Aussie (tên gọi thân mật  người Úc) khác, Steve chơi buồm từ nhỏ và anh cũng là người vẽ kiểu nhiều du thuyền. Hình như Warrams, người thiết kế yacht nổi tiếng thế giới có nói: Những kiểu thuyền tốt nhất thường là do những người chơi thuyền vẽ nên! Steve nhắc lại câu nói đó, và cười rất to.

Anh chỉ lưu lại Việt Nam, rồi lại phải quay về Úc. Thuyền viên trên chiếc thuyền này có Tạ Minh Hiệu từ xưởng Sông Lô chuyên sản xuất du thuyền tại Nha Trang. Có lẽ Hiệu là người thứ hai sau Trần Trung Nghĩa học hàm thụ thiết kế yacht từ nước Mỹ: vào những năm 70. Nghĩa học bằng cách gửi thư còn nay Hiệu học online. Say sưa với cuộc chơi thuyền, Quốc Hòa tóc xoăn đưa ra nhiều trò vui nhộn.

Trên chiếc 28 thứ hai lúc này đã giữa cuộc hành trình, ta thấy thuyền viên Kim Sanh Virani ngồi sau đuôi thuyền, thả hai chân khua nước. Những thuyền viên nữ là người không kém phần hăng hái trong chuyến đi. Lúc này trên chiếc ba thân Corsair, Hạnh Dung trong bộ quần áo tắm trình diễn thời trang. Tay nhiếp ảnh Trung Đào, một tay chơi thuyền buồm từ Đà Nẵng đã nhanh chóng chộp được những bức hình của “Miss” trong chuyến giao lưu.

Dù vui vẻ thế nào, an toàn vẫn được đưa lên hàng đầu của chuyến đi. Tài công của chiếc 28 thứ hai là Lương Văn Thân, người chịu trách nhiệm giúp giám đốc Bảo Hiếu tổ chức toàn bộ cuộc giao lưu này luôn lo lắn , quan sát, nhắc nhở 

Hai chiếc Hobie Cat dễ nhận ra với cánh buồm mũi màu xanh còn buồm chính là những mảng màu lam, đỏ vàng nằm ngang, tổng cộng 20m2 buồm. Tài công trên một chiếc Cat là nhà giáo Karine. Xuất thân từ La Rochelle, thủ đô buồm ven Đại Tây Dương của nước Pháp, là giáo viên ngôn ngữ nhiều năm tại Quảng Châu, sau đó là Hà Nội, Karine không từ bỏ những cánh buồm, tình yêu muôn thuở của mình.

Chị đã gửi chiếc ba thân tại Câu lạc bộ Tuần Châu Quảng Ninh để thỉnh thoảng xuống Hạ Long, đắm mình trong biển cả vùng Đông Bắc và chiếc thuyền đó cũng đã góp phần đào tạo, nâng cấp nhiều người mê buồm. Hôm nay, Karine bay vào chơi cùng mọi người và buổi chiều vội quay ra Hà Nội, không kịp dự gala tối.

Chiếc ba thân khác sặc sỡ những cánh buồm, đã được nhóm Nguyễn Quyết Chiến thuê lại từ Trần Trung Nghĩa và tổ chức hẳn một chiếc xe tải vận chuyền Sài Gòn - Nha Trang cùng với một nhóm 9 người. Các anh chị đã trình diễn con thuyền trên biển. Chiếc 3 thân dài 17 feet được anh Nghĩa chế tạo và sử dụng từ 7 năm nay. Cánh buồm chính in logo của công ty mà nhóm các anh chị đang xây dựng. Việc in logo và quảng cáo trên cánh buồm là chuyện thường làm trong các cuộc đua buồm. Ta biết rằng chiếc đồng hồ Rolex đẳng cấp thường tài trợ những cuộc đua toàn cầu tranh giải America Cup hay cuộc đua vòng quanh thế giới. Hy vọng rằng trong tương lai, các doanh nghiệp sẽ lưu tâm đưa logo của mình lên những cánh buồm Việt.

Bốn chiếc thuyền 11 (dài 11 feet tức 3.5 mét) có dáng hao hao những chiếc laser đúng cấp đua quốc tế. Nhắc tới thuyền laser, ta không thể quên sự kiện, lần đầu tiên hải quân Việt Nam thi đấu môn này trong cuộc đua hải quân quốc tế tại Ấn Độ và giành được giải ba. Người có công đóng góp cho sự kiện này là Châu Hùng, một người say mê thuyền buồm, đã đào tạo và huấn luyện anh em tận tình. Và nay, Châu Hùng cắm chốt tại Phú Quốc, chuẩn bị cho cuộc đua buồm tại Hà Tiên vào những tháng cuối năm nay.

Trong số bốn tài công của thuyền 11 có Lê Nguyễn Minh Quân, người đã từng bỏ công sức ra xây dựng một trung tâm huấn luyện thuyền Opti tại vùng Hồ Tràm Bà Rịa Vũng Tàu. Quân đã có một đám cưới độc đáo: đón dâu trên biển và người chúc mừng anh trên bãi biển là kỹ sư Lưu, người kỹ sư cùng với con thuyền hai thân Veronica do anh bỏ tiền ra chế tạo theo bản vẽ nước ngoài. Kỹ sư Lưu đã mất vì trọng bệnh nhưng tên tuổi của anh ghi mãi trong ký ức của đội thuyền Vũng Tàu tham dự giao lưu ngày hôm nay với những tay buồm như Thủy Cung, Trần  Nhung…  

Và cuối cùng là ba chiếc thuyền tí hon Opti dùng cho một người, tên viết tắt của chữ Optimist, có nghĩa là người lạc quan. Không lạc quan yêu đời sao được khi con thuyền chỉ dài 2.3 mét , căng hơn 3m2 buồm nhưng là công cụ rèn luyện bài bản cho ai muốn chơi thuyền buồm, một thú vui như người ta thường nói: Sailing là môn chơi cho trẻ lên 8 tới ông lão 80.

Chẳng thể mà gia đình anh Bùi Tuấn hôm nay đăng ký hai chiếc: một chiếc cho anh và một chiếc cho cô con gái Minh Hân. Còn chiếc thứ ba giành cho Châu Hùng, người đang xây dựng phong trào buồm tại Hà Tiên Phú Quốc. Vừa tốt nghiệp đại học tại Nhật Bản, Minh Hân muốn giành một năm để du lịch, rèn luyện nghề biển với lặn scuba, chơi buồm diều. Trải qua hai tháng tại trường thuyền buồm Manta Mũi Né, Hân đã điều khiển con thuyền bài bản, khiến bà giáo Julia dù không có mặt để tham dự, chỉ quan sát qua một số clip video, đã tỏ lời khen ngợi.

Opti là một thuyền đua quốc tế, nhưng nước ta chưa tham dự, trong khi đó các nước láng giềng cũng đã giành được những giải vẻ vang. Đội Trung Quốc cố gắng trong nhiều cuộc thi, tới năm 2004, cậu Wei Ni 13 tuổi từ Thượng Hải đã giành được huy chương vàng tại đấu trường Salinas Ecuador còn Loh Jia Yi của Singapore giành giải vàng tại Riva del Garda nước Ý năm 2013.

Những người mê thuyền buồm.

Buồm không chỉ để ganh đua hay quảng cáo mà còn là thú vui nhộn của mọi lứa tuổi. Trên chiếc cruise tí hon vừa đóng xong tại Đà Nẵng, trong lúc Đỗ Nguyên Ái đưa thuyền lướt  ngang gió (ngoài Bắc gọi là chạy cánh cào) thì cô bạn gái Ana May ăn mặc như một nữ hải tặc, giương ống nhòm nhìn về một đảo dấu vàng xa xa… trong tiếng loa phát đi từ góc thuyền bài hải tặc xứ Caribbean…

Trên các con thuyền khác, vui nhộn không kém. Khi đi sát bờ, mấy “nàng tiên cá” bơi vào bãi để mua bia giải khát. Trong dạ tiệc, Ana May biểu diễn, vung “cây đao của hải tặc” chém mở cái nút chai sâm banh. Còn tối ngày 29.5, sau dạ tiệc chính thức và phát tặng các biểu trưng kỷ niệm, các “hải tặc” lại lao vào các cuộc vui tới bến, nhậu nhẹt hát hò.

Buồm không chỉ mang lại niềm vui, mà còn đưa tới một trọng trách, một nhắc nhở. Không phải ngẫu nhiên mà ngay đầu buổi sáng, trước lúc xuất phát, đứng bên tượng cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, người đứng đầu bến thuyền Ana Đặng Bảo Hiếu đã trịnh trọng đọc lại hai câu thơ của cụ: “Biển Đông vạn dặm dang tay giữ/ Đất Việt muôn năm vững trị bình”.

Trong tòa nhà chính của cả khu phức hợp bến thuyền, Trạng Trình đứng đầu cùng với các “thánh tử vì đạo biển” của nhân loại như Magellan, James Cook… như nhắc nhở các con cháu phải có ý chí chinh phục biển, tinh thần biển (sea spirit)…  Tiền nhân đã khai phá, đem lại cho chúng ta một giang sơn gấm vóc có trên 3.000km đường biển tuyệt đẹp nhìn thẳng ra Thái Bình Dương sóng gió.  Thế hệ con cháu phải ra sức tiếp tục khai phá, phát triển. Một mai, trên Biển Đông, ngoài những giàn dầu khí cón dày đặc những cột chong chóng điện gió, những giàn nuôi trồng hải sản ngoài khơi trông lừng lững như những giàn khoan…Và không thể thiếu những bãi thuyền đầy ắp các cột buồm chọc thẳng lên trời.

Để khai phá biển cả, không thể thiếu những thế hệ dạn dày sóng gió, đam mê biển cả, qua những cánh buồm. Đó là nguồn cung cấp cho lực lượng dân quân biển, cho hải quân, biên phòng…

Bài và ảnh: Đỗ Thái Bình 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.