Điệu tango vui tươi và bài bolero buồn cuối năm
Bật tivi, mở trang báo những ngày này, người dân cảm thấy nức lòng vì những thành tựu kinh tế nổi bật. Số liệu chính thức cho thấy trong hai năm qua, tăng trưởng kinh tế đều đạt trên 7%.
Năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu vượt trên 500 tỷ USD, xuất siêu gần 10 tỷ USD, thu hút kiều hối trên 17 tỷ USD. Đầu tư nước ngoài và du lịch quốc tế tăng mạnh. Các chỉ tiêu về chất lượng và hiệu quả tăng trưởng đều có tiến bộ. Thu nhập bình quân đầu người gần 3.000 USD, trong khi lạm phát được kiểm soát dưới mức 3%. Đã lóe lên niềm hy vọng phục hồi chuỗi tăng trưởng cao bị đứt quãng từ năm 2008, bởi chỉ có tăng trưởng cao dài hạn thì kinh tế mới phát triển, và kinh tế phát triển là điều kiện để phát triển đất nước.
Tuy vậy, sự hồ hởi, náo nức đã bị lấn át bởi những vụ việc đau lòng, thậm chí phẫn nộ từ những vụ án đã và đang được xét xử. Những cán bộ giám sát thi cử thì tổ chức gian lận thi cử. Những lực lượng phòng chống cờ bạc thì tổ chức cờ bạc. Những quan chức lên đến “hàm thượng thư” nhưng lại bày kế tinh vi bòn rút công quỹ số lượng lớn để chia nhau.
Những dự án đội vốn, thua lỗ nhiều ngàn tỷ đồng chưa có người chịu trách nhiệm và chưa có giải pháp khắc phục. Bờ sông, bờ biển xói mòn vì hàng chục triệu tấn cát bị khai thác để xuất khẩu; rừng nguyên sinh, rừng bảo tồn, rừng phòng hộ bị tàn phá; các tòa nhà chọc trời, dinh thự nguy nga xây trái phép…, tất cả đều diễn ra bên cạnh các trụ sở chính quyền sở tại hay lực lượng chức năng.
Luật sư, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa.
Tăng trưởng cao, nhưng y tế và giáo dục vẫn là gánh nặng đối với người thu nhập thấp; người vùng sâu, miền núi. Những núi rác không qua xử lý cứ mọc lên ngày càng nhiều từ thành thị lan về nông thôn. Việt Nam đạt kỷ lục thế giới về ô nhiễm không khí ở hai đô thị lớn nhất; đứng thứ tư thế giới về thải rác nhựa ra biển; thứ ba châu Á về tiêu thụ rượu bia. Và những dòng người rời bỏ quê hương ra đi, trở thành những di dân bất hợp pháp, bị bóc lột sức lực hay tình dục và đôi khi chết thảm ở xứ người.
Nhiều câu hỏi đặt ra: vì sao tăng trưởng kinh tế cao, trên 5 - 6% trong hơn mười năm qua và trên 7% trong hai năm qua, xuất khẩu mỗi năm hàng trăm tỷ USD, vốn FDI giải ngân trong 30 năm hơn 160 tỷ USD, nhưng nước ta lại không thể trở thành quốc gia công nghiệp hóa như nghị quyết, không cải thiện bao nhiêu đời sống của đại đa số người lao động; không tiến bộ bao nhiêu về năng suất lao động, hiệu quả đầu tư công, hạ tầng giao thông, giáo dục, y tế, trật tự, an toàn xã hội, thậm chí lại phát sinh những biến thái về văn hóa và đạo đức?
GDP tăng cao không đồng nghĩa với đất nước phát triển
Năm 2008, Ủy ban Tăng trưởng và Phát triển của Ngân hàng Thế giới phát hành báo cáo “Chiến lược tăng trưởng bền vững và phát triển đồng bộ”. Báo cáo cho biết kể từ năm 1950, toàn thế giới chỉ có 13 nền kinh tế thành công trong việc đạt tăng trưởng hơn 7% suốt hơn 25 năm liền. Một lưu ý của báo cáo là Ấn Độ và Việt Nam có hy vọng lọt vào “top 13” này. Điều quan trọng, theo báo cáo, trong số 13 nền kinh tế ấy, chỉ có 6 nền kinh tế hoàn thành công nghiệp hóa là Nhật Bản, Hàn Quốc, Malta, Singapore, Hồng Kông và Đài Loan.
Có 5 đặc điểm chung của 13 nền kinh tế thành công mà báo cáo đã đúc kết rất đáng cho Việt Nam suy ngẫm. Một là biết mở cửa để vừa học tập, vừa khai thác nhu cầu thị trường thế giới. Hai là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp và có nền tài chính công bền vững. Ba là phân bổ nguồn lực theo thị trường, để thị trường điều tiết nguồn lực. Bốn là có đội ngũ lãnh đạo và bộ máy hành chính có năng lực, đáng tin cậy và được tin cậy, có quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng đồng bộ và lâu dài.
Bài học cuối cùng là có chiến lược “phát triển hướng về tương lai”, cụ thể là khuyến khích tiết kiệm tiêu dùng và tiết kiệm tài nguyên, bảo đảm lợi ích đầu tư dài hạn của người dân và doanh nghiệp, ưu tiên nguồn lực đầu tư công cho xây dựng hạ tầng, không để lại cho con cháu một đất nước nợ nần và tài nguyên kiệt quệ.
Từ những bài học trên, rõ ràng muốn kinh tế phát triển thì phải có tăng trưởng cao từ 7% trở lên trong hai đến ba thập niên. Tuy nhiên, không phải cứ tăng trưởng cao thì đất nước phát triển và con người hạnh phúc. Để trở thành một quốc gia phát triển, tăng trưởng cao là điều kiện cần nhưng không đủ. Hơn mười năm trôi qua kể từ bản báo cáo được công bố, trong danh sách top 13 ấy đã có thêm những quốc gia công nghiệp hóa như Trung Quốc, Malaysia, Brazil, Thái Lan, Indonesia. Riêng Việt Nam vẫn tiếp tục nằm danh sách dự bị!
GDP: Một thước đo lỗi thời?
Từ thực trạng tăng trưởng kinh tế với những hệ lụy và tác hại của nó trong hơn nửa thế kỷ qua, các chuyên gia kinh tế hàng đầu thế giới đã chỉ ra sự lệch chuẩn và khiếm khuyết của “thước đo GDP”. Một là đầu vào, cơ cấu, chất lượng và hiệu quả của GDP mới là thước đo đầy đủ và thực chất của tăng trưởng.
Hai là tăng trưởng có những cái giá phải trả mà GDP không đo được hoặc đo không chính xác. Cái giá này có thể là trực tiếp, ngắn hạn, hữu hình, nhưng cũng có thể gián tiếp, dài hạn và tiềm ẩn; như tổn thất môi trường, cảnh quan, di sản; các suy thoái và thương tổn về văn hóa, đạo đức và sức khỏe tinh thần của xã hội.
Ba là để tăng trưởng bền vững và kinh tế phát triển, không chỉ tốc độ mà cả mô thức tăng trưởng cũng là một yếu tố quyết định. Nếu một quốc gia không xác định đúng và kiên quyết thực hiện kỳ được mô thức tăng trưởng phù hợp thì đích đến sẽ là một nền kinh tế mắc kẹt trong “bẫy thu nhập trung bình”, bị đè nặng bởi công nợ, cạn kiệt tài nguyên, môi trường bị hủy hoại, xã hội chia rẽ, thậm chí rối loạn bởi khoảng cách giàu nghèo và những vấn nạn xã hội sâu sắc.
Nếu ít sai lầm, khuyết điểm hơn trong lãnh đạo và quản lý nhà nước, nếu ít tham nhũng và suy thoái hơn trong đội ngũ công bộc thì đất nước chắc chắn sẽ phát triển nhanh hơn và cao hơn.
Joseph Stiglitz, nhà kinh tế học Hoa Kỳ đã chỉ ra: những thành tựu của tăng trưởng trong nhiều thập kỷ qua đã đem lại rất ít cho đại đa số công dân trong xã hội. Phúc lợi đã được đo đạc bằng những chỉ số thuần túy thị trường, do đó không phản ánh được hạnh phúc thực sự của con người. Thượng nghị sĩ Robert Kennedy thì cho rằng “GDP có thể đo đạc tất cả, nhưng không chỉ ra được những gì cần thiết để làm cho cuộc sống trở nên đáng sống” (Xem: Is it time to abandon GDP? - Edoardo Campanella, 11.2016; Rethinking GDP - Diane Coyle, 3.2017).
Rõ ràng, GDP đã không còn là thước đo tăng trưởng phù hợp để định hướng phát triển tốt cho một quốc gia, vì nó chỉ chú trọng vào “nhiều hơn” chứ không phải “tốt hơn”, vào “tạo ra thu nhập” chứ không phản ánh “phân phối thu nhập”, vào những gì được thị trường định giá chứ không quan tâm những giá trị và hoạt động phi thị trường.
Phát triển bền vững: Nghĩa vụ pháp lý của thành viên Liên Hiệp Quốc
Để giúp các quốc gia sửa chữa sai lầm, chệch hướng trong tăng trưởng kinh tế, từ những năm 80 thế kỷ trước, Liên Hiệp Quốc đã đề xuất một chương trình hành động rộng lớn và toàn diện có tên gọi: phát triển bền vững.
Năm 1987, Ủy ban Môi trường và Phát triển Thế giới (World Commission on Environment and Development - WCED) của Liên Hiệp Quốc xuất bản báo cáo “Tương lai của chúng ta” (tiếng Anh: Our Common Futur, tiếng Pháp: Notre avenir à tous), lần đầu tiên công bố thuật ngữ “phát triển bền vững”. Theo đó, phát triển bền vững là “sự phát triển đáp ứng được những nhu cầu hiện tại mà không ảnh hưởng, tổn hại đến những khả năng đáp ứng nhu cầu của các thế hệ tương lai”.
Cụ thể hơn, phát triển bền vững phải bảo đảm có sự phát triển kinh tế hiệu quả, xã hội công bằng và môi trường được bảo vệ. Để đạt được điều này, tất cả các thành phần kinh tế, nhà cầm quyền, các tổ chức xã hội... phải bắt tay nhau thực hiện. Mục tiêu của phát triển bền vững là đạt được sự đầy đủ về vật chất, giàu có về tinh thần và văn hóa; sự bình đẳng của các công dân và sự đồng thuận của xã hội, sự hài hòa giữa con người và tự nhiên.
Từ mục tiêu lớn đó, phát triển bền vững đã được Liên Hiệp Quốc lượng hóa và nghị trình hóa bằng những cam kết cụ thể, có thể giám sát được bởi cộng đồng quốc tế và nhân dân ở mỗi nước thành viên, thể hiện trong 17 mục tiêu phát triển bền vững với 169 chỉ tiêu cụ thể phải hoàn thành vào năm 2030 mà Việt Nam là một trong 193 thành viên đã biểu quyết thông qua ngày 25.9.2015 (xem box).
Phát triển bền vững là sự nghiệp của dân, do dân, vì dân
Chương trình nghị sự 2030 như đã đề cập nhằm giúp các quốc gia thoát “bẫy thu nhập trung bình” và gia nhập đội ngũ các nước phát triển. Từ năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã được Liên Hiệp Quốc hỗ trợ xây dựng Chương trình nghị sự 2030 được Việt Nam hóa (gọi tắt: VSDGs). Đáng lưu ý là đến nay người dân chưa thấy VSDGs được phổ biến và tổ chức thực hiện một cách rộng rãi như lẽ ra phải thế.
Đáng lưu ý bởi theo tinh thần của Chương trình nghị sự 2030, người dân không chỉ là người giám sát. Công dân, thông qua các tổ chức dân sự của mình, cũng là một lực lượng có trách nhiệm thực hiện Chương trình nghị sự 2030. Những nhà lãnh đạo khôn ngoan đều tìm mọi cách bổ sung nguồn lực công từ các nguồn “vốn xã hội” của nhân dân mình.
Nhìn vào 17 mục tiêu phát triển bền vững, có một điểm chung nhất: đặt con người vào vị trí trung tâm của sự phát triển. Đặc điểm này cũng phù hợp với điều 3 Hiến pháp 2013 của Việt Nam: “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc; có điều kiện phát triển toàn diện”.
Trong 20 năm đầu tiên của thế kỷ XXI, nhân dân ta đã nỗ lực để vừa thoát đói nghèo, vừa bảo vệ hòa bình và chủ quyền đất nước. Những thành tựu hiện có là đáng trân trọng và phát huy. Tuy vậy, nhiều chuyên gia, học giả và người dân có tâm huyết và trách nhiệm với đất nước đều thống nhất một điều: nếu ít sai lầm, khuyết điểm hơn trong lãnh đạo và quản lý nhà nước, nếu ít tham nhũng và suy thoái hơn trong đội ngũ công bộc thì đất nước chắc chắn sẽ phát triển nhanh hơn và cao hơn. Mọi con số chỉ tiêu và thành tích đều vô nghĩa nếu Việt Nam không vươn nổi thành một quốc gia văn minh, thịnh vượng; một quê hương đáng sống cho hơn 100 triệu công dân Việt trong vòng 20 năm tới.
Phát triển bền vững gắn với bảo vệ chủ quyền đất nước
Trong thế giới hiện đại, các nền kinh tế hội nhập sâu rộng, phụ thuộc lẫn nhau, hợp tác và cạnh tranh quyết liệt trong điều kiện cách mạng công nghiệp 4.0 và nền kinh tế số tốc độ cao. Đặc điểm ấy càng khẳng định một chân lý trong chiến lược phát triển của mọi quốc gia: không có kẻ thù hay đồng minh vĩnh cửu mà chỉ có lợi ích của quốc gia, dân tộc là vĩnh cửu và tối thượng. Đối với nhân dân ta, xương máu tiền nhân và tương lai con cháu mai sau không cho phép đánh đổi hay nhượng bộ chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc trong quá trình phát triển đất nước.
Trong gần nửa thế kỷ xây dựng đất nước từ khi hòa bình, thống nhất, nguy cơ xâm lấn chủ quyền luôn hiện hữu và không hề giảm sút. Ngoài sự xâm lấn vùng đất, vùng trời, vùng biển, còn có sự xâm lấn về lợi ích quốc gia, thông qua quyền lực mềm và các hoạt động hợp pháp. Tình trạng xâm lấn chủ quyền diễn ra thường xuyên, trên nhiều lĩnh vực, dưới nhiều hình thức trắng trợn hay tinh vi, phức tạp. Tình hình ấy đòi hỏi trong nội hàm phát triển bền vững của Việt Nam phải bao gồm phát triển bền vững về quốc phòng - an ninh.
Trong suốt mấy ngàn năm qua, dân tộc ta đã giữ vững chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và bảo toàn bản sắc dân tộc. Có bảo vệ được chủ quyền và lãnh thổ thì mới bảo toàn được bản sắc dân tộc. Ngược lại, nhờ phát huy được bản sắc dân tộc mà sợi chỉ đỏ xuyên suốt là lòng yêu nước và tinh thần đoàn kết dân tộc, chúng ta đã chiến thắng.
Trong thời đại ngày nay, phương tiện tự vệ của các quốc gia, kể cả Việt Nam, không thể thiếu các thiết bị, trang bị vật chất được điều hành bởi công nghệ thông minh và trí tuệ nhân tạo. Kinh tế phát triển sẽ giúp chúng ta có những trang bị cần thiết đó. Tuy nhiên, không gì có thể thay thế lòng yêu nước; tinh thần dũng cảm, hy sinh vì độc lập, tự do của tổ quốc trong mỗi người Việt Nam. Nội hàm phát triển bền vững của nước ta không được phép quên và không thể thiếu việc “trồng người” để người Việt Nam, từ lãnh đạo đến người dân, luôn giữ vững lòng tự hào về phẩm cách của dân tộc, dứt khoát từ chối lợi ích dù to lớn đến mấy của ngoại bang nếu gây hại cho dân, cho nước. Phẩm cách này đã được Nguyễn Trãi, đại thần nhà Hậu Lê, cô đúc hùng hồn và trọn vẹn vào một mùa Xuân cách nay 592 năm:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân,
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo;
Như nước Đại Việt ta từ trước,
Vốn xưng nền văn hiến đã lâu,
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác;
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương;
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau,
Song hào kiệt thời nào cũng có...
17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc đền 2030
1. Xóa nghèo 2. Xóa đói 3. Có sức khỏe tốt và hạnh phúc 4. Giáo dục có chất lượng 5. Có bình đẳng giới 6. Có nước sạch và sống vệ sinh 7. Có năng lượng sạch và giá phải chăng 8. Có việc làm tử tế và kinh tế tăng trưởng 9. Có nền công nghiệp đồng bộ, hạ tầng bền vững, khuyến khích sáng tạo 10. Thu hẹp bất bình đẳng 11. Xây dựng các thành phố và cộng đồng bền vững 12. Sản xuất và tiêu dùng có trách nhiệm 13. Hành động ứng phó biến đổi khí hậu 14. Bảo vệ sự sống dưới nước 15. Bảo vệ sự sống trên mặt đất 16. Có hòa bình, công lý và thể chế mạnh 17. Hợp tác cùng thực hiện các mục tiêu trên.
Luật sư, Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa