Tuệ Sỹ - hương vị cô liêu

 09:30 | Thứ năm, 15/02/2024  0
Thiền sư làm thơ là một truyền thống lâu đời của Trung Hoa, và của Việt Nam. Nhưng liệu giữa thiền sư, một người trọn đời hướng đến tịch tĩnh, vô ngôn, có gì mâu thuẫn với nhà thơ, một người hướng đến hiện hữu, nhất là hiện hữu qua và bằng ngôn ngữ? Và thơ thiền là thơ hay là triết lý thiền?

"Trong ta là núi là rừng
Là trăm tiếng hát đã dừng trên môi"
(Hoài Khanh).

"Hương vị của Chánh pháp 
vẫn là hương vị cô liêu 
của sự sống"
(Tuệ Sỹ).

Thiền sư làm thơ là một truyền thống lâu đời của Trung Hoa, và của Việt Nam. Nhưng liệu giữa thiền sư, một người trọn đời hướng đến tịch tĩnh, vô ngôn, có gì mâu thuẫn với nhà thơ, một người hướng đến hiện hữu, nhất là hiện hữu qua và bằng ngôn ngữ? Và thơ thiền là thơ hay là triết lý thiền? Câu hỏi ấy luôn bận rộn trong tôi, và hẳn cũng trong nhiều nhà phê bình văn học khác. Hạnh ngộ với Tuệ Sỹ (1943 - 2023), dẫu chỉ ở một vài tác phẩm, tôi đã ít nhiều ngộ.

Thiền sư và/là thi sĩ

Giải quyết định đề trên, Tuệ Sỹ đẩy vấn đề đi xa hơn bằng khái niệm “văn học Phật giáo”. Cũng như bất kỳ mọi thứ văn học có định ngữ, văn học Phật giáo trước tiên có tính cách văn dĩ tải đạo. Tính văn chương của tác phẩm không quan trọng bằng chân lý tôn giáo có sẵn. Văn học ở đây rơi vào song quan luận của phương tiện và cứu cánh. 

Nếu triển khai đến tận cùng phương tiện thì sẽ vắng bặt cứu cánh. Nếu đưa đến tuyệt đối cứu cánh thì phương tiện cũng hết là phương tiện. Nói cách khác, ở đây cứu cánh tôn giáo, với những thành kiến chân lý của đám đông, lúc nào cũng sẵn sàng phản bội mọi sự sáng tạo của văn học mang tính cá nhân, mà văn học tự thân nó không là phương tiện cho bất kỳ cứu cánh nào, dù cao quý đến đâu. Thiền sư và thi sĩ, bị ngăn cách bởi chữ , là hai thực thể nếu không đối lập nhau thì chí ít cũng tách biệt nhau. Trong khi đó mọi sáng tạo thơ, sáng tạo văn học - nghệ thuật đòi hỏi hai nhân cách thiền sư là thi sĩ, hai nhân cách liên hợp bởi chữ , phải trở thành nhất nguyên như âm dương trong thái cực đồ. 

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ. Ảnh: Tâm Nhãn


Để soi sáng chữ này, từ khía cạnh thức nhận lý thuyết, Tuệ Sỹ đã viện dẫn kinh điển Bát nhã của Đại thừa: “Bất hoại giả danh nhi thuyết thật nghĩa”. Rồi Sư giải thích: “Giả danh, tức biểu tượng và danh ngôn mang tính ước lệ của chúng. Những thứ này không liên hệ đến chân lý tuyệt đối, tức thật nghĩa. Do đó, muốn đạt tới chân lý tuyệt đối này, phải vượt qua mọi khả năng của ngôn ngữ và biểu tượng, như người ta cần lìa bỏ tầm mắt khỏi ngón tay để nhìn thẳng vào mặt trăng. Tuy nhiên, trích dẫn của chúng ta cũng nói: ngay nơi biểu tượng và ngôn ngữ mà thể nhận chính bản thân của sự thật” (1).

Một quan niệm về ngôn ngữ như trên của văn học Bát nhã, quả thực, có phần gần gũi với quan niệm về ngôn ngữ của hiện tượng học thông diễn của Heidegger (2). Và theo tinh thần này thì “Cái cảm hứng đưa đến sự hình thành một tác phẩm, bất kể dưới cách thức phô diễn nào, phải là một cảm hứng toàn diện, trong đó không có giới hạn phân biệt giữa một nhãn quan - một ý tưởng - cần được phô diễn và hình thức phô diễn. Tất cả, từ tác giả cho đến độc giả, phải được đặt trong một tương quan vô phân biệt, như sự phản chiếu giữa các mặt kính đối diện nhau, phản chiếu trong một thế giới trùng trùng vô tận” (1). Như vậy, suốt trong sử lịch thơ thiền, thời nào cũng có kiểu nhà thơ thiền sư và thi sĩ, song cũng không ít kiểu thiền sư là thi sĩ. Và, như để minh chứng cho lối thực hành sáng tạo của kiểu thiền sư là thi sĩ này, Tuệ Sỹ đề xuất một ví dụ tiêu biểu: Tô Đông Pha. 

Tô Đông Pha những phương trời viễn mộng

Tô Đông Pha (1037 - 1101) là một nhà thơ nổi tiếng đời Bắc Tông ở Trung Hoa, đồng thời còn là một thiền sư cư sĩ. Ông vốn sống ngay nói thẳng, bị cường quyền ghét, nên thường phải họa biếm trích, thậm chí, không ít lần bị tù ngục.

Trong cuộc đời chìm nổi của mình, Tô đã nhiều lần qua chơi Lô Sơn, một danh thắng kỳ tuyệt thuộc tỉnh Sơn Đông. Lô Sơn có thiên hình vạn trạng tùy vào vị trí đứng ngắm, ở trong núi hay ở ngoài, ở sườn đông hay sườn tây, nhìn đỉnh cao mây phủ hay bóng núi trong nước hồ thu… Đâu là chân diện mục của Lô Sơn? Lô Sơn đã trở thành ẩn ngữ thi ca kỳ lạ của bao tao nhân mặc khách trên hành trình đi tìm gương mặt thật của thơ ca, như Mạnh Hạo Nhiên, Lý Bạch, Hàn Dũ. Riêng Tô Đông Pha, đến với Lô Sơn thi nhân đã để lại một danh tác cho thấy Lô Sơn còn là một ẩn ngữ thiền:

Lô sơn yên tỏa Triết giang triều
Vị đáo bình sinh hận bất tiêu
Đáo đắc bản lai vô biệt sự
Lô sơn yên toả Triết giang triều.

(Mù tỏa Lô Sơn, sóng Triết Giang  
Khi chưa đến đó, hận muôn vàn
Đến rồi mới thấy không gì khác
Mù tỏa Lô Sơn, sóng Triết Giang)

Có thể, về sau, bài thơ này đã trở thành một công án thiền nổi tiếng: núi là núi, sông là sông; núi không phải là núi, sông không phải là sông; núi lại là núi, sông lại là sông của thiền sư Duy Nghiễm. Nhưng, bấy giờ, với Tô Đông Pha, Lô Sơn trước hết là một người bạn để ông trao đổi, suy tư về Hữu/Vô. Một khi sự lưỡng phân biện biệt đó đạt tới công án hiểm hóc của sinh tử, thì đã xóa tan chân lý Dị Đồng. Đấy là chỗ ta và người, tình và cảnh, triết và thơ đều trở thành tịch mặc Không Không. Nhà thơ và nhà thiền cùng ngẩng đầu nhìn lên ngọn núi xanh. Lô Sơn là ẩn ngữ của Thơ thiền. Bởi, xét cho cùng, cây thơ thiền cành lá sum suê vươn tới trời xanh kia đều cắm rễ vào chân không của vạn vật. Chân diện mục của Lô Sơn hóa ra lại là Vô diện mục. Lô Sơn trở thành Vô sơn.

Bút tích Tuệ Sỹ


Sau khi rời Lô Sơn, Tô Đông Pha rơi vào một cuộc Lữ đọa đầy, mà điểm cuối cùng là đảo Hải Nam. Trường Lữ của Tô là cuộc thể nghiệm lịch sử tồn sinh của thơ. Và từ đó, “Thơ mở rộng những phương trời Lữ Thứ. Quê Hương nguyên thủy chỉ là những âm vang của Lịch sử, vang dội ngân dài trong những phương trời viễn mộng. Cho nên, Đất của thơ là đất Trích, là những vùng đầy ải; Đường của Thơ là quán trọ, là những bước đường ngược gió. Mặn nồng nơi đất Trích, lân la nơi quán trọ, cuộc thể nghiệm dây dưa với hàng triệu vấn vương, và cũng là cuộc thể nghiệm khước từ tuyệt đối. Cho nên, lời Thơ càng lúc càng trầm trọng, như viên sỏi rơi vào lòng biển bao la bao giờ cho tới đáy thì thôi. Biết bao giờ cho tới đáy, để lấy đó làm Quê Hương hằng cửu?”(3).

Thơ Tô Đông Pha, vì vậy, trở thành nhật ký của một Cuộc đi, đi trong những đoạn đường Lữ thứ, đi dưới những phương trời Viễn mộng. Thơ là lịch nghiệm, trong cuộc Riêng của một cá nhân để nghiệm trong cuộc Chung của lịch sử? Tô Đông Pha như là một tiền thân của Tuệ Sỹ. 

Giấc mơ Trường Sơn

Trường Sơn, với Tuệ Sỹ, là Lô Sơn, thậm chí Vô sơn của ông, một ẩn ngữ thiền, một ẩn ngữ thơ. Nhưng sơn hệ ấy còn là tâm-sự-đời-người sâu kín của thi nhân. Một biểu tượng gốc của mọi biểu tượng phái sinh.Trường Sơn là một dãy núi chạy dài từ Bắc xuống Nam, là xương sống của đất Việt, thậm chí cả Đông Dương. Trường Sơn gắn liền với những cuộc đấu tranh Pháp - Việt, Mỹ - Việt, kể cả Việt - Việt nữa. Nghĩa là Trường Sơn luôn gắn với lịch sử và thời đại. Trường Sơn là biểu tượng của những gì to lớn, vĩ đại, nhưng cũng có phần hiểm nguy, như câu thơ Tô Thùy Yên: Cửa Thần Phù dựng Trường Sơn sóng. Hoặc như ở thi phẩm Giấc mơ Trường Sơn (4), phương trời viễn mộng, của chính Tuệ Sỹ.

Nhận định về Tuệ Sỹ, Bùi Giáng trong Đi vào cõi thơ tỏ ngộ: “Tuệ Sỹ là một vị sư. Ông viết văn quá nghiêm túc. Nhưng sử tri của ông về Phật học quả thật quảng bác vô cùng. Thấy ông vẻ người khắc khổ, không ai ngờ rằng linh hồn kia còn ẩn một nguồn thơ thâm viễn u u” (4). Có thể, người thơ họ Bùi dùng phép “vẽ mây nảy trăng” nên mới có cái nhìn tách biệt thiền sư và thi sĩ như vậy, chứ ông hẳn biết hai người là một. Có điều Tuệ Sỹ tuy không làm thơ để xiển dương chủ đề Phật học, triết lý thiền mà thơ ông vẫn thấm đẫm trong từng yếu tố vi mô của thơ. Trong Giấc mơ Trường Sơn, bởi vậy, người ta thấy cảm hứng thơ của ông không phải từ những trừu tượng, to tát, mà từ những điều nhỏ nhặt, hay tưởng như nhỏ nhặt, của đời sống.

Tuệ Sỹ luôn coi Trường Sơn là quê hương của ông (Ngọn gió đưa anh đi mười năm phiêu lãng / Nhìn quê hương qua chứng tích điêu tàn / Triều Đông hải vẫn thì thầm cát trắng / Truyện tình người và nhịp thở Trường Sơn). Nhà thơ gọi quê hương bằng những tên khác nhau, tùy hoàn cảnh, như quê cha (Khói mù lấp kín trời đông / Trời ơi, tóc trắng rủ lòng quê cha), quê người (Quê người trên đỉnh Trường Sơn / Cho ta gởi một nỗi hờn thiên thu), rồi quê anh, quê ta…

Đối lập và liên kết với quê hương rừng núi ấy là Biển Đông cát trắng và phố thị ồn ào bụi bặm. Nhân vật của Giấc mơ Trường Sơn có thể là ta (Ta yêu người vì khoảnh khắc chiêm bao), người (Người mơ về Trường Sơn / Nắng chiều rưng tủi nhục / Người trông trời viễn phương), con (Con đi xào xạc tiếng gà / Ban đêm trông bóng Thiên hà buồn tênh), rồi thầy, rồi anh, rồi em… Người thơ ấy dù nhân xưng thế nào đi chăng nữa thì bao giờ cũng nổi bật hình ảnh cọng lau, tóc trắng và vai gầy. Trường Sơn trước sau gì bao giờ cũng là một ẩn ngữ của thơ Tuệ Sỹ. 

Ngón đàn tài hoa của Tuệ Sỹ trên những phím dương cầm của thân hữu ở Đà Lạt. Ảnh: Hạnh Viên


Chùm thơ Phương trời viễn mộng viết trước Giấc mơ Trường Sơn của Tuệ Sỹ vừa có hương vị thiền vừa có khí vị hiện tượng học hiện sinh. Ông suy nghiệm về cuộc đời (Mộng trường sinh), về thời gian (Hương ngày cũ, Hoài niệm), về không gian (Khung trời cũ) với những âu lo về lẽ phôi pha, biến dịch (Tóc huyền, Cánh chim trời, Hận thu cao), nhưng rồi vẫn Kết từ:

Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn
Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về

Còn sau Giấc mơ Trường Sơn là các chùm thơ Tĩnh tọa, Tĩnh thất. Ngồi yên ở một nơi yên, nhà thơ quan sát những vết rạn của thời gian như Bình minh, Hoàng hôn, những vật nhỏ bé như Hạt cát, mối quan hệ giữa (cây) Trúc và (con) Nhện, để rồi đến với (giấc) Mộng ngày:

Ta cỡi kiến đi tìm tiên động
Cõi trường sinh đàn bướm dật dờ.
Cóc và nhái lang thang tìm sống
Trong hang sâu con rắn nằm mơ.

Đầu cửa động đàn ong luân vũ,
Chị hoa rừng son phấn lẳng lơ.
Thẹn hương sắc lau già vươn dậy,
Làm tiên ông tóc trắng phất phơ.

Kiến bò quanh nhọc nhằn kiếm sống
Ta trên lưng món nợ ân tình.
Cũng định mệnh lạc loài Tổ quốc
Cũng tình chung tơ nắng mong manh.

Ta hỏi kiến nơi nào cõi tịnh
Ngoài hư không có dấu chim bay,
Từ tiếng gọi màu đen đất khổ,
Thắp tâm tư thay ánh mặt trời?

Ta gọi kiến, ngập ngừng mây bạc,
Đường ta đi, non nước bồi hồi.
Bóc quá khứ, thiên thần kinh ngạc,
Cắn vô biên trái mộng vỡ đôi.

Non nước ấy trầm ngâm từ độ
Lửa rừng khuya yêu xác lá khô.
Ta đi tìm trái tim đã vỡ,
Đói thời gian ta gặm hư vô.

(Sài Gòn 1984)

Tôi xin tạm khép bài này bằng nhận định thơ Tuệ Sỹ của Phạm Công Thiện, cũng một nhà thơ, thiền sư - cư sĩ trong bài Chiều nắng Hạ đọc thơ Tuệ Sỹ: “Nói rằng thơ của Tuệ Sỹ hay hoặc không hay thì lố bịch. Chỉ có thể nói rằng thơ của Tuệ Sỹ đáng được chúng ta đọc đi đọc lại nhiều lần và suy nghĩ lan man hoặc cảm nhận tùy hứng. Ít nhất có một người làm thơ đáng cho ta đọc giữa "sống chết với điêu tàn vờ vĩnh" để cho chúng ta còn có được "một buổi sáng nghe chim trời đổi giọng". Đặc tính thứ ba và cuối cùng của thơ Tuệ Sỹ chính là tiếng thơ đổi giọng của một loài chim đi từ cõi xa xưa của vô biên tế kiếp trong lòng sâu thẳm của Tính Mệnh Quê Hương” (4)

Đỗ Lai Thúy

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ, pháp húy Nguyên Chứng, sinh năm 1943 tại Paksé (Lào), nguyên quán tại tỉnh Quảng Bình. Năm 12 tuổi, Hòa thượng từ Paksé về Sài Gòn, sau đó trở lại Huế, tu học tại chùa Từ Đàm với Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Siêu (1921 - 2001), rồi vào học tại Phật học viện Trung phần Hải Đức (Nha Trang), Quảng Hương Già Lam (Sài Gòn).

Hòa thượng tốt nghiệp Viện Cao đẳng Phật học Sài Gòn (1964) do Hòa thượng Thích Nhất Hạnh (1926 - 2022) sáng lập; sau đó, tốt nghiệp phân khoa Phật học của Viện Đại học Vạn Hạnh khi chỉ mới 22 tuổi.

Chân dung Hòa thượng Thích Tuệ SỹTranh: Đinh Cường


Năm 1970, với những công trình nghiên cứu, khảo luận có giá trị về thiền học và triết học Phật giáo, trong đó có tác phẩm đầu tay Đại cương về thiền quán và nổi bật hơn hết là Triết học về tánh Không, Hòa thượng được đặc cách bổ nhiệm Giáo sư thực thụ Viện Đại học Vạn Hạnh do Trưởng lão Hòa thượng Thích Minh Châu (1918 - 2012) làm Viện trưởng; là giáo sư trẻ nhất lúc bấy giờ.

Năm 1971, ngài được Hòa thượng Thích Minh Châu bổ nhiệm làm Tổng Thư ký tạp chí Tư Tưởng - cơ quan luận thuyết của Viện Đại học Vạn Hạnh. Bên cạnh đó, ngài cũng làm thư ký tòa soạn, chủ bút, tham gia cộng tác với nhiều tờ báo, tạp chí nghiên cứu đương thời như: Vạn Hạnh, Hải Triều Âm, Khởi Hành, Thời Tập

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ được biết nổi tiếng về sự uyên bác, thông thạo nhiều loại cổ ngữ lẫn sinh ngữ như: Hán văn, Phạn văn, Tạng văn, tiếng Anh, Pháp, Đức, Nga… Gần 30 tác phẩm, công trình của Hòa thượng Tuệ Sỹ được xuất bản, tái bản nhiều lần. Bên cạnh đó, Hòa thượng còn trước tác, biên soạn và giới thiệu nhiều tác phẩm luận giải kinh điển, lịch sử và triết học Phật giáo… được in thành sách và xuất bản, tái bản trong nước gần đây.

Hòa thượng Thích Tuệ Sỹ là một tác gia lớn đóng góp nhiều công trình quan trọng cho nền Phật học Việt Nam hiện đại. (Theo Báo Giác Ngộ)

___________

(1)     Tuệ Sỹ văn tuyển (tập III, Văn học, sưu tầm: Hạnh Viên), NXB Phương Đông, 2017
(2)     Đỗ Lai Thúy,
Thơ như là mỹ học của cái Khác, NXB Hội Nhà Văn, 2010
(3)   
 Tuệ Sỹ, Tô Đông Pha những phương trời viễn mộng, NXB Văn Hóa Sài Gòn, 2008
(4)     Tuệ Sỹ
, Giấc mơ Trường Sơn, NXB Đà Nẵng, 2022 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.