MỘT
Hồi còn làm nghề giáo, đôi khi tôi hay nhớ chuyện chẳng liên quan gì tới nghề.
Mùa lũ năm 1971 tôi sống với bà ở Ba Thá, ngay ngã ba sông Đáy sông Nhuệ, và phải chạy lũ vào tít Đồng Tâm, sát Miếu Môn, nơi năm ngoái năm kia vừa bùng lên vụ dân bắt giữ quan cùng sai nha, cố cùng giữ đất.
Khi nước thôi lên, người nhà mình ở Hà Nội nhào về thăm, thế là bà cháu chất nhau lên một chiếc thuyền chở thuê ngược ra Ba Thá.
Thuyền tiến dần, chỉ bằng một cách duy nhất là dùng sào và nhờ một người duy nhất làm đúng hai động tác chống/đẩy.
Chưa khi nào sợ thế, nỗi sợ không từng biết khi có bà bên cạnh. Cứ nghĩ ụp (lật thuyền) này, nó ụp này, chân tay cứng lại, rã rời. Giả dụ nó ụp thật thì ai có thể tự cứu mình? ai có thể cứu bà cháu mình? Ai có thể cứu mình? Mênh mông đồng nước, nhìn ngọn tre ngoi ngóp kia là biết nước thôi lên nhưng vẫn rất sâu.
Giờ, thôi làm nghề lâu lắm rồi, lại nhớ đúng chuyện này, khi đọc trên báo câu chuyện cô giáo bắt trò quỳ rồi tự quỳ xin tha tội trước phụ huynh.
Người cha bắt cô giáo của con mình quỳ đang bị chửi rủa khắp nơi. Đúng thôi, đúng người đúng tội. Nhưng tỏ lòng thông cảm cho cô giáo vì trẻ, vì mới có con, vì sợ mất việc và cho rằng việc cô bắt trò quỳ là do muốn điều tốt cho trò... thật nguy hiểm. Về bản chất, cô giáo và phụ huynh đáng bị xử như nhau vì cùng làm đúng một việc không được phép: xúc phạm tinh thần của con người.
Tranh: DAD - Tuổi Trẻ
Nếu nói rằng người cha đó mất dạy đã hủy hoại tinh thần tôn sư trọng đạo Việt, thì phải nói thêm, gã đã hủy hoại con mình, chẳng ai dạy được đứa trẻ ấy nữa. Và: không có ai/cái gì hủy hoại được ai/cái gì nhanh hơn chính nó, giáo dục Việt đang bị hủy hoại vì chính nó, vì cách giáo dưỡng nhiều phần dối trá và ban ơn.
Nhưng khi cô giáo quỳ, cô hủy hoại luôn toàn bộ niềm tin vào quyền uy của giáo dục, thứ đang bị và tự tàn phá, thứ mà cô phải bảo vệ, ít nhất bằng sự tự trọng cuối cùng.
Không thể chấp nhận nổi việc tôn trọng quyền uy giáo dục theo kiểu đặc cách cho người làm nghề giáo quyền làm những điều không được phép khi bất lực.
Tóm lại, không thể hiểu tại sao trong khi lên án người cha bắt cô giáo quỳ, phê phán một cách độ lượng việc cô giáo bắt học trò quỳ và giờ thương cảm cô, chưa thấy một tiếng nói nào về nỗi hoang mang của những đứa trẻ ở lớp học ấy, tại ngôi trường ấy, trước hành xử của những người lớn ấy.
HAI
Đã xét tội thì phải xét cho đầy đủ, công bằng.
Giáo viên bắt học sinh quỳ, cô ấy đã:
1. Xúc phạm tinh thần, lăng nhục thân thể của người khác. Tội này to, xét trong tư cách là công dân nói chung, công dân hành nghề giáo nói riêng
2. Không xử lý được vấn đề trong tình huống sư phạm cụ thể. Nhầm lẫn về vai trò cá nhân và quan hệ với học sinh. Lỗi này lớn xét về năng lực sư phạm.
Giáo viên tự quỳ nghĩa là cô ấy đã:
1. Không ý thức được về con người cá nhân của mình trong tư cách là công dân và giáo viên.
2. Thiếu khả năng phân tích tình huống để có quyết định hành xử hợp lý: giữ quyền làm người. Đã quỳ rồi thì không đứng lớp nổi nữa.
Vì MỘT và HAI, giáo viên này nên thôi làm nghề như một hành vi tự trọng mình, trọng nghề. Có rất nhiều công việc khác cao quý không kém mà không đòi hỏi quá nhiều như nghề giáo, lại còn nhiều khả năng kiếm sống dễ hơn.
Còn về việc bố của học sinh bắt cô giáo quỳ, một phút cũng là quỳ, bốn chục phút cũng là quỳ, không cần xét định độ dài ngắn của thời gian, ông ta đã:
1. Xúc phạm tinh thần, lăng nhục thân thể người khác. Tội này to.
2. Xúc phạm truyền thống muốn con hay chữ của đồng bào. Tội này càng to nếu xét bằng luật phi chính thống.
Cả cô giáo lẫn phụ huynh học trò đều mắc chung một lỗi là tự dại: quên vai trò của Internet trong thế giới hiện hành. Tự dại, không kiểm soát hành vi, thành tội lớn.
Các nhà phê bình luân lí đều giống nhau ở việc xoa tay so giáo dục xưa và nay, xét thầy thì nhẹ xét bố trò thì nặng, quên giáo dục xưa và nay khác nhau hoàn toàn về tính phổ cập, giá trị đối với đời người, chất lượng, lại càng không nhớ sự thay đổi vũ bão trong nhận thức cá nhân con người từ bấy đến giờ. Rất ít người băn khoăn tới ý thức và hành vi của chí ít là học sinh ở trường nọ sau vụ việc này.
Vì đâu nên nỗi? Khi bên cạnh những thầy cô đáng giận đáng thương như cô giáo nọ có biết bao nhiêu người thầy người cô đáng trọng. Và, bên cạnh vị phụ huynh quái gở như trong chuyện này là bao nhiêu đấng bậc cha mẹ đáng quý, nhất mực vì con một cách thông thái.
BA (*)
Nhân chuyện học sinh quỳ, phụ huynh ép cô giáo quỳ, cô giáo quỳ, người cựu giáo viên như tôi thấy rằng: Toàn bộ xã hội phải chịu trách nhiệm về chất lượng giáo dục, không cứ ngành giáo dục, càng không thể đặt trách nhiệm này vào đúng những người làm nghề. Học trò đi ra từ mỗi gia đình ở bất kể cấp học nào cũng phải là một thực thể độc lập, là đối tác làm việc của giáo viên, chịu trách nhiệm cá nhân theo đúng yêu cầu lứa tuổi, không phải là đối tượng để một mình giáo viên bảo bọc, càng không phải là đối tượng để từ gia đình tới nhà trường và rộng ra là xã hội đòi hỏi một điểu duy nhất: biết ạ, vâng lời.
Kết quả quan trọng nhất mà người thầy giỏi đạt tới chính là những học sinh ý thức được mình ngang hàng với thầy, tôn trọng thầy trong ý thức này.
Nếu coi sự học và dạy như thế này từ cấp học mẫu giáo cho tới đào tạo ngành nghề, tôi thấy cách nhà giáo nhìn nghề nghiệp mình là không hợp lý, vừa tự tôn vừa tự ti: Việc gì mà phải than vãn về sự khó khăn vất vả và kêu gọi xã hội phải cảm thông, tôn trọng. Không làm được hay không thích làm nữa thì tìm việc khác, sá gì.
Cách xã hội nhìn nhà giáo cũng rất có vấn đề, vừa trọng thị vừa miệt thị. Tại sao chỉ vì học nghề giáo, tức là học thêm có vài năm sau bậc phổ thông mà một người bình thường lại có thể (và phải) thành một kho kiến thức và tấm gương đạo đức?
Không có học sinh thì không thể có thầy, đúng rồi, nhưng như thế học sinh chỉ đơn giản là đối tác (được đầu tư, bảo lãnh bởi gia đình và xã hội) trong một “hợp đồng lao động” thông thường. Nhà giáo ở mọi cấp học, kể cả mẫu giáo, do đó không phải là người quản lí, càng không phải là vú em của học sinh.
Với tôi, giao tiếp với học sinh là một giao tiếp bình đẳng. Có khoảng cách, dĩ nhiên, nhưng đó không phải là khoảng cách về trí tuệ, càng không phải là khoảng cách đạo đức. Khoảng cách giữa thầy và trò theo tôi chỉ đơn giản là khoảng cách nhất định về tri thức, do người thầy đã chọn để học trước.
Người thầy giỏi là người phải giữ được, phải làm giãn được khoảng cách đó với trò trong thời gian làm việc cùng nhau, và mừng vui thật sự khi học trò phát lộ những khả năng hơn mình khi còn ở tuổi trò, kính trọng thành công của trò thật sự khi trò phương trưởng. Người thầy giỏi không phải là người có học sinh đạt giải nọ kia trong các cuộc thi học sinh giỏi dốt, mà là, phải đánh thức được ở học sinh của mình ý hướng vượt ra ngoài các giới hạn, trước hết là giới hạn tri thức bộ môn mình dạy trong từng cấp học.
Nhiều năm ngẫm nghĩ dù bỏ nghề rồi, tôi hiểu ra kết quả quan trọng nhất mà người thầy giỏi đạt tới chính là những học sinh ý thức được mình ngang hàng với thầy, tôn trọng thầy trong ý thức này. Ở Việt Nam, nơi truyền thống ngàn năm coi con người không như một cá thể mà là một chi tiết tạo nên các cộng đồng lớn nhỏ, đây là một việc vô cùng khó khăn.
Tôi không hề có ý định tước bỏ hào quang của nghề giáo khi nói điều này, cũng không định đơn giản hoá sự cách biệt về tuổi tác, về tri thức, về kinh nghiệm chuyên môn và kinh nghiệm sống giữa hai đối tượng thầy trò. Sự hiểu biết của tôi từ thuở còn cắp sách tới trường cho phép tôi tin rằng không nhiều giáo viên ý thức được sự bình đẳng giữa mình và học trò.
Coi nghề nghiệp kiếm sống như là sứ mệnh, nhiều thầy cô tự tin chân lí là những điều mình rao giảng, mặc dù nhiều khi những điều ấy thực sự là kiến thức nhảm nhí, chắp vá, không do được đào tạo hay tự đào tạo nghiêm cẩn mà ra.
Nhầm lẫn về vai trò của mình trong phân công lao động, những người thầy kiểu này thường không chấp nhận được việc học sinh làm trái ý mình. Vô kỉ luật “là cách đánh giá có vẻ kiềm chế lắm rồi mà những học sinh bộc lộ cá tính riêng phải nhận. “Mất dạy” đôi khi là lời giáo viên bình sau lưng học trò. Học sinh yêu thì sẽ bị coi là hư sớm, không mấy thầy cô biết hay muốn biết nguyên nhân.
... Ý thức về sự mình bình đẳng với học trò trong nghề giáo thật ra có hàm chứa một sự không công bằng cho lắm, ấy là thầy phải chấp nhận thiệt hại vì trò. Nghĩ về thầy cô như thế này, tôi có không dám mê nghề giáo cũng là thực tế, phỏng ạ? Còn lúc hành nghề thì cũng đành khi cần méo mặt mà làm thôi.
...Sau tất cả những quan niệm riêng có thể hơi quá khắt khe về nghề giáo khiến tôi sợ nghề này ngay từ lúc vào đời, còn có một điều nữa làm tôi ngại, rút từ quan sát riêng: chẳng mấy ai thích bị người khác dạy mình cả, cũng có nghĩa là nói để người khác muốn nghe là một việc nhọc nhằn, cần một cái duyên, cần chất giọng, mà cái ấy thì phải nhờ giời.
Mỗi một tiết học thực sự là một giờ thầy trò cùng biểu diễn, thầy trò xem và nghe nhau, cùng là vai chính và cùng là người thưởng ngoạn, phê phán. Nhưng giáo viên không chỉ là một diễn viên không có những phụ trợ như trang phục và đạo cụ mà chúng ta thấy trên màn ảnh hay sân khấu, giáo viên đồng thời là người xây dựng kịch bản với một khối lượng kiến thức bị giới hạn khi truyền thụ, đồng thời là đạo diễn tác phẩm của mình. Với tôi, đó mới là dạy học.
Bộ môn phương pháp giảng dạy đã không dạy cho sinh viên sư phạm điều ấy. Cốt lõi của mô phạm không phải là chuyện trang phục, hành ngôn chỉn chu đúng mực trong ngoài trường học. Đánh giá một nhà giáo mô phạm không thể thoát li giờ giảng của họ. Nó là kiến thức và khả năng truyền thụ, giúp học sinh chuyển hóa kiến thức của mình thành của họ.
Càng vững vàng về chuyên môn sâu thì nhà giáo càng tự do, phong thái hình thành từ đó. Như tôi quan sát, ở bộ môn nào cấp học nào cũng có những nhà giáo làm học sinh mê mệt. Thật khó tìm thấy điểm chung bên ngoài của họ, người giản dị người diêm dúa, người cộc lệch người nghiêm ngắn, nhưng những ông bà thầy giỏi thì kiểu gì cũng giống nhau ở chất nghệ sĩ trong hành vi và hành ngôn, với nghĩa nghiêm cẩn nhất.
Tôi thích nhìn nghề của mình như vậy, nghề để sống, để mê đắm và trân trọng, xứng với con người. Nhà giáo là con người bình thường, hành nghề giáo vì thế chứ không phải vì sứ mệnh soi đường dẫn lối gì gì. Khả năng định hướng học trò mang tính tự thân, chỉ có khi nhà giáo làm thật tốt nghề của mình, tới mức bay bổng được cùng với nó.
Kết quả lao động của nghề giáo do đó rất giản dị. Không phải là điểm số của học sinh. Không phải là những nhân tài trong tương lai. Mà là người có được những cảm xúc thông thường, trung thực, có khả năng tích cóp kiến thức để chọn lựa và chịu trách nhiệm cá nhân về những chọn lựa sống của mình.
Thành phẩm của nghề giáo cuối cùng và trên hết phải là con người bình thường.
Lê Minh Hà (nhà văn, cựu giáo viên trường chuyên Amsterdam, Hà Nội)
(*) Phần ba trích từ sách "Tháng ngày ê a" vừa xuất bản của cùng tác giả Lê Minh Hà.