Trọng Tân làm nghề thiết kế nội thất ở Sài Gòn. Ngọc Việt là nhiếp ảnh gia, mở studio ảnh, mở tiệm hoa tươi, quán cà phê ở Cần Thơ… Cặp đôi “giao diện” đẹp, đầy tính thành thị gây choáng váng cho người thân vào năm 2022 khi quyết định hành trình “khẩn hoang” Đắk Lắk.
Mỗi lần đi là một lần xa hơn.
Có lẽ sự đồng cảm giữa Tân và Việt đưa họ đến với nhau và từ đó, mọi quyết định trong đời sống đều đến một cách tự nhiên, thuận lợi. “Hành trình này xuất phát từ một ước mơ chúng tôi ấp ủ từ lâu. Do hoàn cảnh, cả hai đều chuyển đổi nhiều nơi ở khác nhau từ khi còn bé xíu cho đến lúc trưởng thành. Nhưng dù có ở đâu thì cả hai luôn có một hình ảnh xuất hiện trong đầu về một nơi chốn sống dưới những tán cây rừng, về những ngôi làng nhỏ nằm trong thung lũng men theo dòng suối mát, nơi có những cộng đồng người trẻ cùng hướng tới một cuộc sống cân bằng và hòa hợp với đất trời. Hành trình của cả hai tuy có nhiều chặng, nhưng thực tế đều chỉ là từng bước để dẫn đến ước mơ đó mà thôi”, Tân kể.
Nguyễn Trọng Tân và Bùi Ngọc Việt (phải) cùng con gái tại Ea Kar (Đắk Lắk)
Những hình ảnh lãng mạn đó tuy đẹp nhưng với một người làm nghề thiết kế nội thất, một người làm nhiếp ảnh gia, biến thành hiện thực không dễ. Những ngày mới về rừng, mỗi khi chia sẻ cảnh sống yên bình ở quê cho bạn bè, nếu ai đó hỏi về việc có nên về vườn hay không, cả hai đều khuyên họ cân nhắc thật kỹ vì đây là một hành trình rất gian nan, mọi thứ đều mới mẻ, đều phải học một cách rất nghiêm túc.
“Nghe bỏ phố về rừng, tự nuôi tự trồng tưởng chừng đơn giản nhưng để thích ứng được với hoàn cảnh sống mới, chúng tôi đã chuẩn bị hàng chục năm trời, với một tư duy mở, đón nhận và học hỏi rất nhiều kỹ năng sống như quản lý, thiết kế, thi công, điện, nước, nấu ăn, chăm sóc sức khỏe…; các kiến thức về cây trồng, vật nuôi, thời tiết… Tất nhiên, mỗi khi chúng ta chấp nhận dấn thân vào khó khăn ta lại trải nghiệm một niềm vui mới đến như những món quà vô giá hun đúc rõ thêm về hành trình thực hiện ước mơ mà nếu vẫn cứ sống như cũ chắc chắn ta không thể nếm trải được”, Việt kể.
Khu rừng nơi Tân và Việt trồng trọt, sinh sống mang tên “Vạt rừng lộng gió”, rộng 6 ha
Theo Tân và Việt, có một số thứ không thể thiếu, đó là: nguồn lực, giải pháp, tư duy người dẫn đầu. Nguồn lực là tài chính nuôi sống và nhân sự hỗ trợ. Tài chính không thể thiếu được khi nơi chốn mới, mỗi tháng phải chi rất nhiều mà chưa có thu vào. Giải pháp của Tân và Việt là dựa vào các nguồn đầu tư từ lúc còn ở phố, sau đó nhanh chóng xây dựng nguồn tài chính mới thông qua việc bán sản phẩm thiết yếu và mục tiêu tự cung tự cấp. Cả hai đưa ra những sáng kiến mới cho cuộc sống về rừng, mục đích là gây dựng môi trường rừng nguyên sinh. Tư duy người dẫn đầu là nguồn năng lượng chung của nơi đó, là sự dẫn dắt đúng đắn, thông thái.
“Trong tương lai, chúng tôi vẫn liên tục thay đổi để phù hợp với thực tế chung. Nhiều người trẻ vẫn chưa phân biệt được thế nào là hành động để thực hiện ước mơ sâu thẳm bên trong tim mình với việc thực hiện những mong muốn nhất thời. Nếu đôi khi bạn thấy lạc đường, hãy tự hỏi: Tôi thấy mình cần trở thành như thế nào. Vì vũ trụ chỉ hỗ trợ những thứ bạn cần chứ không cho bạn thứ bạn chỉ muốn thôi. Nếu ta đang đi đúng đường thì mọi thứ xung quanh ta sẽ hợp sức lại hỗ trợ ta.
Đương nhiên một món quà nào cũng kèm những thử thách và bài học nước mắt. Để giảm thiểu được thất bại phải có sự chuẩn bị tương đối cho mọi tình huống có thể xảy ra, không phải một mà hai, ba giải pháp. Và điều quan trọng nhất, phải chấp nhận mọi sự chuyển biến chúng ta không thể kiểm soát được vì “người tính không bằng trời tính”, hãy để kết quả đến một cách tự nhiên, dẫu có thất bại, xui xẻo cũng chẳng sao vì nó làm ta thêm vững bước”, Tân chia sẻ.
Trước khi bỏ phố về rừng sâu, Tân và Việt đã chuẩn bị hàng chục năm trời, với một tư duy mở, đón nhận và học hỏi rất nhiều kỹ năng sống, các kiến thức về cây trồng, vật nuôi, thời tiết…
Khu rừng nơi Tân và Việt trồng trọt, sinh sống mang tên “Vạt rừng lộng gió”, rộng 6 ha, từ hai người ban đầu, đã có bạn đồng hành mới. Có vài bạn đã quyết định ở hẳn, cũng có vài bạn đang chuẩn bị. Vạt rừng trồng cây đa dạng với diện tích giữ nguyên rừng tái sinh, trồng rừng mới, trồng cây ăn trái lâu năm, trồng cây ngắn ngày, trồng hoa, trồng thảo dược và làm hồ nước… Có nhiều người liên hệ Tân và Việt để đồng hành nhưng không phải lúc nào cũng phù hợp.
“Dù rất trân trọng nhưng chúng tôi buộc phải từ chối. Ở Vạt rừng lộng gió, chúng tôi không quan trọng về sự việc, nghĩa là không quan trọng việc ai đang làm gì, có thành quả hay không mà quan tâm đến thái độ của họ khi làm việc đó như thế nào và thái độ với người sống cùng mình ra sao. Chúng tôi từng thỏ thẻ với nhau, sống sao để lúc nào cũng có quý nhân phò trợ mới là cái phước lớn nhất. Nếu chỉ có chúng tôi thì chắc chắn không có ngày hôm nay, không có Vạt rừng. Chúng tôi có một tập thể anh chị em hậu thuẫn, đó là đồng nghiệp, nhân viên, anh em ruột, đa phần còn rất trẻ đã chia sẻ công sức, tài chính vô danh lợi để xây dựng nơi này”, Tân cho biết.
Từ khi bỏ phố về rừng sâu, cuộc sống của Tân và Việt vẫn xoay quanh làm việc và vui chơi, nhưng cả hai đã sống nhiều hơn cuộc sống của ngày xưa, không khí trong lành nên cả hai thích thở sâu hơn, thức ăn ngày càng nhiều món tự trồng và vì làm việc nhiều nên ăn thấy ngon hơn. Dù ít phương tiện vui chơi giải trí nhưng việc đi dạo khắp vườn và ngắm cảnh thiên nhiên đổi mới từng ngày, ngắm cảnh núi đồi thay đổi qua từng mùa trong năm cũng làm cả hai thấy đủ đầy hơn.
Về sức khỏe, cả Tân và Việt đều nhận thấy sức lực bền bỉ hơn, có thể thích nghi được với những thay đổi của thời tiết và nhận diện tốt hơn những biểu hiện thay đổi của cơ thể. Về kỹ năng, cả hai đếm không xuể những thứ trước đây không hề biết làm mà nay đã thuần thục. “Ở nơi này, gia đình tôi cảm thấy an toàn lắm, giống như được sống trong vòng tay bảo vệ che chở của bà mẹ đất trời”, Tân nói.
Tân, Việt và những người bạn với cuộc sống ở vườn
Tân và Việt hay tự đùa, rằng ngày xưa, khi chưa chọn bỏ phố, cả hai sống trong lòng xã hội, còn bây giờ sống bên rìa xã hội… Đó là cách nói vui khi cả hai nhận thấy mình đang trải qua một hành trình thử thách; từ việc nói, làm, suy nghĩ và sống theo số đông; đến việc càng sống riêng tư càng thấy hạnh phúc. Nhưng cái hay của họ còn ở chỗ, tuy chọn cách sống khác biệt với những người bạn ở đô thị nhưng họ vẫn tôn trọng sự lựa chọn của những người đang trong guồng quay ồn ào, đông đúc. “Ngày trước, đúng là chúng tôi không có thiện cảm với cuộc sống đô thị vì cho rằng nó ô nhiễm, xô bồ, nhiều áp lực nhưng nay thì chúng tôi nghĩ khác. Ở đâu cũng được miễn bản thân tự thấy cân bằng”, Tân và Việt cùng quan điểm.
Thái độ đó cũng được Tân và Việt thể hiện một cách nhẹ nhàng trong quan điểm về cuộc hôn nhân LGBT của mình, khi hành lang pháp lý tại Việt Nam còn chưa đem lại nhiều quyền lợi cho cộng đồng. “Với sự phát triển của nền tư pháp nước ta, chúng tôi nghĩ trong tương lai sẽ sớm có luật bảo vệ quyền lợi cho cộng đồng LGBT vì điều đó là chính đáng và cấp thiết. Tuy nhiên đối với bản thân chúng tôi thì ràng buộc pháp lý chỉ là một phần nổi nho nhỏ để hình thành một mối quan hệ vững bền mà thôi. Nền tảng vững chắc nhất chính là hai thành viên tự nguyện “buộc” mình cho nhau, vì biết rằng để hòa hợp được thì mỗi người cần phải tự “mài giũa” những gai góc bên trong cho phù hợp với đối tác hơn là yêu cầu người kia phải làm theo ý mình.
Dù ít phương tiện vui chơi giải trí nhưng việc đi dạo khắp vườn và ngắm cảnh thiên nhiên đổi mới từng ngày, ngắm cảnh núi đồi thay đổi qua từng mùa trong năm cũng làm Tân và Việt thấy đủ đầy hơn
Việc có một đứa con chính là cách tốt nhất để bản thân rèn giũa những nhu cầu, cái tôi không cần thiết. Con chúng tôi được cả đại gia đình chăm sóc. Chúng tôi thường cười với nhau rằng: Tụi mình thích nuôi con của “thiên hạ” hơn là con ruột vì như vậy mới rõ hơn như thế nào là tình thương đại đồng”, Tân chia sẻ.
Sống một cách bình thản, nhẹ nhàng, và siêng năng, mỗi ngày cuộc sống của Tân và Việt trôi qua như vậy.
Cả hai thức dậy cùng mặt trời, ăn trưa cùng nhau và ngừng làm việc lúc mặt trời lặn…
Bài: Trâm Anh - Ảnh: TLNV