Ông Hoan cho biết thành phố vẫn đang tiếp thu các ý kiến cũng như đang làm thêm một số bước, gồm kiểm tra chất lượng công trình này, tìm kiếm xem có nội dung gì liên quan đến quá trình đầu tư, xây dựng, phát triển của dinh này để nắm cho thật kỹ. Sau đó thành phố sẽ xem xét phương án thiết kế dự án.
Theo ông Hoan: “Hiện nay các cơ quan cũng đang có đề xuất nhiều hướng. Có cái thì làm luôn, có cái thì giữ lại, có cái thì xây dựng mới nguyên Dinh Thượng Thơ theo kiến trúc đó. Đó là các ý kiến của các cơ quan tham gia góp ý”.
Ông Hoan khẳng định: “Nếu triển khai, thành phố sẽ thông tin đến báo chí ngay. Quan điểm của thành phố là lấy ý kiến của người dân, của công luận. Thấy nó (Dinh Thượng Thơ - PV) có ý nghĩa thì chúng ta sẽ tiếp tục giữ lại”.
Dinh Thượng Thơ - Một công trình có giá trị kiến trúc, văn hóa, lịch sử ... Ảnh: Qúy Hòa
Trước đó, ngày 16.4 Sở Quy hoạch và Kiến trúc tổ chức triển lãm về phương án thiết kế, nâng cấp trụ sở HĐND - UBND TP.HCM. Theo phương án thiết kế mới, toàn bộ trụ sở HĐND - UBND TP.HCM hiện hữu ở đường Lê Thánh Tôn được giữ nguyên. Các tòa nhà phía sau đang là trụ sở Sở Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Thông tin và Truyền thông... (mặt tiền là đường Lý Tự Trọng) sẽ được xây mới cao hơn, kết nối với toà nhà UBND hiện hữu để trở thành trung tâm hành chính mới.
Việc phá bỏ, xây mới các công trình này, đặc biệt là phá bỏ trụ sở Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công thương phía sau UBND TP.HCM - tòa nhà Dinh Thượng Thơ được người Pháp xây dựng gần 130 năm trước đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận cũng như giới chuyên gia hữu quan.
Sự quan tâm dành cho công trình kiến trúc đặc biệt này càng được chú ý hơn khi tại buổi họp báo của UBND TP.HCM sáng ngày 2.5, giám đốc sở Quy hoạch và Kiến trúc Nguyễn Thanh Nhã cho biết, trong phương án nâng cấp trụ sở UBND TP.HCM, vì Dinh Thượng Thơ - tòa nhà gần 130 năm tuổi - không nằm trong danh mục di tích của ngành Văn hóa Thể thao, nên thành phố quyết định không bảo tồn tòa nhà này.
Nhiều nhà chuyên môn về quy hoạch, kiến trúc, lịch sử, cán bộ nhà nước… lập tức có những phản biện công khai, từ nhiều góc độ tiếp cận, và theo họ cần phải bảo tồn Dinh Thượng Thơ. Đặc biệt, một nhóm trí thức trong và ngoài nước, gồm các nhà nghiên cứu, khoa học, chuyên môn lĩnh vực đã thực hiện và công bố vào lúc 19h40 ngày 9.5 một bản kiến nghị bảo tồn Dinh Thượng Thơ để thu thập chữ ký những ai quan tâm đến nguy cơ tòa nhà Dinh Thượng Thơ bị đập bỏ. Đến 21h30 ngày 10.5, đã có 1.927 lượt người ký tên vào bản kiến nghị này và con số vẫn đang tăng lên liên tục.
Dinh Thượng Thơ là trường hợp có những dấu hiệu di sản vì có tuổi thọ trên trăm năm. Ảnh: Qúy Hòa
Nhiều chuyên gia, nhà quản lý thông qua Người Đô Thị, cũng đã nêu quan điểm về vụ việc này. Trong đó, bà Lê Tú Cẩm (Chủ tịch Hội Di sản TP.HCM; nguyên Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP.HCM) nhận định, theo Luật Di sản văn hóa bổ sung sửa đổi, công trình xây mới khi gặp một địa điểm có dấu hiệu di sản thì cần lấy ý kiến của ngành văn hóa. Dinh Thượng Thơ là trường hợp có dấu hiệu di sản vì nó có tuổi thọ trên trăm năm.
TS. Võ Kim Cương, nguyên Phó Kiến trúc sư trưởng TP.HCM nói rằng ông và một số chuyên gia khác hoàn toàn không ủng hộ phương án xây dựng trụ sở UBND TP.HCM mở rộng. Theo ông Cương, Thành ủy và UBND TP.HCM nên ngưng việc xây dựng mới tòa hành chính và phá bỏ công trình cổ, thay vào đó thành phố nên dành tiền cho các công trình trọng điểm chống kẹt xe và ngập nước. “Một công trình kiến trúc có giá trị kiến trúc, văn hóa, lịch sử thì không khác gì con người. Việc đập bỏ công trình đã tồn tại hàng trăm năm không khác nào giết chết nó và chẳng bao giờ có lại nó. TP.HCM cần có thời gian để quy hoạch và thiết kế khu hành chính phù hợp hơn. Khi nào hết kẹt xe và ngập nước hãy xây mới tòa hành chính thì có sao đâu?”, ông Cương nhận định.
KTS. Ngô Viết Nam Sơn cũng cho rằng, tòa nhà Dinh Thượng Thơ là một công trình lịch sử cần giữ lại; kỹ thuật Việt Nam hoàn toàn có khả năng bảo tồn, và có thể chuyển đổi chức năng phù hợp. Việc Dinh Thượng Thơ không nằm trong danh sách bảo tồn thể hiện sự yếu kém kéo dài nhiều năm trong quản lý bảo tồn di sản của TP.HCM, không thể là lý do để đập bỏ công trình này.
Theo ông Sơn, phát triển khu lõi trung tâm TP.HCM cần dựa trên một triết lý bảo tồn và phát triển minh bạch, nhất quán, bao gồm: (1) bảo tồn và cải tạo khu lõi trung tâm hiện hữu bờ Tây sông Sài Gòn, chỉ phát triển cao tầng ở nơi nào có thể mà không tổn hại giá trị lịch sử; và (2) ưu tiên phát triển cao tầng tại khu lõi trung tâm mới Thủ Thiêm bờ Đông sông Sài Gòn.
Phối cảnh tổng thể công trình xây dựng mở rộng, nâng cấp trụ sở HĐND, UBND TP.HCM: Theo phương án của Công ty GENSLER (đề xuất từ đầu tháng 11.2017 và được chọn), diện tích khuôn viên dự án mở rộng và nâng cấp trụ sở HĐND, UBND thành phố rộng hơn 18.000 m2, bốn phía là mặt tiền đường Lê Thánh Tôn - Pasteur - Lý Tự Trọng - Đồng Khởi. Ảnh: TL
Ngày 2.5.2018, qua báo chí, được biết TP.HCM sẽ không bảo tồn Dinh Thượng Thơ vì “không nằm trong danh mục kiểm kê di tích”, ông Lê Thái Hỷ (nguyên Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM) đã có văn bản gửi lãnh đạo thành phố, sở Quy hoạch - Kiến trúc góp ý về đầu tư xây dựng và phương án thiết kế mở rộng, nâng cấp công trình trụ sở HĐND và UBND thành phố, trong đó ông tiếp tục đề nghị TP.HCM xem xét bảo tồn khu nhà 59-61 Lý Tự Trọng (trước đây là Dinh Thượng Thơ).
Trước đó, ngày 23.5.2014, khi đang là Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM, ông Hỷ đã từng ký văn bản số 722/STTTT-VP gửi UBND TP.HCM đề nghị chỉ đạo các cơ quan chức năng, các Hội nghề nghiệp khảo sát, đánh giá, trên cơ sở đó xem xét, chấp thuận bảo tồn và đưa việc bảo tồn khu nhà 59-61 Lý Tự Trọng vào bộ tiêu chí thi kiến trúc tổng thể khu trung tâm hành chính.
Theo văn bản 722, khu nhà 59-61 Lý Tự Trọng (trước đây là Dinh Thượng Thơ, hiện là trụ sở của Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công thương, Ban Quản lý đổi mới doanh nghiệp thành phố) là một công trình được xây dựng từ lâu, có kiến trúc Pháp, khá đẹp, hiện có một khu tầng hầm chưa được khảo sát. Sở Thông tin và Truyền thông TP.HCM cho rằng đây là địa chỉ cần được xem xét và bảo tồn trong quá trình quy hoạch xây dựng khu vực này (trục đường Đồng Khởi, Lý Tự Trọng, Pasteur) thành khu trung tâm hành chính mới của TP.HCM. Theo đó, có thể làm khu tiếp công dân hay tiếp khách trong và ngoài nước của các cơ quan làm việc trong trung tâm hành chính mới. Đồng thời, việc bảo tồn khu nhà này trong phương án kiến trúc tổng thể một cách hợp lý sẽ tạo một biểu tượng về ý thức bảo tồn giá trị văn hóa của “Sài Gòn xưa” trong khu hành chính hiện đại của TP.HCM ngày nay…
Trong cuộc trao đổi với Người Đô Thị, ông Hỷ nói: "Bảo tồn văn hóa là vấn đề nhạy cảm, do đó các cơ quan và cá nhân có thẩm quyền khi trả lời trên báo chí cần dựa trên cơ sở vững chắc, minh bạch, tránh nói chung chung, trả lời mang tính lấy được như “công trình 59-61 Lý Tự Trọng không nằm trong danh mục bảo tồn” – vậy sao không công khai danh mục đó, cùng quyết định ban hành, cơ sở khoa học nào để không bảo tồn, thành phố có lấy ý kiến chuyên gia, hội nghề nghiệp và người dân trước khi quyết định?
Đập công trình cũ, xây công trình mới đều lấy tiền của nhân dân, vậy khi thông tin cho người dân cũng nên có trách nhiệm, tránh gây bức xúc trong nhân dân..."
Song Ngô