Cẩm nang phòng, chống COVID-19:

Có người nghi nhiễm COVID-19 cùng nhà, cùng cơ quan: làm gì để không lây nhiễm chéo?

 10:31 | Thứ tư, 08/04/2020  0
Cần lưu ý gì trong sinh hoạt giữa những người cùng gia đình hoặc làm cùng cơ quan để có thể giảm khả năng lây nhiễm chéo trong trường hợp có người nghi nhiễm COVID-19 nhưng không biết. Trong gia đình nếu như có người ho hoặc sốt, nhưng cũng không được xét nghiệm thì người đó có bắt buộc phải tự cách ly hay không, và nếu có thì cách đi bao lâu?

BS Đồng Phú Khiêm - Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương: Thứ nhất, các biểu hiện của bệnh Covid, nhất là thể nhẹ rất khó phân biệt giữa nhiễm Covid với các loại virus khác.

Thứ hai, như đã chia sẻ buổi trước, có tới 25% trường hợp  nhiễm Covid không có biểu hiện lâm sàng. Trong môi trường mà bệnh dịch đang lây lan mạnh thế này thì khả năng nghi nhiễm trong cơ quan và gia đình là có.

Vậy làm thế nào để ngăn, giảm tối thiểu các nguy cơ lây nhiễm chéo trong cơ quan hay trong gia đình, xin có một số các khuyến cáo như sau:

Thứ nhất, luôn đeo khẩu trang khi đi ra khu vực công cộng hoặc khi đến cơ quan. Như vừa chia sẻ, virus Corona thường lây qua các giọt dịch, trong điều kiện không gian nhất định mà giọt dịch có thể lây sang người khác, thông thường trong khoảng 1,5m. Nếu người bệnh ho, ở trong không gian hẹp, hoặc không có hệ thống thông gió, giọt dịch có thể bắn rất xa.

Do đó, việc đeo khẩu trang có một số ý nghĩa: (i) Ngăn chặn việc cá nhân bị các giọt dịch bắn vào; (ii) Trường hợp bản thân đang nghi nhiễm và không có triệu chứng, đeo khẩu trang sẽ làm giảm nguy cơ các giọt dịch bắn ra xa, đỡ lây lan cho những người xung quanh. Do đó, xin khuyến cáo việc nên đeo khẩu trang khi đến cơ quan mọi thời điểm, nhất là trong thời điểm dịch đang bùng phát ở Mỹ.

Đeo khẩu trang, sát khuẩn tay là những biện pháp giúp làm giảm tối thiểu nguy cơ có thể lây nhiễm chéo. Ảnh minh hoạ (Nguồn: PLO.VN)

Thứ hai, hạn chế tiếp xúc gần, cố gắng giữ khoảng cách 2m với tất cả mọi người, coi tất cả đồng nghiệp trong cơ quan của mình cũng như bản thân là những người có thể đã nhiễm virus.

Do đó, khi ở cơ quan, chúng ta sẽ cố gắng hạn chế giao tiếp, nói chuyện hay không ngồi ăn chung. Việc này thì có thể sẽ hơi khó chịu, nhưng ở Việt Nam thì hiện đã thực hiện như vậy. Kể cả tại cơ quan chúng tôi cũng thực hiện tương tự trong bối cảnh chống dịch như hiện nay, chúng tôi cũng không ngồi ăn chung, cố gắng giữ khoảng cách xa, hạn chế tiếp xúc gần.

Thứ ba, hạn chế tối đa việc để bàn tay tiếp xúc các bề mặt trong trong môi trường xung quanh. Ví dụ các bề mặt nơi công cộng như tay nắm cửa, các cái nút thang máy. Hạn chế tiếp xúc với các bề mặt tại nơi có nhiều người đi, trường hợp phải tiếp xúc cần sát khuẩn tay nhanh bằng các dung dịch sát khuẩn.

Do đó, trên cơ quan nên trang bị dung dịch sát khuẩn tay ở các vị trí công cộng như trên bàn làm việc, núm cửa gần cửa ra vào, hoặc gần thang máy để thuận tiện cho việc tăng cường rửa tay. Một số biện pháp như vậy sẽ làm giảm tối thiểu nguy cơ có thể lây nhiễm chéo trong cơ quan.

Về việc khi trong gia đình có người mà có biểu hiện nghi ngờ như sốt, ho, đau họng mà không được làm xét nghiệm, trong bối cảnh dịch đang lan rộng trong cộng đồng, cần phải coi người đấy như là đã nhiễm Covid. Mặc dù trong điều kiện tại Mỹ hiện nay, khi số lượng ca nhiễm nhiều như thế, hệ thống y tế sẽ không thể đảm bảo việc xét nghiệm cho tất cả những ca nghi ngờ, hoặc những ca có biểu hiện nhẹ. Hệ thống y tế của Mỹ hiện đang gọi, phân loại , tiếp nhận những trường hợp nhiễm có thể có nguy cơ nặng.

Trong trường hợp này, tất cả những người bệnh mà có biểu hiện nhẹ thì nên được cách ly tại nhà ít nhất 14 ngày. Cho đến khi các hệ thống xét nghiệm tại Mỹ có điều kiện lấy mẫu, khẳng định được bệnh nhân âm tính, cần chịu khó cách ly lâu nhất có thể.

Các nghiên cứu ở Trung Quốc cho thấy thời gian một người bị nhiễm mang virus có lên đến 20 ngày hoặc lâu hơn. Khi cách ly tại nhà, những trường hợp sốt, ho, đau họng do các virus thông thường, hoặc do virus Corona thể nhẹ đa phần là sẽ ổn định và tự khỏi trong khoảng 7- 10 ngày, do đó không nên quá lo lắng về việc tìm kiếm các biện pháp điều trị đặc hiệu. Cần theo dõi nếu có các biểu hiện như là ho, tức ngực, khó thở, đặc biệt từ lúc bắt đầu sốt đến ngày thứ 5 hoặc thứ 7 của bệnh, đó có thể là những biểu hiện bệnh sẽ nặng lên.

Trong trường hợp này, cần gọi hệ thống y tế, tôi hy vọng khi đó, mình đã thuộc nhóm nguy cơ cao và hệ thống y tế tại Mỹ sẽ tiếp nhận và hỗ trợ điều trị những bệnh nhân có nguy cơ tiến triển nặng như trên.

BTV

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.