Công nghiệp văn hóa cần được xem là ngành kinh tế mũi nhọn

 22:43 | Thứ tư, 10/07/2024  0
Vấn đề xây dựng và đảm bảo các thiết chế văn hóa một lần nữa trở thành vấn đề được đặc biệt quan tâm trong Hội thảo tham vấn Đề án chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 vừa diễn ra tại Viện Văn hóa Nghệ thuật Quốc gia.

Tiếp tục phát huy vai trò trung tâm văn hóa của quận Hoàn Kiếm

“Với diện tích khoảng 5,2 km2, nhưng quận Hoàn Kiếm sở hữu cho mình quỹ di sản đô thị rất đặc trưng, đồng thời, có nhiều thiết chế văn hóa từ trung ương cho tới thành phố như hệ thống bảo tàng, nhà hát, trở thành điểm đến của du khách trong nước và quốc tế”, ông Phạm Tuấn Long, Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm, nhấn mạnh tại hội thảo.

Trong thời gian qua, Hoàn Kiếm đã được xác định là trung tâm văn hóa, nên việc phát triển văn hóa trên địa bàn quận rất được chú trọng. Cho đến nay là tròn 20 năm kể từ ngày Khu Phố cổ Hà Nội được xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia (2004-2024), quận Hoàn Kiếm đã dành nhiều nguồn lực cho công tác giải phóng mặt bằng, tu bổ di tích trên địa bàn, đặc biệt các đình thờ tổ nghề.

Và để phát huy thương hiệu phố nghề, quận Hoàn Kiếm đã chủ động phối hợp với đơn vị nghiên cứu để tổ chức bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể, gắn với các phố nghề, hỗ trợ nghệ nhân, thợ thủ công để giới thiệu, quảng bá sản phẩm thủ công truyền thống. Đồng thời, tăng cường kết nối với các địa phương có nghề thủ công trong và ngoài thành phố.

PGS-TS. Nguyễn Thị Thu Phương, Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia và ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả, chủ trì Hội thảo tham vấn Đề án chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Ảnh: VICAS


Quận Hoàn Kiếm cũng phối hợp với Sở Văn hóa Thể thao TP. Hà Nội nhằm phát huy thiết chế văn hóa trên địa bàn, thông qua các hoạt động như tổ chức các kỳ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo, Lễ hội âm nhạc Monsoon… Đồng thời cũng lựa chọn ra một số không gian phù hợp để cải tạo, xây dựng những không gian văn hóa mới cho quận, cũng như thành phố.

Những năm trước, có thể kể tới thành công của những mô hình nghệ thuật công cộng như phố bích họa Phùng Hưng, khu Phúc Tân ven sông Hồng, hay gần đây phải kể tới cầu đi bộ trên phố Trần Nhật Duật. Trước đó, đây là những không gian tiềm ẩn vấn đề không đảm bảo an toàn, không đảm bảo vệ sinh môi trường, thiếu ánh sáng. Tuy nhiên, sau khi được cải tạo, nâng cấp thành các không gian văn hóa công cộng, các địa điểm này đã giải quyết những vấn đề nêu trên, cùng với đó, cũng nâng cao ý thức của cộng đồng sinh sống trong khu vực đó.

“Qua kinh nghiệm, chúng tôi nhận thấy, khả năng sáng tạo của cộng đồng là rất lớn. Các anh em làm nghệ thuật đặc biệt cần hỗ trợ từ cơ quan nhà nước”, ông Phạm Tuấn Long kết luận.

Cải tạo lại cầu đi bộ phố Trần Nhật Duật làm không gian nghệ thuật sáng tạo. Ảnh: TL


Đơn vị tư nhân vẫn loay hoay về địa điểm

Bày tỏ sự đồng tình với ý kiến “những người làm nghệ thuật cần sự hỗ trợ từ cơ quan nhà nước”, bà Trương Uyên Ly, Giám đốc Hanoi Grapevine, chia sẻ thêm rằng qua hai thập kỷ hình thành và phát triển không gian văn hóa sáng tạo ở Việt Nam, đã có nhiều hơn các cuộc đối thoại từ phía các nhà quản lý, nhà nghiên cứu ở trong nước, khu vực kinh tế trong nước và tư nhân, cùng với cá nhân và tổ chức.

Tuy nhiên, trong những năm tới, các không gian văn hóa sáng tạo vẫn còn tồn tại nhiều sự rủi ro. Nổi bật trong đó là tính thiếu ổn định trong hệ sinh thái. Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng cần thuê địa điểm để làm việc ổn định. Không ít không gian văn hóa sáng tạo gặp bấp bênh về thị trường như là tăng giá thuê, hay thuê địa điểm nhưng không có hóa đơn, hợp đồng chính thống, để khai báo với cơ quan thuế.

Như trường hợp của Hanoi Grapevine đã làm đơn xin đề nghị hỗ trợ địa điểm tại một di tích trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, nhưng vướng mắc trong chính sách là quận không được phép cho thuê di tích, mà chỉ được phép hỗ trợ đơn vị làm địa điểm sinh hoạt. Tuy nhiên, đơn vị vẫn phải trả một khoản tiền cho mặt bằng, mà lại không được ghi vào bất kỳ giấy tờ nào, không có trong hợp đồng. Điều này gây trở ngại trong việc ghi vào chi phí doanh nghiệp, khai báo thuế.

Complex 01 tại phố Tây Sơn, quận Đống Đa là một không gian văn hóa sáng tạo thu hút được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. Ảnh: Complex 01


Theo bà Uyên Ly đây là rào cản rất lớn đối với một đơn vị vận hành không gian văn hóa sáng tạo như Hanoi Grapevine bởi trên vai họ phải gồng gánh cùng lúc hai vai trò. Một bên là phát triển không gian văn hóa sáng tạo giống như một đơn vị nhà nước, một bên là doanh nghiệp tư nhân tự vận hành doanh nghiệp, tự trả lương cho các nhân viên của mình. Bà Uyên Ly bày tỏ mong muốn tiếp tục có thêm những cuộc đối thoại thân mật hơn nữa giữa các cấp thấp hơn như giữa quận/huyện, xã/phường với những người vận hành không gian văn hóa sáng tạo, để cùng thấu hiểu và tháo gỡ những khúc mắc tồn tại giữa hai bên.

Hà Nội hoàn toàn là “dư địa” cho việc phát triển khu BID

Để đô thị có thể phát triển, rất cần đến sự phát triển không gian văn hóa ở các đô thị, luật sư Quang Hưng nhận định. Song, ông cũng bày tỏ trăn trở là làm sao để có thể cân bằng hai yếu tố: vừa tạo ra sức sống về mặt cộng đồng, thông qua các hoạt động văn hóa, nâng cao đời sống cư dân tại chỗ, vừa tạo điểm nhấn để thu hút du lịch. Ở Việt Nam, có rất nhiều khu vực có thể phát triển văn hóa kết hợp thương mại. Như chợ Bến Thành, Chợ Lớn, đường Phan Xích Long ở Thành phố Hồ Chí Minh, hay Hội An ở Quảng Nam,… Dĩ nhiên, Hà Nội cũng hoàn toàn có tiền năng để phát triển.

Khu vực phố cổ Hà Nội chứa đựng nhiều tiềm năng trở thành một khu BID. Ảnh: Báo Nhân Dân


Từ kinh nghiệm quốc tế, luật sư Quang Hưng cho biết: “Ở nhiều nước trên thế giới đã hình thành được những khu vực BID (Business Improvement District) là khu cải tiến, thúc đẩy thương mại, kết hợp văn hóa. Thiết chế này đã tồn tại được hơn 50 năm, với 3 mục tiêu chính yếu: thúc đẩy hoạt động thương mại, phát triển văn hóa và bảo vệ môi trường, cảnh quan khu vực”. Trong một nghiên cứu của mình, luật sư chỉ ra, Vương quốc Anh đã hình thành được rất nhiều khu BID như vậy, trong đó chỉ riêng London con số lên tới 75 khu. Hay ngay trong khu vực Đông Nam Á, một quốc gia nhỏ bé như Singapore cũng hình thành được 9 khu.

Để phát triển được khu BID, cần sự tham gia của 3 chủ thể chính, gồm nhà nước – đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành, dân cư và tổ chức vận hành. Nhìn vào khu vực phố Hàng ở Hà Nội thì các cửa hàng, các hộ kinh doanh có thể trở thành chủ thể kinh doanh vừa và nhỏ trong khu vực BID. Không chỉ riêng những hộ dân sở hữu mặt tiền hướng ra phố, mà cả những gia đình sống trong ngõ nhỏ cũng có thể làm kinh doanh. Và giữa họ có sự phân công nhịp nhàng trong việc buôn bán. Ví dụ như những hộ gia đình trong ngõ mở hàng ăn, còn hộ gia đình hướng ra mặt phố sẽ bán các sản phẩm đồ lưu niệm. Hoặc giữa họ có sự phân chia buôn bán luân phiên vào thời điểm ban ngày và buổi tối.

Tại số 11 phố Hàng Gai tồn tại cùng lúc cửa hàng lưu niệm ở mặt trước và quán cà phê ở trong ngõ. Ảnh: Hoàng Lan


Luật sư Quang Hưng khẳng định, công tác quản lý nhà nước cũng thu được nhiều lợi ích trong việc hình thành khu BID. Bởi khi xây dựng được một xã hội tự quản, có sự tham gia của cộng đồng người dân, hỗ trợ những sáng kiến bền vững, bảo vệ di sản văn hóa, đời sống văn hóa, phát triển du lịch, đặc biệt là thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ xây dựng văn hóa địa phương. Đối với người dân, khi tham gia vào hoạt động của khu BID bên cạnh tạo công ăn việc làm, thu nhập, giá bất động sản sẽ tăng lên. Trước đây, khi đề ra nhiều tuyến phố kiểu mẫu, nhà nước đầu tư một loạt công trình cho các tuyến phố kiểu mẫu nhưng nó không có sức sống, nó sẽ chết yểu, bởi không có sự tham gia của cộng đồng cư dân, các doanh nghiệp vận hành.

Việt Nam có thể bằng cách nào đó áp dụng đầy đủ, toàn diện cơ chế khu BID theo hướng vận hành như trên thế giới, có sự tham gia của các chủ thể vừa nêu trên. Nhà nước tham gia xây dựng thể chế, hỗ trợ trật tự. Khu BID cần đến vai trò của chính quyền trung ương về mặt xây dựng chính sách. Vai trò của chính quyền địa phương là cần xây dựng khu vực thí điểm. Còn doanh nghiệp tham gia dựa trên sự hướng dẫn của nhà nước, để cộng đồng dân cư được đảm bảo về quyền lợi.

Những quán ăn ngon ở trong ngõ trên những con phố cổ không còn quá xa lạ với những thực khách sành ăn ở Hà Nội. Ảnh: Hoàng Lan


Không thể phủ nhận, trước đây, các ngành thuộc lĩnh vực công nghiệp văn hóa chưa được nhìn nhận là một ngành kinh tế. Nhưng giờ đây, khi được đánh giá lại, có thể xem xét đây là nhóm ngành kinh tế mũi nhọn không chỉ cho riêng thủ đô, mà cho nhiều tỉnh thành trên cả nước. Trong đó, việc hình thành, xây dựng và đảm bảo sự hoạt động bền vững cho các không gian văn hóa cộng đồng là hết sức quan trọng, có tác động lớn đối với sự phát triển công nghiệp văn hóa, đem về lợi ích kinh tế lớn cho địa phương.

Đoan Túc

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.