UBND thành phố Đà Nẵng đã phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu sinh thái phía Tây - Khu vực thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, tỷ lệ 1/2.000 ngày 30.12.2023 (sau đây gọi tắt là phân khu sinh thái phía Tây - PV).
Theo đề nghị của Viện quy hoạch xây dựng Đà Nẵng (đơn vị tư vấn lập quy hoạch) về việc hoàn thiện hồ sơ đồ án quy hoạch phân khu sinh thái phía Tây; đồng thời thực hiện cập nhật, công bố, lưu trữ đồ án quy hoạch phân khu sinh thái phía Tây, Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Đà Nẵng ngày 9.5.2024 đã có văn bản đề nghị một số cơ quan, đơn vị liên quan đăng tải, công bố công khai đồ án quy hoạch phân khu sinh thái phía Tây.
Đồn Chơn Sảng, trạm Nam Chơn (làng Vân, phường Hòa Hiệp Bắc) là công trình phòng thủ quân sự của triều Nguyễn được xây dựng từ cách đây hơn 200 năm. Theo đồ án quy hoạch phân khu sinh thái phía Tây, khu vực này được bảo tồn, đề nghị đưa vào danh mục kiểm kê di tích. Trong ảnh: Hệ thống bờ thành trạm Nam Chơn bằng đá cao và hào sâu đến đầu người vẫn còn nguyên vẹn. Ảnh: Đình Tăng
Theo đó, diện tích lập đồ án quy hoạch phân khu sinh thái phía Tây khoảng 3.822 ha thuộc phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng (3.672 ha là phần diện tích theo điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung (nội dung khu vực cảng biển Liên Chiểu – Làng Vân) và 150 ha là diện tích hòn Sơn Chà con).
Phạm vi ranh giới: phía Bắc giáp tỉnh Thừa Thiên Huế; phía Tây giáp khu vực rừng núi đèo Hải Vân, huyện Hòa Vang; Phía Đông giáp vịnh Đà Nẵng; Phía Nam giáp phân khu cảng biển Liên Chiểu.
Quy mô dân số phân khu khoảng 19.000 người, trong đó dân số chính thức khoảng 18.000 người, dân số vãng lai khoảng 1.000 người.
Tính chất khu vực lập quy hoạch là phân khu sinh thái, phát triển hạn chế dựa trên đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên nhằm đảm bảo phát triển bền vững; Phát triển du lịch nghỉ dưỡng cao cấp, du lịch cộng đồng, khám phá mạo hiểm, sinh thái kết hợp ở có mật độ lưu trú thấp gắn với bảo tồn thiên nhiên;
Là khu vực trong ranh giới đô thị, gồm các thành phần đất sử dụng hỗn hợp, khu chức năng (khu công nghiệp, khu du lịch), di tích Hải Vân Quan, đất rừng; Sử dụng hỗn hợp: đối với khu vực Làng Vân ưu tiên quy hoạch xây dựng khu phức hợp bao gồm các công trình thương mại dịch vụ, phát triển du lịch sinh thái kết hợp ở có mật độ lưu trú thấp gắn với bảo tồn thiên nhiên.
Theo quy định quản lý ban hành kèm theo quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu sinh thái phía Tây của UBND thành phố Đà Nẵng, các khu chức năng trong khu vực quy hoạch được xác định như sau:
Khu chức năng HHB-ĐVO
Vị trí, ranh giới: phía Đông giáp khu du lịch Suối Lương và rừng sản xuất; Phía Tây giáp đường tránh Nam hầm Hải Vân; phía Nam giáp khu công nghiệp Liên Chiểu; Phía Bắc giáp Hầm Hải Vân.
Quy mô diện tích khoảng 115 ha. Dân số khoảng 9.740 người. Tính chất khu HHB-ĐVO là nhóm nhà ở kết hợp dịch vụ, thương mại.
Khu chức năng HHB-KCN
Vị trí, ranh giới: phía Bắc, Đông, Tây giáp khu chức năng HHB-ĐVO; Phía Nam giáp đường ven biển nối cảng Liên Chiểu.
Quy mô diện tích khoảng 63,5 ha. Tính chất khu HHB-KCN là khu công nghiệp.
Sơ đồ thể hiện các khu chức năng (ảnh trích từ quy định quản lý ban hành kèm theo quyết định phê duyệt đồ án quy hoạch phân khu sinh thái phía Tây)
Khu chức năng HHB-DL1
Vị trí, ranh giới: phía Bắc giáp rừng đặc dụng, rừng sản xuất; Phía Nam, Tây giáp khu chức năng HHB-ĐVO; Phía Đông giáp rừng sản xuất.
Quy mô diện tích khoảng 6,4 ha. Tính chất khu HHB-DL1 là khu du lịch.
Khu chức năng HHB-DL2
Vị trí, ranh giới: phía Đông giáp biển, phân khu cảng biển Liên Chiểu; phía Tây giáp cây xanh chuyên dụng (HHB-ĐVO-CXCD-4); Phía Bắc giáp rừng phòng hộ, rừng sản xuất; Phía Nam giáp quốc lộ 1A.
Quy mô diện tích khoảng 103,1 ha với dân số khoảng 1.740 người. Tính chất khu HHB-DL2 là khu hỗn hợp du lịch, thương mại kết hợp ở.
Khu chức năng HHB-DL3
Vị trí, ranh giới: phía Đông, Nam giáp biển; phía Tây giáp rừng phòng hộ; phía Bắc giáp rừng sản xuất.
Quy mô diện tích khoảng 155,0 ha với dân số khoảng 5.990 người. Tính chất khu HHB-DL3 là khu hỗn hợp du lịch, thương mại kết hợp ở.
Khu chức năng HHB-DL4
Vị trí, ranh giới: phía Đông giáp biển; phía Tây giáp rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất; phía Nam giáp rừng sản xuất; phía Bắc giáp rừng đặc dụng.
Quy mô diện tích khoảng 162,1 ha với dân số khoảng 1.530 người (trong đó gồm 1.000 người vãng lai). Tính chất khu HHB-DL4 là khu hỗn hợp du lịch, thương mại kết hợp ở.
Khu chức năng HHB-QP
Vị trí, ranh giới: phía Bắc, Tây giáp khu chức năng HHB-DL3; phía Nam, Đông giáp biển. Quy mô diện tích khoảng 30,3 ha. Tính chất khu HHB-QP là quốc phòng.
Khu chức năng HHB-LN1
Vị trí, ranh giới: phía Bắc giáp tỉnh Thừa Thiên Huế; Phía Tây giáp đồi núi; phía Nam giáp khu chức năng HHB-ĐVO, HHB-DL1, HHB-DL2, HHB-DL3; phía Đông giáp khu chức năng HHB-DL4 và biển.
Quy mô diện tích khoảng 3.035,8 ha. Tính chất khu HHB-LN1 là rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất, di tích, tôn giáo, hạ tầng kỹ thuật.
Khu chức năng HHB-LN2
Vị trí, ranh giới: đảo Sơn Trà Con với tứ cận tiếp giáp biển. Quy mô diện tích khoảng 150,8 ha. Tính chất khu HHB-LN2 là rừng đặc dụng.
Toàn cảnh Hải Vân Quan được trùng tu 2021 - 2023 với tổng diện tích tu bổ 6.500 m2, tổng kinh phí hơn 42 tỷ đồng do Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng cùng đóng góp. Ảnh: Nguyễn Đông
Quy định quản lý các khu vực bảo tồn, di tích lịch sử, văn hoá, danh lam thắng cảnh, địa hình cảnh quan thuộc đồ án quy hoạch phân khu sinh thái phía Tây như sau:
Đối với khu bảo vệ cảnh quan Nam Hải Vân: Tận dụng tối đa các điều kiện tự nhiên sẵn có của khu vực để bảo vệ rừng, bảo vệ cảnh quan tự nhiên và đảm bảo phát triển bền vững. Quy mô, hình thức các công trình xây dựng không được tranh chấp, lấn át, ảnh hưởng đến cảnh quan các công trình di tích lịch sử, tôn giáo, tín ngưỡng như khu di tích Hải Vân Quan, chùa Nam Hải,…
Công trình di tích văn hóa lịch sử được xếp hạng (Hải Vân Quan) quản lý theo quy định của Luật Di sản văn hoá.
Tại khu vực có hai nền móng công trình phòng thủ quân sự triều Nguyễn chưa được xếp hạng là di tích lịch sử - văn hoá: Để làm cơ sở nghiên cứu, đánh giá các giá trị và khả năng xếp hạng di tích đề nghị đưa vào danh mục kiểm kê di tích và xác định khu vực cần thăm dò, khai quật khảo cổ. Trong thời gian tới, huy động nguồn lực phát lộ toàn bộ diện tích hai công trình và có phương án bảo vệ, quản lý hai công trình trước khi tiến hành thăm dò, thám sát, khai quật khảo cổ.
Trong bước tiếp theo tiếp tục nghiên cứu cụ thể sau khi thăm dò, thám sát, khai quật khảo cổ trên nguyên tắc đảm bảo quy định của Luật Di sản văn hoá (nếu được công nhận), đảm bảo giao thông - cảnh quan khu vực và đảm bảo sự tiếp cận của người dân, du khách.
Các dự án phát triển trong khu vực khi triển khai đầu tư xây dựng theo quy hoạch phải có đánh giá tác động đến địa hình, địa chất, hệ sinh thái tự nhiên, cảnh quan, văn hóa và di sản. Trong đó lưu ý phải có các giải pháp phòng ngừa, giảm thiểu và ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu, sạt lở, xói mòn, nhất là các khu vực Suối Lương, đèo Hải Vân; đề ra các giải pháp tổng thể khắc phục tác động và lập kế hoạch giám sát môi trường cụ thể.
Sơ đồ bố trí trạm Nam Chơn và đồn Chơn Sảng - hai công trình phòng thủ quân sự triều Nguyễn, hiện thuộc khu vực làng Vân, phường Hòa Hiệp Bắc. Ảnh: Tư liệu
“Quy hoạch chung không xác định điểm nhấn đô thị tại khu vực lập quy hoạch. Để định hướng không gian, tạo nét đặc trưng và nhận diện cho khu vực lập quy hoạch, xác định các điểm nhấn là các không gian cây xanh, mặt nước kết nối từ biển vào trung tâm khu vực ô chức năng HHB-DL3, khu vực Làng Vân cũ. Đồng thời tại khu vực có không gian cửa ngõ đô thị được xác định tại khu dịch vụ đầu hầm Hải Vân là không gian tiếp cận chính vào thành phố từ phía Bắc.
Lưu ý đây không phải là các điểm nhấn đô thị được quy định tại quy hoạch chung nên không được hưởng các ưu đãi như hệ số sử dụng đất vượt 13 lần hoặc vượt QCVN 01:2021/BXD”, trích quy định quản lý kèm theo đồ án quy hoạch phân khu sinh thái phía Tây.
Trần Hoài Nam