Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận thuộc Bộ Giao thông Vận tải đã đề xuất hai phương án xây dựng cầu Cần Thơ 2, dự kiến sẽ khởi công vào năm 2026 và hoàn thành vào năm 2029.
Đây là dự án quan trọng nhằm hoàn thiện tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), kết nối tuyến cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ với tuyến cao tốc Cần Thơ-Cà Mau.
Hai phương án xây cầu Cần Thơ 2 được Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận đề xuất có tổng mức đầu tư lần lượt khoảng 19.800 tỷ đồng và 27.500 tỷ đồng.
Phương án đầu tiên được đề xuất là xây dựng cầu Cần Thơ 2 với đường sắt đi riêng đường bộ. Cầu sẽ có chiều dài nhịp chính 550m, sử dụng kết cấu dầm thép liên hợp bản mặt cầu bêtông cốt thép. Sơ đồ nhịp cầu sẽ là (270+550+270)m, với tổng chiều dài cầu chính là 1.090m.
Phương án này có ưu điểm là tách biệt được luồng giao thông đường bộ và đường sắt, giúp tăng tính an toàn và hiệu quả vận hành cho cả hai loại hình giao thông. Tuy nhiên, nhược điểm của phương án này là chi phí đầu tư cao hơn do phải xây dựng hai cầu riêng biệt.
Phương án thứ hai đường sắt sẽ đi chung đường bộ, cầu vẫn có chiều dài nhịp chính 550m, nhưng dự kiến sử dụng kết cấu dầm hệ giàn thép. Sơ đồ nhịp cầu sẽ là (280+550+280)m, tổng chiều dài cầu chính là 1.110m.
Ưu điểm của phương án này là tiết kiệm chi phí xây dựng và diện tích chiếm đất do chỉ cần xây dựng một cầu. Tuy nhiên, nhược điểm là việc kết hợp hai loại hình giao thông trên cùng một cây cầu có thể gây khó khăn trong quản lý, vận hành và bảo trì.
Về tổng mức đầu tư, phương án 1 (đường sắt đi riêng đường bộ) được dự kiến có tổng mức đầu tư là 19.782 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây lắp và thiết bị chiếm 12.874 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác là 1.287 tỷ đồng, chi phí dự phòng là 2.968 tỷ đồng, và chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 2.653 tỷ đồng.
Phương án 2 (đường sắt đi chung đường bộ) có tổng mức đầu tư cao hơn, lên tới 27.494 tỷ đồng; trong đó, chi phí xây lắp và thiết bị là 18.544 tỷ đồng, chi phí quản lý dự án, tư vấn và chi phí khác là 1.853 tỷ đồng, chi phí dự phòng là 4.276 tỷ đồng, và chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 2.821 tỷ đồng.
Dự án cầu Cần Thơ 2 có tổng chiều dài khoảng 14,65km, nằm cách cầu Cần Thơ hiện hữu khoảng 4,5km về phía hạ lưu; trong đó phần đường dẫn vào cầu phía Vĩnh Long dài 8,38km, phần cầu chính và nhịp dẫn dài 2,75km và phần đường dẫn và cầu phía Cần Thơ dài 3,52km.
Điểm đầu của dự án kết nối với nút giao Chà Và (cuối dự án cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ, thuộc địa bàn xã Mỹ Hòa, thị xã Bình Minh - tỉnh Vĩnh Long) còn điểm cuối kết nối với nút giao IC2 giao với Quốc lộ Nam Sông Hậu thuộc địa bàn phường Phú Thứ, quận Cái Răng (điểm đầu của cao tốc Cần Thơ-Cà Mau).
Cầu sẽ được thiết kế với khổ thông thuyền tổng bề rộng 300m; trong đó, luồng chính rộng 160m, cao 39m và luồng hai bên cao 30m. Bề rộng mặt cầu 24,75m, đáp ứng quy mô hoàn chỉnh bốn làn xe cơ giới theo tiêu chuẩn TCVN 5729:2012.
Phần đường dẫn cũng có quy mô bốn làn xe, rộng 24,75m theo tiêu chuẩn đường cao tốc. Theo dự kiến, diện tích giải phóng mặt bằng của dự án theo quy mô quy hoạch khoảng 519,64ha. Dự án, dự kiến khởi công vào năm 2026, hoàn thành năm 2029.
Theo Ban Quản lý dự án Mỹ Thuận, dự án đầu tư xây dựng cầu Cần Thơ 2 là mảnh ghép cuối cùng trên tuyến cao tốc Bắc-Nam phía Đông khu vực ĐBSCL (kết nối tuyến cao tốc Mỹ Thuận-Cần Thơ và tuyến cao tốc Cần Thơ-Cà Mau), là tuyến đường bộ cao tốc đảm nhiệm là hệ thống trục xương sống của quốc gia, đảm bảo vận tải hàng hóa, hành khách khối lượng lớn, liên tục với tốc độ cao.
Dự án tạo sự kết nối đồng bộ, thuận lợi với các cảng biển chính, các khu đô thị lớn, khu công nghiệp, cảng cạn, logistics khu vực ĐBSCL…
Sông Hậu dài khoảng 230km, là một trong hai nhánh của sông Mekong khi chảy vào địa phận Việt Nam, qua địa phận các tỉnh An Giang, thành phố Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng.
Trên con sông này hiện có ba cầu đã hoàn thành là cầu Cần Thơ (2010), cầu Vàm Cống (2019) và cầu Châu Đốc (2024).
Thanh Liêm