Nếu như người Tày, Thái, Nùng luôn định cư ở những vùng thung lũng, dưới chân núi, gần sông suối, trồng lúa nước; người Mông sống ở trên đỉnh núi - Những đỉnh núi du ca, như tên một cuốn sách của nhà nghiên cứu trẻ Nguyễn Mạnh Tiến - trồng ngô trong hốc đá và sống trong điều kiện thời tiết rất khắc nghiệt, đặc biệt thiếu nước sinh hoạt; thì người Dao sống ở lưng chừng. Người Dao trồng lúa nương, nếp và tẻ, trồng thảo quả trong các khe núi, chăn thả gia súc trong những cánh rừng...
Tôi đồ rằng, cái sự “lưng chừng núi” có điều gì đó mang dấu ấn đặc trưng của tính cách Dao: không dữ dội mãnh liệt đôi lúc cực đoan như người Mông, cũng không nhu hòa hiền lành như người Tày, mà mọi thứ đều “ở giữa”. Đó có thể là một lựa chọn thông minh, cũng có thể sự thông minh họ có được chính từ sự hài hòa với điều kiện tự nhiên xã hội, khả năng thích nghi tốt với mọi hoàn cảnh... từ tổ tiên để lại.
Tôi đã đi nhiều vùng miền núi phía Bắc, và không hề ngạc nhiên nếu như bắt gặp một/ một nhóm/ một bản làng người Dao làm kinh tế rất giỏi. Trong khi các tộc người khác còn đang chật vật tìm hiểu, thận trọng thích nghi thì người Dao luôn bật lên trước, đi trước, kiên định và quyết tâm. Từ già đến trẻ, họ luôn nuôi dưỡng một nguồn năng lượng kỳ diệu, lặng lẽ sống, chăm chỉ lao động.
Ngô của gia đình người Dao vừa thu hoạch xong.
Ở phía Tây Cao Bằng, giáp với Bắc Kạn, là huyện Nguyên Bình. Nguyên Bình được xem là thủ phủ của người Dao ở Cao Bằng nói riêng, Đông Bắc nói chung. Đông Bắc ở đây có thể tính là các tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Quảng Ninh.
Khi xưa, những buổi chiều mùa hè nắng chói chang, tôi thường đứng ở ngọn đồi sau nhà nhìn sang phía đối diện. Bên kia sông Lô là những dãy núi liên tiếp chồng lên nhau, núi sau cao hơn núi trước, không biết đâu là điểm cuối cùng. Bên ấy có một bản người Dao: bản Nùng Áng. Người Dao ở lưng chừng núi và làm nương. Họ hầu như không có ruộng để trồng lúa nước. Lúa nương năng suất thấp nhưng gạo thì vô cùng ngon.
Những buổi chiều hè chói chang như thế, nắng từ phía Tây chiếu xuống dữ dội, mỗi người khi đi làm nương thì chặt theo một tàu lá cọ. Họ cắm tàu cọ xuống nơi làm để che nắng, người di chuyển đến đâu thì nhấc tàu cọ cắm theo đến đấy. Những tàu cọ chốc chốc lại di chuyển khiến tôi liên tưởng đến những đàn kiến khiêng miếng thức ăn quá to so với cơ thể. Nghĩ thế là bởi vì tôi không nhìn thấy người đâu, chỉ thấy những tàu cọ chốc chốc lại đổi chỗ trên triền núi màu đỏ.
Tắt nắng thì là lúc cỏ rả đã khô, họ gom thành đống và bắt đầu đốt. Những đống lửa đỏ bập bùng cháy khắp triền đồi. Thỉnh thoảng họ chèo mảng sang bên này sông, mang theo vài thứ gì đó có thể đổi được dầu, muối, mì chính, xà phòng giặt... như là gà, trứng gà, cá câu được dưới sông, hoặc ngô khoai sắn... Họ ít cười, giao tiếp khó khăn khi phải dùng tiếng Kinh, thật thà chất phác, không biết mặc cả.
Người Dao có nhiều nhánh: Dao Tiền, Dao Quần Chẹt, Dao Thanh Phán, Dao Sơn Đầu... Mỗi nhánh Dao dễ phân biệt nhất ở trang phục. Phong tục mỗi nhánh Dao cũng khác, nhưng tiếng nói thì khá tương đồng. Người Dao Cao Bằng chủ yếu sống ở phía Tây. Đến mức khi chúng tôi có nguyện vọng tìm một bản Dao, hoặc thậm chí chỉ cần một nhóm 7-8 nóc nhà, cũng không thể nào tìm được ở phía Đông - là phía có thác Bản Giốc, hang Pác Bó. Họ đã sống ở Nguyên Bình từ rất lâu, có lẽ hàng trăm năm trước. Tôi trở đi, trở lại Nguyên Bình không nhớ đã bao lần. Xuân hạ thu đông, mùa nào cũng đã từng trải qua ở đây. Và lần nào cũng vào một bản người Dao nào đó.
Căn bếp ấm áp của người Dao trên núi cao Nguyên Bình.
Cuối tháng Tám, trời đã vào thu. Mưa suốt hai ngày liền trước và trong khi tôi cùng các đồng nghiệp quay lại Nguyên Bình. Bọn tôi đang có một dự án phim truyền hình, dự định sẽ lấy Cao Bằng làm bối cảnh chính. Chuyến đi phục vụ cho những việc xoay quanh dự án ấy. Tôi mê Cao Bằng. Mê cả vùng Tày và vùng Dao, cũng tức là phải đi xuyên từ phía Đông sang phía Tây mới “được việc”.
Năm nay sẽ rét sớm, và rất có thể sẽ là một mùa đông bất thường. Một bà Dao nói với tôi như vậy khi tôi vừa đặt chân tới Hoài Khao, một bản người Dao nằm tít sâu trên núi cao Nguyên Bình. Sở dĩ bà nói vậy là bởi tự dưng bầy ong mọi năm phải tháng Tám âm lịch mới di cư tránh rét thì năm nay mấy trăm tổ lũ lượt rời đi từ trước rằm tháng Bảy. Trong trí nhớ của một bà lão đã gần 80 tuổi thì chưa bao giờ đàn ong này di cư trước rằm tháng Bảy.
Bầy ong này rất đặc biệt.
Hằng năm, cứ tầm tháng Ba, hàng trăm đàn ong không biết từ đâu bỗng kéo về, xây những cái tổ dài hàng mét, lủng lẳng trên những vách đá dựng đứng trong rừng sâu, cách bản Hoài Khao chừng 4-5 km đường rừng. Những con ong lặng lẽ xây tổ, tung cánh đi hút mật và sinh sống ở đấy cho đến tận tháng Tám.
Người Dao ở Hoài Khao tuyệt đối không lấy một giọt mật ong. Họ chỉ lấy thứ duy nhất đàn ong bỏ lại, chính là những bọc sáp khổng lồ. Sáp ấy cũng chỉ để dùng vào một việc duy nhất là kỹ thuật vẽ sáp ong trên thổ cẩm của người Dao. Những họa tiết tuyệt đẹp trên váy áo phụ nữ. Năm nào cũng vậy, cứ mùa xuân chúng đến và mùa thu chúng đi.
Tôi nhớ chuyến đi xem đàn ong bay về ấy. Chúng tôi không thể nào đi nhanh được vì những quyến rũ của rừng sau cơn mưa đêm trước. Bấy giờ là mùa xuân, rừng mướt mát màu xanh và hoa nở miên man. Rừng dường như rất ít dấu chân người. Cây rừng vươn cao mạnh mẽ, khỏe khoắn lên vòm trời cao mênh mông vô tận. Chúng tôi xuyên qua lối mòn dưới những tán cây rậm rì, nặng trĩu, tối mịt, lao xao khe khẽ. Những giọt nước đọng trên ngọn lá rơi buốt vai...
Rừng trong ngày mưa có mùi hương kỳ lạ. Dường như tất cả hương thơm của rừng, hàng vạn hay hàng triệu mùi hương đều trỗi dậy sau những cơn mưa, thanh sạch tinh khôi và ngọt ngào. Chúng tôi cứ đi, đi mãi, không ai hỏi sắp đến nơi chưa vì còn mải mê hòa tan mình vào vẻ đẹp nguyên thủy của rừng. Bất giác tôi nghĩ hẳn là không phải tự dưng mà hàng trăm đàn ong kia lại tìm nơi này để trú ngụ mỗi mùa làm mật.
Mỗi năm một lần, người già trong bản tổ chức lễ tạ ơn đàn ong. Tạ ơn vì chúng đã gắn bó với núi rừng bao năm qua mà chưa một mùa xuân nào không quay lại. Tạ ơn vì chúng đã mang đến những bọc sáp khổng lồ, đủ để phụ nữ trong bản làm ra những bộ váy áo đẹp nhất cho các cô gái sắp về nhà chồng; cho các bà, các mẹ, cho các bé gái diện vào những dịp quan trọng.
Đàn ong ấy đã chung sống bên cạnh con người trong suốt nhiều thập kỷ, chỉ vì một lẽ: chúng được tôn trọng tuyệt đối. Người ta nói, nếu đàn ong nổi giận, có thể một con trâu mộng cũng bị đốt chết chứ đừng nói con người. Có lẽ phải hàng triệu, hàng tỷ con. Hàng triệu, hàng tỷ cái ngòi chứa nọc...
Ông lão người Dao với nụ cười một chiếc răng.
Khi người dẫn đường dừng lại, đưa ngón trỏ lên ra hiệu, chúng tôi ngẩng mặt lên. Bên kia khe suối, rất nhiều tổ ong màu nâu đậm dài hàng mét lủng lẳng trên vách đá một cách kỳ lạ. Thường tôi thấy những đàn ong gá vào đâu đó để đặt tổ hơn là treo lủng lẳng thế kia. Những cái tổ to và nặng trĩu. Tiếng bầy ong vỗ cánh vù vù. Không được nói to, càng tuyệt đối không được hút thuốc lá. Từ dưới chân vách đá, người làng dựng lên những cái thang bằng vầu, buộc chặt vào thân cây to hoặc gác vào vách. Đấy là những cái thang dùng để lấy sáp ong khi chúng bỏ đi.
Mùa thu này trở lại tôi đã hy vọng sẽ chứng kiến cảnh từng đàn, từng đàn một cất cánh rời khỏi cánh rừng và những người già, trẻ con, đàn ông, đàn bà dù đang làm gì cũng dừng lại, ngẩng lên nhìn theo thì thầm những lời tạm biệt. Có lẽ cái khoảnh khắc ấy, lời tạm biệt và hẹn gặp lại vào mùa xuân năm sau ấy sẽ mang lại một thứ cảm xúc nào đó không thể nào lặp lại trong cuộc đời. Nhưng thật tiếc vì chúng đã đi hết, từ lâu, bỏ lại những cái tổ đầy sáp và người làng lấy về cho đám phụ nữ chuẩn bị váy áo mới cho những cô dâu về nhà chồng trong mùa cưới đang đến gần.
Người Dao thuở xưa đều ở trong nhà trình tường, mái lợp ngói âm dương. Nhà thường có ba gian. Gian giữa tiếp khách, thờ cúng tổ tiên. Hai gian bên là buồng ngủ. Bếp ở phía sau. Nhà trình tường của người Dao cao hơn nhà người Mông một chút. Có lẽ vì nhà người Mông ở trên đỉnh núi nên họ làm thấp cho chắc chắn, ấm hơn vào mùa đông.
Nguyên Bình có một xóm người Dao rất đẹp. Tôi chưa từng đến xóm nào thú vị đến vậy. Nó thú vị ở chỗ, cả xóm, chừng chục nóc nhà, làm liền tù tì với nhau thành một dãy thẳng tắp, cùng chung một hè nhà. Tức là đứng ở hiên nhà đầu tiên có thể nhìn thấy người ra vào ở nhà cuối cùng. Họ không phải họ hàng, chỉ là hàng xóm. Và cái xóm Nà Rẻo này hình thành từ những năm sáu mươi của thế kỷ trước. Họ cứ sinh sống cùng nhau như một đại gia đình như vậy với bao nhiêu đứa trẻ sinh ra, lớn lên, lấy vợ lấy chồng, lại sinh con đẻ cái…
Xóm Nà Rẻo hình thành từ những năm sáu mươi thế kỷ trước, với những mái nhà nối nhau thành một dãy thẳng tắp.
Những mái nhà nối liền nhau, vách cũng liền nhau, hè nhà thì đương nhiên là thẳng tắp. Trước mặt là thung lũng, với những thửa ruộng bậc thang thoai thoải. Thật khó hình dung những gia đình mà gia đình nào cũng ba bốn thế hệ chung sống với nhau mà không bao giờ to tiếng. Bây giờ thì họ đang hy vọng vẻ đẹp của kiến trúc, của phong tục, và đặc biệt là vẻ đẹp của sự gắn kết vô hình nhưng chắc chắn một cách tuyệt đối ấy có thể, một lúc nào đó, sẽ là nơi đến của khách du lịch. Tất nhiên, tôi nghĩ hẳn những vị khách ấy cũng sẽ giống như tôi, khát khao đi tìm những vẻ đẹp nhân văn trong đời sống này. Tìm thấy, ngưỡng mộ, và sửa mình trong những tháng năm còn lại của cuộc đời.
Trời mưa, rét. Nước chảy xối xả tràn qua lối đi ngoằn ngoèo. Những thửa ruộng bên dưới thung lũng mờ mờ trong màn mưa dày hạt... Y như thể mùa đông đã tới đây rồi dù mới cuối tháng Tám. Bọn trẻ con chắc đã được lùa đến trường, người lớn đi làm. Nhà nào mở cửa cũng chủ yếu gặp người già.
Một bà lão tóc bạc trắng, mặc bộ váy áo Dao Tiền đã cũ, đang múc nước trong một cái lỗ tròn tròn dưới nền đất, đổ vào chậu. Tôi ngửi thấy mùi rượu, rất ngạc nhiên. Nghĩ bụng, quái, sao rượu lại chảy xuống hố đất nhỉ? Hỏi bà: Bà múc gì đấy bà? Bà bảo: Nước mưa. Nó chảy qua tường. Chịu, không hình dung nổi tại sao nước mưa lại ngấm được qua tường xong chảy vào... cái hố đất.
Bà lão Dao Tiền đang múc nước mưa ngấm qua tường.
Bà múc đầy chậu rồi đem đi đổ. Nhìn quanh bếp thì thấy một dãy chum bịt kín xếp sát tường. Nghe nói tháng tới nhà có đám cưới. Mùi rượu thơm chắc tỏa ra từ đấy. Người Dao có thứ rượu giống như rượu nếp ủ mà chúng ta hay mua vào dịp giết sâu bọ (Tết Đoan Ngọ, diễn ra vào mùng 5.5 âm lịch - BTV), nhưng ủ kỹ, chắt lấy nước ra uống. Thứ rượu không qua chưng cất ấy đặc biệt ngon, ngọt, nhưng say thì cũng không biết trời đất gì. Lần đầu tiên trong đời tôi biết say rượu là gì cũng chính là uống thứ rượu ấy của một bà Dao ở Nùng Áng trong những ngày đầu tiên đi làm báo.
Vừa quay ra thì đã thấy bà cụ kịp rót rượu ra chén, chìa trước mặt. Cái lệ ở đây là thế. Vào nhà một chén, bước ra cửa một chén. Tôi sợ phải uống rượu nên kiếm cớ ra ngoài. Ngoài hiên, cụ ông hàng xóm đang ngồi trên cái ghế gỗ có tựa, bé tí ti như ghế ở trường mẫu giáo, cái vỉ đập ruồi dựng bên cạnh. Cứ chốc chốc cụ lại đập đập dù chả thấy con ruồi nào. Ông lão thấy tôi giơ máy ảnh thì vừa xoa đầu, vừa cười. Chả biết răng ông chạy đâu hết, còn mỗi cái.
Ông không nói được tiếng Kinh. Hỏi gì ông cũng đáp bằng mấy câu tiếng Dao. Chịu chết không hiểu được. Nhưng cần gì hiểu. Cháu cứ hỏi, ông cứ đáp, ông cười, cháu cũng cười trong tiếng rào rào của cơn mưa xối trên những tán cây.
Trời vẫn cứ mưa thế thôi, mãi không tạnh.
Có cái nỗi nhớ gì đó cứ da diết dâng lên.
Là nhớ miền núi.
Nhớ tuổi thơ.
Nhớ những tàu lá cọ che nắng của mấy cô Dao, chị Dao trên triền núi đầy nắng của những năm nảo năm nào…
Có lẽ vậy.
Bài và ảnh: Đỗ Bích Thúy