Huy động nguồn vốn đầu tư các tuyến metro tại TP.HCM

 17:27 | Thứ bảy, 12/10/2024  0
Giai đoạn 2026 - 2030, Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) cần 22,3 tỷ USD để triển khai các công trình, dự án đường sắt đô thị (metro) còn giai đoạn 2031 - 2035 cần 15,15 tỷ USD. Như vậy, giai đoạn 2026 - 2035, TP.HCM cần khoảng 37,45 tỷ USD để đầu tư hệ thống các tuyến metro.

Đây là báo cáo đáng chú ý của Ủy ban nhân dân (UBND) TP.HCM với Bộ Tài chính về công tác huy động nguồn vốn và nợ công của các dự án metro trên địa bàn Thành phố. Theo UBND TP.HCM, để có đủ nguồn vốn 22,3 tỷ USD trong giai đoạn 2026 - 2030, Thành phố sẽ huy động từ nguồn ngân sách Thành phố là 7,18 tỷ USD (chiếm 32,2%), phát hành trái phiếu chính quyền địa phương là 6,88 tỷ USD (30,9%), Trung ương hỗ trợ khoảng 6,48 tỷ USD (29%) và vốn BT trả chậm là 1,76 tỷ USD (7,9%).


Đoạn trên cao thuộc tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) TP.HCM.

Đối với nhu cầu vốn 15,15 tỷ USD trong giai đoạn 2031 – 2035, Thành phố sẽ huy động từ ngân sách Thành phố là 9,54 tỷ USD (chiếm 63%), Trung ương hỗ trợ khoảng 3,19 tỷ USD (21,1%), vốn BT trả chậm là 2,41 tỷ USD (15,9%).

UBND TP.HCM xác định, tổng nhu cầu vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 của Thành phố là khoảng gần 62,59 tỷ USD, bao gồm nhu cầu vốn cho Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM là 21,755 tỷ USD (chiếm 34,76%).

Theo UBND TP.HCM, nhu cầu cho các dự án giai đoạn hiện nay của Thành phố là rất lớn, nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng theo phân cấp của Thành phố không thể đáp ứng nên cần phải huy động bổ sung thêm dưới nhiều hình thức khác, trong đó có huy động từ nguồn vốn vay. Thành phố đang thực hiện các dự án ODA với mức vay lại quy mô lớn và Thành phố tiếp tục thực hiện Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM theo Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị.

Vì vậy, tổng mức vay và bội chi ngân sách Thành phố hằng năm cần được Quốc hội, Chính phủ xem xét, điều chỉnh để đảm bảo đủ nhu cầu nguồn vốn vay hằng năm của Thành phố trong giai đoạn tới, đảm bảo triển khai các dự án theo chỉ đạo của Bộ Chính trị.

Để đáp ứng nhu cầu vốn thực hiện Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị, TP.HCM đề xuất được giữ lại số tăng thu ngân sách Trung ương được hưởng từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách Trung ương và ngân sách Thành phố (hiện nay đang theo tỷ lệ 79/21) để thực hiện Đề án. Toàn bộ nguồn tăng thu nêu trên chỉ được sử dụng cho mục đích thực hiện Kết luận số 49-KL/TW của Bộ Chính trị.

Đối với nguồn huy động từ đấu giá tạo nguồn thu cho ngân sách Thành phố trên cơ sở các khu đất dự kiến phát triển theo mô hình TOD, theo tính toán của UBND TP.HCM, dự kiến Thành phố sẽ thu được kinh phí từ bán đấu giá các khu đất do Nhà nước trực tiếp quản lý xung quanh các nhà ga thuộc tuyến metro số 1 và số 2; kinh phí từ bán đấu giá các khu đất sau khi thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư xung quanh các nhà ga thuộc tuyến metro số 3, 4, 5.

Đối với nguồn vốn đầu tư của Thành phố, UBND TP.HCM dự kiến sử dụng từ 10% - 40%/năm (tùy theo tiến độ dự án) nguồn vốn đầu tư công hàng năm của Thành phố để ưu tiên đầu tư Đề án phát triển hệ thống đường sắt đô thị TP.HCM.

Xuân Tình

 

Nguồn laodongthudo.vn
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.