Tác giả Nguyễn Khắc Cường, cây bút từng giành giải B giải Sách Quốc gia với Joni mặt tịt và đồng bọn tinh nghịch, đã trở lại với một truyện dài với văn phong trong trẻo và ấm áp. Trong tác phẩm mới này: Nụ hôn dưới vòm cây, một lần nữa anh lại bắc cầu nối giữa những thế hệ khác nhau như đã từng làm trong Kho báu trong thành phố (cuốn sách lọt vào Chung khảo giải thưởng Dế Mèn 2024).
Truyện dài Nụ hôn dưới vòm cây là hành trình một đôi bạn trẻ ngược dòng thời gian để tìm lại quá khứ của ông bà mình, quá khứ đầy bi hùng và đẹp đẽ của những thanh niên đã tham gia lực lượng Biệt động Sài Gòn, đấu tranh bảo vệ đất nước. Sau khi khám phá ra chuyện xưa của ông bà, họ dùng ngòi bút và sức trẻ của mình để lan tỏa câu chuyện đó đến với những người trẻ khác, nhắc nhở mọi người cùng quý trọng hòa bình và biết ơn sự hy sinh của cha ông.
Bìa cuốn sách Nụ hôn dưới vòm cây. Ảnh: NXB Trẻ
Nhân vật chính của Nụ hôn dưới vòm cây là Hải Đường, một chàng trai nhiệt huyết đang làm phóng viên một tờ báo dành cho bạn đọc tuổi teen. Khi bà ngoại mất, anh tình cờ phát hiện cuốn sổ bà dùng để ghi chép số điện thoại người quen, và anh quyết định thử liên hệ với những người bạn đó.
"Cuốn sổ nhỏ bằng nửa bàn tay, trang bìa đã bạc màu in hình ca sĩ Đan Trường tóc hai mái. Nhét cất dưới nệm. Trên nền giấy ca rô vàng ố là chi chít con số. Ngoài vài ba cái tên có họ hàng với gia đình mà anh biết, còn lại là những danh xưng lạ hoắc, thậm chí có cả những ký hiệu như Z8, B8, R2…" (trích dẫn từ Nụ hôn dưới vòm cây).
Sự tình cờ đã đưa Hải Đường gặp những người bạn cũ, cũng là đồng đội của bà Năm Thường trong lực lượng biệt động Sài Gòn - những người đã sống, đã yêu thương và dành những năm tháng thanh xuân rực rỡ để tham gia cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại.
"Cả thảy có mười bốn cụ, trong đó vài cụ mặc quân phục, ngực áo đeo đầy huân chương. Những chiếc huân chương gợi nhắc một thời lẫy lừng, vào sinh ra tử, dù bây giờ các cụ đã hom hem. Có cụ ngồi ghế vẫn chống gậy, mắt lim dim, tai không biết còn nghe được không nhưng miệng nói không rõ tiếng nữa. Vậy mà người nhà cho biết cụ nôn tới buổi họp mặt này cả tháng nay. Bộ quân phục gắn huân chương được ủi phẳng phiu, treo sẵn ở đầu giường từ hai tuần trước" (trích dẫn từ Nụ hôn dưới vòm cây).
Hành trình này cũng giúp Hải Đường gặp được Sương Mai, một cô bé tuổi teen dạn dĩ, nghịch ngợm và táo bạo - là cháu của ông Trầm Tú, người đồng đội cũ của bà Năm Thường. Nhận thấy tài năng và sự lanh lợi của cô bé, Hải Đường đã rủ Sương Mai viết báo, và tờ báo của anh có thêm một phóng viên tập sự lém lỉnh, đáng yêu. Cùng nhau, Hải Đường và Sương Mai đã lắng nghe những chuyện kể của ông Trầm Tú và bà Huỳnh Mai, chắp nối từng mảnh ghép và đưa câu chuyện của ông bà lên trang báo.
Bài báo Dưới vòm cây Sài Gòn đến với bạn đọc teen như một hồ sơ đặc biệt kỷ niệm ngày Truyền thống Học sinh sinh viên, giúp các bạn trẻ biết được lịch sử oai hùng của thanh niên thành phố và gây bồi hồi, xúc động vì một mối tình lãng mạn bừng nở giữa đạn bom, nhưng cũng vì đạn bom mà chưa trọn vẹn.
Tác phẩm này là hư cấu, nhưng tác giả Nguyễn Khắc Cường đã tham khảo các tư liệu thực tế, trong đó có cuốn sách Đội thanh niên cận vệ Sài Gòn (NXB Trẻ, 2012) để lấy chất liệu xây dựng những nhân vật một thời: ông Tú, bà Mai, bà Năm Thường. Tác giả cũng sử dụng chính những trải nghiệm trong công việc làm báo của mình làm cảm hứng cho những sự kiện mà Hải Đường và Sương Mai gặp phải.
Chất liệu từ cuộc sống đã tạo cho câu chuyện sự quen thuộc và sống động, khiến bạn đọc vừa bắt gặp hơi thở của cuộc sống ngày nay, vừa được thấy lại khung cảnh ác liệt mà hào hùng tại Sài Gòn ngày trước. Đặc biệt, những cảnh chiến đấu được mô tả rất rõ rệt, chi tiết, dễ dàng khiến ta cũng hồi hộp đến nghẹt thở theo những tiếng đạn rơi, bom nổ.
Nụ hôn dưới vòm cây là một câu chuyện ấm áp và dịu dàng, nói lên tình thương giữa đứa cháu với ông bà, sự kính trọng của thế hệ sau dành cho thế hệ trước, đồng thời cũng khẳng định sức mạnh của tình bạn - tình đồng đội - tình yêu khi con người có chung hoài bão, cùng nhau chiến đấu vì những mục tiêu tốt đẹp: khi xưa là bảo vệ đất nước, ngày nay là kế tục con đường của cha ông. Đó là một thông điệp tích cực về tình yêu thương, lòng yêu nước, và niềm tự hào về truyền thống của dân tộc. Cuối cùng, như Nguyễn Khắc Cường đã mượn lời bài hát của nhạc sĩ Trần Long Ẩn để bày tỏ: “... Và những được mất riêng của mình, đời người ai cũng có. Hãy cho nhau tình yêu. Hãy thương nhau thật nhiều…”
Tr.My