Lê Thiết Cương, sống - vẽ - viết

 10:12 | Thứ hai, 02/09/2024  0
Tôi với anh ngồi trong phòng khách của anh gần như suốt một buổi chiều. Tôi cần anh giúp trả lời rất nhiều câu hỏi mà tôi đặt ra, để có một bài báo. Đấy là công việc của tôi. Nhưng tôi đã được anh tặng cho nhiều hơn một bài báo.

Hoạ sĩ Lê Thiết Cương vừa có cuộc triển lãm cá nhân tại Sài Gòn mang tên Duyên. Anh rất ít khi triển lãm cá nhân, có lẽ một phần đơn giản vì anh có một gallery tại Hà Nội, nằm trên một con phố cổ ngay gần nhà thờ Lớn. Những gì anh tâm đắc nhất đều được bày tại đây. Đó cũng là nơi anh sống, anh vẽ và đọc và làm tất cả những gì say mê nhất. 

Cái đẹp trong hội họa của Lê Thiết Cương nằm ở sự tối giản. Tối giản là đỉnh cao của nghệ thuật, đấy là quan niệm của anh. Tối giản, là khi nó đã đi qua tất cả những gì cầu kỳ và phức tạp, nó đã được tinh lọc tới mức không thể tinh hơn được nữa. Đây là điều tôi cực kỳ tâm đắc. Hội họa, hay văn chương, tối giản là cách để tác phẩm đi đến trái tim người tiếp nhận hiệu quả nhất. Tất nhiên, có những người thích cầu kỳ, thích đi đường vòng.

Và một điều hiển nhiên là đi đường vòng bao giờ cũng tốn sức hơn, và nữa, nó tiêu tốn luôn cả cảm xúc trên cái hành trình ấy. Nhưng, tối giản không phải là một phong cách dễ dàng chạm tới. Không dễ một chút nào. Nó phải được đánh đổi bằng nhiều năm lao động sáng tạo trong cuộc đời người nghệ sĩ.

Họa sĩ Lê Thiết Cương ký tặng sách mỹ thuật trong triển lãm cá nhân đầu tiên tại TP.HCM mang tên Duyên, diễn ra từ ngày 3 - 12.8. Ảnh: CTV


Tôi với anh ngồi trong phòng khách của anh gần như suốt một buổi chiều. Tôi cần anh giúp trả lời rất nhiều câu hỏi mà tôi đặt ra, để có một bài báo. Đấy là công việc của tôi. Nhưng tôi đã được anh tặng cho nhiều hơn một bài báo. Chúng tôi nói về Hà Nội. Một Hà Nội mà một người mới như tôi cũng thấy là nó đang mất đi. Nó đang hao mòn đi. Nó đang trôi về một nơi gọi là ký ức, dĩ vãng, quá khứ. 

Trong câu chuyện của chúng tôi, anh Cương nói một ý mà tôi thấy nó đúng trong hầu hết mọi trường hợp liên quan tới hai chữ “tiếp nhận”, đó là: Hà Nội là cái tâm hút những tinh hoa về phía nó. Và trước khi tiếp nhận những tinh hoa của rất nhiều vùng miền, biến nó thành một thứ riêng thuộc về mình, thì Hà Nội là con số không. Anh nói nguyên văn “Hà Nội là zero”. Nó phải là con số không. Một sự trống rỗng. Trống rỗng thì mới có thể thu nạp, tiếp nhận những cái mới. Và tôi nghĩ rằng, tôi cũng vậy. Có lẽ bạn cũng vậy. Nếu như chúng ta đã đầy rồi, chưa biết là đầy những gì, nhưng nếu đã đầy rồi thì sẽ không thu nạp thêm được một cái gì nữa. Thế nên, rốt cuộc là, phải biết dành cho mình những khoảng trống. Tạo ra những khoảng trống để thu nạp cái mới - một cách thông thái. 

Tác phẩm trong triển lãm Duyên.


Trong lúc nói chuyện một cách hoàn toàn ngẫu hứng, tôi nhìn thấy anh Cương đứng dậy. Để làm gì? Để chỉnh một ngọn đèn cho nó có một mức sáng thật vừa đủ, khiến cho bức tượng anh đặt dưới ngọn đèn ấy lộ ra vẻ đẹp nhất có thể. Ở trong phòng khách, anh đặt những bức tượng đẹp nhất, những món đồ gốm anh thích nhất, và để những thứ đó trở nên hoàn hảo hơn chính bản thân nó thì anh phải thiết kế một hệ thống đèn có thể điều chỉnh được độ sáng, góc chiếu sáng. 

Anh khiến cho tôi nhận ra một điều: người ta có thể tận hưởng cuộc sống theo cách của riêng mình. Nó đặc biệt tới mức nào là do chính bản thân chúng ta tạo ra. Cùng một món đồ gốm đó, với niên đại đó, giá trị về mặt tiền bạc của nó đã được xác định trên thị trường đồ cổ, nhưng vào tay người này thì giá trị hơn cả chính nó. Vào tay người khác thì đơn thuần là một món đắt tiền. Vào tay người khác nữa thì có thể chỉ là một món... vứt đi. Vấn đề là chúng ta hiểu ta đang có gì, và tự làm ta giàu có hơn bằng những thứ đó. Hưởng thụ là một phần của lao động. Hưởng thụ để tạo ra năng lượng. Và hưởng thụ ấy, nhất định không đơn thuần là vật chất. Không phải ai cũng nhận ra và làm được điều này. 

Thỉnh thoảng, anh kể về những kỷ niệm trong gia đình. Kiểu như hồi bé, mỗi lần nghịch dại, hình phạt mà anh phải chịu là đi lau những món đồ gỗ. Mà đồ gỗ với hàng ngàn đường nét chạm trổ thì biết rồi đấy, cứ gọi là mờ mắt. Một cậu bé hiếu động bị buộc phải làm một công việc tỉ mỉ nhàm chán đến kinh hồn như thế, biết đâu, có lẽ, lại cũng góp phần để có một Lê Thiết Cương sau này - như chúng ta thấy.

Tác phẩm trong triển lãm Duyên.


Sống thật kỹ càng, làm việc thật kỹ càng, tận hưởng cũng kỹ càng. Tôi chưa hề thấy anh Cương làm bất kỳ cái gì, dù là rất nhỏ, mà quýnh quáng cho xong. Trên chiếc bàn gỗ mà anh hay ngồi vừa tiếp khách vừa đọc sách, làm việc, có vài món đồ mà lần nào đến tôi cũng nhìn. Cốc đựng nến, hộp khăn giấy được làm thủ công bằng một bàn tay thợ Hà Nội tỉ mẩn tài hoa, ống bút để bên cạnh... Hay là mọi cuốn sách, mấy cái vỏ chai rượu, tấm bưu thiếp dựng trên kệ, các món đồ gốm... mọi thứ, tất cả mọi thứ, đều được sắp đặt một cách cẩn trọng, tuyệt nhiên tôi chưa từng thấy một thứ gì dù rất bé xộc xệch trong không gian của anh.

Người ta cứ hay nói, nghệ sĩ thì ngẫu hứng, đôi khi tùy tiện, lôi thôi, anh Cương thì hoàn toàn không. Anh là người cực kỳ ngăn nắp, tỉ mỉ. Mọi nơi, không một hạt bụi. Âm nhạc luôn có, rất vừa đủ, không bao giờ quá to. Ánh sáng luôn hoàn hảo, không thừa. Tôi còn nhớ anh có cái rèm cửa thêu tay, mà anh yêu cầu thợ thêu phải thêu hai mặt y như nhau, không có mặt trước hay sau, trái hay phải, tuyệt nhiên không một đường thêu lỗi hay một đầu chỉ thừa.

Anh sống mỗi ngày trong cuộc đời đều tỉ mỉ như thế, hoàn chỉnh nhất theo cách anh muốn, thế nên tranh của anh cũng vậy. Tôi tin là các nhà phê bình mỹ thuật rất khó tìm ra điều gì đó ẩu tả, thừa hoặc thiếu về mặt nghề nghiệp trên các tác phẩm của anh. Anh là người, hoặc là không làm, hoặc đã làm thì phải để lại dấu ấn. Tất nhiên, không dễ gì học theo anh được. Vì muốn để lại dấu ấn thì phải có tài, đương nhiên. 

Tác phẩm trong triển lãm Duyên.


Anh sống cùng với mẹ, một bà cụ thật là đẹp lão. Tôi cứ nhăm nhăm sẽ viết một cái gì đó mà tôi thật thích về bà mà mãi vẫn chưa viết được, đơn giản vì tôi nghĩ mình cần nhiều thời gian ngồi trò chuyện với bà hơn. Tôi đoán, làm mẹ của một người con như anh cũng không dễ dàng. Anh kỹ tính và bà cũng kỹ tính. Mỗi lần tới, bọn tôi đều được bà cho ăn vài món bánh trái mà bà tự làm. Các cuộc ra mắt sách của tôi, trừ khi bà không ở Hà Nội, bao giờ bà cũng làm cho mấy mẻ bánh để tôi tiếp bạn bè. Bà làm việc luôn chân luôn tay, chẳng có thời gian thừa. Tôi đoán bà thích làm để thấy mình không đang sống những ngày tháng vô nghĩa và cũng là một cách rèn luyện sức khỏe nữa. Một bà lão thật sự rất đáng kính. 

Lê Thiết Cương là người đọc nhiều. Và đọc theo một cách riêng biệt. Đấy là, có thể đọc cả một cuốn sách, xong xuôi, nhớ đúng một chữ trong cuốn đó. Anh sẵn sàng gạt đi hầu như tất cả những trang viết, và chỉ giữ lại một chữ nếu như với anh, chữ đó đủ khẳng định tầm vóc của một tác giả. Cũng tức là, với những cuốn mà anh vứt đi hết sau khi đọc, thì nó chẳng có nghĩa lý gì. 

Tôi không biết với mỹ thuật thì chi tiết quan trọng đến mức nào, nhưng với văn học, thì chi tiết là những cái đinh. Người ta nói, chi tiết là những cái đinh đóng trên cánh cửa. Nó khiến các tấm ván liền khít với nhau, không rời. Và anh Cương là người cực kỳ trọng chi tiết. Cũng là người nhìn ra chi tiết. Những chi tiết đắt nhất, hiếm nhất, hiểm nhất. Đấy là lợi thế đối với một nhà văn. 

Trong chùm ảnh chụp với chủ đề Tết mà anh thực hiện cùng một vài người bạn, anh cho tôi xem bức ảnh chụp một người phụ nữ ngồi bán lá dong. Bên cạnh lá dong có lạt để buộc bánh, còn có cả một bó lạt điều. Lạt nhuộm điều, màu hồng, người ta dùng làm gì? Dùng để buộc những cái bánh chưng bày trên ban thờ. Sau khi luộc, người ta sẽ gỡ bỏ những cái lạt cũ và thay vào đó là buộc bằng lạt điều. Cẩn thận hơn thì còn gói thêm bên ngoài bằng một lớp lá dong mới, xanh biếc. Lá mới, lạt mới. Chăm chút cho mâm ngũ quả, mâm cỗ cúng thể hiện sự trân trọng tổ tiên, bày tỏ sự biết ơn, và cũng là cầu mong may mắn cho gia đình trong năm mới. Cái chi tiết ấy, vốn trong đời sống nó đã mai một đi rồi. Nhưng nó vẫn hiện diện đâu đó, một vùng làng quê Bắc bộ nào đó, lọt vào tầm ngắm của Lê Thiết Cương. Và anh đón nhận nó, một cách từ tốn mà hân hoan. 

Chúng tôi nói về các món ăn, một phần không thể thiếu của Hà Nội. Anh kể, trong chợ Hàng Bè có một gia đình đã ba bốn đời sống bằng nghề muối dưa cà. Ở một vị trí có thể nói là “đất vàng”, mỗi mét mặt tiền phải tính bằng mức giá trăm triệu, người ta vẫn cứ dùng làm cửa hàng chỉ có bán duy nhất là dưa muối, cà muối. Vì sao lại có điều kỳ cục như vậy? Dưa muối, cà muối vốn là món bình dân, món nhà nghèo. Thiếu thịt cá thì dùng dưa cà để đưa cơm, vậy thôi. Thế nhưng từ đời bà sang đời mẹ, sang đời con gái, con dâu, vẫn cứ duy trì cái nghề đó. Ắt hẳn là nó đủ nuôi sống gia đình, thậm chí nuôi sống ở mức khá sung túc. Có lạ không? Không lạ, nếu nó được lý giải bằng thói quen sinh hoạt của người Hà Nội cũ (anh Cương tạm có hai cụm từ “người Hà Nội cũ” và “người Hà Nội mới”, tôi thấy khá thuyết phục).

Hoạ sĩ Lê Thiết Cương giao lưu ra mắt sách Nhà & Người ngày 8.8 tại Hà Nội. Ảnh: CTV


Người Hà Nội thường giữ thói quen ăn uống. Đã ăn món gì ở đâu là cứ chung thủy với cái địa chỉ đấy mãi, dù có bao nhiêu địa chỉ mới cũng không màng. Nó có yếu tố cực đoan, nhưng cũng biểu lộ sự kỹ tính, cầu kỳ tới mức khó tính của người Hà Nội. Tất cả mọi chi tiết, khi Lê Thiết Cương đã phát hiện ra, không bao giờ anh để mặc nó là một chi tiết. Anh luôn tìm cách lý giải những câu chuyện phía sau nó. Tôi không biết thói quen tư duy đó giúp gì cho công việc hội họa của anh, nhưng tôi tin chắc rằng, với một nhà văn thì nó giúp ích rất nhiều. Nhà văn, khả năng tưởng tượng của anh lớn tới đâu, thì tác phẩm của anh có sức chinh phục mạnh mẽ tới đó. 

Trong những câu chuyện lan man này, tôi muốn nói rằng, quan sát, nắm bắt chi tiết, để từ đó có thể khái quát ra những vấn đề mang tính bản chất là một thứ không dễ có được. Đối với tôi, nó thực sự là một bài học. Mọi hiện tượng trên đời, đừng nhìn vào cái vỏ. Hãy bóc lớp vỏ ra, bằng cách nào là việc của bạn, nhưng bạn cần phải biết câu chuyện của nó là gì. 

Mới đây nhất, vài ngày sau khai mạc triển lãm ở Sài Gòn, Lê Thiết Cương ra mắt công chúng Hà Nội không phải bằng một cuộc triển lãm tranh mà bằng một... cuốn sách. Cuốn sách mang tên Người & Nhà, thể loại tản văn. Một lần nữa, những người yêu mến Lê Thiết Cương ở cương vị một họa sĩ tên tuổi trong nền mỹ thuật Việt Nam đương đại, bị anh làm cho ngạc nhiên vì những trang sách chứa đầy tri thức, sự hiểu biết cặn kẽ về văn hóa Việt Nam, sự tinh tế trong quan sát, mổ xẻ, phân tích, những phát hiện thú vị và mới mẻ... với một giọng văn điềm tĩnh nhưng sắc bén, những câu những chữ đầy sức nặng: “Muốn hiểu người Việt, tính cách Việt thì cứ nghiên cứu làng là đủ. Đình làng, chùa làng, đường làng, ao làng, cổng làng, người làng, việc làng. Việc làng cũng là việc nước, chuyện làng cũng là chuyện nước”.

Hoặc là anh viết về ngõ thế này: 

Ngõ ra đời trước rồi mới đến phố.
Ngõ già, phố trẻ.
Ngõ là dân bản địa.
Phố là người nơi khác đến lập nghiệp.
Ngõ thì tĩnh, phố thì động.

Lê Thiết Cương dùng chữ như thế. Từng câu từng dòng là một sự chắt lọc kỳ khôi mà chỉ những người quan sát kỹ càng lắm, tích lũy bao lâu mới nhặt ra được. Đọc những chữ như thế, tự muốn thốt lên lời cảm ơn người viết, vì anh đã gọi tên mọi sự vật, hiện tượng ra một cách thật đích đáng, gọn gàng, chính xác, đẹp và có linh hồn. 

Lê Thiết Cương là người như vậy, sống mê mải với tất cả những gì anh muốn. Hội họa, âm nhạc, nhiếp ảnh, văn học... thể loại nào anh cũng có một cách riêng để sống, để làm việc, để tận hiến. Tôi nghĩ anh đã sống thật là hạnh phúc theo cái cách mà anh muốn - làm những điều mình thích, và chỉ làm những điều mình thích mà thôi.  

Đỗ Bích Thúy

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.