Tọa đàm nhận được 15 bài tham luận, chia theo hai nhóm chủ đề. Chủ đề 1 có nội dung về di sản và đóng góp của Đặng Huy Trứ đối với Hội An, Quảng Nam nói riêng và cả nước nói chung”. Các tác giả đã kể về câu chuyện một nhà giáo, một người làm quan yêu nước thương dân từng gắn bó một quãng đời với Hội An. Về vai trò của Đặng Huy Trứ với Hội An, với cộng đồng người Minh Hương ở Hội An.
Ngoài ra, các tham luận cũng đề cập đến vai trò của Đặng Huy Trứ - một nho sĩ yêu nước, vị quan Bố chánh Quảng Nam bàn về nạn hối lộ, tham nhũng. Làm nổi bật những đóng góp của Đặng Huy Trứ đối với vùng đất Quảng Nam dưới thời Nguyễn cũng như đóng góp của ông với buổi đầu nhiếp ảnh Việt Nam... Những bài nghiên cứu của các tác giả đã khái quát tổng quan về cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân Đặng Huy Trứ, trong đó nhấn mạnh vai trò, giá trị của những dấu tích, di sản và đóng góp của ông đối với quê hương Hội An, Quảng Nam trên nhiều lĩnh vực từ văn hóa, giáo dục, văn thơ, khai mầm canh tân đất nước,…
Toàn cảnh buổi tọa đàm.
Chủ đề 2 về vấn đề bảo tồn và phát huy các giá trị di sản (bút tích, di tích,…) của danh nhân Đặng Huy Trứ ở Hội An, Quảng Nam cũng đưa ra nhiều góc nhìn đáng chú ý. Trong đó, nhóm nghiên cứu thuộc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An tiếp cận từ khía cạnh di sản của danh nhân Đặng Huy Trứ ở Hội An.
Tham luận tại tọa đàm cũng đã lược ghi niên biểu lịch sử về cuộc đời và sự nghiệp của danh nhân Đặng Huy Trứ, trong đó nhấn mạnh những mốc thời gian về thời gian ông ở Hội An, Quảng Nam... Các tác giả sau khi khẳng định giá trị di sản của Đặng Huy Trứ ở Hội An đã đề xuất những giải pháp bảo tồn và phát huy những di sản này trong thời gian đến, trong đó nhấn mạnh về việc tổ chức các lễ kỷ niệm, đặt tên đường Đặng Huy Trứ, cũng như đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về các di tích lưu giữ bút tích, dấu tích của ông...
Hậu duệ của danh nhân Đặng Huy Trứ (phải) trao đổi với các nhà nghiên cứu bên lề tọa đàm.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm, đại diện Ban giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An cho biết bên cạnh những bài tham luận của các tác giả với sự nghiêm túc trong nghiên cứu, Ban tổ chức nhận được nhiều ý kiến trao đổi của các đại biểu gợi mở hướng tiếp cận mới, đặt ra những vấn đề và đóng góp nhiều ý tưởng có hàm lượng khoa học cao giúp cho các cơ quan quản lý ở địa phương có giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị các di sản này trong thời gian đến được tốt hơn.
Văn bia tại Chùa Ông (số 24 Trần Phú, Hội An).
Văn bia tại Văn thánh miếu Minh Hương (số 20 Phan Châu Trinh, Hội An).
Bức hoành phi “Quan ư hải giả nan vi thủy” tại Văn thánh miếu Minh Hương (số 20 Phan Châu Trinh, Hội An).
Đặc biệt, tham dự buổi tọa đàm có đại diện của gia đình danh nhân Đặng Huy Trứ tại thành phố Hội An, thành phố Hà Nội, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ban tổ chức tọa đàm hi vọng, những kết quả của tọa đàm cùng sự hiện diện của gia đình danh nhân Đặng Huy Trứ sẽ tạo thêm kết nối để có những định hướng bảo tồn, nghiên cứu về các di sản, đóng góp của ông không chỉ với Hội An, Quảng Nam mà còn với Huế, Hà Nội.
“Những di sản của danh nhân Đặng Huy Trứ đã và đang được bảo tồn, phát huy có hiệu quả tại mảnh đất Hội An 'nhân tình thuần hậu'. Tuy nhiên, việc nhận diện, làm rõ hơn giá trị về các di sản cũng như đóng góp của danh nhân Đặng Huy Trứ đối với vùng đất Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung cần được tiếp tục nghiên cứu toàn diện, đầy đủ hơn, qua đó góp phần bổ sung tư liệu về danh nhân Đặng Huy Trứ với vùng đất này. Tọa đàm khoa học được tổ chức lần này sẽ tiếp tục bổ sung, công bố những kết quả, tư liệu nghiên cứu mới về danh nhân Đặng Huy Trứ với vùng đất Hội An nói riêng, Quảng Nam nói chung”, ông Quảng Văn Quý, Phó giám đốc Trung tâm Quản lý bảo tồn di sản văn hóa Hội An, chia sẻ.
Danh nhân Đặng Huy Trứ (1825 - 1874) tự là Hoàng Trung, quê ở làng Thanh Lương, xã Hương Xuân, huyện Hương Trà (nay là phường Hương Xuân, thị xã Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên Huế). Ông thi đỗ Cử nhân năm Đinh Mùi (1847) và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong triều đình nhà Nguyễn.
Đại biểu dâng hoa, dâng hương tại nhà thờ Đặng Huy Trứ ở Hội An.
Năm 1864, ông được bổ nhiệm giữ chức Bố chánh Quảng Nam. Với tài năng, đức độ trong lúc làm quan, Đặng Huy Trứ đã có những kế sách giúp người Quảng Nam vượt qua hạn hán và nạn đói lúc bấy giờ. Đặc biệt nổi bật với tài năng văn chương, chữ nghĩa nên Đặng Huy Trứ được mời soạn thảo lời văn để khắc lên bia đá lưu truyền hậu thế tại một số di tích ở Hội An.
Kết quả của những đợt khảo sát cho thấy hiện nay một số di tích ở Hội An còn lưu giữ các dấu tích, bút tích của ông như hoành phi “Quan ư hải giả nan vi thủy” và văn bia tại Văn chỉ Minh Hương, văn bia tại Chùa Ông, nhà thờ chi phái tộc Đặng ở Hội An, bản khai hành trạng thiền sư Quán Thông,… và những sáng tác thơ văn về Hội An. Những dấu tích, bút tích này là nguồn tư liệu có giá trị khoa học để nghiên cứu, làm rõ hơn những vấn đề lịch sử - văn hóa nói chung và những đóng góp của Đặng Huy Trứ nói riêng ở Hội An.
Khiếu Thị Hoài