Quyết liệt sống - Câu hỏi thể loại và lời giải

 21:14 | Thứ sáu, 05/07/2024  0
Hiếm khi thể loại của một cuốn sách trở thành mối quan tâm của người đọc, nó được người viết chọn lựa ngay từ ban đầu và được biên tập viên xác định trước khi xử lý bản thảo. Nhưng với một cuốn sách bao gồm cả ngôi thứ nhất và ngôi thứ ba như Quyết liệt sống (1), câu hỏi sách thuộc thể loại nào: hồi ký gia đình, nhật ký cá nhân, tuyển tập tác phẩm hay vựng tập báo chí… chỉ được trả lời sau khi người đọc khép lại trang cuối cùng của sách.

Tất cả những ai từng nghe-biết về cuốn sách này trong quá trình hoàn thành nó (18 năm ý tưởng, 8 năm thực hiện) thường mặc định cuốn sách chỉ có một nhân vật chính là một nữ nhà báo, và tác giả sách là người bạn đời của bà. Nhưng khi sách ra mắt với bốn phần dày dặn, ngồn ngộn tư liệu (văn bản lẫn hình ảnh) và tràn ngập cảm xúc, ngay cả những người có dịp tiếp cận bản thảo từ đầu cũng thấy bất ngờ.

Về mặt hình thức, hai tác giả chính của Quyết liệt sống là đôi vợ chồng nổi tiếng trong làng báo - truyền hình: Nguyễn Hồ - Minh Hiền. Cuốn sách khởi đầu (phần 1: Kể chuyện những năm tháng đã qua) như lịch sử yếu lược của làng báo cách mạng miền Nam qua từng chặng đời của một nhân vật có thực: nhà báo Minh Hiền (1951 - 2016). Bà tập làm báo năm 13 tuổi khi thoát ly vào chiến khu được giao nhiệm vụ chép tin radio đọc chậm, sau ngày chiến thắng trở thành phóng viên, biên tập viên, rồi phó tổng biên tập, rồi tổng biên tập sáng lập những tờ báo mới... Mỗi chặng thăng trầm của bà phản ánh từng giai đoạn hoạt động báo chí phía Nam phụ thuộc độ mở rộng - hẹp của cánh cửa Đổi mới.

Phần hai của sách (dạng nhật ký: Hãy nắm tay em đi!) cho biết từ góc độ người chồng, bà đã trải qua 17 năm trời cùng lúc làm vợ, làm mẹ, làm báo và làm bệnh nhân… đều trọn vẹn như nhau. Chính phần này giải thích lý do sách được lấy tên chung là Quyết liệt sống (mượn tựa bài báo của đồng nghiệp Thủy Cúc báo Tuổi Trẻ viết về bà năm 2005, được đăng lại ở phần cuối sách). 

Tác giả Nguyễn Hồ ký tặng sách tại buổi ra mắt Quyết liệt sống. Ảnh: Trung Dũng


Hai phần 1 và 2 mang tính nhật ký gia đình, chiếm hơn phân nửa dung lượng cuốn sách, có những trang đẫm nước mắt của người viết và bây giờ là của người đọc. Không phải người chồng nào cũng có thể ghi nhớ một cách tỉ mỉ, chi li thậm chí vụn vặt về bạn đời của mình như vậy - những mẩu ký ức càng nhỏ bé càng phản chiếu tình yêu bao la. Người đọc cũng kinh ngạc về mật độ tư liệu minh định cho từng tiểu tiết được ghi lại (2)

Đọc hai phần này, số đông độc giả sẽ thấy đó là nhật ký riêng tư của một gia đình nhà báo; số ít độc giả thấy đó là cuốn biên niên sử mini của làng báo Sài Gòn - TP.HCM trong hơn nửa thế kỷ. Còn với người đọc có chủ ý, đó là cuộc trình bày ba giai đoạn của người làm báo trong ba bối cảnh khắc nghiệt như nhau: trước 4.1975 là sự vận dụng kỹ thuật làm báo phục vụ mục tiêu chung của cuộc chiến, thời Đổi mới là chiến thuật làm báo khi làng báo nhập cuộc chống tiêu cực, tham nhũng khởi phát đầu thập niên 1990, còn sau đó, là nghệ thuật làm báo khi chức năng công cụ của báo chí được xem trọng hơn cả...

Ở giai đoạn nghệ thuật làm báo, con đường nghề nghiệp của bà Minh Hiền không chỉ bị cản trở bởi những khối u quái ác trong cơ thể mình mà còn bởi khối u trong đầu người khác, thế mà trong lúc long đong dời chuyển từ báo này qua báo khác, bà nói với chồng nhẹ tênh: “Em như người bơm xe lề đường, tuýt còi chỗ này thì mình đi chỗ khác”! Cách so sánh ấy kém sang trọng so với ví von “gánh xiếc rong” nhiều người từng dùng cho ê kíp làm báo của bà, nhưng phù hợp với tính cách Nam bộ: giản đơn đến hài hước nhưng vô cùng dứt khoát.

Hai nhà báo Minh Hiền - Thế Thanh trong ngày kỷ niệm một năm ra báo Thông Tin Công Thương. Ảnh tư liệu gia đình


Cũng từ những ghi chép của tác giả Nguyễn Hồ, bạn đọc biết thêm về nguuồn gốc ra đời của ngày Doanh nhân Việt Nam 13.10, một đóng góp lớn lao không kém diễn đàn doanh giới mà bà Minh Hiền cũng là người khai sinh. Đã có ý kiến phản đối rằng một đất nước theo thể chế xã hội chủ nghĩa không thể tôn vinh giai tầng được xác định chỉ tồn tại trong thời kỳ quá độ, nhưng bà vẫn kiên trì đề xuất cho đến khi được chấp thuận.

Trước đó, cũng chính bà kiên trì xin đổi tên tờ Thông tin Công Thương thành Doanh nhân Sài Gòn, nói không ngoa là gợi ý để sau này Hiệp hội Công Thương TP.HCM đổi tên thành Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM. Xin lưu ý rằng từ “doanh nhân” khi ấy lạ lẫm đến mức có người không tin mục từ này tồn tại trong từ điển tiếng Việt!

Phần ba cuốn sách (Trời kêu nhưng tôi không dạ & 20 câu chuyện khác) giới thiệu một số bài viết của tác giả Minh Hiền. Ngôi thứ nhất từ đây thuộc các bút danh: Hương Chi, Minh Hiền, Minh Nguyễn ký dưới những bài viết về một số nhân vật nổi tiếng trên nhiều lĩnh vực, và về chính mình. Văn phong bà mạch lạc, rõ ràng, cho thấy mục đích viết báo chứ không làm văn. Và đối tượng bà chọn viết không phải là người có tầm vóc lịch sử hay có địa vị chốn quan trường mà đơn giản, là những người bà thương yêu, kính trọng, trong đó có một nông dân - thân phụ của bà.

Phần cuối (Nhớ một người thương một nghề) tập hợp những bài viết của bạn bè, thân hữu về bà Minh Hiền bây giờ trong ngôi thứ ba, bao gồm cả điếu văn, như một cách “cái quan luận định” - thu nhận sự phán xét sau khi hoàn tất một kiếp người. Hầu hết đều trân trọng đánh giá người vừa khuất là một nhà báo dũng cảm, tài năng, có tầm nhìn thậm chí linh cảm nghề nghiệp… trong khi điếu văn (do luật sư Trương Trọng Nghĩa chấp bút) tiếc thương bà như một con người đã đảm đương chu toàn tất cả những vai trò trót nhận ở cõi nhân sinh này.

“Phân ly sắp tới rồi, tóc rơi từng sợi lạnh”… (thơ Nguyễn Hồ). Ảnh: Quý Hòa


Một cuốn sách vừa chứa hai ngôi thứ nhất vừa có cả ngôi thứ ba, vậy nó thuộc thể loại nào? Tại buổi ra mắt cuốn Quyết liệt sống do NXB Trẻ tổ chức sáng 20.6, người viết có dịp gặp nhà thơ - nhà báo - nhà biên khảo Lê Minh Quốc và trao đổi cùng ông băn khoăn này, vì tin rằng là một người viết đa lĩnh vực, ông sẽ trả lời được. Quả nhiên, ông Quốc oang oang đưa ra câu trả lời không chỉ cho người hỏi mà cho toàn thể cử tọa có mặt: “Đọc cuốn sách này xong thì điều gì đọng lại sau tất cả? Chính là tình nghĩa vợ chồng. Vậy đây chính là cuốn tự truyện về tình nghĩa vợ chồng mà người chấp bút chung - tác giả Nguyễn Hồ - là một người chồng vĩ đại!”

Thính lực của ông Nguyễn Hồ suy giảm nặng do tuổi tác nên tại buổi ra mắt sách ấy, ông không nghe hết mọi phát biểu. Ngày hôm sau, ông hỏi lại tôi: “Có đúng Lê Minh Quốc nói anh là người chồng vĩ đại?”. Điều đáng nghe nhất thì ông đã được nghe. Có lẽ đó cũng là phần tưởng thưởng đầu tiên tác giả nhận được sau bao năm lao tâm khổ trí cho một cuốn sách, dù  “người chồng vĩ đại” không phải là một cách tán dương hay xưng tụng, mà là một cố gắng định danh chân xác.

Ông Quốc nói đúng, còn lại sau tất cả phải là cái gì đó vô hạn trong khi những chức tước, danh hiệu chỉ nói lên khả năng hữu hạn của một con người. Làm một người vợ, người mẹ, người chị, người bằng hữu đúng nghĩa… mới chính là lý do bà Minh Hiền đến với cuộc đời này, cũng là lý do bà sẽ còn được nhớ mãi. 

Nhà báo Minh Hiền tên thật là Nguyễn Thị Hiền, quê tại Củ Chi. Từng công tác: báo Giải Phóng (1964 - 1975);  báo Sài Gòn Giải Phóng 15 số đầu tiên (5 - 19.5.1975); nhật báo Giải Phóng bộ mới (1975); báo Đại Đoàn Kết (1975 - 1976); Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM (1978 - 1992); Phó Tổng biên tập báo Phụ Nữ TP.HCM (1992 - 1997); Thư ký tòa soạn báo Đại Đoàn Kết Cuối tuần (1998 - 1999); Tổng biên tập tờ tin Công Thương - tờ tin Doanh Nhân Sài Gòn, báo Doanh Nhân Sài Gòn (1999 - 2008); thành viên Hội đồng biên tập báo Sài Gòn Tiếp Thị (2009 - 2012) và tạp chí Người Đô Thị (2012 - 2016).

Hữu Bảo

________

(1) NXB Trẻ, 6.2024, 556 trang, giá 290.000 đồng.
(2) Dù vậy, rất tiếc sách vẫn còn một số sai sót. Tác giả Nguyễn Hồ hiệu đính chi tiết đề cập ở trang 270. Chi tiết đúng phải là như sau: từ khi xuất bản vào năm 2013,
Người Đô Thị không có chủ trương huy động vốn.

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.