Từ mấy tháng nay, kỹ sư xây dựng Ngô Trần và các cộng sự “xa lánh” văn phòng bề thế của mình tại một cao ốc khu trung tâm thành phố. Cao ốc ấy có người “dính COVID-19” nên lâm cảnh “giăng dây” buồn thiu, ngay đầu mùa dịch. Vậy mà anh không nản, nhóm của anh vẫn làm việc tại nhà không chỉ cho những dự án dân cư đang hình thành dang dở.
Ngô Trần, anh chàng từng lấy bằng tiến sĩ ở Oxford, nhỏ nhẹ kể chuyện dự án mới mà anh “tự đặt hàng”. Thì ra, nhóm của anh đang tính toán thiết kế các căn hộ chung cư và nhà biệt thự liên kế sao cho có không khí lưu chuyển tốt hơn. Theo anh, “mỗi nhà, nhất là phòng sinh hoạt sẽ không cần sử dụng máy lạnh; nhà ở mới, khu ở mới sẽ phải ưu tiên yếu tố thông thoáng, giảm chung đụng và tiếp xúc đông người”. Rất hay, đó là chuyện cần làm cho các khu nhà mới, đô thị mới sau đại dịch!
Thế nhưng, đối với các thành phố hiện tại, nhất là các “siêu đô thị” như Sài Gòn và Hà Nội, chúng ta sẽ phải sửa đổi như thế nào để chung sống với COVID-19? Sửa đổi không chỉ về thiết kế nhà cửa và quy hoạch mà còn về điều hành đô thị. Và kể cả sửa đổi lối sống thị dân để thích nghi với một thời kỳ mới đầy thử thách chưa từng có.
Ứng phó liên ngành các vấn nạn khẩn cấp
“Không chỉ giải pháp cầu đường, quý vị còn phải phát triển hệ thống điện thoại! Có điện thoại thì dân liên lạc với nhau nhanh chóng nên sẽ bớt ra đường” - đó là lời tư vấn về giải quyết tình hình ách tắc giao thông đô thị của cựu Thủ tướng Thái Lan - Chatichai Choonhavan mà người viết chứng kiến trong một cuộc gặp giữa các doanh nhân Thái với UBND TP.HCM năm 1992. Nghe vậy các viên chức thành phố đều bỡ ngỡ vì điện thoại để bàn ở nhà dân thời ấy còn là vật quý hiếm trong cơ chế “xin-cho”. Chưa nói đúng sai thế nào nhưng câu chuyện năm xưa cho thấy những nhà quản trị đô thị cần nghĩ đến nhiều giải pháp liên ngành, đặc biệt là công nghệ để giải quyết vấn nạn của đô thị, nhất là chuyện đông người.
Kinh nghiệm đau thương trong đại dịch cho thấy nhiều nơi đã buông lỏng hay lúng túng trong việc xử lý tập trung đông người càng khiến COVID-19 lây lan mạnh. Khởi đầu là kỳ nghỉ lễ 30.4.2021, mặc dù đã có cảnh báo biến chủng Delta nhưng dân cư các đô thị vẫn di chuyển và tụ hội “thả cửa”. Kế đến là việc tập trung xét nghiệm và rồi chích ngừa ở quy mô hàng trăm, hàng ngàn người cùng một địa điểm.
Đồng thời, việc dồn hàng loạt F0 mới phát hiện vào các khu cách ly mà không đủ điều kiện ngăn cách và phương tiện y tế càng làm phát sinh nhiều hệ lụy. Cùng lúc, việc vội vã cấm chợ truyền thống và chợ vỉa hè để thay bằng siêu thị máy lạnh đã dẫn đến cảnh “rồng rắn” đông người ra vào trong những không gian kín. Chưa kể, trước giờ thành phố phong tỏa, nhiều đoàn người và xe máy trùng trùng rời Sài Gòn “chạy dịch”, gây nhiều bấn loạn thương tâm.
Phải tránh tập trung đông người bằng các biện pháp liên ngành và công nghệ. Tại một điểm chích ngừa Covid-19 trên đường Kỳ Đồng (quận 3), ngày 10.8.2021.
Trong khi ấy, hơn một năm qua, nhiều nước tiên tiến không dùng biện pháp hành chính hay y tế đơn thuần để thiết lập trật tự trong tình hình dịch bệnh, mà sử dụng thành công các giải pháp liên ngành và công nghệ để đáp ứng nhu cầu phát hiện bệnh, chữa trị và hạn chế nguồn lây. Chẳng hạn, sau một thời gian ngắn nghiên cứu, Đức và Nhật đã mở nhanh nhiều điểm test COVID-19 miễn phí, kể cả các điểm bán dụng cụ test nhanh giá rẻ. Nhiều nước châu Âu và Singapore chủ động cho F0 cách ly tại nhà với thiết bị điện tử giám sát từ xa.
Các siêu thị ở các nước này nhanh chóng đón khách theo giờ và từng nhóm nhỏ. Người dân đã quen với việc đặt hàng qua mạng càng yên tâm khi thấy các trang đặt hàng và hệ thống “shipper” vẫn hoạt động hiệu quả. Ở Mỹ và Canada, tình hình giãn cách lại trở thành thời cơ cho các công ty công nghệ cao đẩy mạnh sản xuất các thiết bị cargo drone (máy bay nhỏ không người lái chuyên vận chuyển) với đủ trọng tải lớn nhỏ.
Ở nhiều nước Âu - Mỹ và ngay như Úc và Singapore, toàn bộ các trường học chuyển sang chế độ vừa học trực tuyến vừa học trực tiếp. Truyền hình và phát thanh cũng vào cuộc với nhiều chương trình “không đồng” trợ giúp cho việc dạy và học online uyển chuyển. Và rồi, ngay khi vaccine được xuất xưởng, các web và app đã phát huy ưu thế trong việc đăng ký chích ngừa một cách nhanh lẹ và tiện dụng.
Cần đặt lại bài toán liệu TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng có cần trở thành những “đại đô thị”, “siêu đô thị” hơn 10 triệu dân khi nhân lực quản lý và phương tiện điều hành, kể cả về y tế, chưa kham nổi?
Các đô thị sử dụng ngay không chỉ bệnh viện, phòng khám mà còn tận dụng nhà thuốc, tiệm tạp hóa, công viên và bãi đậu xe… làm điểm chích ngừa. Không để “thành phố thông minh” là khẩu hiệu suông, các đô thị đã thực hiện thành công và sống động việc tự động hóa, tin học hóa trong việc điều hành chích ngừa và các biện pháp y tế và an sinh.
Chúng ta hoàn toàn có thể học hỏi kinh nghiệm điều hành đô thị trong các tình huống khẩn cấp bằng các giải pháp liên ngành và bộ máy chuyên nghiệp nêu trên. Thiết nghĩ, ngay từ bây giờ, với những đô thị lớn như TP.HCM và Hà Nội và ngay cả cấp quốc gia, rất cần hình thành các cơ quan liên ngành chuyên trách ứng phó với thiên tai và bệnh dịch. Mỗi thành phố nên có các nhóm chuyên gia liên ngành phù hợp chuẩn bị sớm các kịch bản xử lý khủng hoảng ở nhiều cấp độ.
Giảm mật độ dân cư và quy mô “khủng”
Thực chất, việc tránh tập trung và tiếp xúc đông người để tránh lây lan bệnh dịch chính là hạn chế và kiểm soát mật độ dân cư. Ở nhiều nước trên đường công nghiệp hóa, việc bùng nổ tự phát di dân vào đô thị, mở rộng thành phố “thả cửa”, nhất là các xóm lao động tạm bợ, từ lâu đã là “quả bom định giờ”. Khi khủng hoảng kinh tế hay chính trị diễn ra, và hiện tại đại dịch phát khởi, “quả bom” này đã gây nổ lớn.
Do vậy, giãn dân không chỉ để chống dịch lâu dài mà còn vì phát triển bền vững. Muốn vậy, cần rà soát lại kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và các quy hoạch đô thị đã hình thành trước đây. Cần hình thành những tiêu chí mới về dân số, an toàn sức khỏe và chăm lo y tế, là một bộ phận không thể thiếu trong các chỉ tiêu về khôi phục và tăng trưởng kinh tế.
Những cao ốc đang mọc lên cần được “xanh hóa”, sửa đổi để có thêm nhiều không gian mở. Đường đi lọt thỏm giữa hai công trình cao ốc đang xây trước chợ Bến Thành.
Qua đó, theo chúng tôi, cần đặt lại bài toán liệu TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng có cần trở thành những “đại đô thị”, “siêu đô thị” hơn 10 triệu dân khi nhân lực quản lý và phương tiện điều hành, kể cả về y tế, chưa kham nổi? Phải chăng, các thành phố lớn của Việt Nam từ nay đến 2030 chỉ nên giữ quy mô 3-5 triệu dân, không nên “nở” hơn nữa? Mặt khác, Nhà nước cần chủ trương phát triển các thành phố vệ tinh có dân số nhỏ xoay quanh các thành phố lớn. Nhờ đó, cơ sở hạ tầng đô thị sẽ không bị quá tải và nhất là bộ máy quản lý sẽ giảm cồng kềnh.
Để điều chỉnh làn sóng di dân vào đô thị lớn, Nhà nước cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, tạo nhiều việc làm cho nông thôn. Các tỉnh nhỏ có thể giữ dân ở lại bằng việc đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp, thành lập các khu công nghiệp tận dụng thế mạnh địa phương. Trong đó, chú ý phát triển các ngành nghề khai thác và chế biến nông hải sản, hiện đang là mũi nhọn xuất khẩu của Việt Nam.
Không ai khác, chính quyền địa phương cần là người bận rộn nhất cho trách nhiệm nâng cao chất lượng sống của dân cư tại chỗ bằng các hoạt động chỉnh trang đô thị, nâng cấp y tế và giáo dục.
Thêm nữa, Nhà nước cần nhanh chóng thu hẹp khoảng cách tân tiến giữa các “tỉnh lẻ” với đô thành bằng việc thúc đẩy các doanh nghiệp tham gia “phủ sóng” hệ thống điện, internet, y tế, giáo dục chất lượng cao đến khắp các làng xã và thị trấn. Chính quyền từng tỉnh thành hãy từ bỏ tham vọng phải có những khu công nghiệp, những cảng biển, cảng hàng không lớn lao, những dự án “khủng” dẫn đến dân cư tập trung đông đảo quá mức. Việc ấy, Chính phủ và các doanh nghiệp sẽ cùng làm, cùng chọn lọc các địa điểm đầu tư đủ sức phát huy sức mạnh liên kết vùng và liên kết quốc gia - quốc tế.
Không ai khác, chính quyền địa phương cần là người bận rộn nhất cho trách nhiệm nâng cao chất lượng sống của dân cư tại chỗ bằng các hoạt động chỉnh trang đô thị, nâng cấp y tế và giáo dục.
Trả lại những không gian trong lành
Với TP.HCM và Hà Nội, nơi đang xây dựng hệ thống metro cần sớm sửa đổi quy hoạch và bổ sung các biện pháp kỹ thuật và kinh tế - xã hội để phòng chống bệnh dịch lây lan qua mật độ hành khách lớn. Hiện tại, một số doanh nghiệp địa ốc đã bắt đầu chào hàng ý tưởng xây dựng các trung tâm thương mại và chung cư cao tầng ngay trên không gian các trạm metro, theo mô hình TOD (Transit Oriented Development). Thiết nghĩ, với tình hình COVID-19 rất cần xem xét cẩn trọng các dự án TOD để tránh tập trung cao độ lưu lượng người ở các điểm công cộng mới mẻ này.
Hãy để dân cư đô thị vẫn còn những vùng xanh của thiên nhiên. Trung tâm TP.HCM nhìn từ Thủ Thiêm.
Gần đây, Ngân hàng Thế giới từ cuối năm 2020 đã có dự án “Green Reboot” nhằm hỗ trợ các nước “tái khởi động” “xanh hóa” các tòa cao ốc chung cư và phức hợp thương mại. Dự án nhằm mục tiêu gia tăng cây xanh, không gian xanh cho các tòa nhà bấy lâu “ngộp thở” trong hộp kính, qua đấy giảm khí thải vào môi trường. Đồng thời, dự án còn tạo ra một ngành công nghiệp mới đem đến hàng triệu việc làm.
Cây xanh, công viên, mặt nước và các không gian “xanh hóa” trong đô thị cần được coi là đầu tư trọng điểm cho việc tăng cường cơ sở hạ tầng của những đô thị “nói không với bệnh tật”. Từng chung cư, từng khu phố, và từng phường xã cần bổ sung đầy đủ các tiện nghi công cộng (cây xanh, sân bãi, điểm bán hàng, điểm y tế…) để là nơi tích hợp trên quy mô nhỏ các phương tiện phục vụ đời sống thiết yếu trong khoảng cách gần gũi (walking distance).
Bình thường mới và Thị dân mới
Làm việc từ xa, học hành từ xa (distance working, distance learning), phát khởi từ trước đại dịch ở nhiều nước công nghiệp trình độ cao. Hai sinh hoạt này đi cùng và là một phần của cuộc cách mạng kinh tế số, chuyển đổi số đang diễn ra trên toàn thế giới. Vì giãn cách do đại dịch, xu hướng đó càng được tăng tốc và đang trở thành thói quen và nếp sống thường ngày của thị dân nhiều nước.
Ngay tại Việt Nam, các ngành kinh tế - kỹ thuật như IT, viễn thông, ngân hàng, kế toán, thương mại và bộ máy chính quyền ở nhiều ngành, đã bắt đầu chuyển sang làm việc từ xa. Việc ứng dụng AI, khoa học dữ liệu cùng công nghệ thông tin vào tất cả các lĩnh vực từ hành chính, kinh doanh đến giáo dục và y tế sẽ là yếu tố và nguồn lực quan trọng để vừa phòng chống bệnh dịch, vừa ứng phó hiệu quả với các tình huống khẩn cấp.
Sau nhiều mất mát vì COVID-19, Thị dân mới là người biết “sống chậm” và gia tăng lòng nhân ái, “cho để nhận” những giá trị trường tồn của cuộc sống mong manh.
Thời kỳ Bình thường mới sẽ tạo ra những Thị dân mới không những thích ứng với công nghệ mà còn làm chủ nhiều kiến thức và kỹ năng để tự cứu sống mình trong các hoàn cảnh nguy nan, khốn đốn. Thị dân mới sẽ là người đa năng, làm việc và học hỏi ở nhiều nơi nhiều lúc, không lệ thuộc vào địa điểm cố định. Hơn ai hết, sau nhiều mất mát vì COVID-19, Thị dân mới là người biết “sống chậm” và gia tăng lòng nhân ái, “cho để nhận” những giá trị trường tồn của cuộc sống mong manh. Đó cũng là những người biết nâng niu và bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ di sản tiền nhân để cuộc đời càng thêm đáng sống.
Quá trình hình thành Thị dân mới thông qua phục hưng kinh tế và giáo dục không thể nào chỉ trong vài năm tháng mà chắc chắn còn dài lâu, đòi hỏi cả lòng kiên nhẫn của xã hội và tính kiên quyết của chính quyền. Chúng ta có quyền hy vọng và cần định hướng thiết kế thời kỳ Bình thường mới và các thế hệ Thị dân mới ngay từ khi đại dịch chưa kết thúc. Mỗi người, mỗi nhà và các đô thị đã và đang tự mình làm quen và tập sống chung với COVID-19 như đã từng sống chung với chiến tranh, sống chung với bão lũ. Hãy sửa sai và sửa mình sau nhiều tổn thất lớn lao trong đại dịch. Giữ được sinh mạng và sinh lộ cho từng đô thị và cả quốc gia là tâm huyết chung của tất cả những người may mắn vẫn đang sống còn!
Bài và ảnh: Phúc Tiến