Không chỉ có chủ các doanh nghiệp lớn mà các nhà kinh doanh nhỏ như cho thuê nhà trọ, bán quán ăn gần các khu công nghiệp cũng có mối lo chung như thế. Câu hỏi quan trọng đó cần có lời giải ngay từ bây giờ, và quan trọng hơn là làm sao để sự trở lại của họ có tính bền vững, bởi những rủi ro như dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế hoàn toàn có thể xảy ra trong tương lai.
Họ sẽ quay lại nơi dễ kiếm sống
Bao nhiêu phần trăm lực lượng lao động sẽ quay lại? Với kinh nghiệm và hiểu biết của người nghiên cứu xã hội lâu năm, tôi khẳng định phải hơn 70%. Trong lịch sử phát triển, xã hội nào cũng trải qua các trạng thái bất thường như thiên tai, chiến tranh, khủng hoảng kinh tế, dịch bệnh. Không phải là người nhập cư (còn gọi là ngụ cư) mà cả người chính cư cũng dịch chuyển nơi khác khi những rủi ro đó xảy ra. Nhưng sau khi mọi chuyện trở lại bình thường thì đa phần trong số họ lại quay về chốn cũ, nơi họ đã mưu sinh trước đó.
Các cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới những năm 1929-1933, đại chiến thế giới lần hai đã cho thấy điều đó. Người dân bị thiệt hại nặng nề do động đất, sóng thần ở tỉnh Miyagi - Nhật Bản năm 2011; ở Sumatra - Indonesia 2004, nhưng rồi họ vẫn quay lại mảnh đất được coi là không yên lành để tiếp tục sinh sống.
Sau dịch, khi mọi chuyện trở lại bình thường hoặc chưa trở lại bình thường mà hoạt động sản xuất mở cửa thì rất nhiều người sẽ trở lại TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An. Tại sao vậy?
Thứ nhất, những lao động từ TP.HCM trở về quê lần này là do tình thế bắt buộc, họ tạm lánh về quê chờ cơ hội, mà cơ hội sống được của họ ở nơi xuất cư như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Định, Quảng Ngãi... không nhiều. Cơ hội sống bao gồm cơ hội học hành, cơ hội tìm kiếm việc làm, cơ hội cư trú, cơ hội hôn nhân, cơ hội thăng tiến và cả cơ hội đón nhận sự may mắn cho họ và con cái - những cơ hội mà ở làng quê trong bối cảnh hiện nay khá thấp, mặc dù so với 15-20 năm trước đây mọi chuyện đã khá hơn.
Ở các làng quê miền Trung diện tích đất canh tác tính trên đầu người rất thấp, thời tiết khắc nghiệt không thuận lợi cho làm nông, hơn nữa do đất ít, phải dồn điền đổi thửa, sử dụng máy móc, nên nhiều người không còn làm nông, vì thế mà lao động nông nghiệp dôi dư rất nhiều.
Người dân từ TP.HCM, Bình Dương được cảnh sát giao thông dẫn đường qua Bình Phước về Tây Nguyên, nhằm hạn chế tối đa việc dừng đỗ dọc đường. Ảnh: Minh Hiếu
Thứ hai, gần đây các tỉnh đã xuất hiện các khu công nghiệp nhưng không nhiều, quy mô còn nhỏ nên hấp thụ lượng nhân lực địa phương còn ít. Việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế chậm, thị trường dịch vụ mỏng và nhỏ, do vậy chuyện sau đại dịch, thanh niên lại bỏ làng quê đi mưu sinh vẫn sẽ diễn ra. Họ tìm đường đi làm việc (chính thức và không chính thức) ở nước ngoài, nhiều nhất là Campuchia, Lào, Thái Lan và tìm đến những nơi được gọi là “đất lành” theo kiểu “thóc đâu, bồ câu đấy”. Dù gì đi nữa, TP.HCM vẫn là mảnh đất dễ kiếm sống nhất trong cả nước.
Lót ổ mới khi lao động nhập cư trở lại
Đã có bao nhiêu người rời TP.HCM bằng tất cả các phương tiện? Chưa có con số thống kê nào được công bố. TP.HCM có 24 khu công nghiệp, khu chế xuất, 2 khu công nghệ cao và khu phần mềm với khoảng 450.000 công nhân. Còn người lao động ở các cơ sở sản xuất khác, các công ty, các hoạt động dịch vụ và lao động tự do có thể 1,2-1,5 triệu người. Nếu tạm cho 50% trong số đó rời TP.HCM trong thời gian qua thì con số thấp nhất có thể là 700.000 người.
TP.HCM bắt buộc phải khôi phục sản xuất, bởi đây là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước; dòng chảy liên tục của tiền, hàng hóa, tài nguyên, vật tư vô cùng lớn, một ngày nghẽn là thành phố này mất 1.200-1.500 tỷ đồng thu ngân sách, do vậy bằng mọi giá nền kinh tế này phải được tái sinh.
Có dự báo rằng TP.HCM nếu khống chế được dịch thì cũng phải đến 2023 mới có thể khôi phục 80% năng lực sản xuất như trước khi có dịch. Hàng triệu lao động sẽ quay lại, nhưng không thể nuôi dưỡng lực lượng này như cũ được nữa. Chính phủ, lãnh đạo các tỉnh thành Đông Nam bộ và chủ các doanh nghiệp cần có tư duy và hành động khác đi (không hẳn là mới). Khi còn là Thủ tướng, ông Nguyễn Xuân Phúc thường nói các tỉnh, thành muốn đón được đại bàng thì phải biết tạo ra những cái ổ xứng tầm, nay tư duy đó không phải chỉ cho đại bàng mà còn cần cho cả chim sẻ.
Trong phát biểu ngày 11.9.2021, Bí thư Thành uỷ TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng nhấn mạnh đến những việc cần làm để chuẩn bị khởi động lại hoạt động sản xuất, rằng phải có chính sách nhà ở cấp tốc cho công nhân, lao động nhập cư, giảm dần các khu nhà trọ chật hẹp như hiện nay.
Điều đầu tiên và cũng quan trọng nhất, là những người có trách nhiệm cần nhìn nhận lại giá trị của lực lượng lao động nhập cư một cách nghiêm túc và sáng rõ hơn. Họ không phải là bộ phận gắn tạm lỏng lẻo (luôn trong tình trạng bị thay thế), là công dân hạng hai, mà thực sự là bộ phận quan trọng đóng vai trò quyết định của nền kinh tế dựa trên công nghiệp hóa và dịch vụ.
Đại dịch COVID-19 như một trận cuồng phong quét qua một vùng dân cư, nhìn vào những gì còn lại người ta mới thấy hết được bức tranh đời sống chân thực của người dân mà ngày thường được che chắn bởi những vỏ bọc bên ngoài. Lao động nhập cư ở bất cứ lĩnh vực nào: công nhân các khu công nghiệp, người làm dịch vụ và lao động tự do nghèo quá sức. Biểu hiện rõ nhất là họ không có tích lũy, nếu có thì không đáng kể. Tôi đã từng làm các đề tài nghiên cứu về họ và nói về điều này từ hàng chục năm trước đây. Mỗi người công nhân ở khu công nghiệp tằn tiện lắm mỗi tháng, nếu không đau ốm, đám cưới, đám ma… cũng chỉ dư được 500.000 - 1.000.000 đồng. Khi mất việc, số tiền tích lũy ấy không đủ cầm cự quá 3 tháng. Trong trận dịch Covid-19 này cho thấy rất rõ điều đó.
Hàng nghìn người, chủ yếu người dân của các tỉnh miền Tây đã tụ tập trước điểm chốt trên Quốc lộ 1A để tìm cách về quê sau khi TP.HCM nới lỏng giãn cách vào tối 30.9.2021. Nguồn: TTXVN
Để có thể tích lũy được thì các thành phố lớn nơi tiếp nhận nhiều lao động như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An phải thực hiện cho được ba chính sách lớn:
Thứ nhất là nhà ở. Hơn 90% công nhân vẫn phải thuê nhà trọ với chất lượng sống rất thấp. Ở TP.HCM, số doanh nghiệp có nhà lưu trú cho công nhân rất ít, nếu công nhân được ở nhà lưu trú của doanh nghiệp như ở Bắc Ninh, Bắc Giang thì họ không phải mất tiền thuê nhà (chiếm gần 25% thu nhập hàng tháng). Trong phát biểu ngày 11.9.2021, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên cũng nhấn mạnh điều này khi đề cập đến những việc cần làm để chuẩn bị khởi động lại hoạt động sản xuất, rằng phải có chính sách nhà ở cấp tốc cho công nhân, lao động nhập cư, giảm dần các khu nhà trọ chật hẹp như hiện nay.
Thứ hai là đảm bảo họ được tiếp cận các dịch vụ xã hội như giáo dục, y tế, bảo hiểm xã hội ngang bằng người dân có hộ khẩu thường trú. Hiện nay con em công nhân không được học trường công mà học trường dân lập, tư thục nên chi phí cao hơn.
Thứ ba là phải cải tiến chế độ tiền lương, thu nhập. So với công nhân công nghiệp các nước trong khu vực thì mặt bằng đời sống công nhân của ta thấp hơn về lương bổng, nhà ở, và hưởng thụ các loại dịch vụ xã hội, kể cả thụ hưởng về đời sống tinh thần. Chẳng hạn mức lương trung bình của công nhân ở Malaysia là 15 triệu đồng/tháng, trong khi ở Việt Nam chỉ khoảng 5-7 triệu đồng. Nếu xếp họ trên tháp phân tầng xã hội thì họ thuộc nhóm nghèo hoặc cận nghèo, tức là nằm sát ngay phía trên đường nghèo đói (poverty line), chỉ cần một rủi ro nhẹ là rơi tòm ngay xuống dưới ngưỡng đói nghèo.
World Bank định nghĩa về họ với hình ảnh một người đứng dưới nước trong tư thế nhón chân, mặt nước ngang lỗ mũi, và như thế mỗi khi có gió nhẹ tạo sóng là họ bị sặc, và có thể bị chìm nghỉm tức thì. Việc đảm bảo cho họ có nhà ở, tiếp cận dịch vụ công, và lương xứng đáng sẽ đảm bảo họ có thể tích lũy 15-20% từ thu nhập hàng tháng. Có tích lũy tốt thì người lao động mới chống chịu được dài ngày những rủi ro kiểu như Covid- 19, hoặc những biến động kinh tế có thể xảy ra trong tương lai.
Điều cuối cùng cần nói về phía người lao động là họ sẽ quay lại, nhưng chắc chắn với một tâm thế mới và cảnh giác cao hơn. Họ nhận thức được rằng Sài Gòn không phải chỉ là đất lành mà có cả những rủi ro rình rập, những rủi ro này không chỉ cho cá nhân mà cho cả nhiều triệu người (như dịch hiện nay). Sau lần này, kinh nghiệm sống mang lại cho họ những bài học đắt giá để tồn tại trong rủi ro, thích nghi với hoàn cảnh thay đổi không lường trước được. Họ sẽ biết cách tích lũy và chi tiêu hợp lý hơn. Họ hiểu được trong hoạn nạn, ai có mạng lưới xã hội rộng sẽ thoát được nghịch cảnh.
Do vậy họ sẽ tham gia vào mạng lưới đồng hương, mà trước đó thờ ơ, cho là vô bổ, bởi khi khốn khó, ngoài chính quyền ra thì hội đồng hương là người chìa tay cho họ nắm lấy sớm nhất. Họ biết dự tính các kế hoạch làm ăn dài hơi hơn, không thể tồn tại mãi theo kiểu “khô mồ hôi là hết tiền”.
Vài năm nữa, họ sẽ nói với nhau, với con cháu về những ngày kinh hoàng này với những kỷ niệm vui buồn lẫn lộn.
TS. Nguyễn Minh Hòa