Triển vọng nào để Việt Nam phát triển năng lượng tái tạo, hướng tới Net Zero?

 22:06 | Thứ tư, 10/07/2024  0
‘Triển vọng phát triển năng lượng mới - Kinh nghiệm quốc tế và chiến lược hiệu quả đối với Việt Nam’ là chủ đề Diễn đàn Năng lượng xanh, sạch hướng tới Net Zero, do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy – Vietnam Economic Times phối hợp cùng Cục Biến đổi Khí hậu (Bộ Tài nguyên và Môi trường) tổ chức sáng nay (10.7) tại Hà Nội.

Phát biểu tại diễn đàn, TS. Chử Văn Lâm, Tổng biên tập Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy, nhận định trong những năm qua, tầm nhìn về một tương lai bền vững và phát triển ngày càng quan trọng trong việc chuyển đổi hệ thống năng lượng. Các nguồn năng lượng truyền thống gây ra những tác động tiêu cực đối với môi trường. Thực hiện cam kết đảm bảo an ninh năng lượng và tầm nhìn năng lượng quốc gia, Việt Nam đã bắt đầu đặt ra mục tiêu về phát triển năng lượng xanh, giảm lượng khí nhà kính.

Các diễn giả tại Diễn đàn.


Mục tiêu đưa phát thải ròng bằng “0” (Net Zero) vào năm 2050, như cam kết tại COP26, đã thể hiện sự tập trung và quyết tâm của Việt Nam trong việc xây dựng một hành trình phát triển bền vững, với mục tiêu chính là tạo điều kiện cho thế hệ tương lai có môi trường sạch và an toàn. Tuy nhiên, chuyển dịch sang năng lượng sạch không phải là điều dễ dàng. Việc xây dựng hệ thống cung cấp năng lượng sạch đòi hỏi đầu tư lớn. Cùng với đó, công nghệ trong việc sản xuất và lưu trữ năng lượng tái tạo vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn trong việc đảm bảo cung ứng năng lượng ổn định.

TS. Chử Văn Lâm dẫn chứng, con số Hiệp hội Năng lượng đưa ra cho thấy, nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện giai đoạn 2021-2030 khoảng 134,7 tỷ USD (13,4 tỷ US/năm), nhưng thực hiện ba năm qua mới khoảng 30 tỷ USD (8,5 tỷ US/năm), trong 6,5 năm còn lại phải đầu tư 105 tỷ USD (16,1 tỷ US/năm) là thách thức lớn.

Hạ tầng hệ thống điện hiện chưa đáp ứng được việc tích hợp tỷ lệ cao năng lượng tái tạo biến đổi (điện mặt trời và điện gió), gây khó khăn trong vận hành do thiếu các nguồn linh hoạt và hệ thống lưu trữ năng lượng. Ngoài ra, các quy định pháp luật cho phát triển điện gió ngoài khơi vẫn còn thiếu, và việc thỏa thuận hợp đồng mua bán điện với các dự án điện LNG còn nhiều vướng mắc. Thị trường điện chậm triển khai, giá điện chưa linh hoạt theo yếu tố đầu vào, và công nghệ nhiên liệu xanh như hydrogen và công nghệ thu giữ lưu trữ carbon còn ở giai đoạn thử nghiệm và chưa thị trường hóa, giá thành lại cao.

Việc đầu tư 105 tỷ USD trong 6,5 năm còn lại trong giai đoạn 2021-2030 là thách thức lớn. Nguồn: FireAnt


Trên thế giới, các quốc gia tiên phong như Đức, Đan Mạch và Mỹ đã đạt được những thành tựu đáng kể trong việc chuyển đổi năng lượng. Họ đã đầu tư mạnh mẽ vào nghiên cứu và phát triển công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo và triển khai các chính sách hỗ trợ. Những quốc gia này cũng đã phát triển các khung pháp lý linh hoạt để thúc đẩy việc tích hợp năng lượng tái tạo vào hệ thống điện quốc gia.

Kinh nghiệm từ các quốc gia này cho thấy việc xây dựng một khung pháp lý minh bạch và ổn định là yếu tố then chốt để thu hút đầu tư và thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo. Chính sách hỗ trợ như trợ giá, ưu đãi thuế và các chương trình tài trợ nghiên cứu phát triển cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi.

Còn tại Việt Nam, cơ sở pháp lý cho triển khai các nguồn điện chạy nền và nguồn năng lượng tái tạo chưa được hoàn thiện. Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA); cơ chế khuyến khích điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu với mục tiêu năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu... chưa được ban hành. Các quy định về huy động các nguồn điện linh hoạt, khung giá mua bán điện với hệ thống pin lưu trữ (BESS) và thủy điện tích năng... vẫn chưa có.

Tại Diễn đàn, các chuyên gia, cơ quan quản lý, doanh nghiệp đã phân tích những khó khăn, thách thức trong việc đảm bảo an ninh năng lượng, trong việc chuyển dịch sang năng lượng sạch. Đồng thời thảo luận về những cơ hội cũng như những thách thức đang phải đối mặt, tìm cách giải quyết để phát triển nguồn năng lượng mới của Việt Nam trong thời gian tới.

Đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ (R&D) là yếu tố then chốt để giảm chi phí và nâng cao hiệu quả của các nguồn năng lượng tái tạo. Việt Nam cần có các chương trình tài trợ nghiên cứu phát triển và khuyến khích sự tham gia của các tổ chức nghiên cứu và doanh nghiệp trong lĩnh vực này.

Tổ hợp năng lượng tái tạo nằm ở 2 xã Bắc Phong và Lợi Hải (Thuận Nam, Ninh Thuận) rộng 900 ha, tổng sản lượng khai thác hàng năm đạt gần 1 tỷ kWh, bằng 1/10 công suất của Nhà máy thủy điện Hòa Bình. Nguồn" Znews


Việc xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo và hệ thống lưu trữ năng lượng là cần thiết để đảm bảo việc tích hợp các nguồn năng lượng tái tạo vào hệ thống điện quốc gia. Cần có các dự án đầu tư lớn vào hạ tầng hệ thống điện và các nguồn linh hoạt để đáp ứng nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng tăng.

Bên cạnh đó, Diễn đàn cũng bàn luận các vấn đề về xu hướng sử dụng năng lượng LNG (Liquefied Natural Gas) trên thế giới và hiện trạng của Việt Nam; thực tế triển khai chính sách thu hút đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch tại Việt Nam; tiềm năng và thách thức trong phát triển các nguồn năng tái tạo; đề xuất giải pháp phù hợp để phát triển ngành năng lượng trong thời gian tới.

Đặc biệt các chuyên gia, đại diện các tổ chức nước ngoài chia sẻ kinh nghiệm từ các nước đi trước, đồng thời đưa ra khuyến nghị cho bức tranh chuyển dịch năng lượng hiệu quả. Theo đó, Việt Nam cần học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia tiên phong trong việc phát triển năng lượng tái tạo. Việc áp dụng các chiến lược và chính sách hỗ trợ từ các quốc gia này sẽ giúp Việt Nam thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng một cách hiệu quả hơn.

Nhu cầu vốn đầu tư cho ngành điện giai đoạn 2021-2030 đặt ra nhiều thách thức lớn cho Việt Nam. Tuy nhiên, với các giải pháp đề xuất như hoàn thiện khung pháp lý, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển công nghệ, xây dựng cơ sở hạ tầng và học hỏi kinh nghiệm quốc tế, Việt Nam có thể vượt qua các thách thức này và đạt được các mục tiêu phát triển năng lượng xanh sạch, góp phần hiện thực hóa cam kết NetZero vào năm 2050.

Diễn đàn Năng lượng xanh, sạch hướng tới Net Zero với mục tiêu hội tụ các bên liên quan cùng cập nhật, chia sẻ thảo luận, qua đó tiếp tục nhìn nhận và đánh giá rõ hơn các xu hướng, kinh nghiệm cũng như tốc độ chuyển đổi năng lượng và phát triển các nguồn năng lượng xanh, năng lượng sạch của các quốc gia trên thế giới, làm cơ sở tham khảo cho Việt Nam trên hành trình chuyển đổi sang nguồn năng lượng xanh, sạch, góp phần hiện thực hoá các mục tiêu phát triển và cam kết đạt Net Zero của Việt Nam.

Diễn đàn được cấu trúc thành 2 Phiên: Phiên tham luận và Phiên thảo luận. Phiên tham luận với các bài phân tích về thực thi Nghị Quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn 2045; tổng hợp và phân tích quá trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam từ chủ trương tới thực tiễn; và kế hoạch triển khai JETP nhằm thúc đẩy tiến trình chuyển đổi năng lượng của Việt Nam.

Theo Quy hoạch điện VIII đã được phê duyệt, nhu cầu điện được dự báo sẽ tăng với tốc độ hàng năm là 7,9 - 8,9 % và tổng công suất phát điện sẽ tăng từ 77 GW lên 122 GW đến 146 GW vào năm 2030. Trong đó, 36% đến 47% điện năng sẽ được tạo ra từ năng lượng tái tạo (bao gồm năng lượng gió, mặt trời và thủy điện). Điều này dẫn đến nhu cầu rất lớn về xây dựng đường dây truyền tải điện mới và cải tạo, với tổng chi phí đầu tư ước tính từ 15,2 đến 15,6 tỷ USD (theo Quy hoạch điện VIII).

Trong khi đó, khả năng vay vốn để tiếp tục đầu tư vào ngành điện (nguồn, lưới điện) cũng bị hạn chế, do tổng nợ của EVN và cả của Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đều ở mức cao, không có bảo lãnh của Chính phủ. Tình hình tài chính của EVN và EVNNPT khó có khả năng cải thiện nhanh chóng do chính sách giá điện và giá truyền tải hiện tại (79,08 VND/kWh) đều chịu điều phối quyết định của Chính phủ, khó có khả năng tăng cao để bù lỗ chi phí.

Theo Năng lượng Việt Nam

Trang Ngọc

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.