Hiện tại, việc lấy ý kiến góp ý của cộng đồng đối với đồ án Quy hoạch chung Đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045 vẫn chưa hoàn thành. Theo đề nghị của Sở Xây dựng tỉnh Khánh Hòa (Cơ quan tổ chức lập quy hoạch), UBND huyện Cam Lâm đã chỉ đạo các xã, thị trấn niêm yết công khai lấy ý kiến cộng đồng dân cư theo luật định trong thời gian 30 ngày về đồ án quy hoạch vừa nêu, kể từ ngày 31.8.2022.
Thế nhưng, vào ngày 12.9.2022 UBND tỉnh Khánh Hòa đã có tờ trình (số 8565/TTr-UBND) Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng thẩm định, phê duyệt đồ án Quy hoạch chung Đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045.
Từ huyện nông thôn thành đô thị “tầm vóc toàn cầu”
Huyện Cam Lâm có vị trí, ranh giới: phía Bắc giáp huyện Diên Khánh và thành phố Nha Trang; phía Nam giáp thành phố Cam Ranh; phía Đông giáp Biển Đông, huyện đảo Trường Sa; phía Tây giáp huyện Khánh Sơn, Khánh Vĩnh (các huyện giáp Cam Lâm đều thuộc tỉnh Khánh Hòa). Trong đó, phần lớn diện tích Khu du lịch quốc gia Bắc bán đảo Cam Ranh đều thuộc huyện Cam Lâm.
Khu vực bắc bán đảo Cam Ranh (tại xã Cam Hải Đông, huyện Cam Lâm) theo đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm sẽ có kênh cắt ngang để dẫn nước biển vào đầm Thủy Triều. Ảnh: Phan Sông Ngân
Theo tờ trình đã nêu của UBND tỉnh Khánh Hòa và đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045, toàn bộ huyện Cam Lâm (có 14 đơn vị hành chính, gồm 13 xã và thị trấn Cam Đức), tổng diện tích hơn 54.659ha (tương đương 546,59km2) với dân số hơn 110,65 ngàn người, đều quy hoạch chuyển thành đô thị mới Cam Lâm. Trong đó, gần 85% (khoảng 93.000 người) là dân cư nông thôn, nhiều đời làm việc, sống bằng các nghề nông, lâm, ngư nghiệp đều sẽ phải chuyển thành cư dân đô thị và hầu hết đều sẽ phải từ bỏ nghề nông, chấm dứt nuôi trồng thủy sản chuyển sang làm các ngành nghề khác.
Về quy hoạch chung, trong đồ án quy hoạch đã công bố và tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ và Bộ Xây dựng để thẩm định, phê duyệt, đô thị mới Cam Lâm được xây dựng theo các quan điểm, mục tiêu, viễn cảnh, chiến lược mang “tầm quốc tế”, “tầm toàn cầu”, “hàng đầu thế giới”…
Cụ thể, đó là sẽ “xây dựng đô thị mới Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, vươn tầm thế giới, góp phần định hình một đô thị đẳng cấp và thu hút trên bản đồ thế giới...”. Đó còn là “đô thị được xác lập với tầm nhìn hướng về tương lai, tiếp cận, chọn lọc, áp dụng những tiến bộ cũng như xu hướng phát triển toàn cầu vào Quy hoạch đô thị mới Cam Lâm, thỏa mãn các tiêu chuẩn quốc tế, định hình tầm vóc một thành phố có sức ảnh hưởng toàn cầu”.
Đồng thời, đô thị mới Cam Lâm còn được định hướng xây dựng để tạo nên thương hiệu du lịch cạnh tranh với chính du lịch TP Nha Trang và TP Cam Ranh đều cùng thuộc tỉnh Khánh Hòa. Đó là “hướng tới thương hiệu du lịch quốc tế, giải trí toàn cầu, đô thị tăng trưởng kinh tế mạnh và có sức cạnh tranh với các thương hiệu du lịch khác như Nha Trang, vịnh biển Cam Ranh” và “là trung tâm kinh tế của tỉnh Khánh Hòa có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận”.
Hiện nay, ở Khánh Hòa đã có quy hoạch xây dựng Khu Trung tâm đô thị - thương mại - dịch vụ - tài chính – du lịch Nha Trang và tỉnh đã giao đất sân bay Nha Trang cũ cho nhà đầu tư phân lô thực hiện từ năm 2016. Thế nhưng, theo đồ án Quy hoạch chung thì đô thị mới Cam Lâm còn được xác định sẽ là “Thành phố thông minh – sinh thái tầm quốc tế, Trung tâm thương mại và tài chính khu vực; Trung tâm Tài chính – trí tuệ và đổi mới sáng tạo toàn cầu, đô thị sân bay cửa ngõ thế giới là điểm đến thiên đường du lịch nghỉ dưỡng, vui chơi, giải trí và mua sắm hàng đầu thế giới”.
Như vậy, trên cùng địa bàn tỉnh Khánh Hòa sẽ có nhiều trung tâm thương mại, trung tâm tài chính đều mang “tầm quốc tế”, “tầm khu vực”, thu hút “tài chính toàn cầu” (tại TP Nha Trang, đô thị mới Cam Lâm và quy hoạch tại khu kinh tế Vân Phong, ở phía bắc) cách nhau chỉ chừng 30-40 cây số.
Đào kênh dẫn nước biển vào sâu đất liền, chia cắt thành 13 “mảnh đảo”
Về thiết kế xây dựng, theo định hướng tại đồ án quy hoạch chung, toàn bộ 14 xã, thị trấn thuộc huyện Cam Lâm hiện nay sẽ phân chia thành 7 phân khu. Đó là các Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh (phân khu 1); Khu đô thị sinh thái, dịch vụ công nghiệp (phân khu 2), Khu đô thị sinh thái đẳng cấp quốc tế (phân khu 3), Khu đô thị trung tâm (đô thị nén, phân khu 4), Khu vui chơi giải trí quốc tế (phân khu 5, gồm tổ hợp 15 sân golf lớn, các công viên chuyên đề), Khu dân cư, du lịch sinh thái (phân khu 6; quy mô khoảng 11.910ha, dân số 10.000 - 14.000 người là khu dân cư hiện hữu cải tạo chỉnh trang kết hợp du lịch sinh thái) và khu vực Bảo tồn thiên nhiên Hòn Bà cũng được định hướng quy hoạch thành “Phân khu ở sinh thái, nghỉ dưỡng Hòn Bà” (phân khu 7).
Theo định hướng thiết kế và bản đồ sử dụng đất của đồ án quy hoạch, phần lớn diện mạo địa hình, đất đai của huyện Cam Lâm sẽ bị thay đổi, đào, đắp tanh bành. Hơn 1.000ha đất sẽ bị biến thành mặt nước để tăng diện tích mặt nước lên gần gấp đôi (từ 1.230ha lên thành 2.267ha). Trong đó, có thiết kế hệ thống kênh đào rộng từ 100m-300m, tổng chiều dài khoảng 10km để dẫn nước biển đang xen vào các khu đô thị dân cư, tạo thành “biển hồ lagoon” và các “đảo đô thị sinh thái”.
Bản đồ sử dụng đất theo đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2045 (Nguồn ảnh: Hồ sơ đồ án quy hoạch). Ảnh: Phan Sông Ngân
Toàn bộ địa hình đất liền, bán đảo vùng nội thị đô thị mới Cam Lâm thuộc ba phân khu 1, 3 và 4 (gồm bắc bán đảo Cam Ranh và các xã Cam Hải Đông, Cam Hòa, Cam Hải Tây, Cam Thành Bắc và thị trấn Cam Đức) sẽ bị bao bọc, chia cắt, phân, phanh bởi hệ thống kênh đào vừa nêu và biến thành 13 “vùng đảo”.
Trong đó có kênh sẽ đào băng ngang, xuyên qua bắc đảo Cam Ranh tại xã Cam Hải Đông (huyện Cam Lâm) để dẫn nước Biển Đông đổ vào đầm Thủy Triều. Kênh đào này sẽ chia cắt bán đảo Cam Ranh thành hai phần. Phần lớn diện tích bắc bán đảo trở vào phía sân bay Cam Ranh sẽ thành đảo, chỉ còn phần nhỏ diện tích vùng giáp chân núi Cù Hin là bán đảo.
Từ đầm Thủy Triều có nhiều kênh sẽ đào chằng chịt, dẫn nước biển vào các địa bàn nhiều xã nằm sâu trong đất liền. Tại khu vực phân khu 4 (quy hoạch là đô thị trung tâm – “đô thị nén”, gồm thuộc thị trấn Cam Đức, xã Cam Hải Đông và xã Cam Thành Bắc) các kênh đào sẽ chia cắt tạo thành 11 đảo. Trong đó, khu vực thị trấn Cam Đức có địa hình ở độ cao từ 7 đến 25m (dân số hơn 17.100 người) cũng sẽ có các kênh đào dẫn nước biển vào bao quanh, chia cắt thành các đảo. Kênh đào cũng “xé banh” địa bàn, đất đai xã Cam Thành Bắc thành nhiều “mảnh đảo” lớn, nhỏ theo các hình thù khác nhau.
Lượng đất, cát đào từ bắc bán đảo Cam Ranh và tại đất liền để làm kênh (rộng từ 100-300m) sẽ được sử dụng phục vụ các dự án cần đất san lấp, đắp tại chỗ.
Tăng dân số gấp hơn 7 lần, thu hút cư dân nước ngoài đến sinh sống
Lãnh đạo UBND huyện Cam Lâm thừa nhận với phóng viên, việc quy hoạch biến toàn bộ huyện này, với đại đa số cư dân nông thôn (84,64%) và chủ yếu sống bằng các nghề nông lâm ngư nghiệp (hơn 80% cư dân) thành đô thị mới Cam Lâm là “quy hoạch chưa từng có từ xưa tới nay”.
Một trong các nội dung quy hoạch, theo đồ án Quy hoạch chung Đô thị mới Cam Lâm, khiến nhiều cư dân phản đối, thậm chí còn cho là “quy hoạch ngông cuồng” đó là việc đào kênh “xé” ngang bắc bán đảo Cam Ranh, dẫn nước biển vào sâu đất liền và chia cắt thị trấn Cam Đức cũng như các xã quy hoạch là vùng nội thị thành 13 “mảnh đảo” kể trên.
Cả căn cứ pháp lý lẫn nội dung đồ án Quy hoạch chung Đô thị mới Cam Lâm đến năm 2045 kể trên đều không đề cập cụ thể đến căn cứ vào các quy hoạch hiện có và các kế hoạch sử dụng đất của các cấp, có liên quan đến khu vực quy hoạch, đã được ban hành theo luật định và vẫn còn hiệu lực thi hành.
Bản đồ hiện trạng hạ tầng và đất đai huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa (Nguồn ảnh: Hồ sơ đồ án Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm). Ảnh: Phan Sông Ngân
Cho đến nay, trong đồ án Quy hoạch chung Đô thị mới Cam Lâm được công bố lấy kiến cộng đồng nêu trên cũng chưa thấy xác định cần có nguồn vốn bao nhiêu để thực hiện các quy hoạch biến toàn bộ huyện Cam Lâm hiện nay thành đô thị mới kiểu đó. Đặc biệt, trong đồ án cũng không nêu và lãnh đạo huyện khi được hỏi cũng cho biết là “chưa nắm rõ” sẽ có khoảng bao nhiêu cư dân (hay bao nhiêu % dân số) sẽ bị giải tỏa, thu hồi đất để phục vụ cho các dự án đô thị theo quy hoạch đó và họ sẽ phải tái định cư ở đâu? Trong đồ án chỉ nêu chung chung, mơ hồ là sẽ “cần nguồn vốn đầu tư lớn” và “một lượng lớn người dân mất tư liệu sản xuất (đất nông nghiệp và đầm, đìa nuôi trồng thủy hải sản…)”.
Nhiều người dân trong vùng quy hoạch đô thị mới Cam Lâm băn khoăn, thắc mắc: việc quy hoạch “xé tan” nhiều vùng quê, khu dân cư nông thôn, khu dân cư thị trấn, thu hồi hàng ngàn hecta đất đai sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp của dân để làm các dự án đô thị, gây nhiều tác động, biển đổi đến môi trường sinh thái, xã hội và cuộc sống đang yên lành của hàng ngàn cư dân cả một huyện Cam Lâm đó sẽ đem lại lợi ích lớn nhất cho thành phần, đối tượng nào ở đô thị mới Cam Lâm trong tương lai?
Còn theo đồ án quy hoạch, bên cạnh nhiều tác động tiêu cực, đồ án quy hoạch đồ thị mới Cam Lâm còn có rất nhiều “tác động tích cực”. Trong đó có tác động tích cực là “tận dụng giá trị không gian mặt nước để gia tăng quỹ đất có giá trị bất động sản ven đầm Thủy Triều” và “tận dụng cảnh quan không gian mặt nước hướng đầm để tạo các giá trị bất động sản có giá trị lớn”…
Một trong những mục tiêu đào kênh dẫn nước biển và xây dựng hệ thống bơm nước biển vào đất liền, theo đồ án Quy hoạch, đó là để “khai thác mô hình Biển hồ Lagoon nước mặn lớn nhất thế giới bao bọc các đảo và thành phố tạo nên không gian sinh thái trong lành tươi mát. Các khu biệt thự bên hồ lagoon sang trọng sinh thái hưởng trọn không khí biển thiên đường đậm chất nhiệt đới”. Đó cũng là để “tạo thành các cụm đảo lớn phục vụ phát triển các khu dân cư cao cấp” và “tạo dựng các không gian sinh sống độc đáo, trên bến dưới thuyền, những khu vực đô thị cao cấp mang tầm vóc quốc tế”.
Nhiều cư dân Cam Lâm cũng đã hỏi ai sẽ được ở trong các khu “đô thị sinh thái trong lành tươi mát”, sang trọng, độc đáo “tầm vóc quốc tế” tại các “mảnh đảo” vốn là đất sẽ giải tỏa, thu hồi của họ để thực hiện quy hoạch đô thị mới Cam Lâm kể trên?
Vẫn theo đồ án Quy hoạch chung đã nêu, dân số tại đô thị mới Cam Lâm được quy hoạch đến năm 2045 sẽ có khoảng 770.000 – 800.000 người. Đó là dân số sẽ tăng gấp hơn 7 lần dân số chính thức của cả huyện Cam Lâm hiện nay (110.650 người). Trong đó, dân số tăng do nhập cư lên đến khoảng hơn 350.900 người (gấp hơn 3 lần cư dân chính thức hiện nay).
Trong đồ án quy hoạch cũng nêu rõ việc quy hoạch các khu đô thị, khu vui chơi, mua sắm “hàng đầu thế giới”, “phát triển khu thiên đường nghỉ dưỡng”… tại đô thị mới Cam Lâm là “nhằm thu hút cư dân đa quốc gia đến sinh sống, làm việc, học tập và du khách quốc tế”.
Chỉ có điều, hiện nay nhiều khu vực của huyện Cam Lâm chiếm diện tích rất lớn nằm trong đồ án Quy hoạch Đô thị mới Cam Lâm đã được quy định thuộc “khu vực biên giới biển” quốc gia. Đó là theo quy định pháp luật nhằm bảo vệ chủ quyền an ninh lãnh thổ quốc gia tại địa bàn Khánh Hòa. Thế nhưng, trong căn cứ pháp lý để lập đồ án Quy hoạch chung Đô thị mới Cam Lâm và cả tờ trình của UBND tỉnh Khánh Hòa đã trình Thủ tướng, Bộ Xây dựng để thẩm định, phê duyệt đồ án đó đều không thấy căn cứ vào văn bản pháp lý quy định về quản lý hoạt động trong khu vực biên giới biển nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Phan Sông Ngân
Quy hoạch thêm 15 sân golf, xây tuyến Quốc lộ 1 tránh đô thị về phía tây
Theo đồ án Quy hoạch chung Đô thị mới Cam Lâm, đối với khu gần sân bay Cam Ranh là cửa ngõ quan trọng đối với đô thị mới Cam Lâm và cả các thành phố Nha Trang, Cam Ranh. Do đó sẽ “được tổ chức các công trình hỗn hợp cao tầng”.
Còn ngoài các sân golf và dự án sân golf đang có trên địa bàn huyện Cam Lâm, tại khu vực thuộc phân khu 5 (địa bàn các xã Cam Hiệp Bắc, Cam Hiệp Nam, Cam An Bắc, Cam An Nam…) quy hoạch xây dựng thêm tổ hợp 15 sân golf nữa cùng “công viên Safari độc đáo hàng đầu châu Á, quần thể đua ngựa đẳng cấp quốc tế, công viên thám hiểm lớn nhất thế giới”. Một trong các mục đích xây hàng loạt sân golf và các công trình đó là để “khuyến khích các hoạt động thể dục thể thao, góp phần nâng cao điều kiện sống của người dân trong khu vực”, “cải thiện đời sống cũng như sức khỏe, xua tan căng thẳng, mệt mỏi, tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể”.
Về giao thông, một trong các đề xuất quy hoạch là chuyển đổi đoạn Quốc lộ 1 đi qua địa bàn huyện Cam Lâm hiện nay thành đường trục chính đô thị. Xây dựng thêm tuyến Quốc lộ 1 tránh đô thị đoạn qua huyện này nằm về phía tây tuyến đường Quốc lộ 1 hiện nay, chỉ giới xây dựng khoảng 50-60m, chạy song song với tuyến đường sắt Thống Nhất. Đó cũng là khu vực có dự án đường cao tốc Bắc – Nam đang được xây dựng.
P.S.Ngân