Bên cuộc nổi trôi

 22:23 | Thứ năm, 04/04/2024  0
Nằm ngay góc đường, địa thế hai mặt tiền mà người ta hay miêu tả đầy thèm muốn nhưng bao năm rồi nhà vẫn vách xây gạch trần gác gỗ.

Chừng như còn cảm thấy chưa được khiêm nhường lắm, bởi chẳng có độ lùi nào để làm sân, chủ nhà trồng bụi bông giấy cho leo lên mái che cửa sổ, giấu bớt nửa vách trước. Nửa còn lại là cái kệ bày ngoài chục cây cân đủ loại, ngăn trên cùng đặt cái bảng gỗ kẻ bằng nước sơn đỏ, chân phương mấy chữ "có nhận sửa cân". 

"Mấy chục năm vẫn một kiểu ăn ở này, hay thiệt!" - bạn nói, lần tôi chở qua ngã ba kiếm quán ăn trưa. Thứ rõ ràng nhất mang dấu vết thời gian là ông chủ tiệm hay cởi trần ngồi ghế mây trước nhà, sau nhiều năm tóc đã trắng phau, mấy bó cơ chảy sệ. Cô con gái hồi nào hay ra nhổ tóc bạc cho ông giờ cũng thành một bà già. 

Ảnh minh hoạ: TL


Người nhà đó nhìn bề ngoài giàu nghèo khó đoán nhưng vẻ mãn nguyện thì ra mặt, nhất là ông già, khi cát-sét trong nhà vẳng ra tiếng hát đường phèn của Hà Thanh. Hình dung những ông quan ngồi trong biệt phủ xa hoa của họ cũng không thỏa mãn bằng. 

Bọn tôi lần nào ngang qua nhà ông già cũng ngó vô, không trầm trồ thì rà xe chậm lại - cũng là cách tỏ bày sự ngưỡng mộ. Dù bọn tôi biết thiệt huỡn hết sức khi ngưỡng mộ một ngôi nhà cũ nhưng cái cách nó thản nhiên cũ giữa khu phố sáng choang những cửa hàng thời trang, mỹ viện, khách sạn thì thật lạ lùng.

Cũ, như một thái độ, như cố cưỡng một cơn lốc. Đời thì ráo riết mà ông già và căn nhà kia chỉ tỉnh queo ngồi ngó. Bán đi sẽ được bạc tỉ, còn không thì cho thuê rồi cả nhà sẽ dời tới một chỗ rộng rãi và tiện nghi hơn mà tiền vẫn rủng rỉnh. Búng tay một cái, đổi đời. Lơ tơ mơ cũng nghĩ được cách làm giàu đơn giản nọ, cả nhà ông già không lý nào không biết.

Nhưng ông cùng con cháu mình, bằng cách nào đó và lý do nào đó, đã kháng cự những gọi mời. "Ở thời buổi thần Phật còn bị đẩy ra sau thần Tiền, người dửng dưng với sự nhiều tiền chắc phải can đảm lắm" - bạn nói. 

Tự lý tưởng hóa cái sự cũ này, bạn đoán ông già chắc không nỡ phá bỏ cái không gian từng dính chặt bóng bà vợ quá cố. Hay ông sớm biết đủ, nhìn thấu hư vô. Hoặc cái nhà đó vẫn tường rêu gỗ bạc, như một cách đánh dấu để đợi ai đó tìm về. Thấy mấy lý do đó đã đủ đẹp rồi, bọn tôi cố dẹp một khả năng u ám đôi lúc xuất hiện trong đầu, rằng căn nhà không thay đổi bởi người ta đang giằng co tranh chấp. 

Lúc đó, hai thằng hay để ý mấy cái nhà cũ èo kiểu vậy. Cũ một mình, giữa một con đường hào nhoáng, không phải cũ trong hẻm hay cũ ngoại ô. Đặc biệt là ở khu phố Tây, vốn đổi thay chóng mặt. Ở đó vẫn còn vài căn nhà sót lại, cũ và dửng dưng khiến chúng như riêng ra một thế giới xa vời. Tường lở vách bạc màu, cửa lúc mở lúc khép hờ, chừng như vô nhiễm với mùi đô-la của du khách. 

Ở chỗ chỉ vài mét vuông vỉa hè cũng đủ cho cuộc kiếm tiền, người ở sâu trong hẻm còn mang vác ghế bàn ra làm ăn nhưng kẻ sẵn nhà ngay mặt đường lại chẳng chịu mở quán gì, một nơi chốn lưu trú cho du khách cũng không. Chỗ cửa sổ lâu lâu có em bé đứng thổi bong bóng xà bông hay người đàn bà ngồi cắt móng tay, ngoài thềm cái quạt máy cánh tự quay theo gió. 

Ngang quán chỗ hai thằng thường ngồi buổi trưa, có ngôi nhà tường quét vôi vàng đậm, trên mái buông xuống mớ dây tơ hồng cũng vàng óng. Cửa chớp trên gác lúc nào cũng mở, phơi mấy cái khăn mặt xanh lơ. Bạn quen vợ chồng chủ nhà, cả hai dạy học, có đứa con gái duy nhất đã lấy chồng. Nghe có vẻ không phải đại gia, sao ngồi trên một gia tài đắt đỏ mà ra vẻ như không, mặc cho thiên hạ hoặc tiếc rẻ (chậc, phải vô tay mình là sinh lợi biết bao nhiêu) hoặc cảm thấy được vỗ về, "ngó họ sống tỉnh trân vậy, thấy mình đâu cần sấp ngửa kiếm tiền" như bạn từng nói. 

Hồi ấy bạn dạy tiểu học, môn tiếng Anh. Tôi thì đàn ghita cho một tiệm trà nhỏ. Giờ mỗi lần đi qua đó, tôi sực nhớ bạn. Lâu rồi không ngồi với nhau, nếu có cũng chớp nhoáng. Bạn làm thông dịch cho vài công ty du lịch, buổi tối thêm hai ca dạy sinh ngữ. Nợ ngân hàng nửa chiếc xe hơi, vợ bạn lại hối mua một căn chung cư hạng nhất tầm nhìn ra sông cho tụi nhỏ hít thở không khí trong lành. 

Vài ngôi nhà cũ giữa trung tâm thành phố rốt cuộc chỉ làm bạn trầm trồ lúc đó thôi. Đến hồi mưu sinh rồi. Bạn lại phải đi về giữa bạt ngàn xa hoa, những thứ khiến người ta thấy mình rung động, thấy những dục vọng ngụt lửa trong lòng. "Ông già sửa cân ung dung vậy là vì ổng biết cái nhà mình đáng giá vài chục tỉ, biết đâu chừng" - bạn kết luận, bữa gặp gần đây. Khoảng sương mù mà hồi nào cả hai thằng tôi đã giăng lên ngôi nhà giấu nửa mặt sau giàn bông giấy đỏ, cơ bản bạn đã dọn dẹp xong.

Nguyễn Ngọc Tư

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.