Các thành phố không thể tự có vật liệu để xây nên những khối vật chất khổng lồ cho nó (tòa cao tầng, đường, cầu, hạ tầng các loại...). Nhìn rừng nhà cao tầng mọc tua tủa ở Hà Nội, TP. HCM, tự hỏi có bao dãy núi đá đã tan vào trong đó, có bao đất đai nông nghiệp nằm trong những viên gạch xây nên chúng, có bao nhiêu tỷ mét khối cát hút lên từ các lòng sông đắp nên các cao ốc...
Khối vật chất thành phố càng lớn, càng tiêu thụ nhiều vật liệu thì sẽ làm nghèo, cạn kiệt tài nguyên và lấy đi những cơ hội phát triển từ các vùng quanh nó.
Ở Hà Nội chẳng hạn, cái chết (theo nghĩa đen) của sông Nhuệ là do sông Hồng không cấp nước cho nó nữa. Vì sao dẫn tới tình trạng này ư? Là do bị khai thác cát liên tục với khối lượng rất lớn khiến đáy sông Hồng đã thấp hơn nhiều so với trước kia, tạo nên sự chênh cốt so với đáy sông Nhuệ (cao hơn đáy sông Hồng). Nước không thể tự chảy từ chỗ thấp lên cao là nguyên nhân cái chết của dòng Nhuệ giang vốn nuôi sống gần hai triệu cư dân trong lưu vực của nó.
Tương tự Hà Nội, khối vật chất khổng lồ của TP.HCM, cũng đã ngốn bao nhiêu cát từ đáy những dòng sông quanh nó? Có tài liệu cho biết các lòng sông vùng hạ lưu sông Mekong đã bị hạ thấp đến “vài mét trên hàng trăm cây số chiều dài sông chỉ trong vài năm” do khai thác cát.
Đáy những con sông lớn bị hạ thấp không chỉ như “cổng cống đã mở” cho nước mặn tràn sâu vào mà tạo nên chênh lệch cốt đáy của chúng với đáy các chi lưu vốn đóng vai trò mạng cung cấp nước canh tác cho các vùng đồng bằng rộng lớn. Chúng sẽ chết dần...
Nên nói hạn nặng và bị nước mặn xâm nhập sâu có nguyên do từ sự bành trướng vô hạn độ của đô thị, và nói các chỉ số GDP đang được tính cho “thành tích phát triển của các thành phố lớn” là có phần nhờ “sự hủy hoại từ nó vào các vùng kề cận” là vậy.
TS. Georg Schiller (Đức), trong một thuyết trình về khối lượng đá tự nhiên của Hòa Bình bị khai thác cho xây dựng Hà Nội, cho rằng Chính phủ cần kiểm soát được dòng vật liệu (cát, đá... nôm na như ở ta bắt người dùng phải xuất trình giấy tờ xuất xứ gỗ tự nhiên) trong xây dựng đô thị, không chỉ để bảo vệ tài nguyên, mà rất quan trọng là giữ sự cân bằng giữa các địa phương trong một không gian kinh tế chung.
Nhìn rừng nhà cao tầng mọc tua tủa ở Hà Nội, TP. HCM, tự hỏi có bao dãy núi đá đã tan vào trong đó, có bao đất đai nông nghiệp nằm trong những viên gạch xây nên chúng, có bao nhiêu tỷ mét khối cát hút lên từ các lòng sông đắp nên các cao ốc...
Có thể nói mô hình phát triển đô thị quá mức ở Việt Nam na ná Trung Quốc nếu nhìn vào vài hậu quả, như: “Chỉ tính đến năm 2012 Trung Quốc có hơn 400 thành phố thiếu nước, trong đó có 114 thành phố thiếu nước nghiêm trọng (khoảng 2/3 đô thị thiếu nước do tình trạng ô nhiễm nước mặt và nước ngầm). Tài nguyên các loại cạn kiệt cũng khiến cho hơn 40 thành phố rơi vào suy thoái. Năm 2011 toàn ngành xây dựng, vật liệu xây dựng và vận hành công trình hạ tầng đã tiêu hao tới 27% nhu cầu năng lượng cả Trung Quốc...” (theo TS. Phạm Sỹ Liêm - Tổng quan đô thị hóa ở Trung Quốc sau cải cách mở cửa).
Ngược xu thế này, ở nhiều nước phát triển từ lâu các nhà nghiên cứu đã xây dựng những mô hình mạng lưới đô thị nhỏ, phân tán, dựa trên khả năng cung cấp vật liệu và năng lượng tại chỗ (cho các nhóm tiêu thụ chính: thức ăn, xây dựng, giao thông và vận tải, sản xuất) chứ không phải đô thị hóa bằng cách tiếp tục phát triển các siêu thành phố. Rằng, các đô thị lớn, trung bình hay nhỏ, thì quy mô còn tùy thuộc vào “sức mang của đất” chứ không thể bành trướng vô hạn độ lãnh thổ của chúng một cách “tự phát hoang dại”.
Tóm lại vấn đề, đã tới lúc đòi hỏi chính quyền cần điều chỉnh các chính sách phát triển đô thị, trước khi quá muộn.
Trần Trung Chính (Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu đô thị và phát triển hạ tầng)
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp:
“Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp”
ĐBSCL từng một thời tự hào là vùng đất trù phú, mưa thuận gió hòa, nước ngọt quanh năm, “trên cơm, dưới cá”. Tuy nhiên mọi chuyện giờ đây thay đổi nhanh chóng hơn, khó lường hơn, cực đoan hơn. Biến đổi khí hậu, suy giảm tài nguyên nước, hạn, mặn, lún sụt... Đâu còn một đồng bằng trù phú, màu mỡ ngày nào!
Chiến lược chuyển đổi đã nằm trong Nghị quyết 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu. Đó là, quy hoạch lại vùng sản xuất tương ứng với hệ sinh thái ngọt, lợ, mặn, hay nói cách khác là phải “thuận thiên”. Đó là, chuyển từ “tư duy sản xuất nông nghiệp” sang “tư duy kinh tế nông nghiệp”, chuyển từ mục tiêu “nâng cao sản lượng” sang mục tiêu “nâng cao chất lượng”, hình thành các chuỗi ngành hàng để tạo ra giá trị gia tăng cao hơn. Đó là, lấy con người làm trung tâm cho sự thay đổi và thích ứng với điều kiện mới, yêu cầu mới.
Tổ chức lại các hiệp hội ngành hàng, trong đó bao gồm người sản xuất, doanh nghiệp, nhà khoa học đến từ các viện, trường và khu vực tư, các cơ quan hoạch định chính sách. Các hiệp hội ngành hàng cùng thống nhất đưa ra dự báo, thông tin thị trường, xây dựng chiến lược phát triển ngành hàng dài hạn và kế hoạch ngắn hạn, khuyến nghị các chính sách hỗ trợ của nhà nước trong giai đoạn chuyển đổi. Xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung cho cả đồng bằng để lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp, người sản xuất có thể truy cập và đưa ra kế hoạch hành động trong ngắn hạn và dài hạn.
Ngoài yếu tố biến đổi khí hậu, vốn là vùng sản xuất nông nghiệp trọng điểm của cả nước, ĐBSCL còn phải thay đổi để thích ứng với xu thế thay đổi của thị trường. Một thị trường rộng mở nhờ các hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương, nhưng phải vượt qua được những hàng rào kỹ thuật chặt chẽ hơn, hướng tới người tiêu dùng ngày càng kỹ tính. Truy xuất nguồn gốc, an toàn - vệ sinh thực phẩm, phát triển bền vững... là những điều kiện tạo dựng thương hiệu cho nông sản đồng bằng. Triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ; thực hiện chủ trương giảm diện tích trồng lúa chất lượng thấp, chuyển đổi sang lúa chất lượng cao, cây trồng, vật nuôi ít sử dụng nước.
Hình thành các trung tâm phân loại, bảo quản, chế biến nông sản theo cấp độ địa phương, khu vực, có sự kết hợp giữa khu vực công và tư là điều kiện để thoát khỏi “lời nguyền” bán nông sản thô giá trị thấp và đối mặt với hệ lụy phải “giải cứu” như thời gian qua. Sự chuyển động của đồng bằng không thể đạt kết quả chỉ qua một hai mùa vụ mà phải có một chiến lược dài hạn và đồng bộ; kết hợp các yếu tố kinh tế, xã hội, khoa học công nghệ, chính sách tín dụng... Sự chuyển động của đồng bằng không thể chỉ bằng các hội nghị, hội thảo... mà phải rút ngắn khoảng cách giữa chủ trương và hành động, giữa ý tưởng và thực tế, giữa cơ quan hoạch định chính sách và đối tượng trực tiếp là người sản xuất và doanh nghiệp.
DT