Tại nhiều tỉnh ĐBSCL (như Long An, Bến Tre, Kiên Giang, Cà Mau), nước mặn đã xâm nhập nghiêm trọng làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và đời sống sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, người dân phải chấp nhận mua nước ngọt với giá cao để duy trì cuộc sống sinh hoạt và cứu cây trồng đang “chết khát”.
Bấm bụng mua nước tưới cây
Theo ghi nhận của PV, huyện Châu Thành và Cai Lậy (Tiền Giang) được coi là thủ phủ của cây sapôchê, sầu riêng và những vườn cây ăn trái này đang có nguy cơ bị chết vì thiếu nước ngọt.
Chỉ cần đặt chân tới hai địa phương này sẽ dễ dàng bắt gặp tình cảnh người người, nhà nhà đổ xô đi mua nước ngọt về tưới cây. Người có điều kiện thì chạy xe ba gác, xe tải nhỏ, người không có điều kiện thì chở các can nước nhỏ để cứu sống từng cây trồng trong vườn.
Ông Nguyễn Phi Long, ấp Phú Thạnh (xã Phú Phong, huyện Châu Thành), cho biết từ đầu mùa đến giờ gia đình phải mua từng khối nước để cứu lấy vườn cây ăn trái. Để có được 2 m3 nước tưới cây thì phải tốn hết 300.000 đồng. Dù nước ngọt đắt đỏ nhưng người dân cũng phải bấm bụng mua để cứu vườn cây đang thiếu nước. Xót tiền mua nước, ông Long cũng đành lấy nước còn trữ lại trong mương để tưới cây, không ngờ cây bị rụng lá và trái.
“Gia đình tôi không có thiết bị đo độ mặn, lại tiếc chỗ nước còn sót lại trong mương nên lấy đại tưới cây, không ngờ nó rụng lá và trái. Tôi đã nhảy xuống tắm thử thì thấy mặn chát, mặn đến con người còn không chịu nổi thì cây chết là đúng rồi. Sapôchê là cây nuôi sống của gia đình, giá nào tôi cũng phải cứu nó” - vừa nói ông Long vừa múc từng gáo nước đổ vào gốc cây.
Chiến sĩ hải quân giúp người dân Bến Tre chở nước ngọt về nhà. Ảnh: Đ.Hà
Ông Ngô Văn Sơn, ấp Phú Quới, xã Phú Phong, huyện Châu Thành cũng cho hay năm nay hạn mặn về sớm và lâu hơn so với năm 2016. Chính vì vậy, gia đình đã bỏ ra hơn 10 triệu đồng để mua 120 m3 nước ngọt từ Đồng Tháp chở về để cứu vườn sầu riêng.
Những ngày qua, vườn sầu riêng lại bị khô hạn, ông Sơn phải chạy đôn chạy đáo đi thuê ghe đưa nước về nhưng không tìm được chiếc ghe nào. “Thời điểm hiếm nước như hiện nay thì để mua được nước đã khó nhưng để tìm được người chở nước còn khó hơn. Nhiều khi người dân phải bấm bụng trả tiền vận chuyển nước cao gấp ba lần giá nước” - ông Sơn buồn rầu nói.
Thế nhưng niềm vui đã đến với ông Sơn và bà con nơi đây vì được tỉnh cho nước ngọt đem về tưới cây mà không cần trả tiền. Năm công sầu riêng sẽ tương ứng với 28 m3 nước, chia đều trong bốn đợt, coi như cũng cầm cự được vườn sầu riêng qua mùa hạn mặn này.
Trong khi đó, hơn 4 ha sầu riêng của gia đình ông Nguyễn Văn Gù, ấp Phú Long, xã Phú Phong đã bị chết phân nửa. Theo ông Gù, vườn sầu riêng của gia đình nằm xa so với trục đường chính. Để mua được nước về thì phải trả tiền với giá rất cao, khoảng 300.000 đồng/2 m3 nước. Dù thế, người chở nước cũng chê vì nhà ông quá xa.
“Cả vườn sầu riêng rụng lá chỉ còn cái cây trơ trụi, trái đang tua tủa cũng bị rụng gần hết. Các mương chứa nước cũng cạn khô, cả vườn sầu riêng bị nứt toác, có lẽ tôi mất trắng vườn sầu riêng này rồi. Nay mua được chút nước, cũng chỉ ráng tưới sương trên bề mặt chứ có nhiều đâu mà tưới” - ông Gù than.
Tương tự, tại tỉnh Trà Vinh, người dân cũng phải đối mặt với hạn mặn và có nguy cơ mất trắng lúa vụ ba.
Ông Thạch Hiền, huyện Long Phú, Trà Vinh chua xót kể hai công lúa ông vừa gieo sạ được hơn một tháng thì cũng là lúc hạn mặn xâm nhập. Có nước mà không tưới được nên ông cầm chắc trắng tay vụ này.
“Không riêng gì tôi, nhiều hộ ở đây chỉ mong được vụ ba này nhưng năm nay hạn mặn đến sớm, kênh thì nước sát đáy không có nước bơm vô ruộng. Bây giờ thì thất bại không còn gì rồi, chi phí bỏ ra không lấy lại được” - ông Hiền buồn rầu nói.
Giải thích lý do “xé rào” xuống giống vụ ba, ông Nguyễn Tấn Tài, huyện Giồng Trôm, Bến Tre cho hay trước khi xuống giống, ngành chức năng đã khuyến cáo không nên. Thế nhưng do vụ đông xuân thường cho lợi nhuận rất cao nên ông quyết định đánh liều.
“Thấy lúa vụ ba năm ngoái làm trúng nên năm nay tôi tiếp tục gieo sạ, nào ngờ nước mặn lên nhanh và sâu nên toàn bộ không thể ra bông được” - ông Tài bày tỏ.
Ông Lâm Văn Vũ, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Long Phú, Trà Vinh, cho biết từ đầu năm đơn vị đã chủ động tham mưu cho UBND huyện ban hành văn bản khuyến cáo bà con nông dân không sản xuất lúa vụ ba (đông xuân). Thế nhưng vẫn có nhiều hộ bất chấp khuyến cáo của ngành chức năng “xé rào” xuống lúa và giờ bị thiệt hại.
Xếp hàng dài hứng nước ngọt
Ghi nhận của PV tại huyện Gò Công Đông (Tiền Giang), các sông, kênh mương nội đồng đều trơ cạn đáy. Có những kênh mương tưởng chừng như đường đi bộ, nứt toác, khô cạn. Nhiều cánh đồng thu hoạch xong cũng phải ngưng sản xuất vì thiếu nước.
Tại nhiều xã của huyện Gò Công Đông đang bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Nguyên nhân là nước máy không đủ cung cấp cho người dân, áp lực nước yếu. UBND huyện Gò Công Đông đã mở 53 vòi nước công cộng để người dân đến lấy. Tuy nhiên, do trụ nước ở xa, số lượng người dân đổ về rất lớn nên các xã chủ động đưa xe bồn tới từng ấp để thuận tiện cho dân.
Tại các điểm lấy nước miễn phí, bất kể sáng, trưa hay chiều tối, lúc nào cũng có người xếp hàng lấy nước. Có những lúc can nước xếp đến vài trăm mét để hứng từng giọt nước ngọt mang về.
Một hộ dân khơi thông mương để chuẩn bị dự trữ nước trong mùa mưa. Ảnh: Minh Tâm
Bà Phạm Thị Kim Anh, xã Gia Thuận, cho biết: “Chúng tôi phải chịu cảnh mất nước gần hai tháng rồi. Ban đầu cũng dùng nước mưa, nước tích trữ trong nhà, nào ngờ dùng hết mà vẫn chưa hết hạn mặn. Giờ đây lúc nào tôi cũng phải đi canh nước. Có khi nước về nửa đêm cũng phải chạy đi lấy để có nước nấu cơm và uống. Còn việc tắm giặt, rửa rau thì tất cả phải xài nước mặn, chỉ có trẻ em được ưu tiên tắm sơ sơ nước ngọt cho khỏi bị ngứa thôi.
Ngao ngán tình cảnh xếp hàng chờ nước, ông Nguyễn Văn Láng, xã Tân Phước, mang mấy can nước xuống lấy ở hồ nước ngọt tại xã Gia Thuận về dùng.
“Xếp hàng đợi nước lâu lắm, nhiều khi xếp cả buổi mà hết nước. Vì vậy, tôi mang luôn can xuống hồ mang về lắng cặn rồi dùng. Giữa thời điểm thiếu nước như hiện nay thì có nước xài đã mừng rồi. Tôi cũng lo lắng một ngày nước trong hồ cạn kiệt nhưng phải lo trước mắt cái đã” - ông Láng bày tỏ.
Tương tự, tại tỉnh Bến Tre, hầu hết người dân trên địa bàn tỉnh đều bị ảnh hưởng bởi hạn mặn. Trong đó, nguồn nước sinh hoạt tại các nhà máy nước cấp cho các hộ dân đã nhiễm mặn trên 2‰, có chỗ là 5‰.
Nhiều giải pháp cấp bách
Bà Đoàn Thị Ngọc Điệp, Phó Chủ tịch xã Phú Phong, huyện Châu Thành, Tiền Giang, cho biết năm nay bị hạn mặn khốc liệt và kéo dài từ trước tết Nguyên đán tới nay. Khi nhận được thông tin có nước mặn về, UBND xã có kế hoạch và thông báo đến người dân, khuyến cáo người dân không nên tưới cây khi nước mặn xâm nhập ở mức độ cao.
Trong đợt hạn mặn này đã có 4 ha sầu riêng bị chết, số còn lại là rụng lá và bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Trước thực trạng trên, UBND tỉnh Tiền Giang đã mua nước về để cấp cho bà con nông dân nhằm giải cứu cây sầu riêng. Cụ thể, từ ngày 13-3 đến nay, người dân đã đến điểm lấy nước của xã về để giải cứu cây sầu riêng. Trong đó, ngày đầu tiên 800 m3 nước đã kịp thời về với các vườn cây.
Tương tự, ông Phạm Võ Minh Đăng, Phó Chủ tịch xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang, thông tin tình hình hạn mặn gay gắt làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất và sinh hoạt của người dân. Hạn hán kéo dài cùng với việc xâm nhập mặn đã làm cạn kiệt nguồn nước trên các kênh mương nội đồng. Một phần không nhỏ diện tích lúa đông xuân của xã đang thời kỳ làm đòng đã không còn nước tưới, năng suất giảm nghiêm trọng.
Các trạm cấp nước cho hai xã Tân Phước, Gia Thuận (huyện Gò Công, Tiền Giang) đã không đủ nước cung cấp cho nhân dân. Để giải quyết tình thế cấp bách, UBND hai xã đã phối hợp với xí nghiệp cấp nước mở các trạm cấp nước công cộng phục vụ nhân dân.
Điều đáng trân trọng là trong thời gian qua, một số tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm… qua sự vận động của UBND xã đã dùng các phương tiện sẵn có để chuyên chở nước sạch đến tận các ấp phục vụ miễn phí cho bà con.
Ông Nguyễn Văn Quý, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Gò Công Đông, Tiền Giang, cho biết đứng trước tình hình hạn mặn, UBND huyện đã mở 53 vòi nước công cộng. Tuy nhiên, tình hình hạn mặn có phần gay gắt hơn nên đã mở tất cả 57 vòi nước công cộng. Đồng thời, UBND huyện đã phối hợp với xí nghiệp cấp nước mở thêm 24 điểm cấp nước tập trung cho bà con trong mùa hạn mặn này. Tới thời điểm này, người dân cũng đỡ phần nào khó khăn bởi nhận được sự quan tâm của các mạnh thường quân.
Ông Bùi Trung Chỉnh, Chủ tịch UBND xã Tiên Long, huyện Châu Thành, Bến Tre, cũng cho hay tình hình hạn mặn đã tác động trực tiếp đến nước sinh hoạt của người dân. Hạn mặn khiến người dân lao đao vì thiếu nước để sinh hoạt và nước tưới tiêu, tác động trực tiếp tới kinh tế người dân.
UBND xã Tiên Long đã vận động những hộ dân có điều kiện chuyên chở thì chở nước hỗ trợ những người có hoàn cảnh khó khăn trong thời điểm cấp bách này. Hiện UBND xã đang tiến hành khảo sát máy lọc nước mặn để phục vụ người dân, dự kiến ít ngày nữa bà con sẽ thoát được cảnh khát nước ngọt.
Hải quân chở nước ngọt xuyên đêm cho dân Bến Tre
Đến ngày 21.3, tàu 935, Lữ đoàn 125, Bộ tư lệnh Hải quân Vùng 2 đã chở nước ngọt chuyến thứ tám (2.000 m3) từ TP Vũng Tàu đến cấp cho người vùng hạn mặn ở tỉnh Bến Tre.
Liên tục ngày đêm, cứ xong mỗi chuyến tàu là các chiến sĩ vội về ngay trong đêm để kịp quay trở lại cung cấp nước cho người dân.
Năm nay, hạn hán và xâm nhập mặn ở Bến Tre rất trầm trọng, hàng chục ngàn hộ dân thiếu nước ngọt sinh hoạt. Tỉnh đang kêu gọi các tổ chức, cá nhân hỗ trợ nguồn nước ngọt, dụng cụ trữ nước cho bà con. Đặc biệt ưu tiên cho hộ nghèo, người dân sống sâu trong nội đồng, bãi ngang, vùng ven biển, trên các cù lao, cồn...
Trong những ngày qua, Bộ tư lệnh Hải quân đã điều các tàu chuyên dụng chở theo hàng ngàn mét khối nước ngọt đến với người dân tỉnh Bến Tre và việc này vẫn được tiếp tục trong những ngày tới.
Đ.Hà
Ông Đỗ Phúc Vĩnh, phường Phú Tân, TP Bến Tre:
“Nước quý hơn vàng”
Gần hai tháng nay, nước máy nhiễm mặn nên tắm bị ngứa rất khó chịu, việc nấu ăn thì dùng bình nước lọc rất tốn chi phí.
Mỗi ngày dù đã tiết kiệm tối đa nhưng gia đình tôi mất trên 100.000 đồng để mua nước ngọt. Mỗi tháng tốn trên 3 triệu đồng, đây là số tiền không nhỏ đối với mức sống của gia đình tôi. Nay gia đình tôi phải xài thật tiết kiệm vì có tiền cũng chưa chắc mua được nước để dùng, nước thực sự quý hơn vàng.
Tại trung tâm TP Bến Tre, nơi cách xa những con sông bị nhiễm mặn cũng bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Cụ thể, tại khu vực Bến Lở (phường 1, TP Bến Tre), giá nước ngọt dao động 100.000-300.000 đồng/m3, tùy theo đoạn vận chuyển. Tại đây, nhiều chiếc sà lan vốn chở cát xây dựng nay cũng được tận dụng để chở nước bán cho người dân.
Tôi được biết tại các huyện vùng nông thôn cũng có dịch vụ cung ứng nước ngọt nhưng rất đắt. Nước được vận chuyển đến từng gia đình có giá 150.000-350.000 đồng/m3, tùy đoạn đường vận chuyển gần hay xa.
_____________________
Chủ động ứng phó hạn mặn
Theo Viện Khoa học thủy lợi miền Nam, nguồn nước mùa khô năm 2019-2020 về vùng ĐBSCL thấp hơn nhiều so với trung bình 10 năm gần đây. Nước về ít ngay từ đầu mùa khô, mặn bất thường đã xảy ra sớm ngay từ đầu tháng 12 và có thể còn xảy ra những biến động bất thường. Vì vậy, cơ quan này khuyến cáo các địa phương cần chủ động chuẩn bị các giải pháp ứng phó, phòng, chống hạn mặn với trường hợp ở năm hạn mặn lịch sử.
Về tình hình thiệt hại do hạn mặn năm nay, theo Bộ NN&PTNT, đến nay toàn vùng ĐBSCL có trên 1,5 triệu ha đất lúa đã xuống giống. Trong đó chỉ có gần 39.000 ha bị thiệt hại do hạn mặn, thấp hơn so với năm 2016 (thiệt hại hơn 405.000 ha). Thống kê số hộ gặp khó khăn về nước sinh hoạt năm nay chỉ hơn 95.000 hộ, trong khi năm 2016 là hơn 210.000 hộ.
Đào Trang - Minh Tâm - Châu Anh