Các tỉnh thành di dời hàng chục nghìn người dân tránh bão số 3

 19:50 | Thứ sáu, 06/09/2024  0
Các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, TP.Hải Phòng đang gấp rút di dời hàng nghìn người dân ở những khu chung cư cũ và trên các tàu, bè nuôi thủy sản để bảo đảm an toàn trước bão số 3.

Ngày 6.9, Chủ tịch UBND TP.Hải Phòng quyết định di dời 5.400 hộ dân ở các khu chung cư cũ, nhà nguy hiểm đến nơi an toàn để tránh bão. Theo kế hoạch của UBND TP.Hải Phòng, khoảng 4.600 hộ dân sống tại khu chung cư cũ ở các quận Ngô Quyền (3.800), Hồng Bàng (400) và Lê Chân (400) được di dời từ 12 giờ đến 18 giờ ngày 6.9. Số hộ dân cần di dời tại quận Ngô Quyền có thể thay đổi tùy thuộc vào tình hình thực tế.

Tất cả các hộ dân sẽ được bố trí đến các trường học, UBND phường và các căn hộ tạm cư do Nhà nước quản lý, đảm bảo đầy đủ đồ dùng sinh hoạt thiết yếu.

Cũng trong ngày 6.9, ông Lê Anh Quân, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố, kiểm tra công tác phòng, chống cơn bão số 3 tại huyện An Dương và các quận Lê Chân, Hồng Bàng. Cùng đi có đại diện lãnh đạo sở, ngành, đơn vị liên quan.

Ông Lê Anh Quân, Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố kiểm tra phương án di dời các hộ dân đang sinh sống tại các khu chung cư cũ, phường An Dương, quận Lê Chân. Ảnh: Báo Hải Phòng


Theo báo Hải Phòng, tại huyện An Dương, qua kiểm tra thực tế tại khu vực cống Kiều Hạ 1, cống Nhu Kiều, xã Quốc Tuấn (huyện An Dương), Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố đề nghị huyện tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Ban Thường vụ Thành ủy và Chủ tịch UBND thành phố về công tác phòng, chống bão số 3. Tiếp tục rà soát, kiểm tra các khu vực đê, cống xung yếu, khẩn trương bố trí sẵn vật tư dự phòng tại các khu vực để kịp thời ứng phó, xử lý các tình huống phát sinh. Tập trung chỉ đạo, hoàn thành di dời 146 hộ dân khu vực ngoài đê ở xã Đại Bản trước 20 giờ ngày 6.9; có phương án bảo vệ tài sản cho các hộ dân. Đồng chí cũng lưu ý huyện tạm dừng hoạt động các bến đò ngang trên sông tại các xã Lê Thiện, Đại Bản; chỉ đạo kiểm tra bảo đảm an toàn tại các công trình xây dựng, nhất là trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn; sẵn sàng phương án chống ngập, bảo vệ sản xuất…

Tại quận Lê Chân, Hồng Bàng, ông Lê Anh Quân kiểm tra tại trạm bơm Ba Tổng (phường Kênh Dương), tuyến đê tả sông Lạch Tray (đoạn thuộc phường Vĩnh Niệm),  phương án di dời các hộ dân đang sinh sống tại các khu chung cư cũ thuộc phường An Dương (quận Lê Chân) và phương án di dời hộ dân đang sinh sống tại các khu chung cư cũ Nguyễn Thái Học -Tôn Đản -Phan Bội Châu, phường Phan Bội Châu (quận Hồng Bàng). Phó chủ tịch Thường trực UBND thành phố đề nghị các địa phương tập trung cao triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người dân ở các khu chung cư cũ, nhà nguy hiểm; khẩn trương hoàn thành di dời hộ dân đến nơi an toàn trước 20 giờ ngày 6.9...

Các lực lượng chức năng của TP Hạ Long bố trì tàu ra đón, đưa các hộ dân NTTS về bờ an toàn. Ảnh: Báo Quảng Ninh


Tại Quảng Ninh, các địa phương cũng đang khẩn trương di dời người dân đến nơi tránh trú an toàn. Huyện Ba Chẽ cũng đã rà soát thống kê 247 ngôi nhà ở có nguy cơ sạt lở, ngập lụt, tốc mái có phương án di dời đến nơi an toàn khi có tình huống xảy ra; chuẩn bị sẵn sàng về lực lượng và phương tiện, vật tư ứng cứu nếu xảy ra sự cố ngập lụt và sạt lở khi có mưa lớn kéo dài; chuẩn bị sẵn sàng lương thực, nhu yếu phẩm, thuốc, xăng, dầu dự trữ...

Toàn huyện Tiên Yên có 16 công trình hồ đập. Hệ thống đê trên địa bàn huyện hiện có tổng chiều dài hơn 42km, gồm (đê cấp IV 5,3km; đê cấp V 37,106km). Khu vực trọng yếu tại đê khu Hà Tràng Tây xã Đông Hải có 200 hộ có nguy cơ ngập lụt do điểm đê thấp, yếu, nước nguy cơ tràn qua đê.

Toàn huyện có 57 cầu/đập tràn; 68 hộ có nguy cơ ngập lụt; 69 hộ có nguy cơ nhà yếu, tập trung tại các xã Điền Xá, Đồng Rui, Đông Ngũ. 17 hộ nuôi cá lồng bè tại xã Tiên Lãng. Tổng số 524 tàu thuyền của người dân trên địa bàn huyện đã nhận được thông tin bão và chủ động di dời đến nơi tránh trú an toàn. Trong đó tại vũng neo đậu tàu thuyền bến Nu Hàn, xã Tiên Lãng là 111 tàu thuyền.

Tính đến 12 giờ ngày 6.9, 100% tàu, thuyền của TX.Quảng Yên đã về nơi tránh trú an toàn. Ảnh: UBND tỉnh Quảng Ninh


Tại huyện Bình Liêu, đến thời điểm này, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã rà soát, thống kê có 16 điểm có nguy cơ sạt lở đất, ngập lụt, lũ quét; 22 hộ gia đình có nhà ở xuống cấp, nhà yếu có nguy cơ không đảm bảo an toàn khi xảy ra mưa lũ dài ngày.

Trên cơ sở rà soát, huyện đã chỉ đạo, phân công cán bộ theo dõi, hỗ trợ nhân dân kịp thời di chuyển người và tài sản trước khi mưa bão xảy ra; đồng thời chủ động tổ chức khắc phục các điểm sạt lở trên địa bàn quản lý (đối với các điểm đã sạt lở), cắm biển cảnh báo các điểm có nguy cơ sạt lở để người dân chủ động cảnh giác khi có mưa bão xảy ra; bố trí lực lượng, phương tiện sẵn sàng ứng phó, cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống xảy ra.

Đến 10 giờ ngày 6.9, trên địa bàn huyện Vân Đồn đã có gần 1.800 phương tiện thủy, tàu cá về nơi tránh trú an toàn; 618 bè trông coi thủy sản, bè dịch vụ và tàu xi măng được gia cố, chằng chống; 508 người đang làm việc dưới biển được di dời lên bờ, đến 15 giờ cùng ngày sẽ thực hiện di dời toàn bộ người trên biển lên bờ.

Đến 11 giờ ngày 6.9, TP.Móng Cái đã kêu gọi được trên 1.700 tàu thuyền, phương tiện thủy về nơi tránh trú; yêu cầu 119 hộ gia đình thực hiện chằng chống, gia cố hơn 250 giàn bè và đưa người di chuyển vào bờ trước 16 giờ. TP cũng đã thực hiện rà soát các vị trí nhà tạm, khu vực nguy cơ sạt lở, ngập úng, theo dõi mức nước ở các hồ đập để thực hiện xả nước, có các biện pháp phòng chống.

Trước diễn biến phức tạp của bão số 3, để đảm bảo tuyệt đối an toàn về người và tài sản, tính đến 12 giờ ngày 6.9, 90% các hộ nuôi trồng thủy sản trên địa bàn TP.Cẩm Phả đã di dời lên bờ tránh trú.

Thị xã Quảng Yên đã khẩn trương triển khai kêu gọi, thông báo cho các chủ tàu, thuyền đến nơi tránh, trú an toàn để phòng tránh bão số 3 đổ bộ. Tính đến 12 giờ ngày 6.9, 100% tàu, thuyền đã về nơi tránh trú.

Để đảm bảo an toàn cho người dân trước bão, tỉnh Thái Bình sẽ di dời khẩn cấp hơn 18.600 người dân từ 7.700 hộ gia đình đang sinh sống trong những ngôi nhà yếu trước 18 giờ ngày 6.9; đồng thời hơn 2.900 lao động đang làm việc tại các chòi canh nuôi trồng thủy sản ven sông, ven biển cũng được yêu cầu vào đất liền để tránh bão.

Tuyết Nhung

Nguồn Một Thế Giới, Báo Hải Phòng
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.