Chính cư, ngụ cư và những công dân hạng hai

 09:00 | Chủ nhật, 12/09/2021  0
Dường như người ngoại tỉnh vẫn “vô hình” hoặc chỉ được xem là những người “sống ở bên lề” trong các quyết sách của đô thị? Đại dịch Covid-19 đã vén màn cho chúng ta thấy phần nào bức tranh hiện thực về những người nhập cư và thân phận bên lề của họ ở các đô thị lớn.

Dịch Covid-19 bùng phát, nhiều người thất nghiệp, kẹt lại trong các khu nhà trọ ở TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh


​Trong chuyến đi nghiên cứu một xóm liều Hà Nội, tôi hỏi chuyện người đàn bà trung tuổi đang tạm trú trong mái lều tối tăm, chật hẹp và dột nát cùng với mấy người đồng hương từ Hưng Yên lên làm cửu vạn ở chợ đầu mối Long Biên. Chị bảo: “Chả giấu gì bác, chúng em là người tạm cư nên không được chính quyền hỗ trợ gì đâu. Họ không đuổi không làm khó dễ là may lắm rồi. Mọi thứ điện nước đều phải mua lại từ người trong ngõ, chả có một thứ bảo hiểm gì sất, ốm đau thì về quê chữa trị, muốn đưa con lên đây đi học thì không có hộ khẩu.

Mấy hôm trước bác tổ trưởng dân phố thấy chị em sống khổ quá, bảo ra họp để xét hỗ trợ cho vay cứu tế, ra đến nơi bác ấy lại xin thông cảm vì “chị em không phải người ở đây” nên không trong diện được mời họp…” Câu chuyện của họ cứ cuốn tôi đi theo những nỗi nhọc nhằn mưu sinh trong thân phận cô đơn của người tạm cư. 

Thực ra, câu chuyện của người lao động tạm cư trong xóm liều Hà Nội cũng là tình trạng chung cho hầu hết lao động tạm cư đang tìm kế sinh nhai tại các thành phố. Mấy tuần gần đây, trong cơn dịch dã, các thành phố lớn đều siết chặt giãn cách xã hội để chống dịch Covid-19, người tạm cư bồng bế nhau ùn ùn rời phố về quê, bất chấp chỉ thị “ai ở đâu, ở yên đấy”.

Trước thực trạng như vậy, chúng ta không thể không đặt ra câu hỏi: Người tạm cư ở đô thị là ai? Họ có vai trò gì trong quá trình đô thị hóa và phát triển? Sao họ không thể ở lại trong thành phố mà phải bỏ về quê? Giải pháp nào giúp cải thiện vấn đề người tạm cư đô thị để họ có thể hội nhập được vào sự phát triển của thành phố, theo tinh thần “nước nổi thì bèo nổi”, không để ai bị bỏ lại phía sau? Bài viết nhỏ này nhìn lại vấn đề người lao động tạm cư ở đô thị và thử nêu lên một vài ý kiến đặng góp phần giải quyết các câu hỏi nêu trên.

Người tạm cư ở đô thị, họ là ai?

Theo Luật Cư trú 2020 mới có hiệu lực từ tháng 7.2021 thì cơ quan quản lý đô thị phân loại người dân thành ba nhóm chính, gọi là thường trú, tạm trú và lưu trú. Nhóm một gồm những người sinh sống lâu dài và ổn định ở địa bàn phường/xã và có đăng ký thường trú, nhóm hai gồm những ai sinh sống trên địa bàn phường/xã từ 30 ngày trở lên và đã được đăng ký tạm trú (có sổ tạm trú), và nhóm ba gồm những người nghỉ lại tạm thời ở lại một địa bàn không phải nơi thường trú hoặc tạm trú trong thời gian ít hơn 30 ngày. Chính sách quản lý dân cư và phát triển đô thị dựa vào cách phân loại này để xử lý công việc hằng ngày.

Thực ra, từ thời phong kiến, cách phân loại dân thành các nhóm chính cư (thường trú) và ngụ cư (tạm trú) đã được thực hiện, theo đó dân thường trú được gọi là người chính cư, và dân lưu trú tạm trú trong làng gọi là ngụ cư hay tạm cư. Đã là người ngụ cư thì không có quyền công dân đầy đủ, như quyền bầu cử ứng cử, quyền có tiếng nói trong các cuộc họp ở chốn đình chung, nhưng các nghĩa vụ đóng góp thì được hoan nghênh, thậm chí nặng hơn là dân chính cư.

Chỉ khi nào người ngụ cư đáp ứng được một số điều kiện về chỗ ở, thời gian ngụ cư, và sự bảo lãnh của một gia đình là dân chính cư thì việc xin chuyển thân phận thành người chính cư mới được xem xét. Xem ra, người tạm cư ở các đô thị hiện nay có vẻ giống với người ngụ cư thời trước: những công dân hạng hai.

Hàng nghìn người dân miền Trung chạy xe máy từ TP.HCM và các tỉnh phía Nam về quê tránh dịch. Ảnh: Hoàng Táo


Cho đến nay chưa có một thuật ngữ thống nhất để chỉ những người lao động từ nơi khác tới tạm cư ở đô thị. Trong các văn bản chính thức của nhà nước các cấp, nhiều thuật ngữ khác nhau được sử dụng như “lao động ngoại tỉnh”, “lao động thời vụ”, “lao động tự do”, “người nhập cư”, “người tạm trú”, v.v...

Dưới thời phong kiến thực dân, người ta gọi nhóm người này là “lưu dân” hay “dân xiêu tán”, hoặc dùng tiếng Tây, gọi họ là vagabonds (những người lang thang)(1) hoặc người trôi nổi(2). Dù cách gọi thế nào đi nữa thì các thuật ngữ này cũng bao hàm ba ngụ ý rõ ràng: (1) chỉ người nơi khác đến thành phố, (2) có tính tạm thời (công việc hay cư trú); (3) có sự phân biệt đối xử.   

Người dân từ khu vực nông thôn vào thành phố chủ yếu thuộc nhóm lao động có thu nhập thấp và việc làm bấp bênh. Có thể chia dân tạm cư thành ba nhóm nhỏ: (1) Những người làm nghề tự do như nhặt rác, buôn thúng bán mẹt ở các khu chợ mở, hay bán hàng rong trên phố, làm nghề khuân vác, giúp việc gia đình, và vận tải (cửu vạn, shipper, chạy xe ôm); (2) Những người bị giải tỏa chưa có nơi ở ổn định, những bệnh nhân mãn tính điều trị ngoại trú và người nhà phải bám vào các khu vực quanh bệnh viện (chạy thận, trị ung thư); (3) Lao động được tuyển dụng làm việc trong các công xưởng, nhà máy, dịch vụ, thợ học nghề và sinh viên cao đẳng, đại học.

Ngoài ra, các nhóm người nước ngoài (kiều dân) đến sinh sống làm ăn trong thành phố với nhiều công việc và quy mô khác nhau cũng có thể được xếp vào nhóm tạm cư. Nói chung, những người tạm cư thường không có nhà ở ổn định mà thường ở trọ, chung cư cho thuê, trong đó nhiều nhất là ở các xóm lao động nghèo ngoại ô và các khu ổ chuột trong thành phố để giảm thiểu chi phí.

Một người Phú Yên sinh sống ở TP.HCM trong đợt 400 người được hỗ trợ xe miễn phí về quê tránh dịch ngày 26.7. Ảnh: Trương Thanh Tùng


Trong con mắt của các nhà quản trị đô thị, dân tạm cư dường như chỉ mang đến tiêu cực hơn là tích cực cho thành phố, và đấy là lý do tại sao họ được quản lý chặt về phương diện hành chính nhưng vai trò của họ với phát triển của thành phố lại thường bị lờ đi hoặc không được phát huy.

Vì thế, các số liệu thống kê về dân tạm cư của các thành phố khá tạm bợ, manh mún và không thống nhất, giữa các ban ngành cũng không có cơ chế nào chia sẻ thông tin. Công an không công bố số liệu điều tra của họ trong khi các ban ngành dân sự thì mỗi khi cần có số liệu lại phải rà soát mà không có một kế hoạch căn cơ, bài bản nào để thu thập, lưu giữ và sử dụng số liệu làm căn cứ đề ra chính sách. Tuy vậy, lần tìm từ các nguồn công khai, chúng ta cũng có thể nắm được số lượng và tỷ lệ người tạm cư ở hai thành phố lớn nhất nước, dù nó không được cập nhật và không thống nhất.

Ở vào thời điểm Hà Nội chưa nhập vào Hà Tây, dân số toàn thành phố là 3.029.203 người, trong đó dân chính cư có hộ khẩu thường trú là 2.660.330 người, chiếm tỷ lệ 87,82% tổng dân số. Như vậy hơn 12% dân số của thành phố thuộc về nhóm tạm cư, trong đó số người đã cư trú ổn định nhưng chưa đủ điều kiện thay đổi thân phận sang chính cư là 106.458 người (chiếm 3,51% dân số), người ngoại tỉnh lao động tự do là 106.196 người, chiếm 3.5% dân số (Vietnamnet 30.11.2004).

Sau khi sáp nhập với Hà Tây, dân số Hà Nội tăng lên ở mức 6.913.161 người trong đó dân chính cư có hộ khẩu thường trú chiếm 85,6% dân số thành phố, dân ngoại tỉnh tạm cư chiếm khoảng 14% dân số toàn thành phố, trong đó số người đã cư trú ổn định trên địa bàn là 375.457 người (chiếm tỷ lệ 5,43%), người ngoại tỉnh lưu trú trong thành phố không có nơi ở ổn định và làm nghề tự do là 232.640 người, chiếm tỷ lệ 3,3% dân số; học sinh - sinh viên ngoại tỉnh đang học tập ở thành phố là 266.327 người, chiếm tỷ lệ 3,9%; người nước ngoài và Việt kiều tạm trú trên địa bàn là 17.803 người (0,26% dân số).

Mật độ dân số bình quân của Hà Nội là 2.069 người/km2, được cho là quá cao, thường xuyên gây áp lực lên các dịch vụ xã hội ở khu vực nội thành vốn đã rất hạn chế.

Trước đại dịch, người di cư thường bị coi là “gánh nặng” cho đô thị hơn là có vai trò đóng góp vào nền kinh tế ở đô thị. Ảnh: Pinterest


Ở TP.HCM, điều tra năm 2019 cho thấy thành phố có số dân là 8.993.082 người, 2.558.914 hộ. Nếu tính cả những người ngụ cư không có hộ khẩu thường trú tại thành phố thì số dân thực tế là hơn 14 triệu người(3). Thống kê chưa đầy đủ của thành phố trong đợt cứu trợ người nghèo bị ảnh hưởng bởi Covid-19 vào tháng 8.2021 cũng cho biết, thành phố có 84.585 hộ nghèo và cận nghèo và 170 ngàn hộ lao động ngoại tỉnh đang lưu trú tại thành phố cần được hỗ trợ ngay lập tức.

Con số này cho thấy người ngoại tỉnh tạm cư ở thành phố cần cứu trợ khẩn cấp chiếm khoảng 12% số hộ gia đình của thành phố. Vì không có một chính sách nhất quán về lao động nhập cư, lãnh đạo thành phố gặp nhiều khó khăn lúng túng trong việc đưa người nhập cư về quê hay giữ họ ở lại, chính sách cứu trợ lao động ngoại tỉnh thế nào, và cuối cùng đi đến quyết định các gói cứu trợ là dành cho người nghèo, không phân biệt dân chính cư hay ngụ cư.

Điều tra của Viện Nghiên cứu Phát triển TP.HCM cho thấy năm 1998, số người không có hộ khẩu thường trú của thành phố là 12,9%. Tỷ lệ này tăng dần theo thời gian, năm 2000 là 15,2% và 2004 là trên 20% chưa bao gồm sinh viên. Điều tra dân số giữa kỳ năm 2004 cho thấy số người ngoại tỉnh đang tạm cư tại thành phố là 1.844.548 người, chiếm tỷ lệ 30,1%.

Các con số này, dù có sai lệch ít nhiều, vẫn chỉ ra một sự thật là tỷ lệ người không có hộ khẩu thường trú thường chiếm khoảng trên dưới 20% dân số thành phố. Dù học vấn, việc làm và nơi xuất cư khá đa dạng, trong đó có đến 70% lao động nhập cư mới học xong bậc tiểu học, một ước tính cho thấy lao động nhập cư tại TP.HCM đang đóng góp khoảng 30% GDP của thành phố(4).

Những thách thức nào đang đối diện lao động tạm cư trong thành phố?

Dù chưa được nhìn nhận vai trò một cách đúng mức, lao động ngoại tỉnh đặc biệt có vị trí quan trọng đối với các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ lấy mức lương thấp để làm tiêu chí cạnh tranh. Lao động ngoại tỉnh có xu hướng tối đa hóa thu nhập và tối thiểu hóa mức chi tiêu, chấp nhận mức lương thấp, sống trong những điều kiện tù túng nghèo nàn để dành dụm thu nhập gửi về quê, góp phần cải thiện đời sống ở quê nhà, và do đó đã góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo ở ngay tại nơi xuất cư.

Cùng với quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh mẽ, dòng di cư lao động vào các thành phố sẽ còn tiếp tục gia tăng chứ không giảm đi. Đó là quy luật tất yếu của quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa. Tuy nhiên, có hai vấn đề làm cho người lao động ngoại tỉnh đang phải vật lộn trong thân phận của người ngụ cư.

Đó là: (1) Lối mòn trong tư duy của những người quản trị thành phố và làm chính sách về di cư và lao động; (2) Tính chất bấp bênh không ổn định của người lao động ngoại tỉnh khi phải chật vật với thân phận công dân hạng hai. Đây là hai trở lực lớn nhất làm cho lao động ngoại tỉnh khó ổn định cuộc sống và tái sản xuất mở rộng sức lao động.

Cho đến nay chưa có một thuật ngữ thống nhất để chỉ những người lao động từ nơi khác tới tạm cư ở đô thị. Ảnh: Quỳnh Danh


Có một xu hướng phổ biến trong tư duy của các nhà quản lý hiện nay là sự gia tăng lao động ngoại tỉnh đang gây sức ép lên khu vực đô thị, làm ảnh hưởng đến dịch vụ giao thông, nhà ở, y tế, giáo dục, trật tự vệ sinh và mỹ quan thành phố. Từ đây, các biện pháp hành chính được tạo ra để hạn chế nhập cư; các chính sách phân biệt lao động ngoại tỉnh với lao động địa phương cũng được thực hiện.

Về mặt văn hóa, có quan điểm cho rằng lao động ngoại tỉnh mang “văn hóa tứ chiếng” và xô bồ vào đô thị, làm mất đi vẻ đẹp và lối sống hào hoa phong nhã của người đô thị gốc. Tình trạng dán nhãn văn hóa lên lao động nhập cư làm cho khoảng cách giữa dân chính cư và ngụ cư ngày càng rộng ra. Ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng, những điều kiện khắt khe về nhà ở, thời gian lưu trú, trình độ đào tạo và kỹ năng lao động thường được nêu ra như những tiêu chí bắt buộc cho phép lao động ngoại tỉnh nhập cư.

Về mặt quản lý địa bàn, dân nhập cư phải chứng minh thân nhân bằng các thứ giấy tờ cần thiết rất phức tạp để được đăng lý lưu trú. Nói chung, lao động nhập cư được xem là đối tượng bị siết chặt trong công tác quản lý đô thị hơn là đối tượng cần được nâng đỡ và tạo điều kiện để họ sản xuất ra của cải đóng góp vào sự phát triển chung của thành phố. Cách phân biệt đối xử trong việc cung cấp các dịch vụ xã hội giữa dân chính cư và ngụ cư có xu hướng đào sâu vị thế xã hội vốn đã rất mong manh của lao động nhập cư.

Đặc điểm chung của nhóm lao động ngoại tỉnh là tính chất di dộng và tạm thời theo lối sống “một chốn đôi quê”. Ưu tiên của họ là xem thành phố như một nơi chốn để kiếm cơm cho gia đình hơn là nơi đến để định cư lâu dài. Vậy nên vào các dịp tết, lễ, và những kỳ nghỉ dài trong năm, lao động ngoại tỉnh lại lũ lượt kéo nhau về quê để đoàn tụ gia đình.

Những khi khó khăn thất bát trong công việc, quê hương cũng là nơi họ trở về để tìm kiếm sự đùm bọc và chở che. Quê hương và gia đình được xem như một thứ bảo hiểm cho tình trạng bấp bênh của họ. Tình trạng đi đi về về diễn ra trong suốt những năm tháng ngụ cư tại thành phố tạo ra những dòng chảy dân số di động, thường xuyên và bất tận.    

Ngoài những trở lực về thủ tục hành chính và cư trú, vấn đề nổi cộm của lao động ngoại tỉnh làm việc trong các khu công nghiệp và đô thị là tình trạng an sinh xã hội của họ không được đảm bảo trong khi sự phân biệt chính cư - ngụ cư vẫn hiển hiện trong tư duy làm chính sách.

Có một xu hướng phổ biến trong tư duy của các nhà quản lý hiện nay là sự gia tăng lao động ngoại tỉnh đang gây sức ép lên khu vực đô thị. Từ đây, các biện pháp hành chính được tạo ra để hạn chế nhập cư. Ảnh: CTV


Lúc sinh thời, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã có lần thẳng thắn chỉ ra một thực tế đang làm gia tăng bất bình đẳng xã hội khi ông nhận định rằng nhóm 20% những người giàu nhất Việt Nam đang thụ hưởng tới 40% lợi ích từ các chính sách an sinh xã hội trong khi nhóm 20% những người nghèo nhất chỉ nhận được 7% lợi ích từ nguồn này. Ông nhấn mạnh một thực trạng là “những người nông dân nghèo ra thành phố làm việc không được đăng ký hộ khẩu, không được hưởng chế độ phúc lợi xã hội, cũng không được hưởng lợi từ các chương trình xóa đói giảm nghèo của Chính phủ. Ngân sách địa phương không chịu trách nhiệm về họ, con cái họ sinh ra không được đi học hoặc phải chạy tới chạy lui xin xỏ rất khó khăn.” (Vietnamnet, 20.4.2008).   

Một nghiên cứu do Action Aid Vietnam công bố năm 2014 đã chứng minh tính xác đáng trong nhận định của cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Nghiên cứu này cho thấy có đến 90% người lao động nhập cư làm việc ở khu vực phi chính thức không tiếp cận được các dịch vụ an sinh xã hội như y tế, giáo dục, thông tin, và các hỗ trợ người nghèo của Chính phủ như nhóm lao động là người địa phương được hưởng.

Những người nhập cư có con nhỏ thường phải cho con học các trường tư và dân lập có chi phí cao hơn và chất lượng thấp hơn trường công lập. Họ cũng phải dùng nước và điện mua từ các hộ cho thuê nhà với giá đắt gấp đôi bình thường(5)

Khảo sát của Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ cũng cho thấy 13,2% trẻ dưới 6 tuổi là con của người lao động ngoại tỉnh không được tiếp cận với bảo hiểm y tế, trong khi 21,2% trẻ con của người di cư trong độ tuổi từ 6-14 không được đi học. Có tới 99% người lao động ngoại tỉnh làm việc trong khu vực phi chính thức không có bảo hiểm xã hội, do không có hợp đồng lao động, hoặc chỉ có hợp đồng lao động ngắn hạn hay hợp đồng miệng. Thêm nữa, có tới 76,5% người lao động nhập cư làm việc trong khu vực phi chính thức chưa được tham gia bảo hiểm y tế, trong đó hơn 70% không tiếp cận được dịch vụ y tế công(6).

Cốt lõi và trước hết của chính sách lao động tạm cư là làm thế nào để người lao động tiếp cận được nguồn an sinh xã hội. Ảnh: Quỳnh Danh


Làm gì để thay đổi?

Như đã nói ở trên, điều tra dân số và lao động của các thành phố thường không dành sự quan tâm thích đáng đến nhóm lao động ngoại tỉnh. Trong quy hoạch phát triển ngắn và dài hạn của các đô thị, vị trí của nhóm này rất mơ hồ vì không thấy kế hoạch như phân bổ ngân sách và nguồn lực của thành phố cho nhóm lao động nhập cư. Dường như người ngoại tỉnh vẫn “vô hình” hoặc chỉ được xem là những người “sống ở bên lề” trong các quyết sách của đô thị?

Chính sách an sinh xã hội, giáo dục, y tế, hỗ trợ giảm nghèo, đầu tư dạy nghề, giúp cho lao động ngoại tỉnh hội nhập vào cuộc sống thành phố vẫn bị làm ngơ, bất chấp một thực tế là nhóm dân cư này thường chiếm khoảng 20% dân số thành phố, hoặc thậm chí hơn, như tỉnh Bình Dương, lao động ngoại tỉnh chiếm đến hơn 35% dân số và đang là một bộ phận lao động quan trọng.

Trước hết, cần phải thừa nhận một thực tế là Việt Nam đang trong quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa, dân số lao động nông nghiệp sẽ dần dần bị thu hẹp lại và di cư vào đô thị là một hiện tượng tự nhiên và tất yếu trong tiến trình phát triển. Tư duy phân biệt chính cư và ngụ cư không giúp được gì cho người nhập cư ngoài việc kềm chế dòng di cư vào đô thị và đặt người lao động nhập cư ở vào vị thế đã yếu còn yếu hơn.

Cách quản lý đô thị bằng phân loại dân cư thành hai nhóm chính cư và ngụ cư không còn thích hợp và không có hiệu quả. Do đó, cần thiết phải thay đổi tư duy và chính sách quản lý lao động mà trước hết là dành ngân sách hằng năm để hỗ trợ người lao động ngoại tỉnh hội nhập vào cuộc sống mới ở đô thị trong đó có hỗ trợ về bảo hiểm y tế và giáo dục thay vì đặt họ sang một bên như đang làm hiện nay. Nguồn hỗ trợ này thực chất cũng là để góp phần huy động nguồn lực lao động của người nhập cư cho phát triển kinh tế của thành phố.

Thứ hai, vấn đề cốt lõi và trước hết của chính sách lao động tạm cư là làm thế nào để người lao động tiếp cận được nguồn an sinh xã hội. Do đó, cần loại bỏ các rào cản, kể cả tư duy lối mòn và phân biệt đối xử trong quy hoạch phát triển đô thị để người lao động nhập cư có thể dễ dàng tiếp cận hệ thống an sinh xã hội, trong đó ưu tiên là đảm bảo việc làm ổn định, bảo hiểm xã hội, trợ giúp nhóm lao động nghèo và cung cấp các dịch vụ cơ bản.

Lao động tự do trên địa bàn quận 5 nhận hỗ trợ của TP.HCM. Ảnh: Cao Thăng


Thứ ba, các nghiên cứu đã chỉ ra hai nhóm yếu thế nhất trong dòng di cư lao động vào đô thị là người thiểu số và phụ nữ. Cùng với xu thế lao động nữ di cư vào đô thị đang tăng lên, nhóm các dân tộc thiểu số từ khu vực nông thôn ra thành phố tìm việc làm cũng tăng lên đáng kể gần đây. Hai nhóm này cần được quan tâm đầy đủ khi xây dựng chính sách an sinh xã hội của thành phố. Các nhà tuyển dụng lao động cần có chính sách hỗ trợ họ và đảm bảo để họ được tiếp cận giáo dục miễn phí và bình đẳng để họ sớm hội nhập và ổn định cuộc sống.

Thứ tư, cho đến nay, lao động di cư tự do vào thành phố chủ yếu thông qua mạng lưới xã hội và vốn xã hội riêng của cá nhân và nhóm trong khi hiểu biết về luật pháp và công việc ở nơi nhập cư chưa tường tận. Các thành phố cần có các trung tâm hỗ trợ thông tin việc làm, pháp lý cho người lao động ở các địa phương để có cơ sở cho người lao động quyết định di cư hay ở lại. Người lao động cũng cần phải nắm được các quyền lợi của mình trong tiếp cận an sinh xã hội và tham gia vào quá trình này một cách tích cực thay vì thụ động chờ đợi như hiện nay.

Thứ năm, chính sách an sinh xã hội cho nhóm lao động di cư cần phải được đưa vào kế hoạch dài hạn, căn cơ, được thảo luận kỹ càng và trở thành một phần của chiến lược phát triển quốc gia và đô thị, tránh tình trạng đối phó và giải quyết vấn đề tùy hứng, vụn vặt, chỉ làm khi có vấn đề xảy ra như hiện nay.   

Tóm lại, di cư là một bộ phận cấu thành của quá trình đô thị hóa và phát triển, và là một phần của xã hội hiện đại do tính năng động của con người ngày càng được cải thiện. Quản lý di cư không có nghĩa là sử dụng biện pháp hành chính để ngăn chặn các làn sóng di chuyển mà là tạo cơ hội để người di cư di chuyển trên cơ sở tôn trọng pháp luật, đồng thời góp phần vào sự phát triển, ổn định xã hội và phồn vinh của đất nước.

PGS-TS. Nguyễn Văn Chính

(Khoa Nhân học, Đại học Khoa học xã hội và nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội)

------

Chú thích

(1) Shiraishi, Masaya. 1984. State, Villagers, and Vagabonds: Vietnamese Rural Society and the Phan Bá Vành Rebellion. Senri Ethnological Studies, Vol. 13: 345–400.

(2) Ở Trung Quốc hiện nay, số lưu dân trong các thành phố lớn đông tới hơn 200 triệu người, được gọi là những lưu dân, dân lưu động hay trong tiếng Anh là floating migrants (người trôi nổi). Xem: Nalini Mohabir, Yanpeng Jiang, Renfeng Ma. 2017. Chinese floating migrants: Rural-urban migrant labourers’ intentions to stay or return. Habitat International, Vol.60: 101-110.

(3) https://dangcongsan.vn/xa-hoi/dan-so-thanh-pho-ho-chi-minh-dong-nhat-nuoc-539004.html

(4) Lê Văn Thành, 2010. Đô thị hóa với vấn đề dân nhập cư tại TP.HCM. Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM. 

(5) Action Aid Vietnam, 2014. Tiếp cận an sinh xã hội của người lao động nhập cư Hà Nội.

(6)  https://tuoitre.vn/nguoi-di-cu-gap-nhieu-rao-can-trong-tiep-can-an-sinh-xa-hoi-1026874.htm

Nguồn Tia Sáng (tiasang.com.vn)
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.