PGS-TS-KTS. Nguyễn Hồng Thục. |
Sau thảm kịch 39 người Việt tử nạn trong container trên đường nhập cư sang Anh, Người Đô Thị có cuộc trao đổi với PGS-TS-KTS. Nguyễn Hồng Thục (Viện Nghiên cứu Định cư và Năng lượng bền vững), xoay quanh hiện tượng nhập cư và những lý giải sâu xa hơn về hiện tượng này trong xã hội Việt Nam đương đại.
Mở đầu, bà nói: “Lịch sử định cư của các dân tộc sở dĩ khác biệt nhau đến vậy, chủ yếu do những khác biệt trong môi trường sinh sống của họ chứ không do những khác biệt bẩm sinh tự thân của mỗi dân tộc. Thời tối cổ, con người có tốc độ di cư rất chậm, nhưng sang thời nông nghiệp thì tốc độ bành trướng và di cư tăng tốc do sự phát tán cây trồng, vật nuôi. Đặc biệt, dòng di cư với tốc độ chóng mặt lại chính là thời kỳ lan tỏa những phát minh công nghệ giữa các châu lục mà không phân biệt địa lý, sau dần trở thành toàn cầu hóa do nền công nghiệp thúc đẩy kinh tế hàng hóa phát triển nhanh.
Tốc độ di cư lúc này phụ thuộc vào sự hấp thu của nền kinh tế ở những quốc gia không đủ nguồn nhân lực để phát triển và thường có đặc điểm chính là sự hấp dẫn về việc làm, an sinh xã hội. Còn những nước bán sức lao động là những nước nghèo đói, cạnh tranh cao độ giữa tổng dân số tăng cao nhưng thu nhập quốc gia thấp. Chính vì vậy, dòng di cư toàn cầu theo việc làm, tiện ích sống và cơ hội phát triển ngày càng tăng cao, khó kiểm soát cả hợp pháp lẫn bất hợp pháp.
Trong số những nhân tố tác động đến di cư thì văn hóa và những ảnh hưởng cộng đồng, cá nhân cũng được ghi nhận. Trong lịch sử loài người, thường nhân tố văn hóa là sản phẩm của môi trường sống, nó tạo nên đặc thù văn hóa khác nhau từ nơi này đến nơi khác và làm nên bản sắc hấp dẫn sự lựa chọn cư trú của số đông các dân tộc.
"Phần lớn người Việt Nam ở nông thôn vẫn trong tình trạng nghèo đói, thất nghiệp, trình độ giáo dục chưa cao. Mong muốn cải thiện đời sống là nguyên nhân chính thúc đẩy họ đi làm việc tại nước ngoài."
PGS-TS-KTS. Nguyễn Hồng Thục
Nhưng ngày nay, có hiện tượng tác động đến những biến đổi văn hóa toàn cầu lại không liên quan đến môi trường gốc của các dân tộc. Ví dụ: cả xã hội có thể nghiêng theo những lựa chọn trở nên quan trọng hơn văn hóa. Như sự ứng dụng “lý thuyết hỗn độn” của quan điểm giải tỏa trung tâm quản trị nhà nước lại được chào đón ở tất cả những lĩnh vực khác như kinh tế, xã hội, môi trường, thị trường... là những hoạt động nằm trong số những nhân tố khó đoán định, khiến cho lịch sử trở thành bất định, khó tiên đoán. Hay việc sử dụng phổ cập các kiểu dáng máy tính, điện thoại, đồng hồ, lịch và mạng internet toàn cầu... hiển nhiên không có biên giới quốc gia.
Đó là những đặc thù văn hóa không liên quan đến môi trường sống, thoạt đầu chẳng mấy quan trọng, nhưng cuối cùng lại tiến hóa thành những đặc tính văn hóa ảnh hưởng mạnh mẽ đến toàn nhân loại và trường tồn. Dòng di dân, một nhân tố ngày càng phi truyền thống hơn là vì những lý do biến đổi quá trình toàn cầu hóa rất cụ thể như vậy”.
Từ góc nhìn này, bà bình luận gì về hiện tượng nhiều người dân thôn quê ở Việt Nam nói chung và Nghệ An - Hà Tĩnh nói riêng (điển hình là vụ 39 người gặp nạn ở Anh vừa qua) tìm cơ hội làm ăn ở xứ người?
Chính những đặc tính thúc đẩy toàn cầu hóa như vừa nói ở trên đã lan tỏa cơ hội đi xuất khẩu lao động về từng làng quê ở Việt Nam. Sự thúc đẩy nhanh của luồng thông tin qua internet về cơ hội đổi đời do việc làm, thu nhập, cuộc sống văn minh... hơn hẳn ở quê nhà, dẫn đến dòng di cư bán sức lao động ngày càng tăng.
Số liệu cho thấy: năm 2017 cả nước đưa được 134.751 lao động đi nước ngoài làm việc theo con đường chính thức, vượt 28,3% so với kế hoạch và bằng 106,7% so với năm 2016. Đây cũng là năm thứ tư liên tiếp số lượng lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài vượt mức 100.000 lao động/năm (theo Cục Quản lý lao động ngoài nước).
Sau hơn một tháng xảy ra vụ 39 người chết trong container ở Anh, sáng ngày 27.11, 16 thi thể các nạn nhân đã được đưa về Việt Nam để bàn giao cho các gia đình. Ảnh minh hoạ: TL
Mặc dù nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi và tiếp tục tăng trưởng nhưng phần lớn người Việt Nam ở nông thôn vẫn trong tình trạng nghèo đói, thất nghiệp, trình độ giáo dục chưa cao. Mong muốn cải thiện đời sống là nguyên nhân chính thúc đẩy họ đi làm việc tại nước ngoài.
Theo thống kê dân số năm 2009, Việt Nam có 46,7 triệu lao động, chiếm hơn 50% dân số, trong đó 90% hoạt động ở khu vực kinh tế ngoài nhà nước. Mỗi năm có thêm từ 1 đến 1,3 triệu người đến tuổi lao động làm cho mức độ gia tăng nguồn lao động, trớ trêu thay, càng tăng lên trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị (kể cả lực lượng tốt nghiệp đại học, cao đẳng) và tỷ lệ thời gian nhàn rỗi ở nông thôn tương đối cao. Tất yếu, xuất khẩu lao động được xem là giải pháp hữu hiệu để giảm tỷ lệ thất nghiệp, kể cả chính thức và phi chính thức.
Từ điểm nhìn như vậy, không nên xem vấn đề này đơn giản hay một chiều để quy cho người đi bán sức lao động chui do tham tiền, muốn đổi đời nhanh, thiếu hiểu biết. Cái chính là hiểu rõ tình thế của những người lao động trẻ thiếu việc làm, lương thấp, bế tắc cơ hội trong nước, khát khao tìm vận hội cho mình và gia đình.
Điển hình là vụ 39 nạn nhân di cư bất hợp pháp đến Anh theo đường dây tổ chức chặt chẽ, xuyên biên giới đã nhiều chục năm nay, thậm chí đã có nhiều làng quê đổi đời do bán sức lao động từ sự ra đi của họ. Sự thật là họ vẫn tiếp tục ra đi sau những thảm họa như vậy. Tất cả các quốc gia đều sẽ khó kiểm soát cả dòng di cư hợp pháp lẫn bất hợp pháp theo tính chất di cư này.
Thảm kịch vừa diễn ra tại Anh, có ý kiến cho rằng “trách nhiệm tối thượng” là của chính quyền các nước phát triển với những chính sách nhập cư khắt khe. Thưa bà, không ai muốn thảm kịch xảy ra, nhưng nhận diện nguồn cơn xác đáng và từ nhiều phía sẽ giúp hạn chế điều đó xảy ra trong tương lai. Ở góc độ nghiên cứu, điều đó là gì?
Suốt từ ngày 23.10.2019 khi phát hiện thảm kịch đến nay, chính quyền cũng như người dân nước Anh luôn coi những người xấu số là nạn nhân và vô cùng đồng cảm, thương xót. Họ nhìn những con người xấu số đó bằng tình cảm của con người, chứ không đặt vấn đề đúng - sai, tính toán thiệt hơn để lên án những người đi bán sức lao động, nhập cư lậu vào đất nước của họ.
Bởi đằng sau thảm kịch không chỉ là sự ra đi tức tưởi của 39 con người còn thanh xuân tìm cơ hội đổi đời nơi xứ lạ, mà còn là 39 gia đình đứng sau họ với những nỗi đau vượt quá các bi kịch bi thương nhất. Đó là niềm an ủi lớn cho những người đã mất.
"Chúng ta phải nhìn rõ thảm kịch này để tìm cách gượng dậy; tìm cách vực dậy cấu trúc gia đình, xã hội Việt Nam một cách văn minh hơn, chứ không phải phán xét nên thế này, thế kia. Phải thấy đó là nỗi đau của sự tàn phá, chính vào lương tâm chúng ta."
PGS-TS-KTS. Nguyễn Hồng Thục
Đối với văn hóa Việt, từ trong sâu thẳm chữ “nhà”, “người nhà mình” đã ăn sâu vào tâm thức của người Việt. Nền tảng gia đình Việt (cũng là cấu trúc chủ đạo của nước Việt), quan trọng nhất là biết yêu cha mẹ, ông bà, anh em ruột thịt và bản thân cũng được gia đình thương yêu vô điều kiện. Nó là điểm tựa của đời sống (kinh tế, tình cảm và giao tiếp xã hội), của tinh thần và tâm linh khiến con người không bao giờ bị trống trải, hoang mang.
Đạo làm người và những đức tính nhân bản, vị tha, bươn chải vì gia đình chỉ có thể nảy nở trong bầu khí chân thực của cộng thể gia đình, trong ngôi nhà của họ. Người Việt biết cách đặt nền tảng gia đình để cho tình người nhu nhuận, thuận hòa và trên hết, tạo môi sinh thích hợp cho từng cá thể. Gia đình Việt là chốn đi để trở về trong bầu không khí thuận lợi nhất đối với con người. Con người Việt vì thế lấy sự san sẻ làm hướng đi; lấy sự hy sinh cho cha mẹ, người thân làm hạnh phúc. Và 39 con người ấy, phần lớn ra đi trong sự đồng thuận của gia đình, vì gia đình.
Người Việt là những người đầy tình nghĩa và cộng đồng Việt trong hàng ngàn năm lịch sử, là những cộng đồng có trách nhiệm đã hình thành cấu trúc tự chủ của làng xã một cách trường tồn. Và, có thể gọi cộng đồng người Việt ở nước ngoài, khi đón nhận, khi muốn cưu mang người thân từ trong nước đến nơi sinh sống của mình, là những cộng đồng tương thân. Đây cũng chính là căn tính Việt.
Do đó không thể trách cứ những người đã mất mà không hiểu họ. Họ là những người con mạnh mẽ nhất, có thể là ưu tú nhất, đóng vai trò trụ cột được cử ra đi để tìm những vận hội mới cho gia đình, bằng những đồng tiền của cả gia đình gom góp. Những cái chết của họ là sự đổ vỡ của cả gia đình và than ôi, cũng là sự đổ vỡ của xã hội nữa. Chúng ta phải nhìn rõ thảm kịch này để tìm cách gượng dậy; tìm cách vực dậy cấu trúc gia đình, xã hội Việt Nam một cách văn minh hơn, chứ không phải phán xét nên thế này, thế kia. Phải thấy đó là nỗi đau của sự tàn phá, chính vào lương tâm chúng ta.
Lao động Việt Nam làm việc tại Đài Loan. Ảnh: CTV
Quy luật “nước chảy về chỗ trũng” (nhất là ở khía cạnh kinh tế; cơ hội việc làm, thu nhập, thậm chí là văn hóa, ý thức hệ...), ảnh hưởng như thế nào đến hiện tượng ra đi của một bộ phận người Việt hiện nay, đâu là dòng chảy theo quy luật, đâu là những bất cập từ môi trường sống ở Việt Nam?
Tư duy con người trong mấy thập kỷ gần đây đã xác nhận một thực tế là lý tính không đủ để giải thích các hiện tượng và các quá trình diễn ra trên thế giới. Cái phi lý tính bị gạt bỏ mấy trăm năm nay - kể từ sự ra đời của chủ nghĩa duy lý ở thế kỷ XVII - đã giành lại được quyền tồn tại của nó khi chủ nghĩa duy lý dần dần bộc lộ những yếu kém, bất lực, thậm chí bế tắc. Sự tồn tại của cái phi lý tính (như chuyện bỏ 1 tỷ đồng để sang Anh trong rủi ro và cạm bẫy), bên cạnh cái lý tính gần như đã được chấp nhận (sao không ở nhà dùng 1 tỷ đó mà làm ăn?).
Ðứng ở một mặt nào đó để xem xét, việc di cư bất hợp pháp bắt nguồn từ những nguyên nhân sâu sắc, có thể được coi như sự quay lại lịch sử buôn bán nô lệ cách đây hai, ba trăm năm; những sự thao túng về kinh tế, tài chính và chính trị ở những nước nghèo, bị chiến tranh tàn phá. Trong ký ức sâu lắng của nhiều người ở các nước kém phát triển, nghèo khổ, lạc hậu và càng nghèo khổ, lạc hậu hơn trong nền văn minh hậu công nghiệp hiện nay, luôn là những ký ức buồn, bất lực. Nó thôi thúc đi tìm cơ hội cứu mình và người thân. Thêm một hiện thực khi khoảng cách giàu nghèo, bất công giữa con người ngày càng xa nhau.
Có thể giải thích tình trạng nghèo khổ và lạc hậu này bằng nhiều nguyên nhân, nhưng có một nguyên nhân không thể bỏ qua: các nước phát triển thường có nhiều công việc “dưới đáy” mà công dân họ không làm. Đó là một thị trường béo bở với sự nô dịch những người cùng khốn, mà nạn buôn bán và bóc lột nô lệ đang bị chính quyền làm ngơ.
Người Việt đi lao động chui (không giấy tờ tùy thân, làm những nghề phi pháp, nguy hiểm, độc hại hoặc bóc lột sức lao động) quả đáng thương hơn đáng trách. Nước Mỹ, nơi chế độ buôn bán nô lệ phồn thịnh nhất trong các thế kỷ trước và hiện là nước giàu có nhất thế giới, trở thành mục tiêu “di cư đến miền đất hứa” của hàng triệu người khốn cùng.
"Một đường lối chống di cư lậu không thể thực hiện bằng “Bức tường biên giới” hay cho tất cả những người nhập cư trái phép là ngoài vòng pháp luật, mà phải dựa vào cách nhìn rộng lớn hơn nhiều về những gì đã qua và những gì sẽ đến trên quy mô toàn cầu."
PGS-TS-KTS. Nguyễn Hồng Thục
Còn nữa, không có gì ngạc nhiên khi di cư lậu tăng với số lượng vượt bậc trong số những người dân khốn cùng vì chiến tranh sắc tộc, bị phá hủy môi trường sinh sống và nghề nghiệp truyền thống, tăng dân số đi đôi với tình trạng thất nghiệp tràn lan... hiện cũng không có lời giải.
Một đường lối chống di cư lậu không thể thực hiện bằng “Bức tường biên giới” hay cho tất cả những người nhập cư trái phép là ngoài vòng pháp luật, mà phải dựa vào cách nhìn rộng lớn hơn nhiều về những gì đã qua và những gì sẽ đến trên quy mô toàn cầu.
Người phương Ðông hay nói đến chữ “tâm”. Chính ở đây, vào lúc này, chữ “tâm” phải đóng vai trò chủ yếu trong việc ngăn chặn những thảm kịch nhập cư lậu bằng mọi giá; hiểu rõ những con người chọn cho mình duy nhất “một cơ hội” là phải nhập cư vào các nước giàu để làm những công việc dưới đáy xã hội, mong đổi đời và giúp đỡ gia đình. Việc đi tìm sự công bằng trong xã hội, tìm cách phát triển việc làm, nhân phẩm và cơ hội làm người, với những sự bù đắp của một xã hội văn minh, không để sự cách biệt giàu nghèo ở khoảng cách quá xa... có lẽ cần hơn lúc nào hết. Thái độ công bằng, không thiên vị để giúp việc tiếp cận các cơ hội phát triển cho những người nghèo khổ và lạc hậu để họ cùng với số đông bước cùng nền văn minh của loài người.
Đây không phải là làm từ thiện mà là sự hàn gắn những vết nứt đang lớn dần một cách nguy hiểm trên cơ thể loài người.
Xuất khẩu lao động hiện cũng là một chính sách tạo công ăn việc làm cho người lao động ở những miền quê còn nghèo của Việt Nam. Ở khía cạnh kinh tế, phần nào đã giảm áp lực việc làm trong nước. Tuy nhiên, về xã hội - trong viễn cảnh - có thể thấy những mặt tích cực hay hệ lụy từ chính sách này?
Xuất khẩu lao động có hiệu quả xã hội rất cao ở những nước nghèo hoặc dư thừa nguồn nhân lực như Việt Nam: giải quyết việc làm, nguồn thu ngoại tệ chủ yếu (năm 2018 ngoại tệ gửi về lên đến 16 tỷ USD), tạo điều kiện thay đổi đời sống (nhiều làng xã tỷ lệ xuất khẩu lao động cao, nhiều người nghèo trở nên giàu có); nhiều người về nước trở thành các nhà đầu tư, doanh nhân, tạo việc làm cho địa phương; giúp một bộ phận lao động tiếp cận máy móc và công nghệ tiên tiến, cơ chế quản lý hiện đại, tác phong công nghiệp, nâng cao trình độ và tay nghề...
Mặt trái của vấn đề, theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, chính là việc lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp: ở Hàn Quốc là 40%, Nhật Bản 30% và Đài Loan là 10-15%. Mục đích các lao động phá vỡ hợp đồng ra ngoài làm là để có thu nhập cao hơn, cư trú bất hợp pháp để có thể ở lại làm việc lâu hơn. Bên cạnh đó còn hiện tượng người dân tự ý hoặc được môi giới đưa sang nước ngoài làm việc và lưu trú bất hợp pháp bằng những con đường như du lịch, thăm thân nhân hoặc kết hôn giả...
Đã đến lúc phải thay đổi chiến lược phát triển của Việt Nam không chỉ dành “cách mạng 4.0” vốn có lợi thế cho các đô thị lớn, mà phải tạo cơ hội để các thành phố nhỏ và vùng nông thôn nghèo có thể sử dụng nguồn lực lao động dễ dàng hơn. Được như vậy họ mới không còn mạo hiểm tính mạng ra đi bán sức lao động ở những nơi xa lạ, phi pháp và để lại nhiều day dứt cho những người ở lại.
Dự án phi lợi nhận "xuất ngoại an toàn"
Một nhóm các bạn trẻ cùng chung tay khởi xướng và phát triển Dự án “Xuất ngoại an toàn” (dự kiến ra mắt trong tháng 1.2020) với mục đích thu thập, tổng hợp và cung cấp những thông tin liên quan đến di cư dành cho người Việt Nam, giúp người di cư tiềm năng có thêm kiến thức trước khi quyết định di cư cũng như trong quá trình di cư và ổn định cuộc sống tại nơi ở mới.
Cụ thể, dự án sử dụng trang web và mạng xã hội để phổ biến những kiến thức như các giấy tờ cần thiết, các quy định của Việt Nam và quốc gia đích đến, những loại hình di cư khác nhau, cách nhận biết những dịch vụ không đáng tin cậy, những cơ quan/tổ chức có cung cấp dịch vụ hỗ trợ người di cư trong trường hợp khẩn cấp, chia sẻ kinh nghiệm thực tế của người di cư… Những kiến thức này sẽ được phổ biến dưới dạng bài viết ngắn gọn, đi kèm hình ảnh/clip minh họa để giúp người di cư tiềm năng, đặc biệt là những người trẻ có trình độ học vấn thấp ở nông thôn, là nhóm đối tượng có nguy cơ cao khi di cư.
Ban điều hành lâm thời của dự án gồm Nguyễn Thùy Linh - thạc sĩ ngành chính sách công tại Hoa Kỳ, từng làm việc cho Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM) trong lĩnh vực phòng chống buôn bán người tại Việt Nam và Thuỵ Sỹ; Nguyệt Hà - nhà hoạt động xã hội, từng tham gia nhiều dự án xã hội và chiến dịch hỗ trợ người yếu thế, gần đây nhất là chiến dịch “Nhân phẩm 200k”- tốt nghiệp Trường Đại học Luật Hà Nội, hiện theo học thạc sĩ ngành an ninh quốc tế tại Ba Lan; Phạm Hồng Linh - thạc sĩ ngành chính trị quốc tế tại Nhật, từng sống và làm việc 5 năm tại Nhật; Võ Kiều Bảo Uyên - phóng viên tự do.
Đại diện nhóm điều phối dự án Nguyễn Thùy Linh cho biết “Xuất ngoại an toàn” là một dự án độc lập và phi lợi nhuận. Dự án sẽ xây dựng và vận hành một trang web cung cấp kiến thức liên quan đến di cư một cách minh bạch, có hệ thống và dễ hiểu; đồng thời chia sẻ đều đặn các bài viết trong trang web này trên mạng xã hội, sử dụng truyền thông đa phương tiện (video clip, infographic, tranh vẽ) nhằm thu hút sự chú ý của công chúng và đối tượng hưởng lợi.
Dự án hiện có gần 20 thành viên đều là người Việt Nam đã hoặc đang học tập và làm việc tại nhiều nước như Hoa Kỳ, Anh, Nhật, Úc, Đức, Bỉ, Ba Lan, Hàn Quốc, Đài Loan… Nhóm thành viên dự án có kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực như nghiên cứu chính sách, kinh tế, phi chính phủ, hỗ trợ nhân đạo, hoạt động xã hội, báo chí, giảng dạy, thiết kế, công nghệ thông tin. Họ có chung quan tâm đến chủ đề di cư và mong muốn đóng góp công sức vào quá trình phổ biến kiến thức về di cư an toàn cho người Việt.
Duy Thông thực hiện