Những con số choáng váng
Nhiều ngành kinh tế có tỷ phần đóng góp lớn vào GRDP của TP.HCM tăng trưởng âm ở mức cao mà nguyên nhân đến cả từ sự bất lợi của thị trường và công tác điều hành, thực thi chính sách của Nhà nước. Đầu tiên là xây dựng, sụt giảm 19,8% trong khi cả nước tăng trưởng 1,95%. Đóng góp khoảng 2,7% GRDP của thành phố nhưng ngành này hiện tiếp tục khó khăn do thị trường, khu vực tư nhân giảm xây dựng bất động sản. Dân cư cũng giảm hoạt động sửa chữa nhà ở.
![]() |
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Thành (Đại học Fulbright Việt Nam). Ảnh: CTV |
Tương tự với xây dựng là ngành bất động sản. Giao dịch đóng băng ở nhiều phân khúc. Hàng loạt văn phòng môi giới bất động sản đóng cửa, cắt giảm ồ ạt nhân sự. Chiếm 3,4% GRDP của TP.HCM, ngành bất động sản sụt giảm tăng trưởng 16,2%, thấp hơn mức bình quân 11,7% của cả nước.
Đành rằng khó khăn do bối cảnh vĩ mô nhưng nếu đa số vướng mắc lớn nhất của hoạt động xây dựng, triển khai dự án bất động sản xuất phát từ thủ tục hành chính thì trách nhiệm giải quyết thuộc về địa phương. Gần đây có một số ý kiến qua lại giữa TP.HCM và Trung ương.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói TP.HCM gửi nhiều văn bản xin ý kiến Trung ương hướng dẫn giải quyết vướng mắc về mặt thể chế. Nhưng bộ ngành Trung ương, như Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trả lời nhiều nội dung thuộc thẩm quyền giải quyết của TP.HCM. Đẩy qua đẩy lại, doanh nghiệp chịu trận. Trục trặc này không phải câu chuyện ngắn hạn của quý I mà đã tồn đọng nhiều năm. Nếu không có giải pháp thì đầu tàu kinh tế ngày càng suy giảm động lực.
Nhìn sang khu vực thương mại dịch vụ. Hoạt động bán buôn, bán lẻ là ngành kinh tế lớn nhất của TP.HCM, đóng góp 17,7% GRDP nhưng chỉ tăng trưởng 3,8% trong khi cả nước đạt 8,09% nhờ đà phục hồi của khu vực dịch vụ hậu Covid-19. Sức mua phục hồi chậm nhưng cũng có thể phương pháp thống kê chưa phù hợp. Thói quen tiêu dùng tại thị trường TP.HCM sau tác động của Covid-19 dịch chuyển từ mua sắm truyền thống sang mua sắm trực tuyến.
Liệu ngành thống kê có bắt nhịp với sự thay đổi này hay chưa? Nếu chọn mẫu thống kê vẫn tập trung vào chợ truyền thống, cửa hàng, siêu thị mà không thu thập hoặc thu thập không đầy đủ hoạt động mua sắm trên nền tảng công nghệ thì kết quả không ghi nhận đầy đủ tốc độ tăng trưởng của khu vực thương mại dịch vụ.
Đứng sau thương mại dịch vụ là tốc độ tăng trưởng công nghiệp, suy giảm 0,85%, tương đương cả nước. Vậy nên con số này không giải thích được sự sụt giảm tăng trưởng của TP.HCM.
Tốc độ tăng trưởng của TP.HCM còn chịu ảnh hưởng bởi bối cảnh vĩ mô. Bốn tháng cuối năm ngoái, mặt bằng lãi suất cao khiến nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được tín dụng, ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư tư nhân, thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh. Chính sách tiền tệ nằm ngoài năng lực điều hành của chính quyền TP.HCM.
Một mặt bằng ở trung tâm TP.HCM dán chi chít thông tin rao cho thuê nhà. Ảnh minh hoạ. Ảnh: Zing
Tiếp cận từ phía tổng cầu, xuất khẩu quý I của TP.HCM giảm 22,9%, gần gấp đôi mức giảm 11,8% của cả nước do nhiều thị trường nhập khẩu truyền thống của Việt Nam thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt. Sụt giảm xuất khẩu lại tập trung vào những mặt hàng chủ lực của TP.HCM là may mặc và nội thất. Thị trường ngoài nước cũng giảm nhu cầu với thiết bị điện tử, sản phẩm công nghệ thông tin từ Việt Nam. Nhìn lại thị trường TP.HCM, tiêu dùng của khu vực dân cư tương thích với tốc độ tăng trưởng chậm của khu vực dịch vụ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ quý I chỉ tăng 4,7% so với mức 13,9% bình quân cả nước.
Xét về môi trường kinh doanh, sự suy giảm tăng trưởng còn đến từ tâm lý lo ngại về rủi ro pháp lý liên quan tới cả tổ chức doanh nghiệp lẫn cá nhân các doanh nhân. Nếu thời gian tới đây, lãi suất tiếp tục giảm, sức mua cải thiện ở cả thị trường trong nước và quốc tế nhưng doanh nghiệp vẫn thiếu niềm tin vào môi trường kinh doanh, môi trường đầu tư, lo ngại về việc mình không được bảo vệ về mặt pháp lý thì hoạt động sản xuất kinh doanh vẫn khó có thể khởi sắc trở lại.
Tháo van thực thi giải ngân đầu tư công
Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu thu hẹp, mặt bằng lãi suất cao kìm hãm đầu tư tư nhân, tiêu dùng dân cư khó khả quan khi mà thu nhập của người lao động, đặc biệt là ở những khu công nghiệp, chưa được cải thiện thì đầu tư công được kỳ vọng là động lực vực dậy tăng trưởng. Ông Nguyễn Xuân Thành cho rằng điểm tích cực của ngân sách dành cho đầu tư công năm nay không chỉ là con số tuyệt đối hơn 700 ngàn tỷ đồng, mà quy đổi ra số tương đối còn có ý nghĩa tương ứng với hơn 7% GDP: “Chúng ta quay lại quy mô đầu tư công của những năm 2006 - 2007”, ông nói.
Căn cứ vào nghị quyết của Quốc hội phê duyệt 96% vốn đầu tư công theo kế hoạch, Thủ tướng Chính phủ ngay trong quý I đã giao cho các bộ ngành, địa phương, thậm chí là đến từng dự án cụ thể đã hoàn thành thủ tục theo Luật Đầu tư công. Đây là bước cải thiện đáng kể so với cuối năm ngoái khi mà nhiều dự án không giao được vốn do chưa chuẩn bị xong theo quy định của luật.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính ngày 27.3.2023 cho Thủ tướng Chính phủ về tình hình thanh toán vốn đầu tư từ nguồn ngân sách, đã lũy kế 2 tháng đầu năm và ước thực hiện trong tháng 3, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công bình quân cả nước trên 10% trong khi TP.HCM chỉ đạt 0,9%, tương ứng 625 tỷ đồng trong 70.500 tỷ đồng vốn đầu tư công mà TP.HCM được phân bổ cho năm nay. Tỷ lệ giải ngân quá thấp có trách nhiệm thực thi ở cấp địa phương.
Diệp Khuê ghi