Mỗi tuần một lần, bà Nguyễn Thị Kim Dung ghé hẻm 157 đường Dương Bá Trạc, phường 1, quận 8 để thâu tiền góp từ những cá nhân vay tín dụng tiết kiệm từ Chương trình Tình thân.
Hẻm 157 có hai nhóm vay, mỗi nhóm 15 người. Hạn mức 5 triệu đồng/người, lãi suất 8%/năm, thời hạn 6 tháng. Hình thức tín chấp, được bảo lãnh bởi các thành viên trong nhóm. Trường hợp một hoặc hơn một thành viên trong nhóm mất khả năng chi trả, các thành viên còn lại đồng thuận trả nợ thay. Nhóm rã sau khi khoản vay đáo hạn. Ràng buộc lợi ích giữa những thành viên trong nhóm vốn là hàng xóm láng giềng hoặc có quan hệ huyết thống, thúc đẩy tinh thần chia sẻ trách nhiệm, sàng lọc, tự giám sát và quản lý lẫn nhau, giảm bất cân xứng thông tin trong hoạt động tín dụng.
100 USD khởi sự
Hẻm 157 là cộng đồng đầu tiên mà Tình thân triển khai mô hình tín dụng tiết kiệm theo nhóm. Chuyện khá dài. Cách nay gần ba thập niên, con hẻm này có một dãy nhà trọ tập trung nhiều phụ nữ hành nghề mại dâm mà bà Dung thường xuyên tiếp cận để cung cấp bao cao su, vận động chị em sử dụng biện pháp phòng tránh rủi ro lây nhiễm qua đường tình dục; chăm sóc, hỗ trợ điều trị khẩn cấp bệnh nhân HIV/AIDS mắc bệnh cơ hội, phát sinh biến chứng như tiêu chảy, vảy nến, lao… Đây là những hoạt động được các dự án phòng chống HIV/AIDS ưu tiên phần lớn kinh phí trong bối cảnh nhân loại chưa có thuốc đặc trị căn bệnh thế kỷ.
Một trong những hạng mục được dự án phân bổ nguồn lực ít nhất là cải thiện cuộc sống bệnh nhân HIV/AIDS. Khoản tài trợ đầu tiên cho hoạt động này của Tình thân là 100 USD, tương đương 1,2 triệu đồng tại thời điểm năm 1998, từ một cá nhân.
Hằng tuần, bà Nguyễn Thị Kim Dung đều ghé hẻm 157 để nhận tiền góp của những người vay thông qua trưởng nhóm.
Một hành trình mới bắt đầu. Có nhiêu làm nhiêu. Ngoài bệnh nhân HIV/AIDS, Tình thân còn giải ngân cho cả người nghiện ma túy, xuất phát từ quan niệm thành phần này là người bệnh, cũng tiềm ẩn rủi ro lây nhiễm HIV/AIDS rất cao khi sử dụng chung ống tiêm chích. Vậy làm cách nào để thu hồi khoản vay? “Năn nỉ người nhà của người nghiện trả giùm”, bà Dung xác nhận không ít lần bị gia đình người nghiện la rầy vì… “nối giáo cho giặc”. Cũng may là những khoản vay đều không lớn, dao động 100 - 200 ngàn đồng.
Trong quá trình đồng hành cùng những người có HIV/AIDS, bà Dung chứng kiến không ít trường hợp bị tín dụng đen khủng bố. Đến giờ người phụ nữ này vẫn chưa quên hình ảnh đám giang hồ đá đổ mâm cơm, chửi bới, hăm dọa một bệnh nhân HIV/AIDS vì chậm tiền lãi ngày. Con của bệnh nhân mếu máo kêu “cô Dung cứu má con”.
Hiện thực xã hội phôi thai ý tưởng tín dụng vi mô cho khu vực phi chính thức. Có thêm nguồn tài trợ, Tình thân thử nghiệm cho vay theo nhóm với người thuê nhà trọ. Hạn mức 200 ngàn đồng/người, vừa đủ trả tiền thuê nhà trọ hằng tháng tại hẻm 157. Mỗi ngày người vay góp 10 ngàn đồng, hết 20 ngày là đáo hạn. Qua tháng, chương trình lại tiếp tục cho vay, không tính lãi. Tình thân chỉ bắt đầu tính lãi những khoản vay từ năm 2014 khi những dự án tài trợ cho HIV/AIDS kết thúc và không có thêm dự án mới. Đương nhiên, nhu cầu sử dụng khoản vay của mỗi người khác nhau. Đóng học phí cho con. Thêm vốn cho tiệm tạp hóa trong hẻm, sạp hàng trong chợ, xe nước giải khát…
Chọn mặt gửi vàng
Một trong những cộng đồng đáng kể mà Tình thân gầy dựng được nằm trong hẻm 133 đường Quang Trung, phường 10, quận Gò Vấp. Đầu mối của Tình thân ở khu vực này là bà Hồ Thị Ngọc Hiền, cựu thanh niên xung phong. Bà Hiền gắn bó với Tình thân từ năm 2005 thông qua sự bảo lãnh của một người bạn. Khoản vay đầu tiên trị giá 1 triệu đồng để đóng học phí cho con. Từng từ bỏ giảng đường đại học vì hoàn cảnh gia đình, người phụ nữ này không cam lòng để 3 đứa con đứt gãy đường học vấn. Hiện bà Hiền là trưởng của 3 nhóm gồm 40 thành viên.
Mở cuốn sổ ghi chép, bà Hiền nhắc đến vợ chồng anh K. quê Tây Ninh. Chồng chạy xe ôm, vợ chạy chợ. Thiếu nợ tín dụng đen 2 triệu đồng, hai vợ chồng nửa đêm đi trốn, bỏ lại con nhỏ ở nhà trọ. Sáng sớm, hai đứa nhỏ thức dậy không thấy cha mẹ, khóc la, hàng xóm kêu bà Hiền đến. Nhắn hai vợ chồng về hỏi chuyện, bà Hiền quyết định đứng ra nhận nợ, năn nỉ bên cho vay thương hai đứa nhỏ, miễn tiền lãi, nhận tiền gốc rồi xé giấy nợ. “Tiền trảm hậu tấu”, chương trình đồng ý cho hai vợ chồng tham gia nhóm vay. Trả dứt nợ ngay trong năm 2007 nhưng vợ chồng anh K. vẫn tiếp tục tham gia nhóm vay để mua góp cái xe máy mới chạy xe ôm vì chiếc xe hiện tại của anh quá nát, khách ít chịu đi. Mãi đến tháng 4.2019, vợ chồng anh K. mới rời nhóm sau khi quyết định hồi hương. Gia đình dòng họ chia cho mảnh đất nho nhỏ cất nhà. Con cái cũng đã đi làm, tự lập được cuộc sống. Đến chào tạm biệt trưởng nhóm, vợ chồng anh K. mới “khai thật” nhiều năm qua dành dụm được chút vốn bằng cách mua vàng tích trữ từ tiền vay. “Tụi nó điện (thoại) mời tui lên nhà chơi hoài à”, bà Hiền nói.
Đằng sau mỗi khoản vay là câu chuyện về một gia đình. Và không phải câu chuyện nào cũng kết thúc có hậu cho cả bên vay và bên cho vay... Theo bà Dung, vấn đề then chốt không phải nguồn vốn hạn hẹp mà đến từ quá trình gầy dựng một cộng đồng đòi hỏi thời gian, nhất là vai trò của người đứng đầu. Khế ước dựa trên niềm tin sụp đổ. Chân thật là yếu tố quyết định tính bền vững của chương trình.
Ngoài phụ trách 3 nhóm, bà Hiền còn đứng ra bảo lãnh cho 10 cá nhân mà một trong số đó là chị Lư Thị Thu Lan. Sau khi ly hôn, chị Lan bị tai nạn gãy chân. Chi phí phẫu thuật 10 triệu đồng. Chị Lan phải cầm cố căn nhà đang ở 8 triệu đồng. Chưa kể phẫu thuật xong chưa đi làm ngay được, con lại còn nhỏ. Lãi mẹ đẻ lãi con, trả hoài không hết. Hàng xóm chỉ đến bà Hiền. “Số tiền lớn quá”, bà Hiền cho biết lúc ấy vay theo nhóm hạn mức cho mỗi người chỉ có 2 triệu đồng. Lại dắt đến chương trình. Cửa mở. Chị Lan giữ lại được cái nhà. Chị làm tạp vụ trong một bệnh viện ở quận Bình Thạnh. Biết hoàn cảnh của chị, một số bác sĩ trong bệnh viện kêu chị đến giúp việc nhà ngoài giờ. “Chân Lan vẫn còn một cái vít chưa lấy ra”, bà Hiền khoe chương trình vừa chấp thuận cho chị Lan vay 120 triệu đồng với thời hạn hai năm để sửa lại căn nhà đã xuống cấp nghiêm trọng.
Đằng sau mỗi khoản vay là câu chuyện về một gia đình. Và không phải câu chuyện nào cũng kết thúc có hậu cho cả bên vay và bên cho vay. “Vẫn có nợ xấu”, bà Dung cho biết tỷ lệ nợ vay không thu hồi đúng hạn khoảng 3%/năm. Hãn hữu mới bị "xù". Còn lại phần lớn là trả không hết hoặc mất khả năng chi trả tạm thời.
Mở cuốn sổ cái, bà Dung lướt qua một số trường hợp trả nợ dài hơn thỏa thuận. “Có trả là phải ghi nhận”, người phụ nữ sinh năm 1961 này khẳng định chương trình chưa có chế tài với những khoản vay quá hạn. Dừng lại ở cột ghi số vòng vay, không hiếm những nhóm đã qua 20 vòng, mỗi vòng 6 tháng, cứ thế mà nhân lên. Quãng thời gian đủ dài để đôi bên tin cậy lẫn nhau. Thông thường, khi vay theo nhóm, các thành viên sẽ thống nhất trích lại 100 ngàn đồng với mỗi lượt vay hạn mức 5 triệu đồng/người. Khoản này gọi là tiền tiết kiệm, giao cho chương trình giữ. “Cách nay chưa lâu, có 3 nhóm đã nhận lại gần 100 triệu đồng tiền tiết kiệm”, bà Dung thông tin thêm với những người nhiễm HIV/AIDS, chương trình áp dụng mức lãi suất thấp nhất dành cho cá nhân: 5%/năm.
Từ 100 USD cách nay 25 năm, nguồn vốn của Tình thân hiện đạt 920 triệu đồng. Tuy nhiên, mô hình cộng đồng tự quản này khó mở rộng. Theo bà Dung, vấn đề then chốt không phải nguồn vốn hạn hẹp mà đến từ quá trình gầy dựng một cộng đồng đòi hỏi thời gian, nhất là vai trò của người đứng đầu. Thực tế Tình thân đã từng thất bại khi tiếp cận một cộng đồng ở huyện Bình Chánh cách nay hai năm. Trưởng nhóm có trách nhiệm định kỳ thu hộ tiền từ các thành viên rồi giao lại cho đại diện chương trình nhưng lại không thực hiện. Khế ước dựa trên niềm tin sụp đổ. Chân thật là yếu tố quyết định tính bền vững của chương trình, theo bà Dung.
Bài và ảnh: Thượng Tùng