Người cha nhấp nhổm theo bước Việt Minh khi mới hai mươi sáu tuổi, xưởng dệt lụa tơ tằm nhỏ với mươi thợ, thôi thì bán tháo, tiền cho Tuần lễ Vàng toàn tâm kháng chiến. Đi đi về về, vợ sinh đều đều hai năm một đứa, đến Hiệp định Genève thì bầy con lau nhau tới tám mống. Rồi thành tù chính trị Côn Đảo, nhà mười mấy miệng ăn chất lên vai người ông tri điền.
Hồi ấy người ta không gọi là nhân khẩu, chỉ nói nôm là miệng ăn, có làm quen nhau chỉ hỏi nhà mấy miệng ăn? Phụ nữ đẻ dày, vừa đẻ vừa nuôi con vừa làm lụng nên nhà nào cũng con bầy. Nhìn khuôn rào, bờ bến, mái lợp, hàng lu chứa nước mưa và những cái liếp vườn, sẽ biết người đàn ông nhà ấy xây dựng một triết lý sống mạnh mẽ hay là qua loa sơ sài.
“Tụi con vét chén cho sạch, không để sót cơm nghen”; “Ăn có đổ ra bàn phải lượm lên ăn nghen”; “Cơm nguội nhiều thì chiên lại ăn, không đổ cho heo nghen”; “Cơm cháy thì phết mỡ hành hoặc chấm kho quẹt cũng ngon như thường, nghen”; “Nhà mình đông, sáng chịu khó nấu cháo, cháo nước cốt dừa, cháu đậu đỏ, cháo suông, học người Tàu sáng nào họ cũng ăn cháo trắng cho vã mồ hôi no bụng khỏe người, nghen!”. Dưới trướng ông nội là cô Ràng, những lời căn dặn và cả đe nẹt khiến từng đứa bé nằm lòng trước khi đi học, tức là phải thuần nếp trước khi thuần con chữ.
Không ai - trừ ông bà nội - biết đến ngủ trưa. Những đứa nhỏ nhất, đi học về phải ra áo để mặc vô những chiếc áo cho việc đi vườn: giẫy cỏ - róc lá dừa khô bó thành bó làm chất đốt và có thể đem ra chợ bán - bắt bọ xít trên cây quýt cây cam - ôm củi vô chái bếp - gom dừa trái gom cau trái từ liếp vô nhà - rải rơm tấp gốc cây để diệt cỏ… Mùa lúa rồi cũng đến trên cánh đồng ở sau kia, ruộng nhà người nhưng những đứa trẻ cũng phải có việc: đi mót lúa, lúa mót để nuôi vịt nuôi gà.
Trong khi dân xóm mê hai hec-ta vườn của ông nội tôi thì chúng tôi lại mê những mẫu ruộng của họ. Liên hồi những mẫu ruộng vuông vuông vừa với lũ trâu, cánh đồng đẹp như tranh vẽ. Mùa khô sau Tết đất hoai mùi rơm rạ ẩm, không bao lâu đã dậy khói đốt đồng, mươi ngày vần vụ nồng nồng như vậy và nó len vào ký ức rồi ở mãi trong đó.
Cày vỡ, những chàng nàng trâu đen bóng và đám cò trắng ở đâu ùa về, nước lấp xấp, củ năn vàng vàng, cá nhỏ tung tăng trong lạch trong mép bờ, thanh bình thấm đẫm. Những đám mạ xanh rập rờn, mưa dồn dập nữa sẽ nhấp nhô nón lá của những phụ nữ lom khom cấy; chớp mắt lúa xanh non líu ríu rồi bông lúa cong lưỡi liềm và rồi, và rồi vun đầy niềm vui đàn ông đàn bà ngày thu hoạch có đám trâu đám cò điểm xuyết trên cái biển vàng rộ mênh mông, phồn thực, náo nức.
Hai chị em tôi về trưa sau buổi học, ăn cơm vội, hai cái thúng hai chai nước sấp ngửa ra đồng. Hầu như cả xóm chỉ có chị em nhà chúng tôi làm cái việc mót lúa. “Không có gì phải mắc cỡ - cô Ràng nghiêm giọng - mót là mót, không được tơ hào lúa mớ của người ta, nhớ chưa?”. Năm đầu có tủi thân, nhà bọn bạn lúa ngập sân, nhà mình tiếng là sống kỹ sống thanh cao mà sao phải mót lúa? Năm thứ hai quen cái nhìn ái ngại của dân xóm, năm thứ ba coi như sắp “tốt nghiệp” môn mót lúa vì hai chị em đã cao nhồng lên, không bao lâu sẽ giã từ mái trường làng.
Minh hoạ: TL
Đôi lần các anh hàng xóm đập lúa bồ trêu “Đưa thúng đây anh xúc một xúc rồi chạy ù về, khỏi nắng” - chả là chúng tôi có mấy chị gái mà các anh đang thích. Hai đứa trẻ khăng khăng lắc đầu. Những chiếc bồ hình cái loa dựng đứng, nhiều lúc chúng tôi nương bóng bồ nghỉ chân để nghe tiếng bó lúa quật thình thình xuống thang bồ, tiếng lúa ràn rạt trong thành bồ và mùi của lúa khô giòn mật thiết. Có ngủ quên, ngủ bên đống rơm dưới bóng bồ, khi họ dời bồ để nắng chói rát mặt mới giật mình - có lẽ các anh thấy hai trẻ ngủ ngon quá không nỡ kêu.
Có một quy ước của gia đình thấm vào chúng tôi: chỉ mót ở những thửa ruộng đã gặt đập xong nhiều ngày trước. “Đi qua ruộng dưa thì sao?”, ông nội giảng giải và nhắc nhở kỹ đến mức chúng tôi nằm lòng sớm trên mức bình thường. “Dạ, qua ruộng dưa chớ sửa giày!” Bỗng, bỗng một mớ lúa sót hiện ra trong tầm mắt. Mẫu ruộng này của nhà ai đó không biết nữa, mớ lúa trơ trọi đã nằm xẹp giữa mấy gốc rạ xỉn màu. Trời cho đây, chị và em cùng kêu lên nhưng tim đập thình thịch. Đứng xa ra, bước đi và mót lúa nhưng, nhưng các giác quan đều dán vào mớ lúa ấy, một ôm đầy chứ ít sao. Tặc lưỡi, của rơi mà, lúa khác với tiền, nhưng nhặt bằng cách nào?
Đi xa ra, rồi sáp lại gần, ông nội - cô Ràng – lời răn – danh dự gia đình. Lòng trẻ đinh ninh, mớ lúa bị bỏ quên, rồi nó sẽ mục nát, thật phí hoài. Hai chị em ngồi thụp xuống, ngắt từng bông lúa cho vô riêng một cái thúng vun nguyên và rồi sẽ trình bày với nội với cô. Lúa mót có cả cọng dài để rải trong thúng nhìn biết ngay, lúa mớ này được ngắt trật tự và đẹp đẽ hết biết. Chạy ù về, tim rộn ràng và lo lắng, thật là nan giải cho trái tim con trẻ ngày hôm ấy.
Gần bảy mươi năm đã qua. Không nhớ ông nội và người cô thắc mắc, bắt bẻ, hay tặc lưỡi làm ngơ, không nhớ nữa. Chỉ nhớ hai chữ Danh Dự thật hệ trọng, quá thể hệ trọng và nghẹt thở lớn lao, lớn lao cho đến tận hôm nay, đến tận lúc này.
Dạ Ngân