Tư vấn phong thủy: Để tôi hòa cùng chúng ta

 06:15 | Chủ nhật, 28/01/2024  0
Thời đại công nghệ, thông tin dễ dàng tiếp cận khiến tình trạng tra cứu các chỉ dẫn phong thủy tràn lan trên mạng làm nảy sinh nhiều phân vân, tranh cãi giữa các bên liên quan, nhất là giữa chủ đầu tư và giới thiết kế. Chuyện dung hòa xử lý quanh các mâu thuẫn “tôi và chúng ta” phức tạp nên hiểu và thực hiện ra sao?

Mặt khác, thời đại trí tuệ nhân tạo (AI) đang từng bước ảnh hưởng, tác động lên nhiều mặt đời sống hiện nay. Ngôi nhà do đó làm sao vừa mang được dấu ấn cá nhân riêng biệt, vừa không lạc nhịp thời hiện đại mà vẫn đảm bảo phong thủy tốt, cũng là điều cần xem xét.


Khi thời gian là một kênh dữ liệu quan trọng

Bản chất vấn đề nêu trên nằm ở việc kế thừa các giá trị truyền thống một cách khoa học. Quy trình đúng phải đi từ thu thập dữ liệu ban đầu - chọn đất, chọn hướng nhà sao cho hợp khí hậu và mệnh trạch gia chủ - rồi đến bố cục không gian, và các kỹ thuật xây dựng, trang trí hoàn thiện… tương ứng trục thời gian xác định (vận, mệnh, thời điểm xây nhà và dọn vào ở…).

Thông tin Đại hội đồng Liên Hiệp quốc vừa thông qua nghị quyết công nhận tết Nguyên đán (Lunar New Year) là ngày nghỉ lễ hằng năm của Liên Hiệp quốc, đã khẳng định cơ sở khoa học, văn hóa, xã hội của triết lý Đông phương vẫn luôn đảm bảo giá trị trong thời đại công nghệ hiện nay. Và hơn thế, sự công nhận hệ lịch Âm Dương trong phong thủy cũng khẳng định yếu tố thời gian gắn kết chặt chẽ với sự hình thành không gian, từ thời điểm khởi công (động thổ) đến dọn vào nhà ở (nhập trạch) đều liên hệ với tuổi gia chủ, chu kỳ sinh học của con người, thời gian hình thành tạo lập ngôi nhà, Trạch Vận, đi kèm theo Cát Hung, và gắn bó với phát triển bền vững.

Mỗi cá nhân luôn biến đổi theo chu kỳ sinh học và tác động ngoại cảnh. Do vậy, không có cuộc đất hay ngôi nhà nào được hoàn hảo hoặc bị tồi tệ mãi về phong thủy, mà chỉ có những hạn chế hoặc lợi điểm nhất thời, các vấn đề phong thủy có thể xấu với người này nhưng lại hợp với người khác chính là do thời gian (tuổi tác, mệnh trạch, thời điểm xây cất, thời vận liên quan) dẫn đến sự chọn lựa cũng như điều chỉnh có phù hợp hay không.


Tìm cá tính riêng trong sự dung hòa chung

Thực tế không có một hình mẫu thiết kế theo phong thủy nào có thể “áp dụng đại trà” được, mà phải tùy điều kiện và nhu cầu cụ thể, theo khả năng của mỗi chủ nhân. Với các gia chủ trẻ lưu tâm đến yếu tố “hiện đại, cá tính, khác người”, quan niệm đầu tiên cần lưu ý là kiến tạo những không gian mở và liên hoàn, mang tính tương tác cao.

Cách làm “open space” như vậy thực ra rất truyền thống, rất linh hoạt khi không gian mang tính liên tục, kết nối và dễ thích ứng hơn là ngăn chia đóng cứng. Dạng căn hộ studio được liên thông giữa phòng ngủ - sinh hoạt - bếp ăn… với đồ nội thất dễ biến đổi tháo ráp, kệ đa năng là lựa chọn phù hợp. Đây cũng là tính Chuyển tiếp khí trong khoa học phong thủy mà ngôi nhà truyền thống (ba gian, năm gian, liên thông bộ mái chung) của cha ông ta đã làm.

Quan niệm thứ hai là ngôi nhà hiện đại và cá tính cần có những không gian đệm, không gian dẫn dắt để vừa tránh được các va chạm trực tiếp với bên ngoài (tránh Xung Sát), vừa tăng khả năng sử dụng hữu ích và giảm gò bó, phong thủy hiện đại gọi là Gia tăng khí, giúp không gian ấn tượng hơn chứ không chung chung nhạt nhòa. Ví dụ: Thay vì bố trí một bàn ăn trong nhà khá chật, có thể làm như quầy bar giữa bếp và hiên sau giúp giảm choán chỗ, tiện sử dụng hằng ngày, thêm góc ẩm thực thú vị.

Quan niệm thứ ba là cần tạo tính thiên nhiên cho ngôi nhà bằng nhiều cách phù hợp khả năng duy trì, đáp ứng, phong thủy gọi là Nổi bật Khí. Cụ thể là chọn loại trang trí hợp với dấu ấn cá tính của gia chủ, tránh nhồi nhét các vật dụng chung chung, các trang trí thiếu chắt lọc. Ví dụ: Một loại cây gia chủ thích, vài bức tranh ấn tượng đặt trong khoảng sỏi đá nhẹ nhàng, hay một bể thủy sinh nước chảy cá lội… sẽ giúp ngôi nhà diện tích khiêm tốn vẫn có cá tính riêng.


Khéo xử lý chuyện “chúng ta không thuộc về nhau”

Gia chủ trẻ hiện nay có các chọn lựa giải pháp kiến trúc - nội thất khá linh hoạt và ít câu nệ khuôn mẫu. Câu hỏi “làm sao để dung hòa” các lợi ích trong quan điểm làm nhà trở nên bức thiết. Cụ thể các cặp khái niệm cần phải giải quyết như giữa tiện nghi-tối giản, lý trí-tình cảm, nhân tạo-tự nhiên, sống nhanh-sống chậm… Nhưng đúc kết lại về điều cơ bản nhất trong tạo tác một nơi chốn, thì câu hỏi mang tính xung đột mạnh nhất mà gia chủ đặt ra với nhà thiết kế khi mâu thuẫn, đó chính là: Nhà anh hay nhà tôi?

Vâng, nhà anh hay nhà tôi, mà sao anh (người thiết kế) cứ muốn tôi theo cái này, anh thể hiện cái nọ, anh không nghe tôi về nhu cầu, anh còn phản ứng cực gắt về phong thủy nữa! Nếu thử làm một cuộc điều tra thống kê, chắc chắn số lượng nhà chuyên môn có “mối hận” với “thầy phong thủy” sẽ rất cao! Hay nói cách khác, khó tìm được nhà chuyên môn nào hài lòng với các chỉ định về phong thủy của gia chủ, họ phải miễn cưỡng nghe theo với tâm lý “thôi thì coi như niềm tin tín ngưỡng, nhà của người ta mà!”. 

Thực ra, cần hiểu tính tương tác và dấu ấn riêng biệt về bài trí nội thất luôn tạo nên chất lượng sống - đẳng cấp riêng của mỗi ngôi nhà. Từ đó, những quan niệm phong thủy cho không gian giải trí cũng thay đổi theo, cần sự đánh giá đúng mức và giải pháp phù hợp. 

Bên cạnh đó, không gian sống ngày càng rời xa tính địa lý môi trường. Căn hộ chung cư, thậm chí một phòng trọ không còn lấy yếu tố đất đai, cỏ cây chung quanh hay tính bản địa làm giá trị cốt lõi. Thay vào đó là vật liệu hiện đại, là thiết kế theo trend và những dấu ấn đặc thù. Cố đưa thiên nhiên vào bằng cách trồng chút ít cây xanh trên mái, hàng hiên, ban công... mà không quan tâm giải quyết quá trình sử dụng, tưới tiêu, chống thấm... cho gia chủ thì cũng chỉ là một dạng chạy theo xu hướng chung nhất thời.

Với thế hệ gia chủ trẻ tuổi, chắc chắn làm nhà theo phong thủy không hề đồng nghĩa với kiểu đặt tỳ hưu canh cửa, treo gương bát quái hay tô vẽ chi tiết trấn trạch cầu kỳ. Tối giản, cá tính, ấn tượng, tương phản… là những cái “tôi” trẻ trung được chọn lựa và theo đuổi. Còn chuyển hóa những gu sống này qua ngôn ngữ thiết kế ra sao nằm ở nhà thiết kế có đủ nền tảng hiểu biết và tiếp nối văn hóa hiện đại cũng như truyền thống hay không.

Câu trả lời có thể thông qua việc nhìn lại ngôi nhà truyền thống Việt với nhiều tính Âm, đề cao sự lắng lọc, chậm lại, thậm chí phảng phất xu hướng thiền định, hay kiến trúc chữa lành mà sau đại dịch trở thành xu hướng khá phổ biến. Cũng nên xem tính chất quây quần gia đình, bạn bè ấm áp, thư giãn nhẹ nhàng, đề cao thú vui cá nhân... đang được giới trẻ ngày càng “bắt trend” mạnh mẽ. Các tiêu chí này tạo ra một “trường phái” có tính đảo ngược so với dạng truyền thống vốn đã mặc định lâu nay. Nhiều các hội nhóm bạn trẻ bây giờ hay “rủ nhau đi trốn”, tìm về nhà vườn dã ngoại, hoặc tạo góc trà đạo, chòi ngắm cảnh, hiên bình thơ, gác xướng họa... đều thuộc dạng giải trí văn nhã và mong muốn quay về kiểu nếp phong lưu thuở trước nhưng mang nhiều màu sắc tài tử, nghệ nhân, và lại rất muốn “cả thế giới biết” mình đang làm gì thông qua mạng xã hội. 

Cần phân biệt cá tính với sự lập dị và tính giải trí nhất thời, theo sự kiện, tức là có thể bố trí linh hoạt, dễ dàng thay đổi khi các “trend” thay đổi sao cho có tính hệ thống và kiểm soát chủ động hơn. Điều này phong thủy gọi là quan hệ hình thế, tạo hình phụ thuộc và gây tác động đến tạo thế. 

Khi gia đình có nhiều thế hệ và sinh hoạt mang tính Đông phương kiểu truyền thống, thì bố cục không gian rất nên gắn với cảnh quan thiên nhiên, và kết hợp tốt với các thú chơi của gia chủ. Điều này tạo nên một trường khí tiếp nối hài hòa và kết hợp được nhiều sinh hoạt của các thế hệ, thay vì chỉ chiều theo một vài cá nhân nhất định. 

Đồng bộ, hài hòa và có điểm nhấn là các nguyên tắc khi bố trí không gian riêng tư. Đồng bộ là dựa trên một chất liệu chủ đạo thống nhất, ví dụ đồ gỗ, sàn gỗ, trần có ốp gỗ... tức là thuần Mộc, hoặc lát gạch, ốp tường và đóng trần thạch cao sơn gai là thuần Thổ. Đồng bộ còn là tính nhất quán theo chủ đề ưa thích chọn trong phòng, ví dụ chủ đề là thế giới tự nhiên thì từ tranh ảnh, cây cối, đến chi tiết vật dụng nên theo họa tiết thiên nhiên. Vì không phải là quán xá hay gallery triển lãm, nên nhà ở cần sự tiết chế và đảm bảo tuân thủ quy luật đồng bộ và tương sinh đã nêu. 

Tóm lại, bài trí phong thủy cho ngôi nhà thể hiện cá tính riêng có thể đúc kết qua chuỗi giải pháp:  Định vị - chọn phong cách - chọn thiết bị - chọn vật liệu - phối hợp vật dụng với không gian - tìm điểm nhấn. Từ đó giúp tạo nên tính linh hoạt trong ổn định, một điều rất cần để không ảnh hưởng đến cấu trúc toàn nhà và tạo kết nối tốt cho mỗi gia đình.

Bài: ThS-KTS. Hà Anh Tuấn - Ảnh: Khánh Phương

 

Nguồn Tạp chí Kiến Trúc & Đời Sống số 211
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.