Để hiểu rõ liệu mọi thứ có màu hồng như quảng cáo, Người Đô Thị thực hiện cuộc trò chuyện với chị Lê Trúc Ngọc, đang sống ở Phần Lan được 11 năm. Chị Ngọc, 35 tuổi, đã lấy quốc tịch Phần Lan, từng theo học kỹ sư ngành công nghệ nhựa tại trường Ứng dụng khoa học Arcada ở thủ đô Helsinki.
Hiện chị đang làm việc và tiếp tục học thạc sĩ ngành kỹ sư thiết kế công nghiệp tại Đại học Lappeenranta.
Lê Trúc Ngọc thuyết trình về đồ án Airbus trong trường đại học.
Cơ duyên nào đưa bạn đến Phần Lan?
Tôi du học Phần Lan năm 2013. Trước đó, tôi từng học quản trị kinh doanh của trường Griggs University Vietnam (nay là trường Andrews University Vietnam). Tôi thích học ở môi trường quốc tế, giao tiếp bằng tiếng Anh và tiếp xúc với các tư tưởng mới. Tuy nhiên học đại học ở trường quốc tế tại Việt Nam không thỏa mãn nhiều nhu cầu giáo dục của tôi nên sau khi tốt nghiệp tôi quyết định đi học ở Phần Lan vì khi đó du học Phần Lan rất hấp dẫn: học đại học bằng tiếng Anh được miễn phí, sinh hoạt phí hàng năm chỉ khoảng 7.000 euro; chưa kể được hỗ trợ giá nhà, ăn trưa, vé bus được giảm 50%...
Ý định định cư, lấy quốc tịch Phần Lan của tôi chỉ phát sinh sau khi tôi ở đây 5 - 6 năm. Lúc đó, nếu học và tốt nghiệp đại học ở Phần Lan, chỉ cần đi làm toàn thời gian thêm 1 năm, có chứng chỉ ngôn ngữ Phần Lan mức B1 là có thể xin quốc tịch. Bây giờ thì khác và khó hơn rồi.
Hiện nay các công ty quảng bá về định cư, du học, giới thiệu Phần Lan là đất nước hạnh phúc, chất lượng giáo dục số 1 châu Âu. Bạn nhận xét thế nào?
Tôi không phủ nhận hoàn toàn những lời ca ngợi về Phần Lan. Điều đó là đúng nếu bạn là người Phần Lan hay bạn may mắn quen biết thân thiết với người Phần Lan và họ có tư duy cởi mở, đối xử với bạn như người Phần Lan.
Tôi sang Phần Lan khá trễ, lúc 24 tuổi, nhưng dù ở độ tuổi nào thì tôi vẫn nghĩ việc ở xa gia đình và văn hóa của mình là một trong những khó khăn nhất phải vượt qua. Những vấn đề lớn tôi phải đối mặt khi sống ở Phần Lan gồm có ăn uống, khí hậu và nạn phân biệt đối xử. Khi mới qua đây, tôi nhớ đồ ăn Việt. Tìm được nguyên liệu để nấu cũng là một vấn đề, nấu xong ăn được hay không lại là một vấn đề khác.
Khí hậu ở Phần Lan rất khác biệt so với Việt Nam. Mùa hè rất đẹp, Mặt trời chiếu sáng ngày đêm, có những ngày hạ chí, Mặt trời lặn khi gần nửa đêm. Mùa thu ngắn nhưng rất quyến rũ, cây cối phủ màu vàng, nâu hay đỏ. Khác biệt với hai mùa trên, mùa đông lạnh kéo dài, có khi 4 - 5 tháng. Bắt đầu từ tháng 10, mỗi ngày Mặt trời chỉ chiếu sáng 3, 4 tiếng. Mùa đông với đêm tối kéo dài dễ dẫn đến trầm cảm, gây nên bệnh SAD - trầm cảm do ảnh hưởng môi trường. Bệnh trầm cảm rất phổ biến ở Phần Lan, không chỉ người nước ngoài mà người Phần Lan cũng gặp phải nên họ thường đi du lịch nước ngoài để trốn đêm dài mùa đông.
Vấn đề cuối cùng, việc phân biệt đối xử với người nước ngoài ở Phần Lan luôn được bàn luận và tranh cãi. Tuy người Phần Lan tử tế, trung thực và luôn cởi mở nhưng họ lại khá bảo thủ trong việc tiếp nhận người nước ngoài đến sống ở đây. Họ chỉ thích người nước ngoài biết nói tiếng Phần Lan, hiểu văn hóa và biết cách ứng xử như người Phần Lan.
Có thể nói, nếu bạn là người nước ngoài đến Phần Lan sống, chỉ cố gắng để đạt mức giỏi là chưa đủ, bạn phải thật giỏi (giỏi hơn người giỏi nhất của họ) thì họ mới chấp nhận bạn là một phần của xã hội họ. Đây là khó khăn mà tôi luôn tìm cách vượt qua, mỗi ngày tôi luôn phải cố gắng hoàn thiện bản thân để hòa nhập.
Trúc Ngọc và các bạn cùng học chương trình thạc sĩ tại Phần Lan.
Vậy điều gì khiến bạn chọn ở lại Phần Lan?
Tôi may mắn có nhiều người thân định cư nước ngoài. Từ nhỏ tôi đã có ý thức về quyền tự do di chuyển nếu bản thân sở hữu một quyển hộ chiếu mạnh. Nó mang lại cho bạn nhiều cơ hội khi đi du lịch, đi học và làm việc. Khi tôi có hai quốc tịch Việt Nam và Phần Lan, tôi được tự do đi lại ở 149 quốc gia mà không phải lo về việc xin visa.
Bạn có lời khuyên gì cho những người có ý định tìm kiếm một cuộc sống mới ở Phần Lan hoặc đưa con cái sang Phần Lan du học?
Ở thời điểm này, tôi chỉ khuyên mọi người hãy cân nhắc thật kỹ về việc đến Phần Lan định cư và đi học. Vì chính phủ Phần Lan hiện giờ theo cánh hữu, chủ trương giảm số lượng người nước ngoài đến Phần Lan học tập và định cư. Họ áp dụng nhiều chính sách gây cản trở cho người đến từ bên ngoài châu Âu, như tăng học phí, thay đổi chính sách cấp visa A cũng như giảm nhiều lợi ích cho người phụ thuộc (ví dụ chồng có visa A thì vợ đi theo cũng không còn được đi học miễn phí như trước; nếu là sinh viên, dù có việc làm, bạn vẫn phải đóng tiền học - hồi trước thì chỉ cần có việc làm toàn thời gian, bạn được học miễn phí).
Hãy tìm hiểu thông tin từ những trang web của chính phủ Phần Lan, họ luôn minh bạch. Họ có tin đăng bằng tiếng Anh, hãy theo dõi những kênh thông tin chính thống này để hiểu cánh cửa đi học miễn phí ở Phần Lan không toàn màu hồng.
Nếu mọi người vẫn muốn đến Phần Lan định cư, tôi khuyến khích các bậc phụ huynh nên chịu khó tìm việc, kiếm một công ty ở Phần Lan ký hợp đồng đủ tiền lương để bảo lãnh cho cả gia đình. Đi định cư dạng này là dạng chuyên gia thì con cái sẽ có cơ hội tiếp xúc với một nền giáo dục tốt. Hoặc đi học tiến sĩ ở Phần Lan, được trả lương hoặc có tiền nghiên cứu cũng là một cách. Tôi không khuyến khích đẩy con trẻ qua Phần Lan du học nếu gia đình không có khả năng chi trả khoảng 20 nghìn euro (545 triệu VND) một năm.
Bạn có thể chia sẻ về việc học tiếng Phần Lan, đây có phải là một ngôn ngữ quá khó?
Tôi thấy nhiều người nói tiếng Phần Lan khó học và tôi biết có nhiều người sống lâu năm ở Phần Lan nhưng vẫn chưa có quốc tịch vì không qua nổi bài thi ngôn ngữ. Theo tôi, tiếng Phần Lan là một ngôn ngữ rất logic, họ có nhiều luật lệ và quy tắc trong biểu đạt. Chỉ cần nhớ tất cả quy tắc và luật lệ trong ngữ pháp thì việc sử dụng không có gì khó khăn. Sau gần 2 năm tập trung học tiếng Phần Lan, mỗi ngày 3 giờ với cô giáo người Phần Lan, 3 giờ tự học và dành nhiều thời gian để dùng tiếng Phần Lan khi có thể, tôi đã đạt điểm 3 tất cả kỹ năng của bài thi YKI (nghe, nói, đọc, viết).
Trúc Ngọc tại một lễ hội thuyền buồm mùa hè ở Phần Lan
Cuộc sống của bạn ở Phần Lan hiện thế nào?
Thời gian rảnh rỗi tôi phụ giúp bạn bè mở / kinh doanh nhà hàng. Tôi có kinh nghiệm vận hành nhà hàng vừa và nhỏ (50 - 60 chỗ ngồi) theo dạng kinh doanh buffet. Nhiều người Việt Nam nghĩ rằng chỉ cần có tiền mở nhà hàng ở Phần Lan thì có thể định cư, đây là một suy nghĩ rất sai lầm.
Tôi vẫn giữ quốc tịch Việt Nam để nhắc tôi về nơi tôi được sinh ra và lớn lên. Quốc tịch Phần Lan nhắc tôi về con đường tôi chọn. Ông xã tôi là người Việt sống ở đây. Phần Lan cũng có cộng đồng người Việt với nhiều chương trình họp mặt. Thường các gia đình người Việt có con nhỏ sẽ họp mặt sinh hoạt, tôi không tham gia vì chưa có nhu cầu.
Câu hỏi cuối: nhà cửa ở Phần Lan có đắt đỏ không?
Không đắt đỏ như ở Việt Nam vì đất đai của họ còn nhiều so với dân số (338.462 km2 cho khoảng 5,6 triệu dân). Mặc dù vậy, thuế nhà đất và thuế mua bán đất đai rất cao. Tôi không thích sở hữu nhà đất ở Phần Lan vì theo tôi có quá nhiều trách nhiệm, thuế và chi phí quá tốn kém. Tôi vẫn sống ở nhà thuê và cảm thấy rất thoải mái.
Trâm Anh thực hiện - Ảnh: TLNV