GS-TSKH. Nguyễn Ngọc Lung: “Chúng ta chỉ thấy cây mà không thấy rừng”

 21:24 | Thứ hai, 07/12/2020  0
GS-TSKH. Nguyễn Ngọc Lung, nay đã hơn 80 tuổi, cả đời gắn bó với rừng. Ông là một trong số rất ít chuyên gia am hiểu tường tận về những cánh rừng Việt Nam. Câu chuyện về rừng và lũ, trở thành tiêu điểm thời sự trong tháng qua khi mà nhiều cơn bão liên tiếp tàn phá miền Trung, theo sau là những trận lũ lụt, sạt lở gây nhiều tổn thất về người và của cho cư dân ở những vùng vốn rất nghèo khó này.

Trong cuộc trò chuyện với Người Đô Thị, ông chỉ ra những sai lầm có tính lịch sử trong việc quản lý và khai thác rừng ở nước ta: không chỉ là những bất cập về thực thi pháp luật mà lộ ra những quyết sách còn để lại nhiều hệ quả đến ngày hôm nay.

Thưa ông, một ấn phẩm của Trung tâm Nghiên cứu Lâm nghiệp Quốc tế (Tổ chức Lương Nông thế giới - FAO) có viết “trên thực tế, khó có thể xác định được mối liên hệ trực tiếp giữa nạn phá rừng với hiện tượng lũ lụt”. Ở khía cạnh khoa học, ông bình luận gì về nhận định này?

GS. Nguyễn Ngọc Lung. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Mỗi người có thể đưa ra quan điểm khác nhau. Nhưng, rừng có mối liên hệ mật thiết với nước thì không thể phủ nhận. Người Pháp đã từng gọi ngành lâm nghiệp Việt Nam là ngành “thủy lâm”. Nước và rừng gắn bó với nhau, rừng có “trách nhiệm” với nước. Rừng không chỉ cung cấp gỗ mà phải cung cấp nước. Nếu ở đâu suối không có nước thì ở đó chưa là rừng.

Người dân tộc thiểu số ở miền núi hiểu rằng nếu không có rừng thì không thể có nước, vậy nên phải giữ rừng đầu nguồn. Nếu suối cạn nước, họ phải chuyển đi chỗ khác. Người Thái, người Tày gọi rừng phòng hộ đầu nguồn là “mó nước”. Họ có thể không biết chữ nhưng họ hiểu mối quan hệ mật thiết giữa rừng và nước. Kinh nghiệm thực tế cuộc sống và tri thức dân gian đều biết điều đó.

Có cây bao giờ cũng tốt hơn đất đồi trọc. Nhưng tốt hơn nhiều hay ít là do con người. Chỗ nào hay sạt lở thì phải nghiên cứu địa chất xem lớp đất ở đây thế nào, có thể làm taluy, bậc thang, trồng cây nhỏ rễ bám rất chặt, trồng cỏ tranh thì không lo sạt lở, xói mòn.

Nhắc đến cỏ tranh, tôi phải nói đến một sai lầm lớn của chúng ta với loài cây này khiến tình trạng sạt lở nghiêm trọng hơn. Trước đây con người cứ lo loài cây có bộ rễ rất sâu, bám rất chặt vào đất, rất khó tiêu diệt này là “giặc” nên tìm mọi cách diệt nó, mà không biết nó có tác dụng chống xói mòn, sạt lở rất tốt. Sự thiển cận của một thời chỉ thấy chúng cản trở trồng ngô, khoai, sắn mà không biết tác dụng chống xói mòn rửa trôi rất quý của loài cây này.

Có hai loại thực vật chống sạt lở và xói mòn rất tốt ở ta là cây tre nứa và cỏ tranh. Cây tre nứa còn cho thu hoạch thân và có tác dụng giữ ẩm rất tốt. Nhưng một thời chúng ta nghĩ muốn trồng lương thực thì phải cải tạo đất nương rẫy, và tre nứa, cỏ tranh bị xếp vào hàng “kẻ thù”.

Gắn bó với rừng đến gần nửa thế kỷ, chắc ông hiểu rõ vai trò cảnh báo của các nhà khoa học? 

Đó là thời kỳ tiếng nói của các nhà khoa học không được lắng nghe. Lúc bấy giờ đang tập thể hóa thì người ta chỉ nghe bí thư đảng ủy, chủ nhiệm hợp tác xã. Hợp tác xã trồng cây gì là do chi bộ ra nghị quyết. Vai trò trong xã hội của nhà khoa học rất yếu, kể cả người giỏi. Nhiều nhà khoa học có khi còn bị đối xử tệ bạc vì những tiếng nói trung thực của mình. Chúng ta chỉ thấy cây mà không thấy rừng.

"Tôi có thể khẳng định lũ lụt nặng nề và gây tác hại khủng khiếp có nguyên nhân từ con người: rừng bị tàn phá."

GS-TSKH. Nguyễn Ngọc Lung

Với tôi, tôi chỉ tuân thủ những gì được phân công với tri thức khoa học dẫn đường, mách bảo. Chúng tôi có lên tiếng chống lại việc đốt cỏ tranh, nhưng lúc đó không ai nghe. Và chúng tôi chỉ có thể đem kiến thức, tâm nguyện của mình vào những bài giảng ở trường đại học với hy vọng thế hệ sau sẽ hiểu, sẽ làm.

Tại diễn đàn Quốc hội, nhiều lãnh đạo các cơ quan có trách nhiệm quản lý, nói rằng sạt lở, lũ lụt là do mưa nhiều, đất “no nước”. Theo ông những luận giải như vậy có thỏa đáng không?

Có hai nguyên nhân, nguyên nhân khách quan thì con người rất khó chống lại, và nguyên nhân nữa là do con người.

Tôi có thể khẳng định lũ lụt nặng nề và gây tác hại khủng khiếp có nguyên nhân từ con người: rừng bị tàn phá. Những người quản lý có đủ tri thức quản lý không? Người lãnh đạo thì phải giỏi, nhưng chúng ta cứ lấy tiêu chuẩn khác để bầu lãnh đạo thì rất khó. Người Việt được cho là thông minh nhưng tại sao mãi chỉ ở mức trung bình thấp? Người lãnh đạo vững vàng hoặc biết dùng người có chuyên môn, đồng thời hành pháp nghiêm minh thì khắc phục được nhược điểm này. Tại sao có bảo vệ hoặc kiểm lâm chặt phá rừng? Đó là lỗi ở hành pháp. Nhưng kiểm lâm hay lâm tặc vẫn chưa là thủ phạm đứng đầu phá rừng phòng hộ.

Rừng bị phá nhiều nhất là ở thời kỳ Nhà nước thực hiện chính sách đưa dân đi xây dựng các vùng kinh tế mới, khai hoang phá rừng. Nay thì những lãnh đạo đưa ra chủ trương này đều đã qua đời.

Một làng ở Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế bị nước lũ bao vây trong đợt lũ 2020. Ảnh: Lê Thế Thắng


Nguyên nhân khách quan có thể kể tới là biến đổi khí hậu (BĐKH). Cách đây 20 năm, thế giới đã cảnh báo về những hiểm họa do BĐKH, trong đó họ nhắc tới 6 nước bị ảnh hưởng lớn nhất, trong đó có nước ta. Việt Nam có 7 vùng sinh thái, thì miền Trung đất hẹp, với bờ biển dài và độ dốc cực lớn khiến đất dễ trượt, sông dễ bị đổi dòng là vùng đứng đầu về ảnh hưởng của thiên tai, BĐKH, đặc biệt là tình trạng bão lũ và sạt lở đất. Vì vậy phải quan tâm, đầu tư cao hơn, dân phải tự hiểu biết về hoàn cảnh sống của mình để có sự ứng phó tốt.

BĐKH gây thêm hạn hán, mưa trái mùa với lượng mưa lớn, cùng với địa hình cực dốc, dòng chảy dốc ở miền Trung thì rất nguy hiểm. Những cái này không có cách nào chống lại, chỉ bằng giải pháp giảm thiểu như đắp đập đắp hồ, khôi phục rừng mà xưa dân đói khổ đã phá đi để làm nương rẫy.

Thế giới xây dựng kế hoạch ứng phó với  hai giải pháp lớn. Một là, bằng cách thay đổi lối sống, canh tác thuận theo BĐKH. Cái này người dân bình thường cũng biết cách. Ví dụ, ở Việt Nam 5 năm nay, Khu Bốn và xung quanh Huế thiếu nước, nếu trồng lúa nước thì tốn nhiều tiền điện bơm nước, người dân không trồng lúa nữa mà trồng cây ăn quả, trồng cây đặc sản xuất khẩu, thu nhiều tiền hơn, đó là thích ứng với BĐKH - giải pháp dễ làm, phong phú tại mỗi nước, mỗi vùng, mỗi dân tộc đều có cách riêng phù hợp với nơi sống.

Hai là, hạn chế ảnh hưởng của BĐKH bằng mọi cách giảm phát thải khí nhà kính vào không khí - hạn chế nguyên nhân gây BĐKH - như trồng rừng, cải thiện công nghệ làm đất, luyện kim,  giảm bớt sản xuất công nghiệp, hoặc là cứ phát triển nhưng giảm phát thải, giảm  đốt than, đốt dầu để phát điện...

Như vậy thủy điện là một hướng đi đúng, trong khi nhiều người đổ lỗi thủy điện gây ra lũ lụt gần đây?

Thủy điện không có tội. Nó là hướng phát triển năng lượng đúng của thế giới, một trong những nguồn năng lượng tái tạo, giống như điện gió, điện mặt trời. Nhưng nguồn năng lượng từ thủy điện trong nhiều dự án ở ta, đặc biệt là thủy điện nhỏ, đang được quản lý không tốt.

Lũ lụt không phải là tội của thủy điện. Thủy điện không sinh ra nước, cũng không tiêu nước. Nhưng nếu thủy điện mà không làm tốt quy hoạch, quản lý thì có thể gây hại rất lớn. Hãy làm lại quản lý cho tốt với thủy điện, bằng cách tôn trọng sự thật của thiên nhiên. Trước khi làm thủy điện phải tính toán môi trường này chịu tải được công suất nhà máy thủy điện bao nhiêu. Phải đánh giá tác động môi trường một cách trung thực khách quan.

Hai nhà máy thủy điện Hòa Bình và Sơn La công suất cực lớn: trên 1 triệu kw/giờ nhưng nó đang vận hành tốt, không gây thảm họa, là vì khi xây dựng người ta đã có đánh giá tác động môi trường chuẩn xác, từ những tranh luận, có cả nước ngoài. Vì vậy người dân hạ lưu không lo như miền Trung, thủy điện nhỏ mà xảy ra đủ mọi thứ. Cho nên lỗi không phải ở thủy điện mà là ở con người quy hoạch, thiết kế và quản lý thủy điện đó.

Các dự án nhà máy thủy hiện nhỏ hiện nay giao cho cấp tỉnh quản lý, kêu gọi xã hội hóa. Hướng tư nhân hóa là đúng nhưng năng lực quản trị yếu kém mới gây ra nhiều hậu quả. Chủ đầu tư tư nhân thì mục tiêu của họ là lợi nhuận tối đa nên họ chỉ muốn khai thác tối đa công suất mà đầu tư ít nhất. Họ không muốn bỏ tiền trồng rừng phòng hộ, không tính đúng công suất mà môi sinh ở đó có thể chịu tải… Hội đồng đánh giá tác động môi trường của các dự án thủy điện nhỏ cũng thường không đủ năng lực để đánh giá tốt nên không có giải pháp giảm thiểu tác động môi trường.

"Thực ra việc đóng cửa rừng tự nhiên ta đã làm từ 30 năm trước rồi. Nhưng rừng vẫn chảy máu. Lâm tặc không ai khác chính là người dân và những người được giao trách nhiệm bảo vệ rừng."

GS-TSKH. Nguyễn Ngọc Lung

Trong khi đó, địa hình rất dốc ở miền Trung khiến rủi ro lũ lụt sạt lở cao gấp nhiều lần nơi khác, nên càng phải hết sức thận trọng khi làm nhà máy thủy điện nhỏ so với nơi khác. Khi được tính toán, quản lý tốt thì vẫn có thể xây dựng nhà máy thủy điện nhỏ ở miền Trung. Nhà máy thủy điện Đa Nhim (Lâm Đồng) mà Nhật Bản xây cho Việt Nam (từ trước 1975) là một ví dụ. Rất an toàn.

Còn làm thủy điện nhỏ hiện nay là một kiểu ăn xổi. Họ không hiểu rằng thiên nhiên cho ta nước thì ta phải bảo vệ và trồng rừng để đảm bảo điều hòa nước, nhờ có rừng mới có nước. Vậy nên các dự án thủy điện nhỏ hiện nay không có giải pháp giảm thiểu tác động môi trường như trồng rừng, đắp thêm hồ để chứa nước thừa...

Nhiều đời Thủ tướng (Võ Văn Kiệt, Phan Văn Khải, Nguyễn Tấn Dũng và hiện nay là Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc) đều quyết tâm đóng cửa rừng tự nhiên, nhưng thực tế rừng vẫn tiếp tục chảy máu. Liệu còn có những “lổ hổng” luật pháp cần điều chỉnh? 

Năm  2017, Luật Lâm nghiệp ra đời để điều chỉnh cả ngành lâm nghiệp chứ không phải chỉ bảo vệ và phát triển rừng, phải khai thác nó, xã hội hóa nó, xuất khẩu, bảo tồn rừng, rất nhiều việc phải làm. Luật này yêu cầu đóng cửa rừng tự nhiên.

Thực ra việc đóng cửa rừng tự nhiên ta đã làm từ 30 năm trước rồi. Nhưng rừng vẫn chảy máu. Lâm tặc không ai khác chính là người dân và những người được giao trách nhiệm bảo vệ rừng. Một nhà máy bị mất cắp, đầu tiên là bắt ông bảo vệ đã. Một là chính bảo vệ là người ăn cắp, hai là thông đồng với ăn cắp. Muốn chống nạn chặt phá rừng thì chống được thôi, chỉ là giải pháp có khoa học hay không.

Nghĩa là trước tiên phải quản lý chính lực lượng bảo vệ rừng?

Tôi cho rằng cái này ai cũng biết, người ta không nói ra thôi. 

Thưa ông, ngoài việc bảo vệ rừng như một giải pháp bảo vệ môi trường, rừng còn có giá trị kinh tế. Làm sao dung hòa để phát triển bền vững?

Rừng có ba vai trò chính. Đầu tiên là rừng cho gỗ, là một trong những nguồn lợi của quốc gia. Hai là rừng bảo vệ sinh thái và ba là rừng còn có tác dụng bảo tồn (thế giới thường gộp hai loại sau thành loại 2). Từ xa xưa người ta đã biết rừng đem lại thức ăn, nước uống, chỗ trú ngụ an toàn. Cho nên đầu tiên con người sống trong rừng, sau này mới ra khỏi rừng. Từ đó rừng mới bị khai thác, tàn phá. Nhưng dần dần xã hội phát triển thì người ta thấy chức năng bảo vệ sinh thái, chức năng môi trường của rừng đã ngang với chức năng kinh tế.

Có những nơi người ta không cần đến chức năng cung cấp gỗ nữa mà chỉ làm chức năng môi trường. Đó là rừng phòng hộ. Lại có loại rừng chỉ chuyên để nghiên cứu sự đa dạng sinh học. Hiện nay một nửa nước trên thế giới đưa lâm nghiệp sang ngành tài nguyên môi trường, chỉ một nửa vẫn ở khối kinh tế nông-lâm-ngư như cũ. Nhiều rừng không được giao nhiệm vụ sản xuất gỗ nữa để không lơ là trách nhiệm bảo vệ môi trường.

“Đất chảy” ở Quảng Trị (tháng 11.2020). Ảnh: Lê Thế Thắng


Mục tiêu của quản lý rừng bền vững là đảm bảo bền vững cả ba chức năng. Thứ nhất là phải thu hoạch được từ rừng để không lỗ vốn, thậm chí là phải tăng trưởng. Nghĩa là phải bền về kinh tế. Hai là rừng ấy phải đảm bảo được chức năng bảo vệ môi trường và chức năng ấy phải càng ngày càng tốt chứ không được xấu đi. Ba là rừng phải đảm bảo công ăn việc làm cho những người dân tộc thiểu số, những người ở vùng sâu, vùng xa.

Ba chức năng của rừng là kinh tế, môi trường, xã hội phải không suy chuyển qua các năm, thậm chí phải mỗi ngày một tốt hơn, thì đó là quản lý rừng bền vững.

Những rừng được cấp chứng chỉ rừng bền vững thì thị trường lâm sản sẽ không có biên giới, được xuất khẩu sang mọi nước với giá tốt hơn. Đại đa số các nước tham gia các tổ chức quản lý rừng bền vững trên thế giới.

GS-TSKH. Nguyễn Ngọc Lung (nguyên Cục trưởng Cục Phát triển lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) hiện là Viện trưởng Viện Quản lý Rừng bền vững và Chứng chỉ rừng. Ông sinh năm 1939 tại Phú Thọ, là tác giả của hai cuốn sách chuyên ngành, trên 200 bài báo, chuyên khảo, báo cáo khoa học.

Ông đã thực hiện 12 đề tài khoa học. Trong đó, có 4 đề tài cấp nhà nước, tiêu biểu là các đề tài “Những cơ sở khoa học để xây dựng quy trình trồng rừng và khai thác gỗ thông 3 lá tỉnh Lâm Đồng” (1985); “Nghiên cứu và áp dụng các cơ sở khoa học, các giải pháp kinh tế - kỹ thuật để quy hoạch thiết kế lưu vực phòng hộ, xây dựng rừng phòng hộ nguồn nước, rừng chống gió bão ven biển” (1995)...

(Theo tài liệu của Trung tâm Di sản các nhà khoa học Việt Nam)

Thực hiện: Hoàng Hương 

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.