Chưa biết “làm việc lớn” của Hoàng là lớn cỡ nào nhưng “giang hồ” khởi nghiệp đã đồn đoán Buymed chính là một con kỳ lân (unicorn - công ty được định giá tỷ USD) tiếp theo của Việt Nam.
“Ra ngoài”
Ấn tượng đầu tiên khi gặp Hoàng, đó là một anh chàng lầm lầm lì lì và suốt cuộc cà phê với nhiều đối tác khác nhau, không hề thấy anh chàng cười. Cái sự đăm chiêu cố hữu này làm cho chàng trai đất Ban Mê chưa kịp tròn 34 tuổi trở nên vô cùng già dặn.
Khi đủ thân, tôi có hỏi: “Vì sao Hoàng ít cười?”. “Có lẽ là do chỉ số trí thông minh cảm xúc không cao”. Điều này được hầu hết các cộng sự của Hoàng, những người đã gắn bó cùng anh trong gần 6 năm khởi nghiệp công nhận: Hoàng không vui hay buồn hoặc rất hiếm khi nổi giận. Đơn giản, với Hoàng thế giới này đều là những bài toán và bài toán nào cũng sẽ có cách giải. Đặt đúng đề bài, thử nghiệm đúng cách là xong.
Hoàng Nguyễn từng được Forbes vinh danh “30 Under 30 Asia” (top 30 người dưới 30 tuổi có tầm ảnh hưởng nhất châu Á) năm 2020.
Tôi lại hỏi: “Có phải cái nết này đã tạo ra một sự kiên định to lớn, hay gọi thẳng ra là… lì đòn của Hoàng?”. Lần đầu tiên, trong mấy tháng quen biết nhau, tôi thấy anh chàng bật cười: “Bị chửi nhiều rồi thì mình cũng hiểu ra là mỗi người có một loại trí thông minh khác nhau và thế giới này không chỉ được xây dựng bằng tư duy logic mà còn có những màu sắc cuộc sống khác nữa”.
Hoàng sinh năm 1990, tốt nghiệp đại học ngoại thương xong thì đi làm cho một công ty tư vấn kinh doanh quốc tế. “Làm tư vấn thì nhiều việc hơn là làm thuê cho một công ty, nhưng bù lại mình được tiếp xúc với nhiều lĩnh vực, nhiều bộ phận và có cái nhìn toàn cảnh, khách quan từ bên ngoài. Làm ở một công ty không quá khổng lồ thì mình có dịp được làm nhiều thứ việc khác nhau chứ không chỉ tập trung quá sâu vào một chuyên môn”.
Vẫn cái “nết” đăm chiêu, anh chàng giải thích về những lựa chọn của mình: “Khi công ty đưa ra hai lựa chọn là đi Mỹ hoặc đi Trung Quốc làm việc, tôi đã chọn Trung Quốc. Vì ở Trung Quốc có một giá trị phương Đông rất quan trọng mà mình cần học: cách suy nghĩ cho tập thể, cho cộng đồng chứ không quá đề cao chủ nghĩa cá nhân của phương Tây”.
Hai năm ở Trung Quốc, Hoàng tham gia vài dự án tư vấn cho các tập đoàn dược phẩm lớn. Không phải “may mắn” mà là sức mạnh của sự nỗ lực và đặt mục tiêu cụ thể, Hoàng hiểu sâu về chuỗi cung ứng ngành dược phẩm và sức khỏe, chọn đi các chuyến công tác dài ngày ở nhiều quốc gia để thực sự hiểu khách hàng mua thuốc uống đang suy nghĩ gì.
“Làm việc lớn”
“Không hiểu sao nhiều bạn trẻ tài năng lại chỉ thích làm những ngành tài chính hay công nghệ mà hiếm thấy những siêu nhân hạng nhất đi làm nghề trading - buôn bán hàng Việt ra thế giới? Nước mình chỉ có 100 triệu dân, đâu có cách gì phát triển mạnh hơn ngoài cách ra thế giới bán hàng? Tôi cũng không hiểu vì sao nhiều bạn cũng rất có tài, có điều kiện đi du học rồi lại quay về giành cơ hội việc làm của anh em trong nước. Giỏi thì phải tạo ra công việc cho mọi người chứ?” - ngồi lề đường uống bia trước buổi ký kết hợp tác chiến lược giữa Buymed và Ngân hàng An Bình, tự dưng anh chàng lại đăm chiêu về cuộc sống.
Kho dược phẩm tại Bình Dương của Thuocsi.vn có diện tích 14.000 - 15.000m2. Trung bình một ngày, công ty xử lý 3.200-3.500 đơn hàng, cao điểm có thể lên tới 4.000 đơn hàng. Ảnh: TS
“Rồi Hoàng làm gì?”. “Tôi thì không làm trading mà làm công nghệ để xử lý những vấn đề còn tồn đọng của cuộc sống. Đằng nào thì một lúc nào đó công nghệ cũng từ từ tác động tới cách làm, cách vận hành của mọi thứ thôi. Ngành dược là ngành tôi biết, logic dùng công nghệ mình cũng biết. Và thị trường đủ lớn, tính sơ ra cũng hơn 10 tỷ USD. Làm ở Việt Nam ổn chút thì Buymed kêu gọi anh em đi sang Thái Lan, Indonesia, Campuchia, thậm chí sang cả Nga để tìm cơ hội. Điều này làm anh em thay đổi cách nghĩ sao cứ phải bắt chước một mô hình nào đó mà không tự mình nghĩ ra. Rồi sẽ có lúc nhiều anh em Buymed không ở lại công ty nữa nhưng họ ra ngoài thì cũng trang bị đủ tầm nhìn rộng lớn, cách nghĩ và cách làm việc mà ở đâu trên thế giới cũng sống được”.
“Ủa Hoàng, làm thế nào để một công ty khởi nghiệp mới có mấy năm mà thuyết phục được hơn 35.000 nhà thuốc tham gia hệ thống và thuyết phục được nhà đầu tư đưa hơn 50 triệu USD cho Hoàng làm ăn?”, tôi tò mò.
“Mình cứ làm một sản phẩm thực sự có giá trị, tức là phải thực sự có người chịu bỏ tiền ra sử dụng vì nó đáp ứng nhu cầu thực sự của họ thì sẽ sống tốt thôi. Đâu cần đốt tiền làm tiếp thị hay tặng quà để “dụ” người không thực sự cần phải dùng sản phẩm của mình? Hồi mới làm thuốc sỉ, tôi đi kiếm hết danh sách các nhà thuốc, dược sĩ. Mỗi ngày ngồi nhắn tin cho từng người. Chỉ cần vài người trong số này phản hồi quan tâm tới sản phẩm, tức là họ muốn thử cái mới, thì mình tới gặp, trao đổi. Họ chịu dùng, tức là mình có giá trị. Xong từ từ nhân lên thôi…” - Hoàng nói về chuỗi ngày khởi nghiệp của mình.
Không có kiên nhẫn làm hoài, làm hoài không thấy tiến triển; cũng không có vất vả khi mỗi ngày làm gần 20 tiếng xong ngủ lại trong kho của công ty cho tiện. Với anh chàng này, “thực sự” chính là từ ngữ được nhắc đến nhiều nhất mỗi lần đề cập việc gì đó. “Dược phẩm là điểm bắt đầu, công nghệ của Buymed làm đúng cách sẽ tác động đến toàn ngành sức khỏe theo hướng mọi thứ thuận lợi nhanh chóng minh bạch và tiết kiệm hơn” - cũng ít có ai ngồi nói về giấc mơ mà vẫn không hề thay đổi nét mặt như Hoàng.
Tài trợ chuỗi cung ứng bền vững
Tôi hỏi ông Phạm Uyên Nguyên, một “tay tổ” trong làng đầu tư tài chính, lại đang ngồi ghế hội đồng quản trị nhiều công ty dược phẩm: “Ủa anh, anh làm mướn cho Buymed thiệt hở?”. “Thiệt chớ, tôi vừa năn nỉ cho mình góp tiền đầu tư, lại vừa xung phong được làm việc chính thức ở Buymed. Câu chuyện mà Hoàng và anh em ở BuyMed.com là rất hay, có nhiều tiềm năng và hy vọng. Chẳng hạn, tôi không bao giờ quên việc nửa đêm tôi phải chạy quanh thành phố, rút từng cây ATM để đủ tiền mặt đem đến cho một người cộng sự cũ có cha đang cần mổ đặt stent gấp. Anh ta dường như muốn quỳ xuống lạy vì biết ơn bởi nếu thiếu tiền đóng viện phí và vật tư y tế, bệnh viện sẽ để cha anh ta nằm ngoài phòng mổ chờ cho đến khi đóng đủ tiền!
Bây giờ, Buymed hiện thực hóa được câu chuyện hợp tác với ngân hàng để tài trợ tín dụng và thấu chi cho chuỗi cung ứng ngành dược chính là để cái thảm cảnh “chết vì thiếu tiền mua thuốc” này không bao giờ xảy ra nữa. Mô hình tài chính chuỗi cung ứng bền vững (sustainable supply chain finance - SSCF) rất thông dụng trên thế giới nhưng muốn làm được ở Việt Nam thì thực sự gian nan và đòi hỏi ý chí ghê gớm”.
Ông Phạm Duy Hiếu - quyền Tổng giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần An Bình (ABBANK) và ông Hoàng Nguyễn - nhà đồng sáng lập kiêm Giám đốc điều hành Buymed cùng sàn thương mại Thuocsi.vn, đã ký kết hợp tác chiến lược phát triển giải pháp tài chính tài trợ chuỗi cung ứng dược phẩm bền vững, ngày 14.6.2024.
Trước ngày bài báo này lên khuôn, tôi đi dự lễ ký kết đối tác chiến lược của Buymed và Ngân hàng An Bình, có tranh thủ hỏi ông Phạm Duy Hiếu, quyền Tổng giám đốc ngân hàng này kiêm Chủ tịch Quỹ hỗ trợ khởi nghiệp Startup Vietnam Foundation là “nghĩ gì về Buymed”. Ông Hiếu bảo ông tin chắc Buymed sẽ là unicorn - kỳ lân mới của khởi nghiệp Việt. Nhìn qua Hoàng, cũng không bất ngờ vì anh chàng không cười tươi hạnh phúc như… người khác, mà vẫn đăm chiêu suy tính gì đó. Chắc là anh chàng không mấy bận tâm việc unicorn hay không, vì còn tiếp tục nghĩ việc “ra ngoài, làm việc lớn”.
Hóa ra tôi đoán… trúng. Chiều đó, Hoàng đi phỏng vấn visa Mỹ, chưa biết sẽ đem điều bất ngờ gì về.
Bài: Bung Trần - Ảnh: Thanh Nam