Bản đồ Lễ hội Thiết kế Sáng tạo Hà Nội 2024.
Những công trình biểu tượng độc đáo
Với vai trò điểm nhấn định tuyến, những công trình biểu tượng (Pavilion) tại Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 đã được các kiến trúc sư xây dựng nhằm đưa người xem vào cuộc hành trình xuyên thời gian đầy cảm xúc. Đây không chỉ là những tác phẩm kiến trúc đương đại mà còn là những “cầu nối” liên thế hệ giữa Thủ đô ngàn năm, hứa hẹn mang đến trải nghiệm độc đáo và sâu sắc cho du khách.
Lễ hội gồm 3 Pavilion: “Hành lang thơ ngây” tại Cung Thiếu nhi Hà Nội, “Dòng” ở Vườn hoa Diên Hồng và Bắc Bộ Phủ, “Rồng rắn lên mây” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Các Pavilion này được sắp đặt ở vị trí tương tác với di sản, thay vì đứng độc lập, tạo ra cuộc đối thoại với di sản và tạo sức sống cho chính các di sản đó. Thông qua đó, các nhà sáng tạo muốn viết tiếp câu chuyện sáng tạo kết nối với quá khứ, nhằm tạo ra thể thống nhất giữa truyền thống và hiện đại, có sự kế thừa và phát triển và cũng tạo ra cuộc đối thoại liên thế hệ.
Pavillion Rồng Rắn lên mây đặt trong khuôn viên Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Đa dạng các hoạt động trưng bày, triển lãm, biểu diễn, trình diễn
Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội năm 2024 hội tụ gần 500 nghệ sĩ đương đại, nghệ sĩ biểu diễn, nhà sáng tạo, nhà thiết kế, kiến trúc sư, chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hóa - nghệ thuật… Các hoạt động văn hóa nghệ thuật, trưng bày, triển lãm tại Lễ hội thu hút sự tham gia của lực lượng sáng tạo trẻ với nhiều tác phẩm đặc sắc, trong đó nhiều tác phẩm được sáng tạo dựa trên ý tưởng, chất liệu của các nghệ sĩ tiền bối, được các nghệ sĩ trẻ tiếp thu, phát triển theo ý tưởng của mình, mang hơi thở đương đại, tạo sự kết nối giữa truyền thống – hiện đại. Nhiều hoạt động trưng bày, triển lãm cũng được thực hiện ngay trong các không gian di sản tạo ra các tổ hợp triển lãm độc đáo.
Trong đó, Cung Thiếu nhi Hà Nội được định vị như “trái tim” của tuyến Lễ hội với chủ đề “Cung Thiếu Nhi Hà Nội: Hoài niệm cho tương lai”. Tại đây sẽ diễn ra hơn 30 hoạt động trưng bày, giới thiệu, chiếu phim, sắp đặt kiến trúc, nghệ thuật biểu diễn, workshop, hành trình trải nghiệm, toạ đàm và các hoạt động khác góp phần đề xuất những cách thức kế thừa và tiếp nối những giá trị mà thế hệ trước để lại nhằm tạo nên cuộc đối thoại liên thế hệ giữa tinh thần sáng tạo xưa và nay.
Cung Thiếu nhi Hà Nội được định vị như “trái tim” của tuyến Lễ hội.
Nổi bật là các triển lãm: đại triển lãm Cung Thiếu Nhi Hà Nội: Hoài niệm cho tương lai, cụm triển lãm Di sản Giáo dục, dự án Tầng chờ, triển lãm Chèo Méo: Giới thiệu các tác phẩm của các nghệ sĩ nhí Tò He nâng cao nhận thức về phổ tự kỷ, triển lãm Cổ tích về Amadeus Vũ Dân Tân, triển lãm tranh thiếu nhi Mùa gió,…
Chương trình nghệ thuật Mùa vui - Khai mạc hoạt động tại Cung Thiếu nhi (10g - 11g) ngày 9.11; Trình diễn tác phẩm sân khấu Thổ Địa - Sân khấu rối TồLô (16g - 17g) ngày 16.11; Trình diễn dàn nhạc và hợp xướng Reo vang bình minh (10:00 - 11:00) ngày 17.11;…
Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Tổng hợp cũ) là nơi trưng bày Tổ hợp triển lãm nghệ thuật tương tác: Cảm thức Đông Dương, gợi mở những cảm thức xưa cũ về kiến trúc và mỹ thuật Đông Dương, trong cảm quan đa dạng của những kiến trúc sư, họa sĩ và nghệ sĩ hiện tại. Sự kiện hứa hẹn là một điểm nhấn rung cảm về kiến trúc, nghệ thuật, hình ảnh, âm thanh với hơn 20 tác phẩm nghệ thuật tương tác độc đáo với tinh thần sáng tạo trân trọng di sản, hài hoà với di sản và mong muốn những lớp người gắn bó với Thủ đô tiếp tục kiến tạo những ký ức văn hóa, đặt tiền đề cho cách sống cùng với di sản. Triển lãm Cảm thức Đông Dương được giám tuyển bởi nghệ sĩ Nguyễn Thế Sơn, sẽ diễn ra từ ngày 9 – 17.11.
Tại tòa nhà 19 Lê Thánh Tông sẽ trưng bày cụm các tác phẩm nghệ thuật tương tác độc đáo, gợi mở những cảm thức xưa cũ về kiến trúc và mỹ thuật Đông Dương.
Điểm khởi đầu của “Trục Kinh tế Sáng tạo” Tràng Tiền trong khuôn khổ Lễ hội là Triển lãm Ý tưởng Thiết kế sáng tạo Cộng đồng sẽ được tổ chức tại Trung tâm Triển lãm 93 Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm từ ngày 9 – 17.11. Triển lãm tập hợp, tôn vinh, ươm mầm những sáng kiến không chỉ của người làm nghề sáng tạo mà của tất cả cộng đồng.
Cùng với đó là các hoạt động trưng bày được giới thiệu tại Nhà Triển lãm (số 45 Tràng Tiền), Phòng triển lãm (số 61-63 Tràng Tiền) các hoạt động tại Rạp Công nhân như kịch nói, nghệ thuật trình diễn dân gian, hoạt động hội chợ giới thiệu các sản phẩm sáng tạo; Các hoạt động đường phố như: biểu diễn xiếc, nghệ thuật, trình diễn thời trang, hoạt động cộng đồng… trên tuyến phố Tràng Tiền và các hoạt động trên tuyến phố lân cận như Nguyễn Xí, Đinh Lễ; Các không gian triển lãm, các cơ quan ngoại giao, doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh trên tuyến Lễ hội với những hoạt động, trang trí chính là những yếu tố cộng hưởng nhằm thu hút khách tham gia lễ hội.
Trên tuyến phố Lý Thái Tổ, Lê Thánh Tông sẽ diễn ra các hoạt động đường phố như: biểu diễn xiếc, nghệ thuật, âm nhạc, thời trang, trưng bày sắp đặt một số tác phẩm nghệ thuật, các không gian vui chơi của trẻ em… diễn ra tại khuôn viên vườn trong Bắc Bộ phủ và các vườn hoa Lý Thái Tổ, Diên Hồng, Cổ Tân, 19/8, Tao Đàn trên tuyến Lễ hội.
Hơn 20 hội thảo, toạ đàm phong phú
Cũng trong khuôn khổ Lễ hội sẽ diễn ra hơn 20 hội thảo, toạ đàm về các lĩnh vực như: thiết kế, nghệ thuật, điện ảnh, nhiếp ảnh, thời trang, công nghệ, xuất bản và các lĩnh vực khác cùng các hoạt động khởi nghiệp sáng tạo. Các hội thảo, tọa đàm với nội dung phong phú, gợi những điểm nhìn mang tính hệ thống của các nhà nghiên cứu văn hóa, lịch sử, nghệ thuật, kiến trúc… góp phần tạo ra một cộng đồng tri thức mới, đặc biệt tác động tới thế hệ trẻ hôm nay.
Thông tin về các chương trình sự kiện của Lễ hội Thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024 bạn đọc có thể xem đầy đủ tại đây.
Tin: Tùng Lâm - Ảnh: BTC