Hơn 171.000 cây xanh tại TP.HCM: Vì sao dễ gãy đổ, gây tai nạn chết người?

 12:53 | Thứ tư, 16/10/2024  0
Quá trình phát triển của đô thị TP.HCM đã tiến hành các hoạt động (đào vỉa hè, lắp đặt hạ tầng kỹ thuật điện, nước, viễn thông...) và các công trình giao thông, hạ tầng khác gần cây xanh đã xâm hại hệ rễ cây, làm không gian sinh trưởng của cây xanh bị thu hẹp. Hoạt động đánh giá cây xanh hiện tại chủ yếu là bằng kinh nghiệm, kiểm tra bằng mắt thường, thiếu các cơ chế để mua sắm các thiết bị khám sức khỏe cho cây...

Sở Xây dựng TP.HCM vừa có văn bản ngày 14.10 gửi UBND TP.HCM báo cáo công tác chăm sóc cây xanh và tình hình sự cố cây xanh trong thời gian qua.

Văn bản cho biết tổng số cây xanh đang quản lý là 171.431 cây (UBND các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức quản lý 54.743 cây; Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật quản lý 116.688 cây), là một phần khối lượng cây xanh trên địa bàn thành phố, gồm cây xanh trên các tuyến đường, công viên, khu vực công cộng thuộc 21 quận, huyện. Chủng loại cây trồng đa dạng: dầu, sao đen, lim sét, me tây, me, giáng hương lá lớn, bò cạp nước, viết, sọ khỉ, nhạc ngựa,... 

Hệ thống cây xanh cổ thụ tại TP.HCM đã và đang có tình trạng già cỗi, sức chống chịu cơ lý trong điều kiện sống đô thị hiện nay có xu hướng suy giảm dần và tiềm ẩn rất nhiều rủi ro. Ảnh: Hải Long


Trong đó, khối lượng cây phân loại 3 (cây có kích thước lớn, kích thước rất lớn, cây cổ thụ) là 9.283 cây (các quận, huyện và Thành phố Thủ Đức: 1.135 cây; Trung tâm Hạ tầng kỹ thuật: 8.148 cây), chiếm khoảng 5,5% số lượng cây xanh quản lý. Số lượng cây xanh tập trung phần lớn ngoài đường phố, nhất là cây loại 3.

Phần lớn các cây phân loại 3 đang quản lý có tuổi đời rất lâu từ 100 - 150 năm, tập trung chủ yếu tại khu vực trung tâm thành phố, nơi có mật độ dân cư và mật độ giao thông rất lớn (quận 1, quận 3, quận 5, quận 10…).

“Đây được đánh giá là nhóm có nguy cơ, rủi ro cao nhất về sự cố cây xanh gây tai nạn về người và gây thiệt hại tài sản do cành nhánh, thân cây có trọng lượng rất lớn, tạo sức phá hủy mạnh khi rơi xuống từ độ cao trên 20m...”, văn bản nhận định.

Theo Sở Xây dựng TP.HCM, tình trạng thi công các dự án, công trình giao thông, hạ tầng khác đã gây ảnh hưởng đến cây xanh (cây bị cắt rễ, cắt cành nhánh, cây dễ ngã đổ, cây bị suy yếu); các công trình giao thông, hạ tầng khác gần cây xanh cũng ảnh hưởng đến không gian sinh sống của cây, hệ rễ cây.

Quá trình phát triển của đô thị đã tiến hành các hoạt động gây ảnh hưởng đến hệ thống cây xanh như đào vỉa hè, lắp đặt các hạ tầng kỹ thuật (điện, nước, viễn thông...) làm không gian sinh trưởng của cây xanh bị thu hẹp. Việc xử lý đốn hạ, thay thế hay hạ độ cao cây để phòng tránh, giảm thiểu nguy cơ, rủi ro vẫn chưa nhận được sự đồng thuận từ xã hội.

Số liệu cây xanh TP.HCM trồng từ năm 2021 đến hết tháng 9.2024 (Ảnh trích từ văn bản của Sở Xây dựng TP.HCM)


Sở Xây dựng TP.HCM cho biết các sự cố cây xanh ngã đổ trên địa bàn thành phố trong thời gian qua là từ nhiều nguyên nhân: giông lốc, mưa gió, thi công công trình (vỉa hè, công trình ngầm) đã xâm hại hệ rễ cây (có những trường hợp cây xanh ngã đổ, ghi nhận hệ rễ có dấu hiệu bị xâm hại, bị chặt cắt từ nhiều năm trước)...

Cây xanh có kích thước lớn phân loại 3 (đặc biệt là các cây xanh thuộc chủng loại sao, dầu) khi xảy ra sự cố gãy đổ có nguy cơ gây thiệt hại rất nghiêm trọng do cây kích thước lớn có cành nhánh rất to nên trọng lượng cành nhánh rất nặng, khi gãy đổ, rơi tự do từ độ cao 30 - 60m sẽ gia tăng trọng lượng rất lớn khi tiếp đất, gây phá hủy rất lớn.  

Ngày 4.9.2024, cây sọ khỉ cao khoảng 12m ngã đổ khiến mái sân và tường rào trạm y tế phường 27 (quận Bình Thạnh, TP.HCM) hư hỏng. Người dân cho biết cây bật gốc khoảng 40 năm tuổi, lúc đổ trời mưa nên khu vực vắng người, không ai bị thương. Ảnh: Vnexpress


Thống kê từ năm 2012 đến nay ghi nhận có 12 vụ tai nạn cây xanh làm chết 13 người. Trong đó, tai nạn do cây loại 3 gây ra chiếm phần lớn (10/12 vụ), làm chết 11/13 người. Riêng từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra 4 sự cố cây xanh làm chết 5 người, tất cả đều từ cây loại 3 (3 cây dầu và 1 cây sọ khỉ).

“Giai đoạn trước năm 2000, các cây xanh có độ tuổi thấp nên các sự cố cây xanh như rơi cành nhánh cũng ít xảy ra hơn so với hiện nay. Trong năm 2024, đã xảy ra đợt nắng nóng gay gắt bất thường làm hệ thống cây xanh bị suy yếu ảnh hưởng đến sức liên kết, sức chịu đựng cơ lý của cành, nhánh…”, văn bản cho biết.

Mặc dù ngày càng tăng cường, đẩy mạnh cắt, tỉa cành nhánh và xử lý đốn hạ, thay thế cây xanh có nguy cơ mất an toàn, tuy nhiên theo Sở Xây dựng TP.HCM, tình hình sự cố cây xanh vẫn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn rất lớn nguy cơ gây mất an toàn cho người dân.

Ngày 9.8.2024, nhánh cây cổ thụ trong Công viên Tao Đàn (quận 1, TP.HCM) ở độ cao khoảng 20m đã bất ngờ rơi xuống đường đè trúng 5 người, khiến 2 nạn nhân tử vong tại chỗ. Ảnh: Vũ Phong


Tốc độ đô thị hóa hiện nay khiến mật độ dân cư và áp lực giao thông tại TP.HCM tăng lên rất nhiều. Trên đường phố lúc nào cũng rất đông người sinh hoạt, tham gia giao thông nên khi có sự cố rơi gãy cành nhánh, ngã đổ cây thì xác suất gây ảnh hưởng, thiệt hại đến người và tài sản là rất cao.

Đánh giá bước đầu xác định nhóm cây phân loại 3 (cây cổ thụ, cây có kích thước lớn, cây có kích thước rất lớn) là nhóm cây xanh tiềm ẩn nguy cơ sự cố gây tai nạn lớn nhất. Tuy nhiên, việc xử lý còn rất nhiều khó khăn:

Nhiều cây xanh cổ thụ, cây có kích thước lớn có chiều cao rất cao, có thể cao đến 50 - 60m nhưng phương tiện chăm sóc cây xanh hiện nay mới chỉ được trang bị xe thang có chiều cao tối đa là 24m. Do đó, việc chăm sóc, bảo dưỡng cây xanh phân loại 3 vẫn còn chủ yếu thực hiện thủ công (công nhân tiếp tục leo bộ, sử dụng dây neo...) nên năng suất khối lượng công việc cũng có những hạn chế.

Hệ thống cây xanh cổ thụ đã và đang có tình trạng già cỗi, sức chống chịu cơ lý trong điều kiện sống đô thị hiện nay có xu hướng suy giảm dần và tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nguy cơ rơi gãy cành nhánh, gãy đổ cây gây tai nạn. Tuy nhiên không thể thực hiện đốn hạ hàng loạt mà phải tiếp tục cố gắng duy trì. Việc đốn hạ, thay thế chỉ có thể thực hiện rải rác, từng bước theo thứ tự ưu tiên từng cá thể để hạn chế dư luận xã hội.

“Hiện trạng cây cổ thụ sao, dầu… là nét đặc trưng, lịch sử để lại cho đô thị TP.HCM, do đó việc ứng xử, tác động để đảm bảo an toàn như hạ thấp tán, thay thế… luôn gặp nhiều phản ứng về mặt dư luận xã hội”, trích văn bản.

Hiện tại, Công ty TNHH MTV Công viên cây xanh đã thực hiện thí điểm thuê phương tiện nâng người làm việc trên cao có chiều cao 40m để hỗ trợ công tác cắt tỉa cây xanh. Tuy nhiên, loại phương tiện này chỉ mới lưu hành trong các công viên, chưa được phép lưu hành ra ngoài đường phố. Bên cạnh đó, việc thi công trên các tuyến đường bị hạn chế vào giờ cao điểm, thường gây kẹt xe, giảm năng suất, hiệu quả.

Số liệu sự cố cây xanh TP.HCM từ năm 2021 đến hết tháng 9.2024 (Ảnh trích từ văn bản của Sở Xây dựng TP.HCM)


Để xử lý các bất cập liên quan đến cây xanh, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết các giải pháp ngắn hạn sẽ tiếp tục tăng cường nguồn lực con người và trang thiết bị để thực hiện công tác chăm sóc, cắt tỉa cây loại 3. Từng bước triển khai tác động hạ thấp tán, thu gọn tán, tỉa thưa tán đối với cây dầu phân loại 3.

Rà soát, thực hiện đốn hạ thay thế đối với cây xanh phân loại 3 được đánh giá là già cỗi, cây có vị trí nhiều nguy cơ gây tai nạn cao (trước trường học, giao lộ,…), cây bị ảnh hưởng trong quá trình thi công các công trình hạ tầng, cây có chiều cao quá lớn gây khó khăn trong công tác chăm sóc...

Thực hiện thí điểm neo cáp giữ cành đối với một số cây cổ thụ, kích thước lớn. Tập huấn, nâng cao kỹ năng nghiệp vụ trong công tác đánh giá, chăm sóc cắt tỉa cây xanh và chẩn đoán rủi ro cây xanh. Tuyên truyền, phổ biến đến người dân về ý thức phòng tránh sự cố cây xanh, tránh tập trung dưới tán cây xanh khi trời có mưa, gió lớn.

Về giải pháp dài hạn, Sở Xây dựng đang tổ chức thực hiện đề án phát triển an toàn cây xanh và hạn chế thấp nhất thiệt hại do sự cố cây xanh trong công viên, đường phố trên địa bàn thành phố, trong đó tập trung giải pháp xử lý cây loại 3.

Minh Hoàng - Tấn Khải

Cắt tỉa cành nhánh cây xanh là giải pháp kỹ thuật bắt buộc

Theo văn bản của Sở Xây dựng TP.HCM, cắt tỉa cành nhánh cây xanh và kiểm tra, đánh giá tình trạng cây xanh là công tác chăm sóc, bảo dưỡng theo quy trình kỹ thuật được lập kế hoạch, triển khai thực hiện thường xuyên và liên tục hàng năm trên địa bàn quản lý, nhằm duy trì an toàn cây xanh (hạn chế sự cố rơi gãy cành nhánh, ngã đổ cây xanh) và tôn tạo cảnh quan cho đường phố.

“Công tác cắt tỉa cành nhánh là giải pháp kỹ thuật bắt buộc và cần thiết trong việc bảo dưỡng, chăm sóc cây xanh đường phố nhằm định hình cho sự phát triển của cây; tạo thông thoáng cho tán cây, giảm trọng lượng tán cây; loại bỏ cành nhánh khiếm khuyết, hư hại (khô, mục, liên kết yếu,...), qua đó giúp giảm thiểu nguy cơ rơi, gãy cành nhánh, giảm thiểu nguy cơ ngã đổ cây khi cây bị ảnh hưởng, tác động bởi yếu tố thời tiết cực đoan (mưa giông kéo dài, gió mạnh, lốc,...)”, văn bản lý giải.

Cây xanh trên đường Lê Quý Đôn (quận 3, TP.HCM) sau khi được cắt tỉa ngày 5.9.2024. Ảnh: Ái My


Bên cạnh chăm sóc cắt tỉa, còn thực hiện các biện pháp, tác động kỹ thuật khác nhằm hạn chế đến mức thấp nhất rủi ro mất an toàn cây xanh: Thực hiện biện pháp hạ thấp chiều cao cây; Thực hiện rà soát thay thế cây xanh mất an toàn hoặc có nguy cơ mất an toàn (cây xanh bị hư hại, khiếm khuyết; cây già cỗi; cây chết khô; cây bị công trình xâm hại hệ rễ;...).

Sở Xây dựng TP.HCM cho biết chăm sóc cắt tỉa, mé nhánh cây xanh đã thực hiện theo quy trình kỹ thuật, tác động cắt tỉa trên toàn bộ số lượng cây xanh quản lý theo kế hoạch 2 lần /1 năm. Mặc dù đã được cơ giới hóa một phần nhưng công tác chăm sóc cây xanh, đặc biệt đối với nghề “thợ leo” đến nay là ngành nghề đặc thù, chưa có đơn vị, cơ sở đào tạo nào thực hiện. Hiện các đơn vị chăm sóc cây xanh tự phát triển nhân lực “thợ leo” bằng cách tự đào tạo qua công tác chăm sóc cây xanh hàng ngày.

Kiểm tra, đánh giá cây xanh hiện tại chủ yếu là bằng kinh nghiệm, kiểm tra bằng mắt thường, thiếu các cơ chế để mua sắm các thiết bị khám sức khỏe cho cây. Việc phát hiện các khiếm khuyết, hư hại tiềm ẩn bên trong thân, cành, rễ... đang gặp khó khăn.

Về kỹ thuật duy trì, Sở Xây dựng TP.HCM cho biết đối với các cây xanh kích thước còn nhỏ (loại 1, loại 2) được kiểm soát với chiều cao phù hợp. Tuy nhiên, đối với các cây xanh kích thước lớn, đặc biệt là các cây xanh thuộc chủng loại sao, dầu (phân loại 3) đã và đang có tình trạng già cỗi, sức chống chịu cơ lý trong điều kiện sống đô thị hiện nay có xu hướng suy giảm dần và tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, nguy cơ gãy đổ, gây tai nạn.

bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.