Trong lúc nhiều thành phố lớn đang lên kế hoạch đốn hạ, thay thế hàng ngàn cây xanh và cho rằng “phải chặt cây để ưu tiên phát triển giao thông đô thị”. Và trong lúc TP.HCM cũng đang “trong guồng” chặt cây, chặt rất nhiều cây. Sắp tới Công viên 23 tháng 9 được cải tạo lại cũng không loại trừ khả năng xấu - lại thêm cây xanh bị đốn hạ… Thế nhưng, ở một thành phố nhỏ như Trà Vinh, cây xanh lại được coi là báu vật, được chăm sóc và bảo vệ cẩn thận; mọi kế hoạch làm đường, xây dựng công trình đều phải né cây xanh… Trà Vinh như một điển hình của thành phố coi trọng, giữ gìn cây xanh đô thị để các thành phố tham khảo.
Hàng cây cổ thụ trên đường Phạm Ngũ Lão, thành phố Trà Vinh. Ảnh: Trung Dũng
Ngược dòng lịch sử, Trà Vinh cũng giống như 19 thành phố khác được Pháp thành lập ngày 1.1.1900, theo nghị định của Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer. Khi quy hoạch các đô thị tỉnh lỵ của cả 20 tỉnh này, người Pháp đều đồng loạt triển khai việc trồng cây xanh, thường là những chủng loại thực vật bản địa đặc hữu của địa phương. Vậy nhưng riêng thành phố Trà Vinh giữ gìn gần như nguyên vẹn hệ thống cây xanh do người Pháp để lại hôm nay.
Nhìn về Văn hóa gốc, Trà Vinh cùng và Sóc Trăng là hai tỉnh có nhiều người Khmer sinh sống nhất cả nước. Nếp sống thân thiện với môi trường xung quanh rất đặc thù của tộc người Khmer Nam bộ. Người Khmer từ xưa đến nay sinh ra, lớn lên cho đến khi dời cõi tạm thì đều dưới bóng cây xanh, và họ cũng hết lòng chăm sóc thiên nhiên, cho ngôi chùa và phum sóc của họ. Nếp sống này dần dần định hình tính cách thân thiện, quý trọng thiên nhiên của người Trà Vinh qua nhiều thế kỷ.
Thành phố Trà Vinh giữ gìn gần như nguyên vẹn hệ thống cây xanh do người Pháp để lại hôm nay. Ảnh: Trung Dũng
Một cây cổ thụ được gắn bản tên để quản lý. Ảnh: Trung Dũng
Trà Vinh nổi tiếng khắp cả nước vì là nơi có nét uy nghiêm, cổ kính, có nhiều chùa nhưng đặc biệt nhất là có rất nhiều cây xanh. Năm 2024, theo công bố của cơ quan theo dõi chất lượng không khí toàn cầu IQAir (Thụy Sỹ), thành phố Trà Vinh, tỉnh Trà Vinh xếp thứ 3 trong Top 15 thành phố có chất lượng không khí trong lành nhất tại Đông Nam Á và được xếp hạng trong lành nhất Việt Nam.
Trà Vinh có 14.000 cây xanh cổ thụ mà nhiều cây trong số đó quý hiếm nhất Việt Nam. Thành phố này có hơn 800 cây trên 100 năm tuổi. Giữ được màu xanh như vậy là do ý thức của người dân và sự quản lý của địa phương. Việc đốn hay di dời một cây còn sống phải được sự đồng ý của Chủ tịch UBND tỉnh Trà Vinh.
Thành phố Trà Vinh giữ được màu xanh như vậy là do ý thức của người dân và sự quản lý của địa phương. Ảnh tư liệu: Trung Dũng
Hơn 30 con đường trong thành phố Trà Vinh đều được phủ kín cây xanh. Mỗi cây xanh đều được quản lý, đánh số, có “lý lịch” cây, trong đó có thông tin: tuổi đời, nguồn gốc, quá trình phát triển, bộ họ, đang tọa lạc ở đường nào, định kỳ vệ sinh, phun thuốc, cắt tỉa… Việc đánh số rất quan trọng, người dân dễ dàng, nhanh chóng báo tin cho đội chăm sóc cây nếu phát hiện cây xanh có nguy cơ ngã đổ. Việc đặt tên cho những con đường nội ô cũng theo hàng cây: Đường Hàng Me, đường Hàng Sao, đường Cây Dầu.
Năm 2016, tỉnh Trà Vinh mời các chuyên gia ở Hà Lan, Australia, Viện Giống cây trồng (Bộ Nông nghiệp) và Đại học Nông lâm đến khảo sát, tìm nguyên nhân rừng cổ thụ suy kiệt và đề xuất các giải pháp xử lý. Giai đoạn từ 2017-2020, địa phương đã cho lập dự án và phân bổ kinh phí 20 tỷ đồng để thực hiện các giải pháp bảo dưỡng, chăm sóc hàng trăm cổ thụ. Sau đó đã có gần 400 cổ thụ trên 15 tuyến đường được phục hồi. Tỉnh còn các chuyên gia ở Hà Lan, Australia đến khảo sát và thực hiện các biện pháp bảo dưỡng hơn 800 cây cổ thụ trong thành phố.
Công nhân chăm sóc cây xanh "tiếp nước" cho một cây cổ thụ có dấu hiệu suy kiệt tại thành phố Trà Vinh. Ảnh tư liệu. Nguồn: Báo Tuổi Trẻ
Mới đây Trà Vinh còn làm cả việc mà nhiều nơi chưa làm được, đó là phá bỏ vỉa hè xung quanh những gốc cây để chúng phát triển đủ sức. Và cũng chẳng có gì là lạ khi đến Trà Vinh, mọi người đều cảm nhận sự chung tay gìn giữ cây xanh của tất cả người dân. Bởi, ở đó không hề có những cây đinh, cây vít đóng vào thân cây đi kèm với những biển quảng cáo; không có chuyện mắc bóng đèn trên những thân cây từ các quán cà phê, kinh doanh; không có nạn bóc vỏ cây, giăng mắc sào phơi như ở nhiều nơi khác. “Đốn đi dù một cây người dân cũng không đồng tình”. Bởi người dân địa phương ở đây rất “cưng” cây xanh, luôn xem chúng là thành viên chung của gia đình mình, thành phố mình. Bất kỳ ai có hành động ngược đãi, xâm hại chúng đều bị phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Chính hoạt động chăm sóc cây xanh của Trà Vinh đã trở thành thông điệp kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân chung tay bảo vệ môi trường, vì một đồng bằng xanh. Thành phố Trà Vinh là điển hình để các địa phương học hỏi trong công tác quy hoạch đô thị hóa nhằm bảo tồn diện tích cây xanh tự nhiên.
Theo người dân địa phương, do đặc điểm của thổ nhưỡng nên những cây sao, cây dầu tại Trà Vinh phát triển xanh tốt hàng trăm năm qua. Ảnh: Báo Thanh Niên
Học tập Trà Vinh, các thành phố lớn nên học ở 4 điểm:
1. Thông điệp bảo vệ cây phải trở thành lời nói mạnh mẽ và thống nhất từ lãnh đạo thành phố, các sở ngành xuống tới người dân. Mà việc đầu tiên là ý thức giữ cây của các vị lãnh đạo. Nếu lãnh đạo cho rằng nó không quan trọng, thì khó lòng cứu được mấy cây cổ thụ thời Pháp.
2. Người dân được truyền cảm hứng về “Thành phố xanh” giống như trước đây “Thành phố nghĩa tình”. Cảm hứng này thông qua truyền thông, dần dần trở thành nếp sống của người dân đô thị: Sẽ yêu cây xanh và chủ động phát hiện, bảo vệ cây xanh, chủ động đấu tranh với việc chặt cây không đúng quy định.
Trà Vinh được ví là “Thành phố xanh”. Ảnh: thamhiemmekong.com
3. Các công nhân coi việc chăm cây là việc làm thường xuyên, liên tục và quan trọng nhất của mình. Đánh số, lên lý lịch cho cây để quản lý, theo dõi lâu dài.
4. Thành phố đầu tư để phối hợp với chuyên gia cây xanh trong nước, quốc tế, kịp thời phát hiện cây bệnh để cứu chữa.
Trồng, chăm sóc và bảo vệ cây xanh thể hiện tính nhân văn và mức độ văn minh của một đô thị chứ không chỉ là vấn đề cảnh quan, thẩm mỹ đô thị hay vấn đề sức khỏe người dân. Vì vậy tôi rất ngưỡng mộ người dân Trà Vinh và rất kính nể các vị lãnh đạo của thành phố này.
PGS-TS-KTS. Nguyên Hạnh Nguyên