Sáng nay (18.5), Hội nghị khoa học toàn quốc với chủ đề “Chiếu sáng Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số” do Hội Chiếu sáng Việt Nam tổ chức đã diễn ra tại TP.HCM. Hội nghị đã thu hút sự quan tâm của đông đảo các nhà quản lý đến từ các Bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học của các Viện, trường Đại học, tổ chức, hội viên, doanh nghiệp Hội Chiếu sáng Việt Nam cũng như đối tác đến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, hiệp hội chiếu sáng quốc tế...
Ban tổ chức Hội nghị cho biết đã nhận được gần 30 bài viết của các tác giả, nhóm tác giả trong và ngoài nước. Các tham luận được trình bày tại Hội nghị, được tập trung theo các nhóm chủ đề, gồm: Nhóm chính sách, định hướng, quy hoạch quản lý về chiếu sáng; Công tác quản lý, vận hành chiếu sáng công cộng tại các đô thị thông minh trong nền kinh tế số; Xu hướng phát triển, công nghệ chiếu sáng xanh, các giải pháp công nghệ và tài chính để phát triển kinh tế bền vững; Nghiên cứu, sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong chiếu sáng công cộng; Kinh nghiệm, giải pháp trong quá trình chuyển đổi số của các địa phương, doanh nghiệp.
Đặc biệt, tại Hội nghị, kinh nghiệm quản lý vận hành chiếu sáng đô thị thông minh, giải pháp công nghệ mới cũng như xu hướng phát triển chiếu sáng của Nhật Bản và Hàn Quốc cũng được các chuyên gia giới thiệu để các nhà khoa học, nhà quản lý, các doanh nghiệp Việt Nam tham khảo và thảo luận.
Quang cảnh Hội nghị khoa học toàn quốc với chủ đề “Chiếu sáng Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số”. Ảnh: Ngô Gia
Khẳng định chuyển đổi số là xu hướng tất yếu của các doanh nghiệp ngành chiếu sáng, PGS-TS. Nguyễn Hồng Tiến, Chủ tịch Hội Chiếu sáng Việt Nam, nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng), trong phát biểu khai mạc Hội nghị, đã nhấn mạnh chuyển đổi số ngành chiếu sáng được hiểu là việc khai thác, sử dụng những thành tựu, công nghệ, kỹ thuật tiên tiến của ngành kỹ thuật số vào ngành chiếu sáng, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng tại các đô thị và tăng năng suất lao động, nâng cao chất lượng, tăng sức cạnh tranh về chất lượng và giá của sản phẩm, hàng hóa cũng như các doanh nghiệp công nghệ hoạt động trong lĩnh vực chiếu sáng.
Theo Chủ tịch Hội Chiếu sáng Việt Nam, chuyển đổi số trong ngành chiếu sáng bao gồm chuyển đổi số tại các đơn vị, doanh nghiệp quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng đô thị và chuyển đổi số tại các doanh nghiệp là các công ty công nghệ, chuyên sản xuất và cung cấp các giải pháp về chiếu sáng, vật tư, thiết bị điện và điều khiển thông minh chiếu sáng. "Nhận thấy tầm quan trọng của chuyển đổi số nhiều doanh nghiệp trên cả nước nói chung và một số doanh nghiệp lớn của ngành chiếu sáng nói riêng như: Rạng Đông, Điện Quang, Signify Việt Nam, Hapulico, Sapulico... đã thực hiện chuyển đổi số và thực tế đã chứng minh có sự thành công bước đầu đó là tăng hiệu quả và năng suất lao động, mở rộng thị trường và tăng doanh thu. Ngoài ra còn tăng khả năng cạnh tranh, tối ưu hóa quá trình quản lý và thúc đẩy đổi mới sáng tạo...", PGS-TS. Nguyễn Hồng Tiến nhận định.
PGS-TS. Nguyễn Hồng Tiến, Chủ tịch Hội Chiếu sáng Việt Nam, chia sẻ tại Hội nghị khoa học toàn quốc với chủ đề “Chiếu sáng Việt Nam trong quá trình chuyển đổi số”. Ảnh: Ngô Gia
Chia sẻ tham luận tại Hội nghị, đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật (Bộ Xây dựng) nhấn mạnh trong quá trình chuyển dịch sang đô thị thông minh thì chiếu sáng thông minh là yếu tố tác động đến tất cả các khía cạnh cốt lõi từ giao thông, môi trường đến kinh tế và đời sống. Vì vậy đô thị thông minh nói chung và chiếu sáng thông minh nói riêng phải lấy con người làm trung tâm. Các ứng dụng của chiếu sáng thông minh không chỉ giúp tiết kiệm thời gian và công sức vận hành đô thị mà cần vươn tới mục tiêu cao hơn là tối ưu hóa các nguồn lực hiện có để nâng cao chất lượng sống. Lĩnh vực chiếu sáng đô thị có những mục tiêu và nhiệm vụ chính, cơ bản nhất là chiếu sáng hiệu quả, tiết kiệm năng lượng và chiếu sáng thông minh. Và quá trình chuyển đổi số sẽ có tác động thúc đẩy tích cực giúp cho ngành chiếu sáng đạt được các nhiệm vụ và mục tiêu đề ra.
Đại diện Cục Hạ tầng kỹ thuật cho biết hiện nay hầu hết các đường phố chính tại các đô thị từ loại III trở lên đều đạt tỉ lệ chiếu sáng khoảng 98%-100%, các đường ngõ xóm cũng đạt khoảng 95%, do vậy chỉ tiêu này bảo đảm như định hướng đặt ra.
Tuy nhiên, chỉ tiêu đến năm 2025 các công trình sử dụng (30%-50%) đèn năng lượng mặt trời đến nay chưa đạt yêu cầu do việc sử dụng đèn năng lượng mặt trời cho chiếu sáng đô thị còn nhiều vấn đề bất cập.
Ngoài ra, tuy chiếu sáng đô thị đã trở thành một nhu cầu thiết yếu trong đời sống đô thị nhưng đến thời điểm hiện nay hầu hết các đô thị trong cả nước đều chưa lập quy hoach tổng thể phát triển chiếu sáng đô thị cho phù hợp với quy hoạch chung đã được phê duyệt của các đô thị. Đặc biệt, chỉ tiêu hoàn thành quy hoạch chiếu sáng đô thị các thành phố trực thuộc trung ương đến nay đã không đạt được như định hướng. Tới nay có 3 thành phố là Hải Phòng, Đà Nẵng và Cần Thơ triển khai lập quy hoạch chuyên ngành hạ tầng chiếu sáng đô thị nhưng mới chỉ có Đà Nẵng và Cần Thơ là đã hoàn thành và phê duyệt đồ án. Hai thành phố đặc biệt là Hà Nội và TP.HCM thậm chí chưa tổ chức lập quy hoạch này.
Một số bất cập khác cũng được tham luận tại Hội nghị, đó là trong quy hoạch chung cũng như quy hoạch chi tiết đô thị thường chỉ đề cập tới chiếu sáng các tuyến đường giao thông mà chưa hề quan tâm tới một vấn đề cũng quan trọng là chiếu sáng mỹ thuật (tại các trung tâm đô thị, khu vui chơi công cộng, các công trình kiến trúc....) vì vậy không lường hết các nhu cầu đáp ứng và chi phí để thực hiện quy hoạch. Ngoài ra, về cơ chế chính sách, do chưa có quy hoạch tổng thể cho hạ tầng chiếu sáng nên dẫn đến đầu tư manh mún, chắp vá, thiếu đồng bộ. Các dự án chiếu sáng thường tập trung vào các tuyến phố mới, đường mới đầu tư mở mà ít quan tâm tới đầu tư cải tạo hạ tầng chiếu sáng cũ và chiếu sáng ngõ xóm.
Một thực tế khác là kinh phí đầu tư hàng năm cho lĩnh vực này ở hầu hết các đô thị còn hạn chế, không khuyến khích đơn vị chiếu sáng triển khai, áp dụng công nghệ mới có hiệu suất cao. Đối với công tác duy tu bảo dưỡng, các đô thị do nguồn kinh phí hạn hẹp và chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của công tác này nên tình trạng thiếu kinh phí duy tu, kinh phí trả điện năng tiêu thụ là khá phổ biến...
Chuyên gia trình bày tham luận tại Hội nghị. Ảnh: Ngô Gia
Để giải quyết bất cập này, từ góc độ chính sách, trong thời gian tới Cục Hạ tầng kỹ thuật sẽ tham mưu cho Bộ Xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh định hướng về chiếu sáng đô thị Việt Nam đến năm 2025 để phù hợp với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước cũng như sự phát triển công nghệ chiếu sáng trên thế giới. Đồng thời, Cục Hạ tầng kỹ thuật cũng sẽ tham mưu cho Bộ Xây dựng trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 79/2009/NĐ-CP về quản lý chiếu sáng đô thị, trong đó có bổ sung một số nội dung yêu cầu về chiếu sáng thông minh. Đồng thời có chính sách ưu đãi và khuyến khích về phát triển chiếu sáng thông minh, hiệu quả, tiết kiệm năng lượng; bổ sung những cơ chế về lựa chọn các đơn vị vận hành chiếu sáng đô thị trên tinh thần thị trường hóa các dịch vụ chiếu sáng thông minh.
Đưa ra định hướng chuyển đổi số của ngành chiếu sáng Việt Nam, PGS-TS. Nguyễn Hồng Tiến cũng cho rằng chuyển đổi số trước hết là chuyển đổi về nhận thức. Vì vậy, ngay từ ban lãnh đạo của các doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch, bước đi cụ thể cho doanh nghiệp mình. Từng bước chuyển dần từ sản xuất các sản phẩm thuần túy sang sản xuất và cung cấp các thiết bị chiếu sáng và điều khiển chiếu sáng thông minh, các giải pháp công nghệ chiếu sáng tiên tiến theo hướng "made in Vietnam" và "thiết kế tại Việt Nam"...
Các doanh nghiệp trưng bày và giới thiệu những giải pháp, sản phẩm mới, công nghệ chiếu sáng thông minh, tiết kiệm năng lượng... bên lề Hội nghị. Ảnh: Ngô Gia
Tại Hội nghị, các đại biểu cũng được nghe các tham luận chia sẻ từ góc độ các đơn vị, doanh nghiệp đang quản lý, ứng dụng kỹ thuật chiếu sáng tại các địa phương, như chuyển đổi số trong tổ chức quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng TP.HCM hay chuyển đổi số trong việc quản lý hệ thống đèn tín hiệu giao thông tại TP.HCM của Công ty Sapulico; Quản lý, vận hành hệ thống chiếu sáng công cộng đô thị trên địa bàn thành phố Hà Nội theo hướng xanh, hiệu quả và bền vững của Hapulico; Giải pháp cho thành phố thông minh của Công ty Signify; Chiếu sáng và ánh sáng nơi công cộng góp phần phát triển du lịch Đà Lạt bền vững của Hội Quy hoạch phát triển đô thị tỉnh Lâm Đồng...
Đặc biệt các doanh nghiệp cũng giới thiệu về những thành công trong quá trình chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, các giải pháp công nghệ chiếu sáng xanh như chuyển đổi thông minh trong chiếu sáng của Công ty Hưng Phú Hải; Helvar – giải pháp điều khiển chiếu sáng thông minh kết hợp linh hoạt giữa công nghệ có dây – không dây của Công ty CP HDP Việt Nam; Các phương án tài chính cho đầu tư chiếu sáng đô thị ở Việt Nam của các chuyên gia đến từ ADB; Hãy để gỗ đá lên tiếng của đại diện Điện Quang; Đề xuất xây dựng công cụ quản lý tiêu thụ năng lượng trong chiếu sáng công cộng tại Việt Nam của trường Đại học Kiến trúc TP.HCM,…
Hội Chiếu sáng Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ V
Đại hội đại biểu lần thứ V nhiệm kỳ (2024-2029) của Hội Chiếu sáng Việt Nam đã diễn ra vào ngày 17.5 tại TP.HCM. Tại Đại hội, các đại biểu sẽ được nghe báo cáo tổng kết, tham luận, đóng góp ý kiến về các hoạt động của Hội Chiếu sáng Việt Nam nhiệm kỳ 2019- 2024, phương hướng hoạt động nhiệm kỳ mới, tiến hành bầu Ban chấp hành, Ban thường vụ, các vị trí lãnh đạo của Hội nhiệm kỳ 2024-2029.
Ban Chấp hành Hội Chiếu sáng Việt Nam nhiệm kỳ 2024 - 2029. Ảnh: BTC
Báo cáo tổng kết nhiệm kỳ IV (2019 -2024) của Hội Chiếu sáng Việt Nam đã nhấn mạnh một số kết quả nổi bật trong 5 năm hoạt động của Hội. Trong đó, về thực hiện chức năng tư vấn phản biện và giám định, Hội đã huy động được nhiều chuyên gia đầu ngành, các nhà quản lý, tư vấn trong lĩnh vực chiếu sáng, tham gia góp ý các dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hoặc Tiêu chuẩn như: “Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia - Các công trình hạ tầng kỹ thuật – QCVN 07-7 2022 Công trình chiếu sáng”; “Tiêu chuẩn thiết kế chiếu sáng đường hầm giao thông đô thị, hầm cho người đi bộ và xe đạp”; Tiêu chuẩn “Chiếu sáng nhân tạo bên ngoài các công trình công cộng và hạ tầng kỹ thuật”,… Tổ chức nghiên cứu biên soạn 2 Tiêu chuẩn đó là “Nghiên cứu xây dựng các nội dung Tiêu chuẩn thiết kế chiếu sáng nhân tạo đường, đường phố và quảng trường đô thị” và “Nghiên cứu xây dựng các nội dung Tiêu chuẩn thiết kế chiếu sáng nhân tạo bên ngoài các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị”. Các Tiêu chuẩn này đã được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận và công bố ban hành.
Hội đã tổ chức 3 hội nghị khoa học chiếu sáng toàn quốc với các chủ đề thiết thực: Chiếu sáng vì sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường hướng tới phát thải ròng bằng 0 ở Việt Nam; Phát thải ròng bằng 0 – từ cam kết đến hành động và Chiếu sáng Việt Nam trong phát triển và ứng dụng công nghệ mới…. Các Hội nghị có hàm lượng khoa học cao, thời sự đáp ứng kịp thời nhu cầu đổi mới, mang tính dẫn dắt, ứng dụng thực tế xu hướng phát triển công nghệ của ngành chiếu sáng, được giới khoa học, nhà quản lý và các doanh nghiệp trong ngành hưởng ứng, đánh giá cao.
Về công tác hợp tác quốc tế cũng được Hội chú trọng khi tiếp tục giữ mối quan hệ chặt chẽ với Hiệp hội các nhà sản xuất thiết bị chiếu sáng Nhật Bản (JLMA) và Bộ Công thương Nhật Bản; Thăm quan giao lưu hợp tác và tham dự Hội chợ triển lãm sản phẩm chiếu sáng tại Trung Quốc; Phối hợp với đại diện Ngân hàng Phát triển châu Á về nâng cao chất lượng chiếu sáng và sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong các Dự án chiếu sáng tại Việt Nam...
Hoạt động truyền thông trong 5 năm qua có những chuyển biến tích cực và đi đúng tôn chỉ và mục đích hoạt động, hình thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, thông tin cập nhật mang tính thời sự. Nhiệm vụ thông tin, truyền thông của Hội chiếu sáng Việt Nam do Tạp chí Ánh sáng và cuộc sống trực tiếp thực hiện đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị, chuyên môn được Hội giao. Tạp chí đã tham mưu, giúp Hội tổ chức thành công các sự kiện, tọa đàm, Hội thảo, Hội nghị khoa học chiếu sáng; tổ chức xuất bản được 60 số tạp chí in, 01 số báo Khoa học, với định kỳ 01 số/tháng. Hai trang anhsangvacuocsong.vn, hoichieusangvietnam.org.vn liên tục được cập nhật với tần suất trên dưới 30 tin bài/ngày. Nội dung đảm bảo tôn chỉ mục đích, đáp ứng kịp thời các yêu cầu, thông tin phục vụ nhiệm vụ chính trị, chuyên môn của ngành, Hội....
Chia sẻ về phương hướng hoạt động nhiệm kỳ V sắp tới, PGS-TS. Nguyễn Hồng Tiến, Chủ tịch Hội Chiếu sáng Việt Nam, cho biết kế thừa, phát huy những kết quả của nhiệm kỳ trước, sang nhiệm kỳ này Hội “Tiếp tục đổi mới để phát triển - Nâng cao vị thế của Hội lấy phục vụ con người làm trung tâm và là nguồn động lực để phát triển”, tập trung thực hiện tốt 5 nhóm nhiệm vụ, gồm: Tích cực và chủ động tham gia tư vấn phản biện chính sách; Đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu ứng dụng khoa học công nghệ; Đào tạo, nâng cao năng lực và phát triển nguồn nhân lực; Tăng cường năng lực, nâng cao chất lượng sản xuất thiết bị chuyên ngành; Nâng cấp các phương tiện truyền thông.
Ngô Gia