Nhân cách Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khắc sâu trong tâm trí người dân cả nước

 23:30 | Chủ nhật, 21/07/2024  0
* Chuyện chưa kể về chuyến công tác của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng thăm hỏi Nhân dân vui Xuân đón Giao thừa Tết Kỷ Hợi quanh khu vực Hồ Tây, Hà Nội, ngày 4.2.2019. Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN


Nghe tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, đảng viên, nhân dân ở khắp mọi miền đất nước đều bày tỏ niềm tiếc thương vô hạn; đồng thời khẳng định tấm gương mẫu mực của Tổng Bí thư sẽ giúp củng cố niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng.

Người đảng viên mẫu mực

Ông Phan Anh Tuấn, nguyên Tổng Biên tập Báo Cà Mau (ngụ phường 8, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau), xúc động bày tỏ: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất đi là nỗi đau, mất mát to lớn của Đảng ta. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Đảng ta và đất nước ngày càng vững mạnh, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, đạt được những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực.

Nhân dân ta đang thực sự hạnh phúc và tự hào về những đổi mới mà Đảng, Nhà nước đang thực hiện. Tư tưởng, quan điểm sâu sắc về xây dựng Đảng, phát triển kinh tế-xã hội và bảo vệ Tổ quốc của đồng chí Nguyễn Phú Trọng luôn là kim chỉ nam cho hành động của Đảng, của cán bộ, đảng viên, nhân dân trong cả nước.

Theo ông Phan Anh Tuấn, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn thể hiện sự trong sáng, mẫu mực của người đảng viên, xứng đáng là tấm gương để cán bộ, đảng viên học tập noi theo.

Đặc biệt là cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng do Tổng Bí thư khởi xướng trong thời gian qua đã đạt được nhiều kết quả, không có vùng cấm, không có thiên vị một ai. Nhờ chú trọng đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí nên phát huy hiệu quả trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương trong sạch, vững mạnh, củng cố được niềm tin trong cán bộ, đảng viên, nhân dân cả nước. Chính vì vậy, người dân luôn tin tưởng, quý trọng phong cách lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ông Phan Anh Tuấn khẳng định tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng, phát huy tốt tinh thần đoàn kết, truyền thống cách mạng; tuyên truyền, giáo dục, động viên con cháu và thế hệ trẻ học tập tấm gương của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ đất nước đổi mới, hội nhập.

Người lãnh đạo gần gũi, thân tình

Trong quá trình công tác, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn quan tâm, dành tình cảm với Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa. Từ khi giữ chức Chủ tịch Quốc hội, sau đó là Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng, đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã 3 lần về thăm Đảng bộ chính quyền, nhân dân tỉnh Thanh Hóa.

Ông Triệu Minh Xiết, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa bày tỏ tình cảm đặc biệt dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Hoa Mai/TTXVN


Nhớ lại thời điểm tháng 9.2011, khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về thăm, làm việc tại huyện vùng cao biên giới Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, ông Triệu Minh Xiết, Phó Bí thư Thường trực huyện ủy Mường Lát không khỏi xúc động chia sẻ: Thời điểm đó ông đang là Trưởng phòng Dân tộc của Ủy ban Nhân dân huyện Mường Lát, được cùng đoàn công tác của huyện, tỉnh tháp tùng Tổng Bí thư đến thăm, tìm hiểu tình hình thực tế việc thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông thôn, nông dân, tại xã Trung Lý, xã Mường Chanh - những xã khó khăn nhất ở huyện.

Ấn tượng không thể phai mờ của cá nhân ông Triệu Minh Xiết nói riêng và cán bộ, bà con nhân dân huyện Mường Lát chính là sự gần gũi, thân tình của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tổng Bí thư đã không quản ngại xa xôi, vất vả đến với huyện khó khăn nhất cả nước.

Tại đây, Tổng Bí thư đã ân cần thăm hỏi tình hình sản xuất, đời sống của bà con xã Mường Chanh, xã Trung Lý; ghi nhận sự nỗ lực cố gắng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Mường Lát trong phát triển kinh tế-xã hội tại địa phương, thực hiện định canh định cư, từng bước cải thiện đời sống nhân dân…

Trong đó, Tổng Bí thư đề nghị tỉnh Thanh Hóa chọn và tập trung chỉ đạo để xây dựng xã Mường Chanh thành xã điểm nông thôn mới ở khu vực vùng cao biên giới, từ đó nhân rộng ra các làng, bản khác. Thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong suốt 13 năm qua, được sự quan tâm của Trung ương, của tỉnh và thông qua các Chương trình Mục tiêu quốc gia, huyện Mường Lát đã tập trung nguồn vốn, đầu tư nhiều hạng mục quan trọng như công sở xã, trạm y tế, các nhà văn hóa bản; chỉnh trang, xây mới và cải tạo, nâng cấp các điểm trường; đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi; xây mới các công trình điện, nước sinh hoạt phục vụ người dân… Đồng bào xã Mường Chanh cũng đóng góp sức người, sức của vào việc xây dựng các công trình giao thông nội bản với giá trị hàng trăm triệu đồng.

"Chính sự gần gũi quan tâm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khiến cán bộ và nhân dân Mường Lát nói chung, xã Mường Chanh nói riêng thêm đoàn kết, quyết tâm và nỗ lực vượt qua khó khăn, tập trung phát triển mạnh về kinh tế, vững về an ninh chính trị, nỗ lực thực hiện các tiêu chí xây dựng nông thôn mới," ông Triệu Minh Xiết tự hào khẳng định.

Anh Lê Văn Châu, Bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa bày tỏ tình cảm đặc biệt dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Hoa Mai/TTXVN


Trong niềm kính trọng và tiếc thương vô hạn dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, anh Lê Văn Châu, Bí thư Tỉnh đoàn Thanh Hóa khẳng định Tổng Bí thư luôn dành tình cảm đặc biệt, sự quan tâm, tin yêu, kỳ vọng vào Đoàn Thanh niên và thế hệ trẻ. Anh Lê Văn Châu vẫn nhớ như in trong bài phát biểu tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2022-2027 (tháng 12/2022), Tổng Bí thư đã khẳng định thanh niên luôn là một bộ phận quan trọng của dân tộc, rường cột của quốc gia.

Tổng Bí thư cũng có nhiều định hướng, chỉ đạo, truyền cảm hứng cho thanh niên, tổ chức Đoàn phát triển. Hình ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mặc áo Đoàn màu xanh phát biểu, gần gũi, tươi cười mãi sẽ in sâu trong tâm trí của các cán bộ đoàn thanh niên cả nước nói chung, Thanh Hóa nói riêng.

Tấm gương về tinh thần lao động

Khi biết tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng qua đời, người cựu chiến binh Nguyễn Báu, ngụ khu phố 3, phường Quyết Thắng, thành phố Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai, không khỏi bàng hoàng tiếc thương.

Với phong thái giản dị, gần dân, luôn lắng nghe, đồng cảm với dân, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lấy trọn niềm tin yêu của nhân dân. Dù chưa một lần được gặp Tổng Bí thư, nhưng theo dõi trên các phương tiện báo chí, nhìn những hình ảnh ông ân cần, gần gũi bên nhân dân, phong thái làm việc nhẹ nhàng, chừng mực, nhưng quyết liệt trong công tác phòng, chống tham nhũng, đã khắc sâu thêm niềm tin của nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng trong công cuộc xây dựng đất nước vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

"Thời gian qua, dù sức khỏe yếu, nhưng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vẫn tận tụy, hết mình vì công việc của đất nước. Đức hy sinh và tinh thần lao động của Tổng Bí thư là tấm gương sáng cho các tầng lớp nhân dân, cán bộ, đảng viên noi theo," cựu chiến binh Nguyễn Báu chia sẻ.

Kim Há - Hoa Mai - Sỹ Tuyên

Chuyện chưa kể về chuyến công tác của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Đã gần một năm kể từ ngày Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có chuyến thăm và làm việc với Đảng bộ, quân và dân trong tỉnh (ngày 25.8.2023), song nhiều người dân xứ Lạng vẫn cảm thấy như mới hôm qua về một người lãnh đạo bình dị, gần dân, luôn lạc quan, vui vẻ với nụ cười thường trực trên môi.

Bà Lã Thị Thảo, vợ cán bộ lão thành cách mạng Nguyễn Xuân Khoát ở phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn cùng cháu xem lại ảnh chụp cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân chuyến thăm, tặng quà cho gia đình vào ngày 25.8.2023. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN


Những ký ức khó quên

Chị Nguyễn Bích Thủy ở phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn nhớ lại, hôm ấy nghe được tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ đến thăm, tặng quà cho gia đình chính sách ở địa phương vào đầu giờ chiều 25.8.2023, từ sáng người dân dọc tuyến đường Ngô Gia Tự đã bảo nhau ngừng bán hàng, đến trưa tập trung ra hai bên đường tay cầm cờ, hoa chào đón Tổng Bí thư.

Khi Tổng Bí thư đến nơi, vẫn phong thái bình dị quen thuộc, bác dừng lại bên đường vẫy tay chào toàn thể nhân dân khiến ai ai cũng thấy ấm áp, xúc động, tự hào. “Nay nghe tin Tổng Bí thư đã ra đi về cõi vĩnh hằng theo các vị lão thành cách mạng tiền bối của Đảng, nhân dân vô cùng xót thương. Nhà nhà treo cờ rủ để tưởng niệm Tổng Bí thư,” chị Thủy nghẹn ngào.

Bà Lã Thị Thảo (vợ của ông Nguyễn Xuân Khoát, cán bộ lão thành cách mạng ở phường Đông Kinh, thành phố Lạng Sơn) - người vinh dự được gặp Tổng Bí thư kể, hôm ấy Tổng Bí thư đến hỏi thăm, tặng quà, gia đình vô cùng hạnh phúc. Tổng Bí thư ân cần, thăm hỏi từng thành viên trong gia đình, căn dặn những người cao tuổi cần phát huy vai trò “Tuổi cao gương sáng” để con cháu noi theo. Thế hệ trẻ phải chăm sóc tốt cho những người có công với cách mạng, nhất là thể hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng, xã hội bằng việc làm thiết thực, cụ thể trong công việc, ở vị trí công tác, việc làm của mình đóng góp hết khả năng để xây dựng quê hương, đất nước...

Nhắc lại câu chuyện gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, bà Bạch Thị Khôi, cán bộ tiền khởi nghĩa ở phường Vĩnh Trại, thành phố Lạng Sơn xúc động nói, Tổng Bí thư thật hiền hòa, chu toàn và sâu sắc. Ngay khi xuống xe ôtô, Tổng Bí thư đã quay ra chào bà con nhân dân đang đứng khá đông bên đường. Khi bước vào nhà, Tổng Bí thư động viên bà Khôi hãy giữ gìn sức khỏe.

Bà Bạch Thị Khôi, cán bộ tiền khởi nghĩa ở phường Vĩnh Trại (thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn), cùng con gái treo cờ rủ để tưởng nhớ, tri ân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: Văn Đạt/TTXVN


Tổng Bí thư hỏi thăm về những gian khó trong buổi đầu tham gia hoạt động cách mạng của bà khi mới 14 tuổi ở thị trấn Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng và bảo rằng, chính những đóng góp âm thầm của mỗi người dân như bà đã làm nên chiến thắng của dân tộc ta trong các cuộc kháng chiến, đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Đây là những lời căn dặn ý nghĩa với cá nhân bà Khôi cũng như toàn dân nói chung để mỗi người tùy vào sức mình tích cực tham gia, góp sức xây dựng quê hương, đất nước...

Lời dạy sâu sắc

Trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Lạng Sơn ngày 25.8.2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất vui vẻ, cởi mở và tinh tế. Qua những câu chuyện, bài phát biểu, Tổng Bí thư nhắn nhủ Đảng bộ, quân và dân xứ Lạng về những nhiệm vụ trọng tâm, cốt yếu, có tính chất sống còn đối với vùng đất phên giậu của Tổ quốc.

Tặng Đảng bộ, quân và dân tỉnh Lạng Sơn bức ảnh Bác Hồ đang ngồi làm việc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói: "Tôi tặng ảnh Bác Hồ là mong các đồng chí luôn học tập và làm theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Bác."

Tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, Tổng Bí thư chăm chú lắng nghe báo cáo tổng quát về kết quả phát triển kinh tế-xã hội cũng như kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và trong bài phát biểu của mình, Tổng Bí thư đã đánh giá toàn diện, đưa ra 5 vấn đề lớn để Lạng Sơn nghiên cứu, thực hiện đó là: Tỉnh cần tập trung phát triển kinh tế cửa khẩu, tăng cường mối quan hệ láng giềng hữu nghị, tin cậy với Quảng Tây, Trung Quốc; kết hợp chặt chẽ, hài hòa hơn nữa giữa phát triển kinh tế với phát triển văn hóa, xã hội; ưu tiên phát triển nguồn nhân lực, làm tốt công tác cán bộ; coi trọng chăm lo xây dựng, củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân; chăm lo đầy đủ và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị...

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lạng Sơn Hoàng Văn Nghiệm cho biết, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh rất đau buồn trước sự ra đi của Tổng Bí thư và sẽ đoàn kết tiếp tục phấn đấu hoàn thành các mục tiêu đề ra.

Thực hiện ý kiến chỉ đạo, những lưu ý, gợi mở của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với tỉnh; đồng thời nỗ lực hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra, tỉnh Lạng Sơn phấn đấu đến năm 2030 có quy mô kinh tế và GRDP bình quân đầu người trong nhóm 5 tỉnh dẫn đầu của vùng trung du và miền núi phía Bắc. Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2021-2030 đạt 8-9%/năm.

Năm 2030, GRDP bình quân đầu người (theo giá hiện hành) đạt khoảng 150 triệu đồng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thời kỳ 2021-2030 đạt khoảng 340 nghìn tỷ đồng. Tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 2-3%/năm (theo chuẩn nghèo của các giai đoạn). Đến năm 2030, cơ bản tỉnh không còn huyện nghèo, xã đặc biệt khó khăn.

Vũ Văn Đạt

Nguồn TTXVN/Vietnam+
bài viết liên quan
để lại bình luận của bạn
có thể bạn quan tâm
Cùng chuyên mục
Xem nhiều nhất

Đọc tin nhanh

*Chỉ được phép sử dụng thông tin từ website này khi có chấp thuận bằng văn bản của Người Đô Thị.